Những trụ cột tí hon

07/08/2010 17:16 GMT+7

Trời sắp đổ mưa. Gió ràn rạt thổi cuốn đám bụi rác cuộn tung lên vỉa hè. Cô nhỏ khệ nệ lôi cái dù to và nặng từ thùng xe ra rồi ráng hết sức để giương lên.

Em có thể bị ướt nhưng những con mèo Kitty, chuột Mickey, gấu Misa và rất nhiều những chiếc bong bóng, những món đồ chơi đủ màu sắc khác đang treo lủng lẳng trên chiếc xe cũ của em treo đầy đồ chơi kia - cả bé út vừa tròn 4 tuổi đang nằm ngủ ngoan trên xe đều không có quyền được ướt!

Cô chủ nhỏ


Bé Từ Ngọc Kim Ngân

Che chắn đâu vào đấy, đẩy chiếc xe vô sát mép đường, đậu nhờ một mái hiên rồi cô bé mới mặc áo mưa che ngoài bộ quần áo đã sũng nước của mình. Mưa bắt đầu nặng hạt. Cái áo mưa cũ mẹ “trang bị” cho không đủ ngăn cơn lạnh. Cái bóng nhỏ xíu, còm nhom, co ro đứng bên đường, trong đêm, chờ mưa tạnh!

Những đêm mưa gió bão bùng như thế, Thủy về tới nhà tại khu phố 6, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TPHCM thì đồng hồ đã điểm gần 11 giờ đêm. Lạnh run, đói lả vì ổ bánh mì mua dọc đường hồi chiều, Thủy đã nhường cho bé út ăn gần hết.

Ba chị em Thủy đều có những cái tên thiệt đẹp: Phạm Thị Kim Thủy - 10 tuổi, Phạm Thị Kim Trang - 7 tuổi, Phạm Thị Kim Phượng - 4 tuổi. Tính tới thời điểm hiện tại, Thủy đã có thâm niên bán đồ chơi, bong bóng hơn 2 năm. Cái “cần câu cơm” đầy màu sắc kia vốn là của mẹ. Một buổi chiều đi học về, Thủy thấy 2 em đang ngồi khóc vì đói còn mẹ thì sốt, nằm lả trên võng. Lục túi mẹ thấy không còn đồng nào để mua gạo nấu cơm. Không nói câu nào, Thủy lẳng lặng đẩy xe bong bóng ra khỏi nhà. Không rành đường, Thủy dắt xe qua những con phố mà hàng ngày em vẫn thường đi. Đó là đường qua nhà bác sĩ Dũng, đường qua nhà bác sĩ Hoàng, đường ra cửa hàng mua gạo, đường ra chỗ bán nước mắm… Dần dần thuộc đường, địa bàn hoạt động của Thủy mở rộng ra đường Nguyễn Sơn, đường Văn Cao, đường Thăng Long… Tan học lúc 4 giờ 30, Thủy hối hả về nhà rồi bắt đầu hành trình đi bán của mình từ 5 giờ chiều đến 10 giờ đêm. Bình quân mỗi ngày, em đạp xe khoảng 15 cây số. Năm mà bé Thủy trở thành trụ cột của gia đình là khi em mới vừa học hết lớp một.

