Em phải sống!

20/01/2009 10:45 GMT+7

Tôi sinh vào ngày rằm tháng sáu, trai mồng một, gái hôm rằm, lại nhằm ngày đại thử. Chắc thế mà bố mẹ đã đặt tên tôi khá dịu dàng, ít nhất là so với các anh chị. Có lẽ vậy mà cuộc sống của tôi cũng rất khác biệt, không êm đềm như các anh chị của tôi...".

Đó là tâm sự của cô giáo Lê Thị Lam Hà - Trường THPT Lê Viết Thuật (TP.Vinh - Nghệ An). Là một giáo viên dạy văn đầy triển vọng, con đường phía trước của Lam Hà đang rất thênh thang. Ấy thế mà cuộc sống của cô bây giờ phải "chung thân" với bệnh viện.

Tôi đọc ngấu nghiến cuốn sách "Cuộc sống diệu kỳ" của Lê Thị Lam Hà.  Tôi đọc vì cảm phục những nỗ lực, nghị lực và tình cảm của một bệnh nhân chạy thận nhân tạo, căn bệnh mà  Lam Hà nói là "án tử hình đã tuyên". Và tôi đã đi tìm cô.

Chỉ vì một chi tiết trong cuốn sách: "Nếu có một khoản tiền, tôi sẽ mua cho con gái, cháu Tuệ Tâm một chiếc xe ba bánh mà cháu rất thích". Tôi hiểu lắm, nếu cô còn lên lớp mỗi ngày thì Tuệ Tâm đã có xe ba bánh từ lâu rồi. Còn bây giờ, món quà nhỏ ấy cho con cũng là niềm mơ ước lớn của Lam Hà...

"Cuộc sống diệu kỳ" của người mang "án tử"

Tinh mơ, tôi lẫn trong đám học trò Trường Lê Viết Thuật đi tìm nhà Lam Hà. Mặc dù thầy Hiệu trưởng Nguyễn Trọng Bé đã chỉ nhà khá rành rọt nhưng tôi vẫn phải hỏi thăm. Thực ra, hỏi để lấy thêm tinh thần. Bởi mới bảnh mắt mà đã gõ cửa nhà người khác thật là ngại, đặc biệt là người trọng bệnh như Lam Hà.

Trước mắt tôi là một Lam Hà khác xa với tưởng tượng, khác xa với người trong ảnh. Đôi mắt thẳm sâu, hàm răng trắng muốt của cô đã biến mất. Một Lam Hà khoẻ mạnh, thon thả, leo núi thoăn thoắt trong những buổi dã ngoại khi còn là cán bộ đoàn mà mọi người vẫn kể đã biến đâu mất. Đôi mắt của cô bây giờ quầng sâu, chân tay phù nề như chứa toàn là nước. Hai bên cánh tay, chi chít những lỗ châm đã thành chai sạn.

"Đó là những vết mổ cầu tay để chạy thận nhân tạo" - cô giải thích. Trong lúc chuyện trò, Hà cười rất nhiều, cứ y như là chưa hề có chuyện gì xảy ra với cô. Hà nói nhiều về những ngày tươi đẹp, mà theo cô, chính những ngày tháng ấy đã giúp cô rất nhiều để giành giật sự sống.

Cô tâm sự: "Xưa, em nghịch như quỷ. Lúc nhỏ, các em quanh nhà đều là "đệ tử" của em cả". Hà đi học sớm, vào đại học khi vừa tròn 16 tuổi. Ra trường, cô được về trường cũ, trường Lê Viết Thuật công tác. Hình như nhà trường cũng sớm phát hiện ra chất "thủ lĩnh" của Hà nên đã phân công cô làm giáo viên chủ nhiệm một lớp "khét tiếng". Lớp này mới đầu năm học đã phải thay đến 2 giáo viên chủ nhiệm.

"Thế mà vào tay em là chúng nó ngoan hẳn" - Hà cười thật tươi. Năm đầu tiên ấy, cô giáo trẻ Lê Thị Lam Hà đạt danh hiệu giáo viên chủ nhiệm xuất sắc. Năm học tiếp theo, Hà vinh dự được bầu vào Ban Chấp hành Đoàn trường, được kết nạp Đảng.

Hà xúc động: "Bây giờ, chúng nó vẫn về thăm em suốt, có mấy đứa còn ra Hà Nội thăm cô. Chúng nó ôm em khóc cả đêm, đến nỗi phải mắng, cô không sao đâu, còn khóc là cô đuổi về đấy. Mỗi lần nghe tiếng trống trường là lòng em lại rạo rực. Ước gì mỗi sáng thứ hai, mình lại được bận bộ áo dài đến lớp. Nhưng không thể nữa rồi, em đành phải xin lỗi học trò yêu quý vậy" - Hà nuối tiếc những ngày tươi đẹp.

