Giải mã những cột mốc chủ quyền - nhà giàn DK1 - Kỳ 3: Như bông hoa bừng nở

07/08/2014 09:35 GMT+7

(TNO) Ông Đặng Hữu Quý kể chuyến tàu đầu tiên đi trong mưa bão: Thời tiết khắc nghiệt, sóng to gió lớn của chuyến đi đã khiến nhiều anh em kỹ sư, công nhân không ăn được cơm suốt cả hải trình. Tất cả vì khởi đầu của “cột mốc” chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên biển Đông.

(TNO) Ông Đặng Hữu Quý kể chuyến tàu đầu tiên đi trong mưa bão: Thời tiết khắc nghiệt, sóng to gió lớn của chuyến đi đã khiến nhiều anh em kỹ sư, công nhân không ăn được cơm suốt cả hải trình. Tất cả vì khởi đầu của “cột mốc” chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên biển Đông.


Nhà giàn cũ bên cạnh nhà giàn mới - Ảnh: Kiên Trung

>> Kỳ 1: ‘Không làm sẽ mang tội với con cháu’
>> Kỳ 2: Kế hoạch chi tiết ‘bắt mạch’ biển Đông

Chinh phục san hô

“Từ đất liền ra đến bãi Tư Chính hơn 200 hải lý, xấp xỉ 400 km. Dù đi biển thường xuyên nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi đi xa như vậy. Trước đây xa nhất là công trình mỏ Bạch Hổ cũng chỉ cách đất liền 110 km”, ông Quý nói.

Khoảng 16 giờ chiều 22.6.1989, ba con tàu của Vietsovpetro ra đến Tư Chính. Các kỹ sư của Vietsovpetro bắt tay ngay vào công tác định vị, khoanh vùng vị trí xây dựng nhà giàn DK1/1 mà trước đó đã thả phao đánh dấu.

Tuy nhiên lúc này đội thi công phát hiện ba rãnh sâu có bề rộng tới 12 m, sâu khoảng 30 m cắt dọc theo hướng bắc - nam. Nếu xây dựng nhà giàn tại đây có thể gặp bất lợi do tác động của các hút dòng chảy.

 
Gần 10 ngày thi công anh em ở cùng nhau rồi cũng qua đi. Đến ngày về mọi người ôm nhau khóc nức nở. Ai cũng cảm động vì chứng kiến cảnh một ngôi nhà nhỏ với 6-7 con người phải chống chọi những khắc nghiệt của biển cả bằng những vật dụng đơn sơ nhất. Hình như vật dụng có giá nhất trên nhà giàn lúc đó là chiếc máy nổ
Ông Nguyễn Trọng Nhưng
Trước tình hình đó, ban chỉ huy DK1 quyết định tìm một khu vực bằng phẳng lân cận dịch về hướng đông so với vị trí cũ. Mọi người quyết tâm phải tìm bằng được khu vực hạ đặt giàn khoan trước khi trời sáng.

Sau đó vị trí nhà giàn DK1/1 và DK1/5 được khoanh vùng. Tàu Sao Mai 01 lập tức thả neo để thả thiết bị khoan xuống tầng đáy san hô lấy mẫu. Đây chính là những mẫu đá ngầm san hô cùng các số liệu về độ sâu, vận tốc và hướng dòng chảy đầu tiên của bãi ngầm giúp cho việc thiết kế và thi công công trình DK1 sau này.

Các kỹ sư đã chọn hạ đặt khối chân đế theo hướng bắc nhằm giảm thiểu ảnh hưởng bão tác động lên nhà giàn. Đồng thời đội thi công đã sử dụng búa hơi MRBS-1500 đóng các cọc thép D326 trong lòng bốn trụ thép D426 của khối chân đế nhà giàn tới độ sâu ngập trong đá san hô từ 10 -12 m. Tuy nhiên cọc số 4 chỉ đóng xuống được 4 m thì bị dập đầu cọc do không chịu được tải trọng búa.

Ông Ngô Thường San cho hay cọc thép bị dập dầu cọc do nền san hô quá cứng. Lúc này nếu càng cố đóng thì nguy cơ nền san hô sẽ bị nứt sẽ không thể cố định chân đế nhà giàn được.

Trước tình hình thực địa nan giải này, các thành viên trong đoàn như đơn vị đầu tư, giám sát và Vietsovpetro đã họp khẩn ngay trên tàu để đưa ra phương án khắc phục.

