Làng ly hương

10/03/2013 03:25 GMT+7

Đã là người, ai chẳng muốn được gầy dựng cuộc sống ở chính nơi mình chôn nhau cắt rốn, nhưng chuyện cơm áo lại cố đẩy từng lớp người dứt áo ra đi, lang bạt kỳ hồ nơi đất khách, bỏ lại làng quê hoang vắng, đìu hiu đến tội nghiệp.

Dân làng Hà Lợi Trung mang trong mình một nỗi buồn như thế, nỗi buồn của sự ly hương.

Hà Lợi Trung là một làng biển thuộc xã Trung Giang (H.Gio Linh, Quảng Trị), chỉ khác rằng ở đây chẳng có cảnh ồn ã trên bến dưới thuyền, chẳng có những ngư dân lực lưỡng và chị em hàng cá hàng tôm tất tả bán mua...

Làng ly hương 1
Đường làng Hà Lợi Trung vắng hoe

Cũng tại cái nghèo

Người Hà Lợi Trung có tiếng hay lam hay làm, chịu thương chịu khó, ngặt nỗi cái nghèo cứ bám riết lấy họ từ đời này sang đời khác như định mệnh. Không mấy người sống ở Hà Lợi Trung mà phất lên được. Có người bảo cái nghèo đã ăn sâu vào máu thịt của người dân làng biển này, đến cách đi đứng, nói năng cũng… tội tội, thương thương.

Cái nghèo ở Hà Lợi Trung không hẳn từ trên trời rơi xuống mà phần nhiều là do tự nhiên đã quá khắt khe. Là làng biển nhưng lại là biển bãi ngang, cả làng không có nổi một con thuyền đánh bắt cá khơi xa mà chỉ có xuồng nhỏ dưới 5 tạ, làm nghề lưới lặt vặt ven bờ. Biển nghèo nên quăng quật ngày đêm, ngư dân cũng chỉ đánh được vài ba con cá trích, cá nục, cá liệt. Duy có con cá cháo (có nơi gọi là cá khoai) giá trị cao thì chỉ đánh được 2 tháng mỗi năm và thường xuyên bị tư thương ép giá. Không có lấy một tấc ruộng, đất cát bạc màu, người dân Hà Lợi Trung có thời đã kéo nhau đi trồng khoai lang. Sau 5, 6 vụ thì khoai không ra củ, họ lại chuyển sang trồng lạc nhưng cũng trầy trật, được chăng hay chớ. “Đất nghèo, người đông, làng lại không có một nghề phụ nào nên nếu cứ ôm nhau sống ở đây chắc… chết đói. Thấy dân làng kéo nhau đi hết cũng bùi ngùi lắm nhưng biết làm sao được”, ông Phạm Xuân Tùng, Trưởng thôn Hà Lợi Trung trần tình.

Làng ly hương 2
Những đứa trẻ “mồ côi” ở làng Hà Lợi Trung

 

Năm ngoái chúng tôi tính sơ sơ đã có hơn 200 người tuổi từ 18 đến 30 bước chân ra khỏi làng. Giờ làng chỉ còn người già và trẻ nhỏ, chi đoàn thôn cũng có nhưng gom cả lại chỉ còn 5 đoàn viên. Vắng người quá nên hễ có việc làng, việc nước thì không biết kêu ai

Ông Phạm Xuân Tùng, Trưởng thôn Hà Lợi Trung

Cũng theo ông Tùng, cả thôn hiện có 225 hộ với hơn 950 khẩu nhưng có đến 80% hộ có 1 con trở lên phải “tha phương cầu thực”. “Năm ngoái chúng tôi tính sơ sơ đã có hơn 200 người tuổi từ 18 đến 30 bước chân ra khỏi làng. Giờ làng chỉ còn người già và trẻ nhỏ, chi đoàn thôn cũng có nhưng gom cả lại chỉ còn 5 đoàn viên. Vắng người quá nên hễ có việc làng, việc nước thì không biết kêu ai” - ông Tùng lắc đầu ngán ngẩm.

Lay lắt ở xứ người

Ngặt một nỗi, người Hà Lợi Trung ra đi thì nhiều nhưng chẳng mấy ai “ăn ra mần đặng”. Ông Tùng chép miệng rằng “dân đi ra” toàn lao động tay chân, “buôn trẹt bán tràng” (ý nói làm ăn manh mún), đủ cơm ăn ba bữa là giỏi.

