Khát vọng bốn đời

04/04/2009 10:59 GMT+7

Một gia đình 8 người thì có tới “6 chú lùn” dưới 1,3m. Đại gia đình 4 thế hệ đó cùng mang một điều ước: cải tạo nòi giống của mình. Biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt của gia đình lùn đã đổ cho cuộc mưu sinh và thực hiện điều ước suốt mấy chục năm qua, nhưng…

“Cổ tích” đẫm mồ hôi

Sớm tinh mơ, gia đình “chú lùn” ở thôn Bà Rén (xã Quế Xuân 1, Quế Sơn, Quảng Nam) gồm người cha Lưu Qươn (78 tuổi) và các con Lưu Trịn, Lưu Tám, Lưu Thị Hoa (đều cao chưa tới 1,3m) rời ngôi nhà nhỏ, trên vai quảy những đôi quang gánh tí hon. Cạnh những “chú lùn” là người mẹ “khổng lồ” Phạm Thị Điểm (79 tuổi) cao 1,50m với đôi sọt tre đi phía sau. Họ lao động ở “vườn cổ tích” - chợ Bà Rén - nổi tiếng đã mấy chục năm ròng.

Đến chợ, người con trai thứ 4 Lưu Tám tách khỏi “nhóm” cùng chiếc xe kéo ọp ẹp cao quá người rảo quanh những cửa hàng vật liệu để xem có ai mướn chở gì không. Lần lượt 3 người lùn Lưu Qươn, Lưu Trịn và Lưu Thị Hoa tản ra mọi ngõ ngách của chợ để quét dọn rác hoặc gánh nước bán. Riêng bà Điểm - người khổng lồ của cả nhà - có “nhiệm vụ” theo sát chiếc xe chở rác, bởi chỉ bà mới đủ chiều cao để đổ rác lên xe.

Gia đình tí hon của ông Lưu Qươn nổi tiếng ở đất Bà Rén này vì làm lụng chăm chỉ suốt mấy chục năm qua. Vậy nhưng, nhà ông cũng có tiếng nghèo khổ suốt mấy thế hệ. Làm lụng quần quật, cái ăn thiếu thốn đã đẩy ông Lưu Qươn và người con trai Lưu Trịn bị bệnh lao từ mấy năm liền.

Buổi sáng, chợ tấp nập cá tôm từ khắp nơi đổ về, những chú lùn hì hục gánh nước từ cái giếng giữa chợ bán lại cho chủ buôn rửa cá. Dù tí hon, nhưng thời trai trẻ ông Qươn cũng tự hào “đèo” được 20-30 thùng nước mỗi ngày. “Thời đó, mỗi thùng nước giá 2 hào, và mấy chục năm sau đến bây giờ lên giá 500 đồng/thùng” – ông tâm sự. Thương cảnh gia đình tí hon, chính quyền xã Quế Xuân 1 ưu ái dành cho gia đình ông suất đi thâu tiền thuế sau buổi gánh nước để lấy đồng ra đồng vào. Vậy là cộng cả tiền quét rác, “trợ cấp” thu thuế hàng tháng, gia đình của những chú lùn cũng có được 300.000 đồng.

… Những bậc cao niên trong vùng kể lại rằng, gần 60 năm trước, Lưu Qươn lúc đã ngoài 20 tuổi cũng chỉ cao bằng mấy đứa trẻ con trong xóm. Cậu đem lòng yêu cô Điểm ở gần nhà, dù chỉ cao 1,5m nhưng vẫn hơn mình hẳn cái đầu. Lễ cưới hôm trước, hôm sau hai vợ chồng lại tiếp tục với công việc quét rác, gánh nước thuê ở chợ Bà Rén.

“Ngó vậy mà đã hơn nửa đời người gắn bó với cái chợ ni. 11 đứa con, đứa còn, đứa mất cũng duyên phận gắn liền với chợ. Rồi vì bệnh tật, nghèo đói, chiến tranh nên chỉ còn lại bốn trai, một gái” – ông Qươn trầm tư nói.

Người con cả của vợ chồng ông là anh Lưu Ngoạn, sinh năm 1952, cô út Lưu Thị Hoa, sinh năm 1976. Từ khi sinh người con đầu đến người con thứ 7, thấy không có ai “đột biến” theo gen bà Điểm nên ông bà bèn ra Đà Nẵng xin đứa con nuôi về để dựa lúc tuổi già. Cũng may, Lưu Thị Mười - tên người con nuôi - có sức vóc nhất nhà nên đã giúp 2 vợ chồng ông đảm đương hết công việc nặng nhọc ở chợ như gánh nước, kéo rác.

