Câu chuyện bên giếng dầu cổ

14/01/2011 09:31 GMT+7

Hassi Messaoud là thành phố dầu khí trên sa mạc Sahara của xứ Bắc Phi, na ná như Vũng Tàu bên mình. Nhưng đây là thành phố suốt năm không có mưa, bão cát hoành hành mấy tháng liền vào cữ tháng 3 giở đi.

Nhưng những khu biệt thự, khách sạn, nhà hàng hoành tráng vẫn chậm chạp choán dần trên cát. Ban đêm đứng trên ban công khách sạn Sea Red rõ mồn một những đụn lửa của khí thải và dầu thừa được đốt lên từ các giếng dầu.

Ban ngày, trên ô tô xuyên thành phố, tôi bắt gặp chằng chịt những hệ thống ống đủ màu sắc từ hàng ngàn giếng dầu trễ nải, tất thảy chẳng thèm ngầm mà cứ hun hút lộ thiên trên cát.

Nhưng thoạt kỳ thủy, sự hình thành của thành phố dầu mỏ khổng lồ này bắt đầu từ một chiếc giếng bình thường như những cái giếng khác mà dân chăn thả lạc đà khơi để lấy nước. Có một người thợ khoan Việt Nam đã dẫn chúng tôi đến cái giếng cổ ấy. Đó là kỹ sư Trịnh Văn Lâm, phó giám đốc một đơn vị khoan thiện chiến của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại Algeria.

…Tên của ông khá dài, chép đầy đủ phải thườn thượt: Hasi Messaoud Rouabeh Ben El Hadj Rabeh Amira. Ông đến từ vùng Ouled Belkacern Tribe. Ông sinh năm 1875 ở vùng gần Ouarga. Khi còn là một đứa trẻ, ông chăn cừu và trông giữ lạc đà giống như những đứa trẻ ở vùng gần Oued Nssa và tại tất cả những nơi có cỏ cho cừu và lạc đà. Du khách cần những sản phẩm từ cừu và lạc đà...

Không biết trong cuộc đời du mục của mình, ông đã đào bao nhiêu giếng nước? Cuối cùng, ông định cư tại nơi cung cấp đủ cho mình những nhu cầu cần thiết. Ông đã chọn một vùng đất dốc đầy cây cối và thực vật mà bây giờ được gọi là “El Haicha”. Nơi này có bóng mát che chở Messaoud khỏi cái nóng mùa hè và gỗ thật là hữu dụng để đốt lửa vào mùa đông.

Messaoud tiếp tục đào giếng, nhưng công việc này mất nhiều thời gian bởi thiếu phương tiện đào bới. Chỉ với một chiếc sừng gia súc, nhưng ông không nản chí trong việc tìm kiếm nguồn nước. Bởi ông đã quá quen với việc thổ mộc vất vả đào giếng như thế này rồi!

Cuối cùng, mạch nước quý giá và khó khăn ấy cũng đã phát lộ! Nhưng sao thế này? Messaoud xiết bao kinh ngạc bởi mùi vị của thứ nước đang đùn lên, nó khác lắm với những mạch nước của các giếng mà ông đã đào!

Chuyện ông Messaoud đào giếng thấy nước lạ loang xa. Những nhà cầm quyền thực dân đã tìm tới. Họ hiểu ngay điều gì xảy ra và đem thứ nước ấy đến phòng thí nghiệm mãi thủ đô Alger.

Giếng dầu mỏ đầu tiên ở xứ này đã được phát hiện vào năm 1919 như thế!

Khi đó, họ không trả cho ông một xu nhưng sau khi ông Messaoud mất vào năm 1924 cái giếng này được gọi là “giếng của Messaoud”. Và cũng vào thời điểm đó, vùng này được mang tên ông.

Messaoud để lại 2 người vợ và 15 đứa con. Chiều muộn trên sa mạc Sahara, ven thành phố mang tên người phát hiện ra giếng dầu đầu tiên, bên chiếc giếng ấy, tôi nâng máy ảnh lên ghi lại tấm hình một hậu duệ của Hassi Messaoud. Người chắt nội này bây giờ có nhiệm vụ trông coi cái giếng cổ của ông cố mình, luôn thể làm cái việc quảng bá du lịch cho thành phố mang tên tiền nhân.

 

Người chắt của Hassi Messaoud bên giếng dầu cổ.

Anh bạn đồng nghiệp thân mật bá vai Lâm cười, đào cái giếng khoan dầu đầu tiên của người Việt có vất như đào cái giếng dầu này của ông Hassi Messaoud không? Tôi thấy Lâm chỉ cười...

Năm 1994, hẵng còn là một cái tên khá khiêm tốn ít được biết đến là xí nghiệp dịch vụ kỹ thuật dầu khí biển thuộc PTSC (Công ty kỹ thuật dịch vụ dầu khí). Năm 2007, xí nghiệp nhỏ ấy đã trở thành Tổng Công ty PVD với mô hình công ty mẹ- công ty con và các công ty liên kết.

Sang làm ăn ở xứ người trong đội hình của PVN, năm 2006, PVD đã nhận được thư mời thầu của Tổng Công ty thăm dò khai thác dầu khí Algeria. Họ mời PVD cung cấp dịch vụ khoan thăm dò dầu khí tại trung tâm Hassi Messaoud.

Mời thầu cũng chỉ là một hình thức hữu nghị của bạn, cũng là một kiểu để làm quân xanh cho vui. Nhưng mới dự trận đầu, PVD đã giành ngay được thiện cảm của bạn bằng năng lực thực sự của mình. PVD đã vượt qua nhiều nhà thầu Algeria và quốc tế giành hợp đồng dịch vụ trong 2 năm 2007 và 2008. Đó cũng là những dự án đầu tiên ở nước ngoài của PVD.