Ba Thủy hồi trước làm nghề chạy xe ôm. Một bữa đi làm về, ba đi bộ từ đầu hẻm vô tới cửa nhà là khụy xuống, rồi tắt thở! Người ta nói ông bị đột quỵ do làm việc quá sức. Mới sanh đứa út được đúng 1 tháng, hàng đêm mẹ Thủy phải gượng dậy đi lượm rác kiếm tiền nuôi 3 con. Mẹ làm đủ thứ “nghề”, từ lượm rác, móc bọc, mua bán ve chai, làm osin, bán bong bóng dạo… Những năm tháng tất bật kiếm ăn đã khiến sức khỏe của mẹ tiêu hao nhanh chóng. Những cơn choáng váng đến khi tím tái mặt mày, tần suất những lần ngất xỉu đến mất nhịp thở ngày một nhiều hơn. Mẹ đã vắt cạn kiệt sức lực cho đến khi không thể làm việc nặng, không thể đứng vững trước những dòng xe chạy ầm ào như mắc cửi trước mắt. Gánh nặng gia đình dồn lên vai Thủy từ đó. Những chuyến xe bán dạo của em trở nên đều đặn với những chuyến đi dài hơn bất kể ngày mưa hay ngày nắng. “Bây giờ, tui chỉ có thể đi phụ việc nhà cho người ta, ngày kiếm được 20 - 30 ngàn đồng. May nhờ có nó” - chị Tiên, mẹ bé Thủy nói. Mỗi đêm, Thủy bán được từ 70 - 100 ngàn đồng. trừ tiền vốn, thu nhập từ chiếc xe bong bóng ấy đủ để mua gạo và ít thức ăn đạm bạc cho 4 mẹ con sống hết ngày hôm sau.

Biết mẹ hay bị ngất xỉu, những lần đi bán, Thủy phải chở cả bé út theo. Em 4 tuổi ngơ ngác ngồi ở thùng xe đằng trước. Chị 10 tuổi túc tắc gò lưng đạp xe đằng sau. Bí quyết chăm em của Thủy cũng ngộ nghĩnh: “Chừng nào con đói, con ghé mua bánh mì cho em con ăn vì con biết lúc đó chắc em cũng đói”. Đi bán khuya nên thời gian dành cho việc học của Thủy cũng hạn hẹp: 10 giờ về tới nhà, tắm rửa, ăn cơm. 11 giờ ngồi vào bàn học tới 2 - 3 giờ sáng. Nói là bàn cho oai chứ nơi để Thủy kê tập viết bài, làm toán là cái thùng các-tông đựng nồi cơm điện mà UBND phường dành tặng cho hộ nghèo. Cái “bàn các- tông” đó dường như cũng đồng bộ với tất cả những vật dụng được bài trí trong căn nhà không có lấy một thứ gì đáng giá ngoài cái ống bơm bong bóng và túi đựng đồ chơi trị giá chưa đầy 1 triệu đồng. Quần áo mà mấy chị em Thủy mặc là những bọc đồ cũ được bà con cô bác trong xóm thương tình ngoắc xe bong bóng lại dúi cho. Vất vả vậy mà Thủy luôn là học sinh diện khá giỏi. Hiện tại, em là học sinh tiên tiến của lớp 5 Trường Tiểu học Bình Long, quận Bình Tân TPHCM. Căn nhà nhỏ xíu, bày biện lộn xộn như cái vựa ve chai ở tổ 101, khu phố 6, phường Bình Hưng Hòa quận Bình Tân luôn rộn tiếng cười nói của 3 chị em Thủy. Chấp nhận cuộc mưu sinh vất vả, thay mẹ nuôi các em nhưng Phạm Thị Kim Thủy, cô bé đang là trụ cột của một gia đình 4 người luôn tin vào một ngày mai gia đình em sẽ no đủ hơn và mẹ em “rồi sẽ khỏe”.

Vượt lên số phận

Chỉ vào đứa con gái nhỏ đang ngồi trước mặt mình, rồi quay qua chồng, chị Trần Thị Ngọc Hân nói lớn: “Mới hôm bữa nè, con nhỏ bên xóm cũng bằng tuổi nó, cũng bệnh như nó, mới chết đó!”. Bé Từ Ngọc Kim Ngân im lặng ngồi nghe. Hình như từ lâu lắm rồi, cô bé 12 tuổi này đã quen với sự kém may mắn của mình, quen với những ánh mắt thương hại tội nghiệp của người khác. Em buộc phải xem đó như một chuyện bình thường.


