Người níu giữ nghề “nặn ông lò”

29/09/2010 08:46 GMT+7

Người dân ven kênh Rạch Cây (Q.8, TP.HCM) vẫn quen gọi ông là người giữ nghề “nặn ông lò” cuối cùng ở đất Sài thành. Lò đất của ông không chỉ bền, đẹp, sắc màu tươi sáng mà còn là nơi hiếm hoi lưu giữ lại một cái nghề đang dần bị mai một giữa một đô thị hiện đại.

Tên ông là Trần Văn Tiếp nhưng người ta quen gọi ông là Năm Tiếp “lò đất”. Ông Năm Tiếp bảo ông đến với nghề làm lò đất đã ngót nghét 30 năm từ khi còn là đứa trẻ, chiều chiều tắm mình trên dòng sông ở bến Phú Định (Q.6).

“Mới hơn 10 tuổi, tôi cũng như nhiều đứa bạn sống ở kênh rạch thời đó, phần lớn đều nghỉ học đi làm thuê ở các lò gốm. Được cái tôi học nghề khá nhanh lại khéo tay nên được các nghệ nhân lớn tuổi ưu ái chỉ dẫn, truyền nghề cho. Cứ tưởng đó chỉ là cái nghề giúp mình thời trai trẻ túng thiếu, ai ngờ nó cứ vịn vào đời mình như một cái nghiệp cho đến ngày nay” - ông Tiếp kể.

Duyên nợ cùng “Táo đất”

Chỉ khi tận mắt chứng kiến cơ ngơi của ông người ta mới tin vào tình yêu của Năm Tiếp dành cho nghề gốm truyền thống của đất Sài thành xưa như thế nào.

Với diện tích đất hơn 2.000m2 nằm bên đại lộ Đông - Tây mà cha ông để lại, Năm Tiếp có thể xây một loạt nhà trọ cho thuê hoặc bán đất gửi tiền vào ngân hàng hưởng thụ một cuộc sống an nhàn... Nhưng ông không làm thế, ông gọi hết anh em có nghề ở xóm Lò Gốm xưa về đây mở lò, giữ nghề chỉ vì “muốn làm một điều gì đó cho gốm Sài Gòn”.

Dù là một ông chủ hẳn hoi nhưng trông Năm Tiếp chẳng thoát ra được dáng vẻ chất phác, khô cằn của anh thợ lò năm xưa. Vẫn quần xắn lấm lem bùn đất, vẫn nét mặt táp lửa, rạm nắng, ông lao vào mọi công đoạn của nghề gốm để truyền lửa cho người trẻ.

Ông say sưa với chuyện của gốm Sài Gòn: “Làm nghề này không chỉ là mưu sinh mà còn mang đến cho tôi nhiều niềm hứng khởi khác. Nó giúp tôi được sống lại không khí của thời con trẻ, khi mà tàu thuyền tấp nập trên kênh Ruột Ngựa với đủ loại gốm của làng mình làm ra. Ngoài ra, nghề gốm cũng giúp tôi chiêm nghiệm nhiều về cuộc đời sau mỗi lần ra lò: dù là bùn đất nếu biết tôi luyện cũng ra màu đỏ có ích cho đời! Tôi thường tâm sự với anh em mới vào nghề rằng đây là cái nghề không chỉ nuôi sống mà nó còn mang cả cái hồn của cha ông để lại... Đó cũng là lý do tôi vẫn bám trụ với nghề dù ngày nay chủ yếu chỉ còn làm lò đất để bán cho bà con ở các tỉnh miền Đông và miền Tây”.

Nói là nghề đã về chiều nhưng cơ sở của ông Năm Tiếp vẫn còn sống được nhờ người sản xuất ngày một ít dần. Ông nói rằng đó là một nỗi buồn chứ không phải là niềm vui đối với những ai từng trăn trở với sự sống còn của nghề truyền thống.

