Phòng chống dịch Covid-19: 'Phía trước vẫn còn rất nhiều khó khăn và không ít rủi ro'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
23/03/2020 10:23 GMT+7

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam , dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, phía trước vẫn còn rất nhiều khó khăn và không ít rủi ro đòi hỏi công tác phòng chống dịch phải quyết liệt, đồng bộ và giải pháp phù hợp.

Sáng 23.3, báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, tới sáng nay, số người nhiễm bệnh trên toàn thế giới đã là 336.000 người, 14.600 người tử vong, 192 quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch.
Theo ông Đam, các chuyên gia đánh giá nguyên nhân dịch Covid-19 lây lan nhanh và tử vong nhiều ở một số nơi là do không khống chế được ngay từ đầu, tới khi có nhiều người mắc bệnh thì quá tải. Đối với châu Âu, là do cách tiếp cận khác, nên dịch đã lan rất nhanh.
“Đặc biệt, do phát triển của mạng xã hội nên tình trạng khủng hoảng tâm lý xã hội, khủng hoảng trang thiết bị vật tư y tế đã diễn ra rất nhiều nơi trên thế giới”, ông Đam cho hay.

Công bố bệnh nhân 114 đến 116 nhiễm virus corona, trong đó có bác sĩ BV Bệnh Nhiệt đới TW

Về tình hình ở Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cho hay, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguy cơ lây nhiễm rất cao do có đường biên giới và giao lưu, giao thương rất nhộn nhịp với với Trung Quốc. Ở giai đoạn sau, do độ mở nền kinh tế lớn và quan hệ hợp tác rất sâu rộng kể cả với các nước, khu vực được coi là ổ dịch mới như Hàn Quốc, EU nên nguy cơ vẫn rất cao.
Theo Phó thủ tướng, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế cũng đã chủ động phối hợp với các ngành dự báo các tình huống và xây dựng 5 kịch bản phòng chống dịch theo các cấp độ, với tinh thần là phải lường đến tình huống xấu hơn để tình huống đó không xấu đi; phải tính đến tình huống xấu nhất để tình huống đó không xảy ra.

Phía trước vẫn còn rất nhiều khó khăn và không ít rủi ro

Theo Phó thủ tướng, tới thời điểm hiện tại, về cơ bản, Việt Nam đang kiểm soát được dịch bệnh Covid-19. Giai đoạn đầu được đánh giá là thành công. 16 ca nhiễm có nguồn gốc từ Trung Quốc và 1 ca từ Hàn Quốc đều đã được chữa khỏi trong khi nhiều dự báo cho rằng Việt Nam sẽ có hàng ngàn ca nhiễm bệnh và tỷ lệ tử vong tương đương như Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo ông Đam, bước sang giai đoạn 2 (khi dịch bắt đầu lan sang châu Âu với tâm điểm là vùng Lombardy của Ý), các chuyên gia cũng đưa ra dự báo dù Việt Nam đã có kinh nghiệm ở giai đoạn trước, nhưng vẫn sẽ có hàng nghìn người mắc bệnh..
Theo ông Đam, kể từ khi dịch bùng phát ở châu Âu, Mỹ, tới nay đã có hàng trăm chuyến bay, hàng chục nghìn người nhập cảnh từ các quốc gia, khu vực có dịch. Những người nhập cảnh này đã đi qua nhiều địa phương, tiếp xúc với hàng trăm nghìn người Việt Nam nên mỗi khi phát hiện 1 ca nhiễm bệnh, việc truy vết để tìm ra những người có nguy cơ lây nhiễm hết sức khó khăn vất vả.
“Phía trước vẫn còn rất nhiều khó khăn và không ít rủi ro đòi hỏi công tác chống dịch phải tiếp tục được thực hiện đồng bộ, quyết liệt và phải có các giải pháp phù hợp với thực tiễn dịch bệnh đe dọa lây lan trong cộng đồng”, Phó thủ tướng nói.
“Đến ngày hôm nay đã có 113 ca nhiễm, 17 ca khỏi, 10 ca âm tính 1 lần 2 lần, 4 ca nặng. Điều đáng nói những ngày gần đây 39 ca thì đều là cách ly ngay từ khi nhập cảnh. Tới đây sẽ còn nhiều. Có ngày có thể có vài chục ca nhưng những ca đó nếu ở ngay khu cách ly tập trung rồi thì không đáng lo lắm. Nhưng nếu ca ở trong cộng đồng thì đó mới là điều đáng lo”, ông Đam thông tin.

Rút ngắn thời gian phát hiện người có nguy cơ lây nhiễm

Theo Phó thủ tướng, tình hình hiện nay có nhiều điểm mới, khác so với giai đoạn ban đâu cần được lưu ý để có giải pháp cụ thể phù hợp.
Cụ thể, kể từ ngày 20.3 khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã từng bước thực hiện cơ bản kiểm soát chặt chẽ thị thực, quy định cách ly đối với người nhập cảnh từ tất cả các nước, việc kiểm soát bệnh thâm nhập từ bên ngoài bớt khó khăn hơn.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 3 đến nay đã có trên 350.000 người nhập cảnh vào Việt Nam (gần 100.000 từ Mỹ và châu Âu). Mặt khác, tới đây vẫn sẽ còn một lượng đáng kể người nhập cảnh vì mục đích ngoại giao, công vụ và phục vụ các yêu cầu từ phía Việt Nam (như các chuyên gia, cán bộ quản lý dự án, doanh nghiệp). Do đó, cần có hình thức, quy định cách ly phù hợp đảm bảo không lây nhiễm.
Bên cạnh đó, do dịch bệnh đã xâm nhập vào bên trong, nên việc phát hiện, cách ly các trường hợp nghi nhiễm còn rất khó khăn, nhất là trong trường hợp không thể truy ra nguồn lây trực tiếp (người nhiễm bệnh chưa đi ra nước ngoài, không biết mình có tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh hay không).
Ngoài ra, do tình hình dịch, và kể cả chính sách với người nước ngoài của các nước châu Âu, Mỹ khác với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, nên mặc dù đã chủ động tuyên truyền để người Việt Nam hạn chế tối đa về nước, nhưng nếu trong nước kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 thì sẽ có rất nhiều người Việt Nam muốn về nước.
"Trong số đó, không ít người có thể đã nhiễm bệnh. Nếu không được kiểm soát tốt sẽ gây quá tải các cơ sở cách ly và năng lực điều trị", ông Đam lưu ý.
Từ đó, ông Đam cho biết, trong thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp; ứng dụng công nghệ thông tin; năng lực xét nghiệm, huy động sự tham gia của người dân để rút ngắn thời gian cần thiết để phát hiện người có nguy cơ lây nhiễm ngay từ khi nhập cảnh, trong khu cách ly và trong cộng đồng.
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, hiện nay, chúng ta đang tích cực tăng cường năng lực xét nghiệm, trong đó có việc nhập thiết bị xét nghiệm nhanh của Hàn Quốc. “Hiện nay, chúng tôi đang cấp tập ngày đêm nhập về. Hy vọng một vài ngày nữa có chúng ta có thể thử rộng”, Phó thủ tướng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.