Bé Thủy và các em trên xe bong bóng - Ảnh: Mai Hương

Bé Ngân năm nay học lớp 6. Năm lên 5 tuổi, một lần Ngân bị sốt, mẹ bồng Ngân tới bệnh viện nằm đúng 2 tuần. “Tưởng nó bị cảm sốt thông thường, xuất viện bữa trước, bữa sau tui lại đẩy xe mì gõ đi bán. Đang bán thì có người tới báo là bác sĩ bệnh viện tìm tới tận nhà. Tui hớt hải chạy về thì được báo tin phải đưa con qua Bệnh viện Huyết học - truyền máu. Nó bị bệnh máu không đông. Mà hay thiệt, truyền xong bịch máu thì nó khỏe lại liền” - chị Hân kể.

Kể từ ngày đó, mỗi tháng, vào đúng ngày 30, Ngân lại phải tới bệnh viện tiếp máu. Những tháng nhà không có tiền mua máu, đưa Ngân tới bệnh viện trễ là em tím tái, ngất xỉu, không tiền mua thuốc sự sống của Ngân chỉ còn tính bằng ngày. Xe mì gõ của chị Hân nhiều lúc không gánh nổi nhiệm vụ nuôi sống cả gia đình. Nghèo, con bệnh mà mẹ cũng nào khỏe. Lang thang với xe mì gõ khắp nẻo đường, chị Hân khi khỏe khi mệt bởi chị đang mang trong mình bệnh tim. Thương mẹ vất vả, những lúc khỏe lại, Ngân theo xe mì gõ của mẹ đi bán phụ. Cô nhỏ rời nhà từ lúc 4 giờ 30 sáng, phụ mẹ đẩy xe tới chỗ bán, ăn vội bữa sáng rồi đi học. Tan học, em chạy nhanh về, bắt tay vào rửa tô, bưng mì gõ cho khách. Những khi vắng khách, bé Ngân lại cầm 2 thanh tre đi gõ mời khách khắp các con hẻm, nẻo đường. Để có thêm tiền chữa bệnh, đi bán về mẹ con chị Hân còn lấy thêm hàng bông giả về kết, lấy rau muống về chẻ, lấy ớt về lặt cuống. Mỗi ký ớt sừng lặt sạch cuống sẽ được tiền công 200 đồng. Nếu là ớt hiểm thì công lặt được tăng lên 400 đồng/kg. “Hôm rồi, kham tiền không nổi, tui hỏi bác sĩ là liệu bệnh tình con nhỏ tới chừng nào mới hết. Bác sĩ nói: “Con bé chết hay sống là do chị”. “Nghe nói thế, tôi xót lòng lắm. Ai mà chẳng muốn con mình sống khỏe, nhưng… nghèo quá, biết làm sao bây giờ”, chị Hân nói giọng nhẹ tênh. Con nhỏ nghe vậy, không biết nó nghĩ gì mà từ bữa đó, nó ít than đau, than mệt hơn, dù nhiều khi đang học, cô giáo phải chở về nhà vì nó bị xỉu trên lớp. Đau bệnh là vậy nhưng 6 năm liền, Từ Ngọc Kim Ngân luôn là học sinh giỏi. Không những vậy, em còn hăng hái tham gia đội văn nghệ của phường. Nụ cười luôn thường trực trên môi cô bé.

* * *

Nếu có một lúc nào đó bạn cảm thấy buồn hay thất vọng, hãy rảo bước trên đường Cao Văn Lầu, đến trước nhà số 112 và nói chuyện với một cô nhỏ ốm nhom ngồi rửa chén sau xe mì gõ, hoặc hãy đứng chờ trên đường Văn Cao quận Tân Phú vào buổi chiều để đón chiếc xe bong bóng nhiều màu sắc của chị em bé Thủy. Nói chuyện với các em, tôi luôn tìm thấy cho mình một hy vọng, một niềm tin ở ngày mai. Bởi hình như chưa bao giờ những ánh nhìn trong veo ấy gợn chút hồ nghi hay hờn giận cuộc đời này.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.