Trung bình mỗi ngày cơ sở của ông sản xuất khoảng 300-400 lò đất để xuất đi các tỉnh, vậy mà nhiều lúc làm không kịp hàng để cung cấp. Nhờ thế mà thu nhập của những nghệ nhân ở đây cũng tạm đủ để trang trải cuộc sống khi tuổi đời và phận nghề cũng đã xế chiều.

Chung tay giữ lò gốm

Ông Trần Kim Giang, người đã gắn bó với ông Năm Tiếp hơn mười năm nay, cho biết: “Gắn bó với nghề từ thuở cha sinh mẹ đẻ, nay tuổi già sức yếu rồi, không có cái nghề này thì tụi tui lấy gì mà sống? Bây giờ dù có cực đến mấy cũng ráng làm để nuôi con, để truyền lại nghề cho đám trẻ. Nhiều lần tui cũng nản, tính bỏ nghề đi làm thợ hồ nhưng nhờ anh Năm Tiếp động viên nên mới chung tay với anh giữ lấy cái lò gốm”.

Ông Nguyễn Văn Thuận, người đã theo ông Tiếp hơn 17 năm sống chết với nghề “nặn ông lò”, tâm sự: “Cùng với quá trình đô thị hóa, lò gốm này đã di dời nhiều lần, nhiều lúc tưởng không bám trụ nổi, vậy mà anh Năm Tiếp cũng cố xoay xở để anh em sống được với nghề cha ông để lại. Có khi anh em xúi ổng bán quách đất đi mà sống cho an nhàn nhưng Năm Tiếp không chịu. Ổng nói nếu còn sống ngày nào thì còn theo cái nghề này đến cùng. Nhờ Năm Tiếp mà anh em nghệ nhân ở đây cũng vững tâm hơn để truyền nghề. Dù là chủ lò gốm nhưng ổng đối xử với anh em như một nhà, ai gặp khó khăn ổng đều giúp đỡ chỉ với một điều kiện là ở lại “nặn ông lò” với ổng...”.

Đem chuyện này kể với Năm Tiếp, ông chỉ cười: “Nhiều lúc mạnh miệng nói vậy thôi chứ tui cũng lo lắm... Lo sợ không đủ sức giữ cái lò gốm này làm đất dụng võ cho con cháu của các nghệ nhân xưa. Nếu để họ thất nghiệp trên chính cái nôi của xóm Lò Gốm năm xưa thì buồn lắm, buồn lắm... Bất cứ giá nào cũng phải giữ lại nghề “nặn ông lò” đặc trưng của đất Sài Gòn đã có từ mấy trăm năm nay! Nhìn những ông lò mới vừa làm ra tưởng chừng như quá lạc hậu với dân Sài Gòn nhưng tôi thấy trong đó là gửi gắm là cả cái hồn, cái văn hóa lâu đời của cha ông mình thắm đượm”.

Sắc vàng chiều của gốm Sài thành

Khi ngỏ ý viết bài về nghề nặn lò Sài Gòn, ông Năm Tiếp chỉ thở dài: “Cái nghề về chiều này thì còn gì nữa mà viết?”.

Quả thật, nếu như ngày xưa sản phẩm của xóm Lò Gốm Sài thành được tạo bởi đất và người nơi đây thì nay người ta phải đi xa hơn để mua từng xuồng đất.

Ông Tiếp cho biết: “Hồi trước thì về Nhà Bè mua đất, nhưng bây giờ chẳng còn đất nữa nên phải về tận Long An để mua. Vì thế mà màu sắc, chất lượng và kỹ thuật phải thay đổi chút ít so với truyền thống cho phù hợp với loại đất mới. Đó là chưa kể việc do đi xa nên chi phí đội lên rất nhiều, khó cạnh tranh được với những lò gốm ở tỉnh”.

