Giữa cái chết nghĩ về hạnh phúc

22/07/2012 03:05 GMT+7

Anh hùng liệt sĩ Hoàng Kim Giao cùng lứa tuổi với nhà thơ Phạm Tiến Duật, sinh năm 1941. Anh đã tốt nghiệp hai trường: Đại học Tổng hợp và Đại học Bách khoa Hà Nội, một sĩ quan trẻ giỏi giang đầy triển vọng của Cục Nghiên cứu kỹ thuật (nay là Viện Kỹ thuật quân sự), Bộ Quốc phòng.

Anh là một trong những tác giả công trình nghiên cứu chống phá thủy lôi và bom từ trường, được giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (năm 1996). Trong chuyến công tác tại tuyến lửa khu 4 cuối năm 1968, trên con đường ác liệt 15A, gần tọa độ lửa Truông Bồn, lúc anh áp sát quả bom từ trường loại hiện đại nhất, mới nhất mà người Mỹ vừa đưa vào sử dụng thì bất ngờ nó phát nổ, thân thể anh và đồng đội Lương Văn Tín tan vào bụi đất, anh ra đi khi vừa qua tuổi 27 có 4 ngày.

Có lần tôi đến thăm nhà chị Hoàng Ngọc Kết (Q.Tân Bình, TP.HCM), em gái anh Giao. Chị cho tôi xem những bức thư anh gửi cho người thân. Thư tín thời chiến tranh, trải qua bao tao loạn, vật đổi sao dời mà vẫn nguyên vẹn thế kia là quý lắm. Chàng thanh niên tuổi ngoài đôi mươi Hoàng Kim Giao đã viết gì? Trên những tờ giấy pơ luya mỏng manh, hoặc giấy xé vội ra từ cuốn sổ công tác anh đã bộc bạch hết nỗi lòng mình, người trai thời loạn. Có lúc buồn vì sự xa vắng, nhớ nhung; lúc dằn vặt bởi việc gì đó chưa hài lòng; lúc khao khát cả những điều bình thường nhất… nhưng ôm trùm trong những trang giấy là tình cảm yêu thương vô bờ bến, sự trải lòng chân thật, những suy nghĩ trong sáng về lý tưởng, hạnh phúc, niềm vui, sự cống hiến, hy sinh. Đọc thư Hoàng Kim Giao, ta thêm hiểu rằng thời chiến tranh tưởng đã xa ngái ấy, đất nước có biết bao người con đáng quý, cao đẹp biết chừng nào.

Lá thư đầu tiên chị Kết đưa tôi xem là thư anh Giao gửi cho cô em (chị Kết) khi đang học ở Triều Tiên. Anh viết:

“…Hôm nay 25.11 âm lịch rồi, trong nước mới là những ngày lạnh đầu năm. Năm nay rét đến chậm, còn chỗ em học tập có lẽ đã có tuyết rồi em nhỉ. Lần đầu thấy tuyết em có vui không? Mới là những ngày rét đầu tiên nhưng ở miền Bắc rét lắm. Ước gì đừng có mùa rét thì tốt biết bao. Bởi sẽ có nhiều gia đình nghèo bị rét lắm, cảnh các gia đình sơ tán, quần áo thiếu thốn, những ngày rét buốt này, các em nhỏ phải sống xa gia đình trong những khu rừng heo hút hoặc ở tạm những nơi sơ tán cái rét càng rét hơn”.

 
Tháo bom kịp thông đường cho xe ra tiền tuyến - Ảnh: T.L

Đọc đến đây, tôi bất giác thấy ớn lạnh, có thể một phần tôi đã sống qua chính những ngày đó khi hơn 10 tuổi, nhưng cũng có thể do cái cảm giác đã lâu, lâu lắm mình không gặp được mẫu người sống quên mình chỉ nghĩ đến người khác. Họ đúng là anh bộ đội cụ Hồ truyền thống, lớp thanh niên tiêu biểu của thời đại đánh giặc. Đoạn tiếp theo lá thư nói rõ điều ấy: “Năm nay do chiến tranh thiếu thốn các anh bộ đội không có chăn bông nữa mà đắp bằng chăn dạ Nam Định mỏng. Anh đã nằm thử tấm chăn đó, rét lắm em ạ. Các bạn của em trong nước cũng vậy. Hãy suy nghĩ về những điều đó, suy nghĩ không phải rồi để tự trách móc mình, sao mình không được chịu thay cho mọi người những khó khăn đó. Không dễ gì ai cho em chịu thay đâu”.

Là một sĩ quan trẻ được học hành bài bản, có trình độ cao, hiểu biết sâu sắc về cuộc chiến đấu ác liệt mà dân tộc đang trải qua, anh Hoàng Kim Giao có lúc tiên cảm khá rõ kết cục cá nhân với sự bình tĩnh, bình thản đáng khâm phục. Trong nhiều lá thư cho vợ (chị Nguyễn Thị Lan), cho em gái (chị Kết, chị Thái) anh nhắc đi nhắc lại điều “Ngày tháng qua đi, có lẽ không bao giờ anh còn được ăn tết với gia đình nữa, không bao giờ được gặp em nữa. Nhưng dù cho ngày tháng trôi qua và dù khói lửa của chiến tranh có tàn phá gia đình ta, dù anh có thể không bao giờ gặp lại em, thì hình ảnh em với ngọn lửa ấm áp của đêm giao thừa không bao giờ mờ nhạt, giá lạnh trong anh. Chiến tranh sẽ còn khốc liệt và “càng về sáng, trời càng lạnh” nhưng dù trong trường hợp nào anh cũng sẽ vì nguồn vui, vì hạnh phúc của mọi gia đình chiến đấu đến hơi thở cuối cùng” (thư viết ngày 22.12.1965, gửi em gái Kết).

