Biểu tượng “khó ưa” của nước Mỹ

28/10/2012 03:10 GMT+7

Trung tâm thủ đô nước Mỹ tràn ngập những biểu tượng về nền dân chủ nhưng một vài trong số đó có lẽ thuộc dạng “phát sinh ngoài ý muốn”.

Đang giữa tiết thu, chiều Washington D.C trời trong nắng đẹp nhưng vẫn lạnh tái tê. Tôi chạy vội về khách sạn từ cửa hàng tạp hóa The Newsroom của anh chủ người gốc Việt vui vẻ, đon đả nhưng nhất quyết không chịu nói tên. Đến nơi thì đã thấy cô nàng Lisa Damico - Giám đốc du lịch của Capital Communications Group, LLC - chờ sẵn với nụ cười rạng rỡ. Theo chân Lisa, chúng tôi đến thăm trung tâm D.C, nơi đặt các cơ quan đầu não của chính quyền Mỹ và cũng là một trong những điểm hút du khách nhất ở đây.

Hàng xóm với 5 đời tổng thống

Điểm dừng chân được mong đợi nhất dĩ nhiên là Nhà Trắng nhưng sao nó “bé thế này?”. Nhìn thấy ánh mắt có phần hơi thất vọng của tôi, Lisa cười: “Nhiều người khi tới đây cũng nói với tôi rằng sao nhìn Nhà Trắng nhỏ hơn trong ti vi”. Chuyện gì cũng có lý do của nó nhưng vào lúc đó, tôi không chú ý lắm đến lời giải thích của Lisa vì bị thu hút bởi một cảnh tượng khác. Ngay đối diện Nhà Trắng, bên rìa Công viên Lafayette là một túp lều trông còn tồi tàn hơn cả lều của bác Tom. Đứng trước là một bà cụ da sạm đen trông quen quen cầm 2 tấm bảng viết những dòng chữ phản đối vũ khí hạt nhân. Không quen sao được khi bà chính là Concepcion Picciotto, người đã biểu tình kháng nghị trước Nhà Trắng hơn 30 năm nay. Du khách đến rồi đi, tổng thống nhậm chức rồi mãn nhiệm, đường lối chính sách trải qua bao thay đổi, nhưng bên đường vẫn hiện diện người đàn bà nhỏ bé gốc Tây Ban Nha bất kể nắng mưa hay giá lạnh.

 Biểu tượng “khó ưa” của nước Mỹ
Concepcion Picciotto, hàng xóm hơn 30 năm qua của các tổng thống Mỹ

Kể từ tháng 8.1981, bà Concepcion, năm nay 67 tuổi, bắt đầu thời gian kháng nghị dài nhất lịch sử nước Mỹ nhằm phản đối chiến tranh và kêu gọi cấm vũ khí hạt nhân. Từ đó đến nay, bà là “hàng xóm” của 5 đời tổng thống Mỹ và là “cái gai” trong mắt giới chức quản lý D.C. Concepcion di cư đến Mỹ năm 18 tuổi và từng làm việc tại Lãnh sự quán Tây Ban Nha ở New York. Năm 1966, bà lập gia đình với một người Ý nhưng sau đó 2 người chia tay và Concepcion bị tước quyền nuôi con, mất nhà và con gái. Sau đó, bà cùng người bạn William Thomas bắt đầu hành động kháng nghị vì hòa bình liên tục 24 giờ mỗi ngày. Nơi ở của 2 người là tấm vải bạt căng lên cùng nhiều biểu ngữ, hình ảnh rất bắt mắt.

Ban đầu, bà và Thomas chia ca để “trấn thủ” ngay trước Nhà Trắng và họ chỉ di chuyển 4 năm một lần vào những dịp tổng thống mới làm lễ nhậm chức. Trong ngần ấy năm, họ bị cảnh sát bắt giữ, chửi bới, thậm chí đánh đập hàng chục lần và cũng chừng đó lần vào trụ sở quốc hội hoặc ra tòa để bảo vệ quyền kháng nghị theo Hiến pháp Mỹ. Sau khi Thomas qua đời năm 2009, Concepcion được các thành viên của Tổ chức Occupation Peace House hỗ trợ để tiếp tục đấu tranh. Mỗi tối, khi có người đến thay ca, bà về trụ sở của tổ chức cách đó 3 con đường để tắm rửa, ăn vội vài muỗng súp và chợp mắt. Lisa kể rằng sau nhiều nỗ lực “bứng” Concepcion không thành, giới chức đành chào thua và gỡ gạc bằng cách đặt ra nhiều quy định khắt khe. Khu vực kháng nghị lúc nào cũng phải có người, bao gồm cả người đứng xem trong vòng 1,5 m nếu không sẽ bị xem là tài sản bỏ hoang. Mỗi khi mệt mỏi, Concepcion phải ngủ ngồi nếu không sẽ vi phạm điều luật về người lang thang…

Với tôi, nàng Lisa duyên dáng không đủ hấp dẫn bằng bà già chỉ cao khoảng 1 m và mất mấy cái răng. Tôi vội chạy đến, lách qua một vài du khách đang mê mải chụp ảnh để tiến lại chỗ Concepcion. “Chào bà, con là phóng viên từ Việt Nam. Bà nói chuyện với con chút nhé”, tôi hồ hởi. Nhưng hình như hôm đó là ngày không may thì phải khi Concepcion có vẻ khó ở trong người. Bà liếc một cái rồi tiếp tục im lặng trương tấm bảng “Chấm dứt đổ tiền cho Israel. Không xâm lược Iran”. “Bà ơi, bà tính ở đây đến bao giờ?”. “Cho đến khi nào họ từ bỏ vũ khí hủy diệt hoặc khi nào tôi chết hoặc tất cả chúng ta đều chết vì bom hạt nhân và chiến tranh. Bây giờ cậu làm ơn để tôi yên!”. Tôi đành chụp vội vài tấm ảnh rồi quay đi, vừa buồn vừa bực. Sao nghe nói Concepcion vui vẻ với những người quan tâm lắm mà? “Chắc người già tâm tính thất thường”, tôi tự an ủi . 