Không chỉ thế, ngày nay kiếm thợ theo nghề gốm cũng hiếm. Chú Tạ Thạch, người đã chứng kiến Năm Tiếp nhiều bận lao đao vì thiếu nhân công, chia sẻ: “Dân gốc ở xóm Lò Gốm ngày nay chẳng còn mấy ai theo cái nghề cực nhọc này. Kiếm công nhân ở tỉnh lên lại càng khó hơn. Người ta đã rời ruộng đồng để thoát cảnh chân lấm tay bùn, nay lên TP kêu họ vô lò gốm thì chẳng mấy ai chịu làm. Với lại, để học được nghề thì mất nhiều thời gian, trong khi chỉ cần một vài tuần là họ đã có thể may được cái cổ áo, tay áo trong nhà máy... Nhiều người vừa vô đến lò, nhìn thấy đống bùn là quay lưng bỏ đi... Phần lớn nhân công ở đây là những người già gắn bó với nghề đã lâu”.

Nhắc đến nghề “nặn ông Táo” của mình, Năm Tiếp không khỏi lo lắng: “Sớm muộn gì lò gốm cũng bị giải tỏa để nhường cho những cao ốc, siêu thị... Đó là điều tất yếu phải đến nhưng sao tôi vẫn thấy buồn, buồn cho chính mình, buồn cho nghệ nhân xóm Lò Gốm năm xưa. Giá như giữ được một cái lò gốm ở đất này để phục vụ du lịch cũng được, để các nghệ nhân có đất sống, để con cháu sau này biết được cội nguồn ông cha. Biết được Sài Gòn văn minh, hiện đại vẫn có những nét văn hóa, những nghề truyền thống riêng, mang dấu ấn riêng khó phai lạt”.

Đối với ông Năm, niềm vui lớn nhất bây giờ là thỉnh thoảng vẫn có Việt kiều từ Mỹ, Singapore, Canada... về đặt ông làm vài trăm cái lò đất để mang sang bán cho bà con người Việt ở các nước.

Ông nói với những đơn hàng như thế ông không quan trọng giá cả lắm, ngược lại ông chăm chút từng cái lò hơn hẳn bình thường. Bởi ông biết ở phương xa bà con không dùng lò để đun nấu hằng ngày mà chỉ để nó trong nhà như một sự nhắc nhớ về ký ức quê cha đất tổ...

Rời lò gốm của Năm Tiếp, chạy qua cầu Lò Gốm thênh thang trên đại lộ Đông - Tây, lòng tôi chợt chùng lại khi nghĩ về những nghệ nhân cuối cùng của làng gốm Phú Định năm xưa. Nhưng dẫu sao tên tuổi của họ cũng đã được nhắc đến trong cái tên của một cây cầu như một dấu ấn của thời gian. u vậy cũng đã ấm lòng cố nhân...?!

Chỉ còn lại tên cầu

Dù vất vả nhưng những nghệ nhân cuối cùng của làng gốm Phú Định xưa tại lò gốm Năm Tiếp vẫn cố gắng bám trụ để giữ lấy nghề - Ảnh: THẾ ANH

Theo các tài liệu nghiên cứu, từ đầu thế kỷ 19 đất Sài Gòn đã nổi tiếng với nghề gốm. Gốm Sài Gòn xưa là sản phẩm kết hợp giữa sự tinh túy truyền thống mang từ phương Bắc cộng với những kỹ thuật, tài hoa của phương Nam mà những người đi mở cõi học được.

Địa bàn xóm Lò Gốm xưa khá rộng, gồm các làng Hòa Lục (quận 8), Phú Định - Phú Lâm (quận 6), Phú Giáo - Gò Cây Mai (quận 11) trải dài đôi bờ kênh Ruột Ngựa, rạch Lò Gốm.

Những dấu tích xưa nay chỉ còn lại cái tên cầu Lò Gốm trên đại lộ Đông - Tây thênh thang mới mở. Trong quá trình đô thị hóa, hậu duệ của những nghệ nhân xưa nay đã tản mát mọi nơi.

Riêng ở TP.HCM hiện chỉ còn lại vài lò gốm nằm rải rác ở quận 6, quận 8 và ven ô... Nghề gốm xưa kia với nhiều sản phẩm, nay chỉ còn lại nghề làm lò đất là chính.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.