Ở xứ ruồi vàng

19/06/2010 15:50 GMT+7

Từ hồ Đan Kia - Suối Vàng, chúng tôi men theo đường Trường Sơn Đông đến Đưng K’Nớ (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) để chứng kiến và ghi nhận bao chuyện kỳ thú.

Chuyện lạ ở Cổng Trời

Cưỡi xe máy vượt hàng chục cây số đường đá gập ghềnh, qua những con dốc dựng đứng, quanh co giữa rừng hoang vắng, chúng tôi đã rất vui mừng khi thấy trạm kiểm lâm Cổng Trời. Thấy khách ghé thăm, mấy anh em kiểm lâm tươi cười, vồn vã mời vào uống nước.

Trạm kiểm lâm Cổng Trời thuộc Hạt Kiểm lâm vườn quốc gia Biđúp - Núi Bà (BĐ-NB) có 6 nhân viên. Người bám trụ lâu nhất đã 5 năm, ít nhất cũng hơn 1 năm. Trong đó Trạm trưởng Trương Quang Cường (sinh năm 1983) là người trẻ tuổi nhất và chưa vợ, quê anh ở tận Quảng Bình. Sau khi lấy bằng cử nhân chuyên ngành lâm nghiệp Đại học Nông Lâm Huế, Cường xin vào làm tại vườn BĐ-NB.

Đang trò chuyện, nghe chuông điện thoại di động reo… ngoài hàng rào, Cường vội vàng chạy ra cầm máy rồi… leo lên mái nhà để nghe. Kiểm lâm Võ Hồng Trường, người đã 5 năm cùng Quang Cường bám trạm Cổng Trời, giải thích: “Chỉ một đoạn khoảng 1 mét nơi bờ rào mới có sóng di động, nên anh em phải treo điện thoại ở đó để nhận tín hiệu. Muốn nghe rõ lại phải lên mái nhà…”. Cũng theo Trường, có những đêm mưa bất chợt điện thoại bị ướt hết vì không kịp lấy vào, mà đem vào nhà lại mất liên lạc.  Thế nên những ngày trời mưa mấy anh em chỉ biết ở trong nhà đánh cờ tướng giải sầu. Phương tiện giải trí ở trạm có chiếc radio, tivi và một số báo cũ. “Có tivi, nhưng sử dụng pin mặt trời nên một đêm chỉ xem được khoảng 2 giờ là… hết điện!”. Cường cho biết thêm, trạm được trang bị 2 tấm pin mặt trời công suất nhỏ, nay một tấm bị hỏng nên nguồn điện càng hạn chế.


Thầy giáo Ha Húy bên ngôi nhà mới xây gần xong - Ảnh: Lâm viên

Suốt 5 cái Tết liền Cường và các anh em không được về quê, phải bám trạm để phòng cháy rừng mùa khô và ngăn ngừa kẻ xấu xâm hại vườn quốc gia. Anh em chỉ được phép chia nhau nghỉ phép về thăm quê ở Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An… vào mùa mưa. Những người ở trong tỉnh Lâm Đồng vài tuần mới được về thăm gia đình dịp cuối tuần, đồng thời để mua lương thực, thực phẩm, báo chí… đem lên.

Nỗi ám ảnh ruồi vàng

Rời trạm Cổng Trời, chúng tôi tiếp tục hành trình đến xứ ruồi vàng. Tuyến đường 722 nối liền Lâm Đồng và Đắk Lắk từ 3 năm qua được nâng cấp mở rộng thành con đường Trường Sơn Đông, do Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư, phần trên đất Lâm Đồng do Công ty 7/5 (Quân khu 7) thi công. Chúng tôi vượt qua nhiều đoạn đường sình lầy mới đến được trung tâm xã Đưng K’Nớ, vốn được gọi là xứ sở của ruồi vàng. Nơi đây thời tiết khá khắc nghiệt, biên độ nhiệt khá cao, ban ngày có thể lên 33 độ C, nhưng đêm về có thể xuống 7 độ C. Kỳ lạ hơn, có khi đang giữa trưa, mây mù kéo về giăng ngang triền đồi tỏa khí mát rượi.

Đưng K’Nớ được hình thành từ năm 1930, sau nhiều biến động thăng trầm từ các dòng họ, mãi đến năm 1973 bà con mới ổn định chỗ ở như ngày nay. Thầy giáo làng Cil Mup Ha Húy, người có hơn 25 năm gieo con chữ cho con em buôn làng giải thích ý nghĩa địa danh Đưng K’Nớ: Đưng có nghĩa là cánh đồng nhỏ (ven suối nơi đây có cánh đồng trồng lúa nước rộng khoảng 30 ha), còn K’Nớ là tên của một người phụ nữ tổ tiên của bà con buôn làng. Từ xa xưa vùng đất Đưng K’Nớá xa xôi hẻo lánh này nổi tiếng với “món” ruồi vàng - nỗi ám ảnh của nhiều cán bộ vào đây công tác. Tiếng dân tộc gọi ruồi vàng là Sơ-mac, đây là giống ruồi rất nhỏ có bụng màu vàng, thích chích người, trâu bò. Ruồi vàng chích rất đau và để lại chứng ngứa lâu dài.


