Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng: Sẽ là thảm họa nếu để xảy ra dịch bệnh sau lũ

10/10/2007 00:04 GMT+7

Chiều qua 9.10, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã vào thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa về công tác khắc phục hậu quả do cơn lũ để lại. * Đường lên hai huyện Mường Lát, Quan Sơn (Thanh Hóa) vẫn ách tắc * Nghệ An: Thêm 4 người chết, 2 người mất tích

Sau khi nghe báo cáo tình hình thiệt hại và những hậu quả mà người dân vùng lũ ở Thanh Hóa đang phải đối mặt, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo: Trước mắt, Thanh Hóa cần tăng cường hơn nữa công tác cứu trợ cho người dân đang sống trong vùng ngập lũ, bảo đảm không để dân bị đói, khát; Khẩn trương huy động tất cả các lực lượng một cách đông đảo, giải quyết tập trung và phải rất nhanh công tác xử lý môi trường, sửa chữa lại trường lớp, bệnh xá để bảo đảm việc khám chữa bệnh cho dân và sớm đưa trẻ đến trường; sẽ là thảm họa nếu Thanh Hóa để xảy ra dịch bệnh phát sinh sau lũ... Cũng trong ngày hôm qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cùng với đoàn công tác của Bộ Y tế đã vào vùng lũ Thanh Hóa, trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh, xử lý môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người dân sau lũ.  Được biết, trong 2 ngày 8 và 9.10, ngành y tế Thanh Hóa chi viện 80 cơ số thuốc phòng chống lụt bão, hơn 1.000 kg bột Cloramin B, 200.000 viên Cloramin B, gần 100 kg phèn chua để xử lý và lọc nước cho người dân các huyện bị ngập lụt. Hiện Công ty Dược - Vật tư y tế đã và đang chuẩn bị  thuốc chữa bệnh nước ăn chân, thuốc nhỏ mắt và các loại thuốc đường tiêu hóa, hô hấp cho tất cả các hộ dân để phòng dịch bệnh... Thanh Hóa cũng đã đề nghị Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng tăng cường khẩn cấp thêm 50 cơ số thuốc PCLB, 2 tấn Cloramin B, 500.000 viên Cloramin B, 2-3 tấn phèn chua, ít nhất 10 máy phun xử lý hóa chất MD150X, 50 túi trang thiết bị y tế cho tuyến xã để phục vụ công tác tiêu trùng khử độc.


Ảnh chụp lúc 2 giờ chiều 9.10 tại xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, Nghệ An - ảnh: Khánh Hoan

Cũng tại Thanh Hóa, dù suốt 3 ngày qua, ngành giao thông đã huy động tối đa các phương tiện máy móc, nhân lực để xử lý các điểm sạt lở, nhưng cho đến chiều qua 9.10, tỉnh lộ 520 đi huyện vùng cao, biên giới Mường Lát vẫn chưa thể thông tuyến vì có quá nhiều điểm bị sạt lở nghiêm trọng trong cơn lũ. Quốc lộ 217 đi Quan Sơn cũng nằm trong tình trạng tương tự; mặc dù đã được thông tuyến vào chiều 8.10, nhưng đến đêm, một tảng đá khoảng 500 tấn đã lăn xuống, chắn ngang trên quốc lộ 217 khiến tuyến độc đạo này bị ách tắc hoàn toàn. Hai huyện vùng cao, biên giới Quan Sơn, Mường Lát vẫn bị cô lập với miền xuôi. Trao đổi với Thanh Niên qua điện thoại, ông Hà Văn Duyệt, Bí thư Huyện ủy Mường Lát cho biết: “Ngay cả tuyến đường từ huyện sang Lào cũng đang bị ách tắc nghiêm trọng. Mường Lát đang bị cô lập hoàn toàn. Tình hình đời sống của người dân đang gặp rất nhiều khó khăn do giá cả leo thang đến chóng mặt. Mường Lát đang rất cần sự chi viện khẩn cấp của cấp trên”.