Mỗi lần ra hiện trường ở sa mạc làm việc, đoàn cán bộ dầu khí Việt Nam phải thuê quân đội bạn bảo vệ, cứ hai nhân viên an ninh kèm một người mình. Với đội hình lỉnh kỉnh những thiết bị siêu trường siêu trọng của Lâm, thường mỗi lần xuất quân phải có một trung đội kèm sát...

Năm 2008, PVD hoàn thành giai đoạn khoan thăm dò thẩm lượng cho PVEP giữa chảo lửa của sa mạc Sahara chứng minh cho bàn dân thiên hạ thấy được mỏ Bir Seba không chỉ có dấu hiệu dầu mà có trữ lượng thương mại hẳn hoi.

Năm 2010, PVD đã được nhiều công ty nước ngoài khác mời ký hợp đồng khoan bởi PVD từng khoan thành công và đạt hệ số an toàn rất cao trong việc thăm dò thẩm lượng tại giếng khoan của Tổng công ty thăm dò khai thác Algeria.

PVD sắp lập một kỷ lục nữa là chuẩn bị thay thế một số vị trí phải thuê người nước ngoài và dần trở thành một nhà thầu khoan chuyên nghiệp với kế hoạch tìm kiếm các cơ hội để cung cấp thêm các giàn khoan đất liền tại Algeria và Venezuela cùng các vùng phụ cận.

Tôi được Trịnh Văn Lâm kéo đi coi căn cứ tập kết vật liệu của một giàn khoan. Đó một bãi mênh mông có tường bao quanh, trong chất ngồn ngộn các chi tiết khoan. Kể ra thì dài dòng loằng ngoằng. Nhưng chở hết những chi tiết ấy phải là 165 chuyến xe tải đặc dụng mỗi chuyển 50 tấn. Từ thành phố trung tâm dầu mỏ này đến các giàn khoan nơi PVD làm việc phải ngót nghét 100 km đủ biết việc vận chuyển giàn khoan nhiêu khê thế nào.

Tôi để ý gọn vào một góc bãi chất đầy những gian nhà hộp xinh xắn như kiểu nhà lắp ghép nhưng nhỏ hơn dùng làm chỗ ở cho quân của PVD. Nắng nóng rét mướt đều phải chui vào những cái ô cái ngăn ấy đợi cho những ngày những tháng thườn thượt dằng dặc kết thúc những mét khoan xuống lòng sa mạc.

Nhưng anh em PVD đâu có yên tâm để rảnh tay tập trung vào công việc của mình? Lâm đưa tôi tấm ảnh mà trong đó gần một trung đội quân đội Algeria trong sắc phục vằn vện đang vây quanh một hiện trường khoan của đơn vị Lâm!

Để làm chi vậy? Đơn giản là bảo vệ anh em! Không còn là những tin đồn lẫn hù doạ nữa mà tình hình bất ổn trong mấy năm gần đây của nạn khủng bố do xung đột sắc tộc và tôn giáo ở Algeria.

Cách không xa nơi trú quân của Lâm, mới đây thôi, 5 chuyên gia nước ngoài tại một mỏ đã bị bọn khủng bố bắt cóc đòi tiền chuộc. Hôm ngồi ở PVEP Algeria, tôi cũng được anh chị em cho hay mỗi lần ra hiện trường ở sa mạc làm việc đều phải thuê quân đội bạn bảo vệ.

Như các đối tác nước ngoài khác, cứ hai nhân viên an ninh kèm một người mình. Tốn kém nhiêu khê phiền toái là thế nhưng biết làm sao, như kỷ luật lao động, an toàn vẫn là trên hết. Với đội hình lỉnh kỉnh những thiết bị siêu trường siêu trọng của Lâm, thường mỗi lần xuất quân phải có một trung đội kèm sát...

Đêm giao thừa dương lịch, theo sáng kiến của ông chủ khách sạn Sea Red, ông mời tất tật khách trú trong ngôi nhà sang trọng nhất thành phố dầu khí này cùng chung vui đón năm mới. Lâm và anh em dầu khí Việt Nam vốn là chỗ quen biết bữa nay đều là khách quý của ông.

Đêm cuối năm, chàng trai quê Nam Định nom hơi bị kẻng trai. Môi hơi bị tươi cùng làn da trắng... Nắng gió sa mạc giàn khoan vẫn không làm làn da Lâm sạm đi. Trong nước, Lâm từng chinh chiến với anh em nhiều ngày ở các giàn khoan ngoài bể khơi.

Phút giao thừa, tôi để ý đến cái dáng ngồi hơi lặng lẽ, nét mặt vẻ tư lự của mấy anh em dầu khí trong đó có Lâm... Dương lịch còn thế nữa là âm? Vợ con Lâm hiện tít tận Sài Gòn khoảng cách với nơi sa mạc này 24 tiếng đồng hồ máy bay phản lực.

Hôm mới gặp, chỗ đất thừa bé tẹo nơi cầu thang nơi đơn vị khoan PVD thuê, Lâm đang cần mẫn xới xáo đám rau cải mới gieo. Nhúm hạt giống rau anh em PVD mang từ Việt Nam sang có thể nói là một kỳ công bởi phải chia nhỏ ra giấu ở nhiều chỗ trong va li, trong người phòng qua cửa hải quan, bị thu mất nhúm này thì có dúm khác... Trông cái dáng ngồi của Lâm đêm trừ tịch này sao cứ hao hao kiểu ngồi khi Lâm xới đám rau vậy?

Dáng đứng Việt Nam người ta đã nói nhiều, hình như rất ít khi nhắc tới cái dáng ngồi của người Việt mình nhỉ?

Chót năm Dần

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.