Người còn lại cuối cùng

22/12/2013 09:00 GMT+7

Dù ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng những ký ức năm xưa trong cụ Tô Đình Cắm (91 tuổi) - người còn lại cuối cùng trong 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - vẫn vẹn nguyên như vừa mới hôm qua...

Dù ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng những ký ức năm xưa trong cụ Tô Đình Cắm (91 tuổi) - người còn lại cuối cùng trong 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - vẫn vẹn nguyên như vừa mới hôm qua...

Người còn lại cuối cùng 1
 Cụ Cắm trò chuyện cùng lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và tỉnh Lâm Đồng

Quá khứ hào hùng             

Trong dịp kỷ niệm 69 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân (QĐND) VN này, chúng tôi về thăm cụ Tô Đình Cắm (thôn 8B, TT.Đạ Tẻh, H.Đạ Tẻh, Lâm Đồng), cũng đúng lúc Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và tỉnh Lâm Đồng tổ chức bàn giao ngôi nhà tình nghĩa mới xây cho cụ. Trong ngôi nhà mới, niềm vui dâng trào, cụ say sưa trò chuyện với chúng tôi về những “ngày đầu” của cụ. Sinh ra và lớn lên tại bản Um, xã Tam Kim, H.Nguyên Bình, Cao Bằng trong cảnh nước mất nhà tan, chứng kiến sự lầm than của bà con nhân dân dưới tay giặc Pháp, người thanh niên dân tộc Tày ấy đã nung nấu ý chí làm sao để sớm đánh đuổi bọn chúng khỏi đất nước mình.

 

Đời người như mặt trời vậy, mọc lên rồi lại lặn xuống thôi. Tôi đã già rồi, không mong gì nữa, chỉ muốn có nơi rộng rãi thế này để đặt bàn thờ tổ tiên, thờ Bác Hồ, anh Văn... cho đàng hoàng chứ không thì áy náy lắm

Năm 19 tuổi, Tô Đình Cắm hăng hái tham gia Hội Việt Minh và hoạt động tại quê hương. Rồi những năm tháng hoạt động ở trong rừng ấy, người thanh niên này gặp được anh Văn - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngày 22.12.1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, ông cùng 33 người khác tuyên thệ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. “Ngày ấy còn khó khăn lắm, anh em ăn cơm nhạt với lõi cây chuối rừng, xong thì đọc lời thề, đốt lửa và hát... Ngày hôm sau thì hành quân và ngày 24, 25 đánh thắng địch ở 2 đồn Phay Khắt - Nà Ngần, thu được nhiều vũ khí. Ở trận đầu, bên mình dùng mưu kế mặc đồ của bọn lính đóng ở đó và bất ngờ tập kích đánh chiếm đồn. Khi đánh đồn Nà Ngần, sợ mưu kế như trận đầu bị lộ nên anh em giả vờ trói 2 người đưa đến đồn và bảo là chúng tôi bắt được 2 tên Việt Minh, mau mở cửa để nhận. Trúng kế, nên đồn này cũng nhanh chóng bị xóa sổ”, cụ Cắm kể lại.

Cũng theo cụ Cắm, hai trận đầu quân ta không thiệt hại gì. Đến đầu tháng 2.1945 đánh trận thứ 3 - trận Đồng Mu (H.Bảo Lạc) thì quân ta gặp nhiều khó khăn do địch đã cảnh giác, đề phòng. Trận này chúng ta không giành được thắng lợi hoàn toàn và anh Hoàng Văn Nhủng (bí danh Xuân Trường; quê Hà Quảng, Cao Bằng) đã hy sinh - là liệt sĩ đầu tiên của QĐND VN. Sau trận đánh này, anh chiến sĩ Tô Đình Cắm về hoạt động ở Nguyên Bình, Ngân Sơn và đến tháng 8.1945 tham gia cướp chính quyền ở Bắc Kạn.

Tháng 9.1945, Pháp nổ súng trở lại xâm lược VN, Tô Đình Cắm tham gia đoàn quân Nam tiến và đóng ở Rạch Giá, Kiên Giang. Trong một trận đánh tại đây, ông bị thương ở chân, được chuyển ra Quảng Nam rồi về quê (năm 1946). “Về đến nhà, mẹ ôm cổ bảo ở nhà, vì đứa em cũng đã đi Lào rồi. Nhưng ở nhà thấy buồn và nhớ đồng đội lắm, nên năm 1947 khi Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn, mình hăng hái xung phong tái ngũ”, cụ Cắm kể. Với vai trò Trung đội trưởng Trung đội pháo binh, trong trận đánh Đông Khê lần 2 (mở màn chiến dịch biên giới Thu Đông 1950), Tô Đình Cắm bị thương nặng ở vai. Chính vết thương này đã buộc ông phải giải ngũ (năm 1954) về quê, về với khu rừng Trần Hưng Đạo thân yêu và tham gia công tác xã hội ở địa phương. 