Cho đến chiều qua 9.10, thông qua UBND tỉnh và Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, các bộ, ngành T.Ư và các tỉnh trong cả nước đã quyên góp, ủng hộ đồng bào vùng lũ ở Thanh Hóa với số tiền trên 3 tỉ đồng, cùng với hàng ngàn thùng mì tôm, lương khô, gạo... (chưa kể các tổ chức, cá nhân đã mang tiền, hàng trực tiếp xuống từng địa phương phát cho dân)...  Trong khi đó, tại Nghệ An, hôm qua 9.10, nhiều xã của các huyện Thanh Chương, Đô Lương, Nam Đàn, vẫn còn chìm sâu trong nước. Riêng ở huyện Thanh Chương, đến chiều tối qua, gần 1.700 nhà dân vẫn bị ngập. Một số xã vẫn còn bị cô lập, nhiều nơi người dân không còn nước sạch để dùng, học sinh vẫn chưa thể đến trường. 

Tính đến chiều qua, Nghệ An có 25 người chết và 5 người mất tích (thêm 4 người chết và 2 người mất tích so với báo cáo của Ban Phòng chống lụt bão tỉnh ngày 8.10).

Ngày 9.10, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư và Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão các tỉnh, thành cho biết, hiện tại các địa phương đang khẩn trương khắc phục hậu quả do bão số 5 và mưa lũ gây ra nhằm ổn định đời sống nhân dân. Tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ cho gia đình có người chết 5 triệu đồng/người, người bị thương 1 triệu đồng/người; và cấp gạo cứu đói cho nhân dân vùng ngập lũ trong 3 tháng, mỗi tháng 10 kg/người đồng thời cung cấp 257.500 gói mì tôm, 5 tấn lương khô cho các huyện Thạch Thành, Vĩnh Lộc, Bá Thước, Thọ Xuân, Cẩm Thủy. 

UBND tỉnh Nghệ An đã cấp 1,55 tỉ đồng cho các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tương Dương, Kỳ Sơn, Anh Sơn, Thanh Chương, Con Cuông để khắc phục hậu quả bão lũ. Quân khu IV đã dùng máy bay trực thăng chuyển 2 tấn mì tôm, 2 tấn gạo đến với đồng bào vùng lũ huyện Quế Phong. Lực lượng đang tiến hành giải phóng các đường bị đất sạt, bùn lấp và đã cơ bản thông xe được các tuyến quốc lộ 7, quốc lộ 48...

Trong khi đó, UBND tỉnh Hòa Bình đã xuất 10 tỉ đồng từ nguồn dự trữ của địa phương để khôi phục các công trình hạ tầng cơ sở. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh ủng hộ 1 tỉ đồng cho các các gia đình có người chết, người bị thương, hộ gia đình phải di dời, mất nhà cửa. UBND tỉnh cũng chỉ đạo các huyện ứng trước cho các gia đình có người chết 2 triệu đồng/người, mỗi người bị thương 1,5 triệu đồng.

UBND tỉnh Sơn La quyết định trích trên 6,7 tỉ đồng để hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, từng bước ổn định đời sống. Cụ thể, hỗ trợ gia đình có người bị chết 2 triệu đồng/người, người bị thương 1 triệu đồng/người, 120 gia đình có nhà bị trôi mỗi gia đình 6 triệu đồng, 1.353 hộ có nhà bị hư hỏng nặng mỗi hộ 3 triệu đồng, hỗ trợ công cụ sản xuất cho 1.437 hộ dân với tổng số tiền là 736,5 triệu đồng. UBND tỉnh cũng hỗ trợ lương thực cho 7.365 nhân khẩu có nhà và tài sản bị trôi trong 2 tháng (12 kg/khẩu)...

Quang Duẩn 

   Cao Ngọ - Ngọc Minh - Khánh Hoan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.