Giải pháp lúc đó đưa ra là đơn vị thi công chỉ đóng cọc thép hết lớp vỏ ngoài của nền san hô rồi dừng lại và tiến hành bơm trám xi măng cố định cọc thép với nền san hô thành một khối.

Đồng thời quyết định mở rộng chân đế của nhà giàn bằng cách neo các trụ chân đế vào các khối bê tông để giữ vững chân nhà giàn. “Tư lệnh” Nguyễn Trọng Nhưng điện về bờ yêu cầu tàu chở các khối bê tông nặng hơn 20 tấn ra tiếp ứng.

Bông hoa giữa trùng khơi

Ông Đặng Hữu Quý nhớ lại, ngay trong khi sự cố cọc thép số 4 của nhà giàn DK1-A bị gãy mọi người thấy máy bay Trung Quốc xuất hiện. Các máy bay của Trung Quốc ban đầu bay với độ cao 1.000 m, sau đó hạ thấp dần để uy hiếp các tàu Việt Nam đang có mặt ở đây.


Lá cờ đỏ sao vàng luôn tung bay trên nóc nhà giàn để chứng minh chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở đây - Ảnh: Kiên Trung

Ban chỉ huy thực địa DK1 lập tức hội ý, báo về bờ xin ý kiến lãnh đạo. Thuyền trưởng tàu NPK-547 đề nghị kéo cờ Liên Xô lên. Các tàu tạm ngưng thi công đồng thời phát loa báo tin cho mọi người chuẩn bị phương án chiến đấu nếu máy bay Trung Quốc manh động.

Lúc này tình hình trên tàu căng như dây đàn. Mọi thành viên đều ở vị trí sẵn sàng chiến đấu trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, máy bay Trung Quốc sau khi lượn thêm một vòng thì bay thẳng về hướng bắc và không quay trở lại.

 
Trong những mốc đáng ghi nhớ thì ngày xây dựng nhà giàn DK1 đầu tiên là mốc đáng nhớ nhất trong cuộc đời mình. Cuộc đời tôi có lẽ sẽ rất mãn nguyện nếu một ngày được ra thăm lại các nhà giàn DK1
Ông Đặng Hữu Quý
Lệnh tiếp tục thi công được phát ra. Đội thi công tiến hành lắp khung nối và khối nhà ở bên trên, lắp đặt hệ thống cầu thang và bến cập tàu rồi tiến hành bơm xi măng toàn bộ bốn cọc thép. Khoảng 250 tấn vữa xi măng vào khoang thùng thép hàn sẵn dưới đáy của khối chân đế, tăng cường độ ổn định cho nhà giàn.

Đúng 15 giờ 45 phút ngày 27.6.1989, nhà giàn DK1-A được hoàn thành. Lá cờ đỏ sao vàng khổ lớn 2,5 x 3,75 mt được may sẵn ở bờ đã phần phật bay cao trên nóc nhà giàn nằm ở vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc, giữa trùng khơi, đánh dấu một cột mốc chủ quyền của Việt Nam vĩnh viễn không thể đổi dời cho muôn đời con cháu mai sau.

Công trình DK1 giống như bông hoa nở giữa trùng khơi mà các anh em thi công nhà giàn DK1-1 dành tưởng niệm 64 anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo Trường Sa.

Ông Đặng Hữu Quý cho biết khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nhà giàn DK1 đầu tiên, anh em ôm nhau khóc bởi tự hào khi được chứng kiến giây phút lịch sử rất đỗi thiêng liêng của đất nước. Nhà giàn DK1-A sau khi hoàn thành cao 35 m, có diện tích ở 100 m2, vừa đủ chứa 7 người ở lại canh giữ, còn lại là vũ khí, khí tài, giống như chiếc phao nhỏ bơ vơ giữa biển cả mênh mông.

“Hoàn thành xong nhà giàn ai cũng đều náo nức về bờ. Nhưng khi chứng kiến cảnh nhà giàn bơ vơ một mình chống chọi với biển cả, mọi người quyết định ở lại một đêm với anh em hải quân bảo vệ nhà giàn”, ông Quý nói.