Hạnh phúc lứa đôi đã đến với Hà, thật nồng nàn mà cũng thật bình dị. Đó là năm 2002, tròn 26 tuổi, Hà lên xe hoa cùng anh Hồ Minh Tấn - cán bộ Điện lực Nghệ An. Hà nói, em thương mình thì ít, thương anh Tấn thì nhiều. Cưới nhau hơn một năm, lúc em sinh bé Tuệ Tâm, cũng là lúc ngã bệnh.

Nhiều đêm ở bệnh viện, thấy anh ấy thiếp đi trong mệt nhọc, em lại khóc một mình. Anh có vợ mà cũng như không. Chiếc áo kẻ em mua đã lâu, cổ áo sờn hết anh vẫn mặc. Rồi cũng do em ốm đau mà anh phải bỏ dở lớp đại học tại chức, phần vì không có thời gian, phần phải dành tiền cho em chữa bệnh. Chưa hết, nghe ai nói ở đâu có thầy chữa bệnh thận là anh lại xăm xăm lên đường. Vì anh, vì những người thân yêu mà em được sống và sống được đến hôm nay.

"Đi bán nỗi buồn"

Một buổi chạy thận của cô giáo Lê Thị Lam Hà.

"Trước đây, em khoẻ như voi. Leo núi thì đừng ai theo nổi. Khoẻ đến nỗi mà bạn bè anh Tấn cứ đùa: Cậu lấy đúng vợ rồi" - trông Hà thật hồn nhiên. Thế rồi khi mang bầu bé Tuệ Tâm, người Hà cứ mập lên, chân tay sưng vù. Ai cũng bảo, không sao, sinh nở xong là nó lại xẹp xuống.

Hà tâm sự:  "Lúc đó, em có nghĩ là mình mắc bệnh hiểm nghèo thế này đâu. Chỉ đến khi sinh cháu, các bác sĩ ở bệnh viện tỉnh mới bảo bị bệnh và cho đi Bệnh viện Bạch Mai ngay trong đêm. Thế là em phải gia nhập xóm chạy thận". Mấy năm trời sống ở xóm chạy thận đã làm cha mẹ, chồng con đến nước khuynh gia bại sản. Hà đã chứng kiến không ít cảnh bệnh nhân nhảy lầu tự tử.

Rồi không ít bệnh nhân tuyệt vọng đến mức xin được về nhà để chết sớm... Những hình ảnh ấy, cộng thêm sự vất vả của chồng, của người thân làm Hà vô cùng buồn bã. Hà kể tiếp, khi thấy bệnh tật có phần đỡ hơn, em đã quyết định đi bán nước chè ở cổng bệnh viện, đi "bán nỗi buồn" ấy mà. Một ấm nước, mấy bao thuốc lá cũng kiếm được ít tiền để bù vào chi tiêu hàng ngày.

Mọi người nghe nói bệnh nhân chạy thận bán nước chè là đến uống giúp ngay. Ai cũng hiểu nỗi khốn khó của "cư dân" xóm thận. Những ngày đi bán nước chè, em thấy cuộc sống ý nghĩa hơn nhiều. Em trách mấy người nhảy lầu quá, mình may mắn được sinh ra trên cõi đời này, phải sống thật tốt, thật ý nghĩa mới phải chứ. Sống cho mình và phải sống cho những người thân yêu nữa. Những ngày đi "bán nỗi buồn", Hà đã tích luỹ được cả khối chuyện ở xóm chạy thận. Chuyện vui, chuyện buồn, chuyện của mình, chuyện của mọi người...

Thế rồi "máu" văn chương lại trỗi dậy. Hà đã viết một cách không mệt mỏi. Viết để tri ân, viết để thêm nghị lực, nhất là viết vì cuộc sống thật là diệu kỳ. Hà tâm sự: "Em sẽ còn viết tiếp anh ạ. Hôm nào xong cái truyện ngắn này, em sẽ đưa anh đọc trước...".

Câu chuyện của chúng tôi kết thúc cũng là lúc tiếng trống tan trường vừa dứt. Tôi hiểu, Lam Hà đang thêm một lần rạo rực, thêm một lần khát khao. Cô cao hứng đọc hai câu thơ: "Ôi kiêu hãnh chẳng thể nào khác được/ Dẫu biết mọi điều ao ước chỉ là mơ". Tôi buột miệng với cô như một mệnh lệnh: Em phải sống!
Theo Phạm Việt Thắng/Lao Động
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.