Miễn là đi ra khỏi làng, chứ đến đâu, làm nghề gì người Hà Lợi Trung cũng không “chê”. Gần thì họ đi Cửa Tùng, Cửa Việt mua đi bán lại con cá con tôm, đến mùa thì đi hái cà phê ở Khe Sanh (H.Hướng Hóa), làm phụ hồ ở TP.Đông Hà, TX.Quảng Trị. Xa thì sang tận Lào trồng rừng, đốn gỗ, vào nam làm công nhân. Có thời, trai tráng làng biển đổ xô đi học nghề hàng hải nhưng thời gian trở lại đây vận tải biển gặp khó, hàng chục gia đình ở đây cũng “treo niêu”. Mốt bây giờ ở Hà Lợi Trung là vào nam làm công nhân giày da, anh chị đi trước, em út nối gót theo sau.

Ví như nhà ông Trần Văn Tại (64 tuổi), gần chục năm qua, ông lần lượt tiễn 1 người con trai, 2 người con gái tuổi đôi mươi vào TP.HCM làm công nhân giày da. “Lương lá mấy đứa được bao nhiêu mần răng tui biết, chỉ thấy dăm ba tháng chúng lại gửi ít tiền đủ cho tui mắm muối qua ngày. Tháng 7 rồi, một đứa sinh con, vợ tui đã 63 tuổi nhưng cũng phải lặn lội vào trong đó, chui ra chui vô phòng trọ để chăm cháu”, ông Tại kể.

Làng ly hương 3
Hà Lợi Trung nay chỉ còn người già và trẻ nhỏ. (Trong ảnh là bà Phan Thị Hiền, vợ ông Bùi Xuân Khang, đang rửa mặt cho 2 cháu) - Ảnh: Nguyễn Phúc

Đã từng vào nam để xem “cơ ngơi” của 2 đứa con ruột, 1 đứa con dâu, bà Bùi Thị Quýnh (55 tuổi) nói như khóc: “Chúng chen chúc trong cái phòng trọ hơn chục mét vuông mà còn ở ghép với người khác để tiết kiệm. Làm công nhân chỉ đủ nuôi cái miệng, dẫu cơm nước toàn rau dưa. Vô thấy rứa rồi, sau này nhận được vài đồng cháu nó gửi về mà ứa nước mắt”.

 

Cái nghèo và sự ly hương không chỉ xảy ra ở Hà Lợi Trung mà còn có ở các thôn lân cận như Cang Gián, Thủy Bạn, Cát Sơn... Thông tin từ Chủ tịch UBND xã Trần Xuân Tưởng thì Trung Giang là một trong những xã khó khăn bậc nhất H.Gio Linh với 70% số hộ có người đi làm ăn xa và “nhiều hộ đang sống nhờ tiền chính sách của nhà nước và tiền con cái gửi về”. Vậy nên, thật khó để ngăn dòng “di cư” của những người dân, dẫu biết họ ra đi chưa chắc có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Lay lắt ở chốn đô thành, lương thấp trong khi tiền nhà, tiền ăn đắt đỏ, những người con ly hương Hà Lợi Trung “khéo co” lắm mới có chút đỉnh tích lũy, gửi về cho cha mẹ. Mỗi năm chỉ tranh thủ về quê vào dịp tết, nhưng rủng rỉnh còn may chứ “hẻo” thì chấp nhận ở lại đất khách lủi thủi đón xuân một mình.

Kiếp “mồ côi”

Nói phải tội vì cha mẹ của nhiều đứa trẻ ở Hà Lợi Trung còn sống cả, chỉ có điều từ bé chúng đều phải sống với ông bà, thiếu hơi ấm của các đấng sinh thành. Mô típ cha mẹ túa đi khắp nơi kiếm tiền, để con cái lại cho ông bà nuôi đã trở nên quá quen thuộc ở làng biển này.

Ví như nhà ông Bùi Xuân Khang (60 tuổi), dù ông mù mắt nhưng 3 đứa con cũng vào nam, để lại 2 đứa cháu đang tuổi ăn học. “Tui đui mù, đi lại khó khăn, không làm được gì, mụ (ý chỉ vợ là bà Phan Thị Hiền) cũng bôống (hậu đậu) lắm nên chừ nuôi 2 đứa cháu cực hơn chi nữa”, ông Khang thật thà nói.

“Kỷ lục” nhất là nhà ông Phan Văn Mẫn (thương binh 2/4, 57 tuổi), nuôi một lúc tới 4 đứa cháu nội ngoại, đứa lớn nhất đã học lớp 3, đứa nhỏ nhất mới tròn 1 tuổi. “Hắn đẻ rồi quăng lại đó. Khó mấy cũng phải nuôi, cháu miềng chứ cháu ai?”, ông Mẫn gằn giọng, khuôn mặt hằn những nếp nhăn già hơn tuổi.

Nguyễn Phúc

>> Ly hương từ nạn đói
>> Thắp sáng bản làng biên giới

>> Làng biển bàng hoàng khi nghe tin dữ
>> Làng quê ngập rác
>> Côn đồ đại náo làng quê 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.