 Biểu tượng “khó ưa” của nước Mỹ 1
Đài Washington, trung tâm của Chữ thập dân chủ - Ảnh: Trọng Kha

Thật ra, cuộc đấu tranh can trường của Concepcion nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Dĩ nhiên, rất nhiều người từ giới học giả cho đến các tổ chức hoạt động xã hội coi bà là biểu tượng của hòa bình, là minh chứng cho sự tự do, dân chủ của Mỹ dù bằng chứng sống này đã rất “bầm dập” với chính quyền. Nhiều người khác thì cho rằng bà có vấn đề về thần kinh. Đối với du khách tứ xứ thì Concepcion là một “thắng cảnh” của D.C. Có chút gì đó bất nhẫn khi thấy hàng đoàn khách chụp ảnh, chỉ chỏ vào bà cụ cũng như vào một nhóm nhỏ người đang vẫy cờ và bắc loa yêu cầu Mỹ mau chóng can thiệp vào Syria.

Chữ thập dân chủ

Tôi tạm quên Concepcion, người đã phũ phàng từ chối mình, để trở lại với Lisa và sự “nhỏ bé” của Nhà Trắng. Cô giải thích: “Các bậc quốc phụ của Mỹ rất lo ngại độc tài. Họ không muốn tổng thống trở thành vua. Do đó, Nhà Trắng không thể lớn bằng tòa Capitol - trụ sở quốc hội được cũng như trụ sở của Tòa án tối cao. Nhà Trắng chỉ được xây bằng vật liệu bình thường trong khi Capitol và các công trình khác ở đây dùng toàn đá hoa cương, cẩm thạch không à. Thậm chí tổng thống không được phép bước vào quốc hội nếu không được mời nữa cơ”.  

Sau Nhà Trắng và Capitol, chúng tôi tới khu tưởng niệm Thomas Jefferson, Tổng thống thứ ba của Mỹ và là tác giả Tuyên ngôn Độc lập 1776. Dõi theo tầm mắt của tượng Jefferon, tôi thấy xa xa bên kia đầm nước là Nhà Trắng ẩn hiện. Lisa cười thanh minh giùm vị cha già của nước Mỹ: “Không phải Jefferson muốn làm tổng thống muôn năm đâu nhé. Ông ấy đang theo dõi các bậc hậu sinh đấy”. Sau khu tưởng niệm Jefferson là tới nhà lưu niệm Abraham Lincoln, một tổng thống vĩ đại khác của Mỹ. Tương tự, bức tượng nổi tiếng của Lincoln cũng nhìn qua đầm nước, hướng về tòa Capitol với mái vòm trắng xóa. “Anh thấy không, Jefferson canh chừng tổng thống còn Lincoln giám sát quốc hội”, Lisa giải thích, “ánh mắt 2 ngài giao nhau tạo thành một hình chữ thập với trung tâm là Đài Washington (cột trụ nhọn hoắt cao nhất thủ đô nước Mỹ mà một số người bạn gốc Việt gọi vui là cây viết chì - NV)”.

Theo Lisa, toàn bộ cấu trúc tạo thành một Chữ thập dân chủ với 2 đầu là 2 tổng thống vĩ đại, biểu trưng cho quan niệm dân chủ và tự do của Mỹ. Hai đầu còn lại là trụ sở hành pháp và lập pháp. Ngay giữa chữ thập là Đài Washington có chóp hình kim tự tháp tượng trưng cho sự trường tồn theo người Ai Cập cổ. Vì thế, đây là biểu tượng của người dân Mỹ về một nền dân chủ bất diệt. Vỡ ra được sự chính xác và ý nghĩa của cái kiến trúc tổng thể này, tôi chỉ biết nói thán phục với những nhà quy hoạch của D.C. Có điều, một lần nữa hình ảnh bà cụ Concepcion móm mém cùng nhóm người Syria lại xuất hiện trong đầu tôi. Tổng thống Jefferson vẫn đang ngày ngày dõi theo Nhà Trắng nhưng tầm mắt ngài đã bị chắn mất nên đâu nhìn thấy được họ. 

Concepcion hay người đàn ông đang ra sức thét vào loa kia có một niềm tin to lớn vào mục đích của mình nhưng họ lọt thỏm giữa hàng trăm nụ cười và những cú bấm máy liên tục của hàng đoàn du khách. Bậc hậu bối của Jefferson - Tổng thống Barack Obama - cũng đang bận rộn với chiến dịch tranh cử đang vào giai đoạn nước rút nên đâu có ở Nhà Trắng để mà nghe “Chấm dứt xung đột, chấm dứt đổ máu”. 

 Trọng Kha
     (từ Washington D.C, Mỹ)

>> Nobel Kinh tế ở lại nước Mỹ
>> Bill Gates tiếp tục là người giàu nhất nước Mỹ
>> Vô địch nhắn tin nước Mỹ
>> Bên trong nhà tù cổ nhất nước Mỹ
>> Al-Qaeda lại dọa tấn công khủng bố nước Mỹ
>> Những tòa nhà xấu nhất nước Mỹ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.