Ông Nguyễn Trọng Nhưng nhớ lại: “Gần 10 ngày thi công anh em ở cùng nhau rồi cũng qua đi. Đến ngày về mọi người ôm nhau khóc nức nở. Ai cũng cảm động vì chứng kiến cảnh một ngôi nhà nhỏ với 6-7 con người phải chống chọi những khắc nghiệt của biển cả bằng những vật dụng đơn sơ nhất. Hình như vật dụng có giá nhất trên nhà giàn lúc đó là chiếc máy nổ”, ông Nhưng nói.

Đêm hôm đó, các thành viên xây dựng nhà giàn DK1 đều không ngủ. Ngày ra về, không ai bảo ai, mọi người trên tàu đều để lại tất cả những vật dụng cần thiết như giày dép, thức ăn, bánh mì, dầu ăn, giấy viết thư cho anh em chiến sĩ bảo vệ nhà giàn sử dụng.


Hằng năm các đoàn ở đất liền vẫn ghé thăm các nhà giàn DK1 - Ảnh: Trung Hiếu

Cả ba vị “tư lệnh” xây dựng nhà giàn DK1 của Vietsovpetro ở giai đoạn đầu là ông Ngô Thường San - Đặng Hữu Quý - Nguyễn Trọng Nhưng đều có chung nhận định ấn tượng nhất vẫn là nhà giàn DK1/1.

Do đây là nhà giàn DK1 đầu tiên nên việc xây dựng chưa có nhiều kinh nghiệm mà vừa làm vừa mò mẫm. Các nhà giàn sau chỉ là nối tiếp và hoàn thiện thêm để khắc phục những hạn chế của nhà giàn đầu tiên.

Ông Quý tâm sự dù đã 25 năm trôi qua nhưng chưa bao giờ trong ông nguôi ngoai nỗi nhớ về ngày tháng đầu tiên ra Trường Sa xây dựng nhà giàn DK1.

Những người ra Trường Sa ngày đó giờ hầu hết đã già, thậm chí có người đã mất. Hiện trong số người ra Trường Sa ngày đầu chỉ có 2 người còn làm việc, còn lại đều đã nghỉ hưu nhưng khi gặp nhau vẫn nhắc về ngày tháng hào hùng của đất nước, của cả một thế hệ tuổi trẻ dấn thân vì chủ quyền biển đảo.

“Trong những mốc đáng ghi nhớ thì ngày xây dựng nhà giàn DK1 đầu tiên là mốc đáng nhớ nhất trong cuộc đời mình. Cuộc đời tôi có lẽ sẽ rất mãn nguyện nếu một ngày được ra thăm lại các nhà giàn DK1”, ông Quý tâm sự.

Trả công bao nhiêu cũng không xứng

Ông Nguyễn Trọng Nhưng nhớ lại, khi ông đưa dự trù kinh phí xây dựng DK1 cho trưởng ban quản lý dự án DK1 thì bị bác với lý do dự trù đưa ra quá cao. Dù có giải thích thế nào đi nữa thì vị trưởng ban vẫn không duyệt.

Nhân tiện có tàu ra Trường Sa, ông Nhưng nói với vị trưởng ban quản lý dự án DK1: “Sắp tới có tàu ra Trường Sa, mời anh đi cùng chúng tôi ra đó để xem tình hình thực địa như thế nào”. Tất nhiên, vị trưởng ban DK1 đồng ý. Nhưng khi tàu vừa ra khỏi phao số 0, thời tiết xấu, sóng to khiến vị trưởng ban say sóng “lòi cả mật xanh mật vàng”. Điều này khiến Vietsovpetro phải điều tàu đưa vị trưởng ban về vì ở lại sợ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Về bờ, nằm nghỉ được vài ngày lấy lại sức, vị trưởng ban DK1 gọi ông Nhưng lên nói: “Các anh đưa dự toán bao nhiêu tôi duyệt bấy nhiêu. Bởi có trả công bao nhiêu cũng không xứng đáng với anh em thi công ở biển”.

Trung Hiếu

>> Kỷ niệm 25 năm ngày thành lập DK1
>> Trao 100 triệu đồng hỗ trợ con trai sĩ quan nhà giàn DK1
>> Giúp đỡ con trai sĩ quan nhà giàn DK1 bị trọng bệnh
>> Miễn viện phí cho con của y sĩ nhà giàn DK1-20
>> Nhắn tin ủng hộ chiến sĩ Trường Sa và nhà giàn DK1

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.