Anh Giao yêu chị Lan với một tình yêu rất đẹp. Cưới nhau rồi vẫn cảnh vợ chồng ngâu, anh vẫn đi biền biệt, rong ruổi trên những cung đường khu 4 để săn đuổi bom thù, tìm ra cách chống lại chúng hiệu quả nhất. Đến khi anh hy sinh, anh chị vẫn chưa kịp có con, nhẩm tính lại thời gian hai vợ chồng bên nhau chỉ chốc lát ngắn ngủi. Chị Hoàng Liên Thái em gái anh kể lại: Năm 1967 chị Lan học đại học, trường sơ tán về Hưng Yên, ở nhà dân. Tranh thủ ngày nghỉ, anh đạp xe từ Hà Nội đến thăm vợ. Đêm nghỉ ở Hưng Yên, do phong tục tập quán của người địa phương nên anh phải ngủ nhờ giường anh lớp trưởng. Còn chị đêm ấy cũng trằn trọc nằm bên người bạn gái cùng lớp. Lần khác, tranh thủ đơn vị cho nghỉ vài tiếng đồng hồ khi vợ lên thăm (chị Lan phải đạp xe mấy chục cây số), anh mướn một phòng nghỉ trên đường Phùng Hưng. Vợ chồng vừa chạm mặt chưa kịp hàn huyên thì còi báo động hú vang, máy bay Mỹ réo trên đầu, anh phải về đơn vị, chị Lan lại một mình với chiếc xe đạp đi suốt đêm về trường.

Những lá thư anh Giao gửi chị Lan, kể cả khi đang yêu lẫn khi đã cưới luôn thấm đẫm tình yêu thời chiến. Tôi tỉ mẩn giở lá thư đề ngày 14.9.1967 gửi từ tuyến lửa khu 4: “Em thân yêu. Đi không kịp nói gì với em, không ngờ chúng ta lại phải xa nhau. Ngày đêm mong tin em, càng xa em càng thấy nhớ thương em. Càng khó khăn gian khổ, anh càng thấy quý trọng những ngày tháng gần nhau. Anh tin rằng dù xa nhau rất lâu chúng ta cũng không để mất mát gì. Ngược lại, tình cảm yêu thương của chúng ta sẽ lớn lên theo ngày tháng, và ngày sum họp với tình yêu đã được tháng ngày tôi luyện. Chúng ta sẽ bù đắp lại được tất cả, phải không em. Anh nghĩ nhiều đến ngày sum họp, những đêm khuya anh chợt rùng mình thấy ớn lạnh sống lưng. Khi đó, ý nghĩ duy nhất để sưởi nóng trái tim anh là tình yêu quê hương, gia đình và em. Đừng buồn và đừng khóc em nhé. Lúc nào anh cũng ở bên em, anh mong rằng mỗi bước anh đi không bao giờ anh nghe thấy tiếng em khóc. Những giọt nước mắt yêu thương dành để cho lúc gặp nhau”. Đọc những dòng này, tôi chợt nhớ câu thơ nổi tiếng của nhà văn Nam Hà: Xa nhau không hề rơi nước mắt/Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt. Thời đó, thanh niên đã sống và yêu nhau như thế đấy, hàng triệu bạn trẻ đã hiến dâng tuổi xuân cho Tổ quốc thật tự nguyện, sáng trong.

Chị Kết cho tôi xem lá thư cuối cùng của anh Hoàng Kim Giao. Đó là bức thư khá dài anh viết gửi bố mẹ đề ngày 10.11.1968 (trước đó, từ cuối tháng 9, anh đã dẫn đầu đoàn cán bộ chiến sĩ của Cục Nghiên cứu kỹ thuật vào thực địa, vừa phá bom, vừa nghiên cứu những loại vũ khí mới nhất mà kẻ thù mới tung ra để tìm cách vô hiệu chúng - và anh đã hy sinh ngày 29.12.1968), trong đó có đoạn: “Cậu mợ kính yêu. Dù đứng giữa bãi bom của địch, hay dưới làn mưa đạn máy bay, con của cậu mợ vẫn vững vàng tiến lên phía trước. Cậu mợ ạ, ở đây chuyện sống chết đặt ra không phải từng ngày, mà từng giờ một. Cậu mợ và các em con có biết con sẽ thế nào không, nếu quả bom nổ? Những lúc đứng giữa cảnh chết chóc hoang tàn đó, con nghĩ nhiều đến hạnh phúc gia đình, nghĩ tới ngày sum họp, nghĩ tới những ngày hòa bình, và con ước mơ ngày về gặp mặt cậu mợ và các em con. Con luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ để Tết có thể về nhà với gia đình. Ngày ấy nhất định sẽ tới”.

Câu kết lá thư dường như anh viết trong nỗi dùng dằng, báo hiệu một điều gì đó: “Thôi, con sắp phải đi rồi…”. Sau dấu 3 chấm ấy là cõi vô biên, dường như anh đã lường trước?

Để có nền hòa bình, độc lập tự do hôm nay, cái giá phải trả quá đắt, mà đắt nhất là chúng ta vĩnh viễn mất đi những con người cao đẹp, tài hoa như thế. Tự dưng trong tôi dậy niềm khao khát, mong sao TP.Hải Phòng sớm có con đường mang tên anh hùng liệt sĩ Hoàng Kim Giao.

Tháng 7.2012

Nguyễn Thông

>> Tri ân anh hùng liệt sĩ Đặng Thị Kim
>> TNXP Quảng Bình nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang
>> Trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT cho trung tướng Nguyễn Xuân Xinh
>> Phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng LLVTND
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma: Về quê hương anh hùng Trần Văn Phương
>> “Nữ anh hùng tuổi 19” được truy tặng Anh hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.