Xứ ruồi vàng Đưng K'Nớ - Ảnh: Lâm viên

Tại khu tập thể giáo viên và trạm kiểm lâm ở Đưng K’Nớ, chúng tôi được nghe nhiều chuyện thú vị quanh con ruồi vàng. Cô giáo Thanh nói giọng Hà Tĩnh đặc sệt nhưng được các đồng nghiệp giới thiệu là “người Việt gốc Hoa”. Tôi thắc mắc, thầy Võ Minh Thỏa cười bảo, anh nhìn tay chân cô Thanh xem có nhiều “hoa” không, đó là những vết thẹo do ruồi vàng “tặng” cô sau nhiều năm công tác ở Đưng K’Nớá. Còn tại trạm kiểm lâm, có anh mang chết biệt danh “T. ghẻ”. Anh Lê Hoàng Phong, trạm phó kể, không hiểu sao trong 5 anh em ở trạm, ruồi vàng lại rất “thích” T. Ruồi chích làm T. bị ghẻ ngứa triền miên, thấy vậy, cấp trên đã chuyển T. đến trạm khác để “né” ruồi vàng nhưng cái biệt danh ấy đeo đuổi anh mãi tận bây giờ. Những ngày tuần tra rừng dài ngày, để phòng tránh ruồi vàng chích, anh em kiểm lâm phải mang theo mùng, không phải để ngủ, mà là để mắc lên chui vào lúc đi… đại tiện cho an toàn!

Kỳ vọng đường mới Trường Sơn Đông

Đường Trường Sơn Đông là một tuyến quốc lộ mới chạy giữa đường Hồ Chí Minh và tuyến quốc lộ 1A, có tổng chiều dài 667 km. Theo thiết kế, đường Trường Sơn Đông có điểm đầu nối với đường Hồ Chí Minh tại thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam), điểm cuối tuyến đường là cầu Suối Vàng (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng). Tuyến đường Trường Sơn Đông sẽ chạy qua 7 tỉnh bao gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đắk Lắk và Lâm Đồng, trong đó đoạn chạy qua tỉnh Gia Lai là dài nhất với 239 km... Đây được xác định là một tuyến đường chiến lược trong phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Trở lại Đưng K’Nớ lần này, chúng tôi thấy có 2 cột ăng-ten phát sóng di động của Vinaphone và Viettel vươn cao sừng sững, có những ngôi nhà bề thế đang được xây dựng, vườn cà phê men theo các triền đồi xanh tốt hơn... Ông Bon Niêng Ha Đăng, Bí thư Đảng ủy xã Đưng K’Nớ vui mừng: “Trước đây muốn gọi điện phải chờ nhân viên bưu điện văn hóa xã tới mở cửa, nhân viên đi vắng coi như xã “mất liên lạc” với bên ngoài”. Theo ông Ha Đăng, xã Đưng K’Nớ được thành lập tháng 9.1999, gồm 4 thôn: K’Nớ 1, K’Nớ 2, Lán Tranh và Đưng Trang. Toàn xã có 309 hộ với 1.600 nhân khẩu, trong đó có 119 hộ nghèo. Xã có 315 ha cà phê là nguồn thu nhập chính của bà con buôn làng.

Niềm vui lớn nhất của bà con Đưng K’Nớ là việc Nhà nước đang triển khai tuyến đường Trường Sơn Đông đi ngang qua xã. “Có đường giao thông thuận tiện bà con sẽ bớt khổ cực, bớt thiệt hại kinh tế và sẽ giảm nghèo nhanh hơn” - Bí thư Ha Đăng lý giải. Nhiều năm qua, suốt 6 tháng mùa mưa, đường 722 vào Đưng K’Nớ thường xuyên bị tắc, Đưng K’Nớá bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Mỗi lần ông đi ra huyện họp, phải có 3-4 thanh niên khỏe mạnh đi cùng để “gánh” xe máy vượt qua những đoạn sình lầy. Lương thực, thực phẩm vào đến Đưng K’Nớ giá tăng vọt; ngược lại cà phê bà con làm ra khi bán phải chịu thiệt từ 5 đến 6 ngàn đồng/kg so với ở thị trấn Lạc Dương.

Trên địa bàn xã, Nhà máy thủy điện Yan Tann Sien với 2 tổ máy, công suất 19,5 MW đang được xây dựng, dự kiến phát điện vào năm 2011. Các trường mầm non và trung học đang được đầu tư xây thêm phòng học đáp ứng nhu cầu nâng cao tri thức cho con em đồng bào. Lãnh đạo UBND xã cho biết toàn xã hiện có 16 em đang học bậc đại học, cao đẳng, hơn 20 em đã học xong lớp 12, xã đã phổ cập được cấp tiểu học và trung học cơ sở… “Nhưng, dù có bằng tốt nghiệp THPT nhưng các em vẫn khó tìm được việc làm phù hợp. Nếu có việc làm sẽ khuyến khích các em học lên cao…” - Bí thư Ha Đăng tâm tư.

Sau nhiều năm đợi chờ, chiều 11.5.2010 khu tập thể giáo viên trường TH và THCS Đưng K'Nớ được viễn thông Lâm Đồng nối mạng internet, các giáo viên tập trung để vào mạng đọc báo thỏa thích để giải cơn khát thông tin bấy lâu. Và tại thôn K’Nớ 1, ngôi biệt thự đầu tiên của xã sắp hoàn thành. Đó là biệt thự của gia đình thầy giáo Cil Mup Ha Húy, được xem là bước “đột phá” cho xứ sở ruồi vàng heo hút này. Thầy Ha Húy cho biết ngôi biệt thự trị giá trên 500 triệu đồng, được tích góp từ tiền bán cà phê nhiều năm qua.

Thấp thoáng trên triền đồi xen giữa rẫy cà phê, chúng tôi thấy nhiều ngôi nhà mới xây; tại trung tâm xã ngày càng nhiều những nhà xây kiên cố. Đây là tín hiệu vui cho một xã vùng sâu vùng xa suốt bao năm gắn liền với tên “xã nghèo đặc biệt khó khăn”.  

Lâm Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.