Nhưng rồi cô Mười đến tuổi trưởng thành, đi lấy chồng… hai người con trai Lưu Trịn, Lưu Tám và cô út Lưu Thị Hoa phải theo cha mẹ ra chợ Bà Rén mưu sinh. Riêng người con cả Lưu Ngoạn không theo nghiệp chợ búa của ông bà mà chuyển sang nghề thợ đụng. Người con thứ 5 Lưu Hai thì bỏ nhà biệt xứ đến tận Đà Lạt bán vé số…

Ngôi nhà nhỏ và “ước vọng” bốn đời

Phiên chợ chiều tàn, chiếc xe kéo đầy rác cuối cùng được bà Điểm cầm càng, phía sau là những chú lùn tiếp sức đẩy ra ngoài bờ sông. Nhìn chiếc xe kéo cũ kỹ, ông Qươn lẩm nhẩm: “Thay chiếc xe thứ 5 rồi đó, mấy đứa con nhà tui lớn lên từ chiếc xe rác, từ thùng nước ni cả”… Kết thúc ngày làm việc, những chú lùn quay về ngôi nhà nhỏ của mình khi trời đã nhá nhem tối...

 

Bốn thế hệ “lùn” đã trải qua nơi căn nhà ọp ẹp này

Trong ngôi nhà nhỏ của những chú lùn ở xóm Bà Rén, những vật dụng cũng vừa vặn với chiều cao của thân chủ. 5 chiếc giường thấp lè tè, bề bộn nằm ở những ngóc ngách của ngôi nhà rách nát. Chiếc ghế gỗ ọp ẹp, đặt bên chiếc bàn tí hon đủ làm vừa lòng những “chú lùn”. Ngay chiếc giếng khơi mà bà con lối xóm gom góp xây dựng cho các “chú lùn” cũng nhỏ nhắn không kém… Những người từ phương xa đến chẳng ai hình dung được ngôi nhà tí hon này đã là mái ấm của mấy thế hệ “chú lùn”. Bắt đầu từ ông Lưu Luyến (cha của ông Lưu Qươn), chỉ cao 1,35m, sinh ra ông Lưu Qươn với chiều cao cũng chỉ chừng ấy.

Khi các con đến tuổi cập kê, mỗi lần đi chơi, ông bà đều căn dặn: “Chọn đứa mô cao hơn mình mà lấy”.

Mở màn cho cuộc “cải tạo” nòi giống là người con cả Lưu Ngoạn. Anh lấy được cô vợ tên Nguyễn Thị Bích cao hơn 1,6m. Chị Bích sinh hạ liền 6 người con. Nhưng rồi ước vọng cũng chẳng thay đổi được bao nhiêu, nhất là khi 2 cô con gái Lưu Thị Phương (12 tuổi) và Lưu Thị Biểu (24 tuổi) lại mang gen của anh Ngoạn với chiều cao rất khiêm tốn. Nhìn hai đứa cháu nội nhỏ tí, ông Qươn vỗ ngực mà than: “Đến đời thứ 4 rồi mà dòng họ nhà tui vẫn khổ ri đó chú à”. Nhìn ông Qươn buồn rầu, cháu Nguyễn Thị Bích hồn nhiên nói: “Cháu học khá như các bạn trong lớp, chỉ tội mãi mà hỏng lớn được bằng các bạn thôi”.

Nhưng trong căn nhà tí hon đó, tội nghiệp hơn cả là cô gái út Lưu Thị Hoa, dù đã 32 tuổi vẫn sớm tối lẳng lặng đi về như một cái bóng. Cả ngày quần quật với rác ở chợ, đêm về Hoa gặm nhấm tuổi thanh xuân của mình trong một góc nhà. Thương đứa con gái lỡ thì, ông Qươn đóng một cái giường nhỏ xinh, giăng cả rèm và tủ kính để làm vui lòng con. Hoa tâm sự: “Người ngợm mình như ri cũng chẳng muốn làm khổ ai cả. Đành cứ vậy mà sống thôi”.

“Tui chẳng biết trời phạt mần răng mà từ cha tui đến đời cháu chắt chân cẳng cứ bị vòng kiềng, người thì thấp chủm. Trước khi cha tui nhắm mắt xuôi tay, ông còn nhắn nhủ tui gắng lấy được vợ cao hơn mình mà cải thiện nòi giống cho dòng họ. Nhưng tui đã chẳng thể nào thực hiện được lời nhắn nhủ của ông” – ông Qươn thở một hơi dài, dõi đôi mắt mờ đục về phía xa xăm.

Theo Đoàn Thanh Vân/ SGGP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.