Người còn lại cuối cùng 2
Trung tướng Trần Đơn, Tư lệnh Quân khu 7 (giữa) và Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Huỳnh Đức Hòa (bên trái) trao chìa khóa nhà cho cụ Cắm - Ảnh: G.B

Người còn lại cuối cùng 3
Cụ Tô Đình Cắm vui chơi cùng với chắt ngoại

Nhận thẻ thương binh khi... 91 tuổi

Cụ Cắm kết hôn cùng bà Đồng Thị Hiển và có với nhau 7 người con. Năm 1992, khi đã 70 tuổi, cụ cùng vợ và 4 người con vào vùng kinh tế mới Đạ Tẻh sinh sống (bà Hiển mất tháng 11.2011). Qua trao đổi, chúng tôi cũng có chút bất ngờ, khi đến tháng 7.2013 vừa qua, cụ Tô Đình Cắm mới chính thức được công nhận là thương binh (hạng 4/4) -  sau 63 năm bị thương. Giải thích điều này, thượng tá Hoàng Đình Tuấn - Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự H.Đạ Tẻh, cho biết do giấy tờ của cụ bị thất lạc, không còn đầy đủ theo quy định nên mới dẫn đến việc làm thẻ thương binh cho cụ bị chậm trễ. Tuy nhiên, mọi chính sách khác đối với cụ đều được thực hiện đầy đủ. Cũng qua tìm hiểu, cùng với giấy tờ bị thất lạc, cộng với bản tính khiêm nhường của cụ nên trong một thời gian khá dài, mọi người ở đây không hề biết cụ là một trong 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

Khi chúng tôi nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, kỷ niệm về những ngày cùng ăn, cùng ngủ với Đại tướng lại ùa về trong cụ. Có một kỷ niệm làm cụ xúc động và không thể nào quên với vị chỉ huy của mình. “Tháng 7.2000, địa phương có đưa tôi xuống Bộ Tư lệnh Quân khu 7 (TP.HCM) để gặp và ăn cơm cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tại đây, Đại tướng đã hỏi tôi bằng tiếng Tày: Tiến Lực đấy à? Rời quân ngũ thì Tiến Lực làm gì? Cuộc sống giờ ra sao?... Tôi không cầm được nước mắt, bởi đã hơn nửa thế kỷ rồi mà bác Văn vẫn còn nhớ bí danh của tôi”, cụ Cắm xúc động. Cũng tại buổi gặp này, Đại tướng đã tặng cụ chiếc áo ấm, được cụ giữ gìn như báu vật. Chị Hoàng Thị Vận (con dâu cụ Cắm) cho biết: “Khi nghe tin bác Giáp mất, ông cụ đã khóc rất nhiều, hầu như không ăn uống gì được và hay nói: Thương nhớ quá anh Văn ơi. Ông muốn ra Hà Nội để thắp nhang cho bác Giáp nhưng do sức khỏe không đảm bảo nên không đi được, liền lập bàn thờ bác Giáp ngay tại nhà”.   

Địa chỉ đỏ

Tại buổi bàn giao nhà tình nghĩa cho cụ Cắm (ngày 11.12), trung tướng Trần Đơn, Tư lệnh Quân khu 7, phát biểu: “Cụ Tô Đình Cắm là người chiến sĩ cách mạng ưu tú, có nhiều cống hiến trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc; góp phần xây dựng QĐND VN không ngừng lớn mạnh, trưởng thành... Những công lao và cống hiến đó chính là truyền thống và sức mạnh tinh thần vô cùng quý báu để lại cho lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong QĐND VN nói chung và lực lượng vũ trang Quân khu 7 hôm nay nói riêng được kế thừa, học tập và phát triển”.

Trung tướng Trần Đơn cũng yêu cầu các cơ quan quân khu, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng chủ động phối hợp với địa phương và nhân dân thường xuyên làm tốt công tác chính sách đối với cụ Cắm và gia đình, để nơi đây xứng đáng là một “địa chỉ đỏ”, là nơi về nguồn, một trong những địa điểm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ… 

Ngày về nhà mới, cụ Cắm vui mừng khôn xiết. Cụ bảo: “Đời người như mặt trời vậy, mọc lên rồi lại lặn xuống thôi. Tôi đã già rồi, không mong gì nữa, chỉ muốn có nơi rộng rãi thế này để đặt bàn thờ tổ tiên, thờ Bác Hồ, anh Văn… cho đàng hoàng chứ không thì áy náy lắm”.

Địa chỉ về nguồn của giới trẻ

Theo Phó bí thư Tỉnh đoàn Lâm Đồng Trương Văn Tùng, thời gian qua Tỉnh đoàn cũng đã tổ chức tuyên truyền rộng rãi trong hệ thống để đoàn viên, thanh thiếu nhi biết “địa chỉ đỏ Tô Đình Cắm”; đồng thời chỉ đạo các tổ chức Đoàn - Hội - Đội trong tỉnh thường xuyên đến thăm hỏi, chăm lo sức khỏe, giúp đỡ cụ Cắm và gia đình. “Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức cho thanh thiếu nhi đến đây để nghe cụ kể chuyện lịch sử và tổ chức những đợt về nguồn, về “địa chỉ đỏ” này để giáo dục truyền thống cách mạng cho các em...”, anh Tùng nói.

 Gia Bình

>> 91 tuổi được nhận thẻ thương binh
>> Tặng nhà cho chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân cuối cùng
>> Ký ức của người lính tuyên truyền giải phóng quân cuối cùng về những ngày ngủ cùng Đại tướng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.