'Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội không phải là người phát ngôn của chúng tôi'

Lê Quân
Lê Quân
17/06/2020 17:37 GMT+7

Sau khi lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng Công ty JVE đã từ bỏ việc xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch, doanh nghiệp này đã lên tiếng phản đối và khẳng định vẫn tiếp tục thực hiện công việc.

Chưa bao giờ từ bỏ xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch

Tại cuộc họp ngày 16.6 của Thành ủy Hà Nội, trả lời báo chí, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho hay, từ tháng 11.2019, TP.Hà Nội đã họp và yêu cầu Công ty CP đầu tư môi trường Nhật Việt (Công ty JVE - đơn vị thí điểm công nghệ nano làm sạch một đoạn sông Tô Lịch, Hà Nội) báo cáo rõ kết quả thí nghiệm, các văn bản pháp lý liên quan đến công ty và công nghệ xử lý.
Sở Xây dựng Hà Nội sau đó yêu cầu Công ty JVE cung cấp các tài liệu theo chỉ đạo của thành phố, nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được và Công ty JVE không liên hệ lại nên hiểu rằng là công ty đã từ bỏ việc xử lý nước ô nhiễm trên sông Tô Lịch.
Phản ứng về việc này, Công ty JVE đã có văn bản mang nội dung khẳng định chưa bao giờ tuyên bố từ bỏ xử lý ô nhiễm, cải tạo dòng sông này.
“Trước thông tin ông Hoàng Cao Thắng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội nói rằng "JVE đã từ bỏ việc xử lý sông Tô Lịch", JVE xin khẳng định đó là phát ngôn sai sự thật. Thật sự là chúng tôi không hề muốn "tranh cãi" qua lại, nhưng vì để rộng đường dư luận nên chúng tôi buộc phải lên tiếng. JVE chúng tôi chưa từng có phát ngôn hay có công văn nào nói rằng chúng tôi từ bỏ việc xử lý ô nhiễm, cải tạo sông Tô Lịch và qua đây chúng tôi khẳng định ông Hoàng văn Thắng không phải là "người phát ngôn" của JVE chúng tôi", văn bản của Công ty JVE nêu rõ.
Công ty JVE cho biết, doanh nghiệp này đang chuẩn bị báo cáo đề án cải tạo tổng thể sông Tô Lịch. Vừa qua, các đơn vị liên quan của Hà Nội đã tiến hành lễ động thổ gói thầu xây dựng hệ thống cống gom nước thải dọc sông Tô Lịch.
Tuy nhiên, hiện nay, sông Tô Lịch có 2 nguồn gây ô nhiễm là nước thải ở bên ngoài và ô nhiễm ở bên trong. Theo đánh giá của chuyên gia Nhật Bản, ngay cả việc khoan cống ngầm thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch thì cũng mới giải quyết được ô nhiễm ở bên ngoài, còn phần bên trong đã và đang bị ô nhiễm thì chưa xử lý được.

Cần có giải pháp tổng thể

Công ty JVE cho rằng, nếu việc xây cống bao thu gom nước thải đó làm trước khi sông Tô Lịch bị ô nhiễm thì có thể chỉ cần thu gom nước thải ở bên ngoài là đã xử lý được ô nhiễm. Tuy nhiên, việc này là chưa đủ vì không tác động xử lý ở bên trong thì không thể hết được ô nhiễm.
Nếu không có giải pháp tương tự như áp dụng công nghệ sục khí nano để phân hủy toàn bộ chất hữu cơ ô nhiễm nổi váng trên bề mặt, phân hủy tầng bùn hữu cơ ở đáy và phân hủy tận gốc các yếu tố gây ra mùi hôi thối bốc lên là các khí độc như H2S, NH3, CH4.

Chuyên gia người Nhật tắm trong nước sông Tô Lịch sau khi được xử lý theo công nghệ nano

Ảnh Lê Quân

Ngoài ra, một số chuyên gia còn lo ngại về việc bổ cập nước cho sông Tô Lịch sau khi đã thu gom hết nước thải.
"Nếu làm như vậy, nước trong sông Tô Lịch sẽ không được lưu thông, thành một "hồ tù" nếu như không có giải pháp sục khí nano để xử lý tận gốc chất ô nhiễm hữu cơ, mùi hôi thối do các khí độc gây ra", Công ty JVE bày tỏ.
Theo Công ty JVE, phía đối tác Nhật Bản đang xây dựng phương án xử lý tổng thể kết hợp cả việc thu gom nước thải bên ngoài bằng cống ngầm hiện nay và giải pháp xử lý triệt để tận gốc ô nhiễm ở bên trong sông Tô Lịch, sau đó sẽ báo cáo lãnh đạo Thành ủy Hà Nội về dự án cải tạo sông Tô Lịch thành một khu tham quan du lịch đẹp và ý nghĩa như dòng suối Cheonggyecheon giữa lòng thủ đô Seoul, Hàn Quốc
Công ty JVE cũng cho hay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các chuyên gia Nhật Bản chưa thể vào Việt Nam và thực hiện các nội dung về cải tạo sông Tô Lịch như đã đề cập. Công ty JVE không có thẩm quyền thay thế phía Nhật Bản để hoàn thành các yêu cầu mà các cơ quan của Hà Nội đưa ra.
Ngày 16.5.2019, dự án tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản được khởi động. Sau khi triển khai dự án, kết quả bước đầu được các chuyên gia đánh giá khả quan.
Tuy nhiên, đến ngày 9.7.2019, thực hiện chủ trương của UBND TP.Hà Nội về thoát nước mùa mưa, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã mở cửa xả nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch do mực nước của hồ Tây đang cao hơn quy định khoảng 25 cm.
Việc tiếp nhận nước từ Hồ Tây khiến hệ toàn bộ hệ vi sinh vật có lợi trong vòng gần 2 tháng trước đó bị cuốn trôi. Để kết quả thí điểm được đảm bảo khách quan, Công ty JVE và đoàn chuyên gia Nhật Bản sẽ thực hiện thí điểm thêm 2 tháng.
Ngày 16.9.2019 là thời gian lấy mẫu đánh giá nước sau 2 tháng, Công ty JVE xin lùi đánh giá kết quả xử lý ô nhiễm nước. Đây cũng là ngày hơn 300 con cá koi, cá chép Việt Nam, cá rô phi và cá mè được thả trực tiếp xuống sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.