Phó chủ tịch Quốc hội: 'Ai mà nói phải bỏ ngay điện than là không tưởng'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
07/09/2020 15:31 GMT+7

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, hiện nay, thậm chí vài thập kỷ tới, điện than vẫn cần thiết, chưa thể giảm được, bỏ điện than sẽ ảnh hưởng tới an ninh năng lượng.

Sáng 7.9, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh giải trình tại Quốc hội về về thực trạng, giải pháp phát triển điện lực tới năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là cơ cấu nguồn điện trong quy hoạch điện 8 (giai đoạn 2021 - 2030) để đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội.
“Xin hỏi bộ trưởng, quan điểm của bộ trưởng về điện than thế nào trong giai đoạn tới? Điện than có vị trí thế nào trong sơ đồ điện 8 mà Chính phủ đang xây dựng?”, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi.
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) thì đề nghị Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết liệu có chiến lược rút lui cho điện than hay không và chuyển đổi kinh tế của các địa phương, khu vực phụ thuộc vào điện than như thế nào?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, quy hoạch điện 7 và quy hoạch điện 7 hiệu chỉnh còn nhiều hạn chế, dẫn đến tình trạng một số địa phương thời gian qua từ chối xây dựng các dự án điện than.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giải trình tại Quốc hội

Ảnh Ngọc Thắng

Theo ông Tuấn Anh, hiện quy hoạch điện 8 vẫn chưa được xây dựng xong nên chưa thể có con số tuyệt đối về cơ cấu từng nguồn điện, trong đó có điện than.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Công thương khẳng định, điện than sẽ tiếp tục có vai trò, song sẽ không có câu chuyện bổ sung ồ ạt các điện than mới, mà chỉ "tiếp thu" dự án đã được thẩm định trong sơ đồ cũ.
Cũng theo ông Tuấn Anh, theo tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, quy hoạch điện 8 sẽ tập trung cho nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện khí,... còn điện than sẽ được quản lý một cách chặt chẽ. “Điện than chắc chắn còn vai trò nhưng sẽ giảm nhiều so với quy hoạch điện 7”, Bộ trưởng Công thương nhấn mạnh.

Không có thị trường cạnh tranh sẽ ảnh hưởng tới an ninh năng lượng

Phát biểu chỉ đạo tại phiên giải trình, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định mặc dù kết quả đạt được là tích cực, tốc độ tăng trưởng của ngành năng lượng luôn gấp từ 1,5 đến 2 lần so với tăng trưởng kinh tế của đất nước, song vấn đề an ninh năng lượng của chúng ta vẫn đang là những thách thức lớn cần vượt qua.
"Có thể khẳng định chúng ta không đạt các mục tiêu theo quy hoạch điện 7 điều chỉnh", ông Hiển nói, và cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: từ giải phóng mặt bằng các dự án, thiếu vốn, không bố trí được nguồn vốn sau khi Chính phủ không còn bảo lãnh; do một số địa phương không ủng hộ các dự án điện than.
"Trước đây, địa phương nào cũng đề nghị điện than, sau đó lại không ủng hộ, nay thì rất nhiều địa phương đề nghị điện khí, điện mặt trời, điện gió,… rất mang tính phong trào", ông Hiển dẫn thực tế, và nhấn mạnh mục tiêu trong thời gian tới là đảm bảo an ninh năng lượng, "không để bị động vì thiếu năng lượng".
Để đảm bảo mục tiêu này, Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng phát triển năng lượng là sự phát triển tổng thể, phải đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với sự phát triển của cả nước, của các ngành, các lĩnh vực, là bao trùm, là cốt lõi, là đi trước. Cương quyết không để lợi ích cục bộ của bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chi phối. Đây là điều phải hết sức lưu ý. Cơ cấu điện phải hợp lý: giữa nhiệt điện, thủy điện, điện tái tạo…
"Trong điều kiện hiện nay và thậm chí trong một vài thập kỷ tới, vai trò của điện than vẫn cần thiết, chưa thể tiết giảm được đâu. Ai mà nói là phải bỏ ngay điện than, tôi nói đó là không tưởng mà sẽ ảnh hưởng tới an ninh năng lượng. Cho nên, trong sơ đồ điện 8, phải tính hệ số tỷ lệ điện than hợp lý", ông Hiển khẳng định, và lưu ý việc thay thế điện tái tạo là cần thiết nhưng cũng phải đồng bộ.
Bên cạnh đó, ông Hiển cho rằng, phải đổi mới tư duy, thực hiện các nguyên tắc của cơ chế thị trường: quan hệ cung cầu, cạnh tranh, giá trị - giá cả, hiệu quả nhưng cũng phải đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa: điều tiết, an sinh, phúc lợi xã hội, vùng xâu vùng xa…
"Thực hiện cơ chế thị trường để có cạnh tranh thì mới có điều kiện hạ giá thành, giá bán điện, mới có nguồn lực để đầu tư về điện. Nếu không thực hiện cơ chế thị trường, nặng bao cấp thì báo cáo đồng chí sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Khi đã thiếu điện thì người cung cấp cũng khốn khổ mà người thụ hưởng càng khốn khổ hơn", ông Hiển khẳng định và cho biết, nếu không có thị trường cạnh tranh thì cũng là nguy cơ trực tiếp ảnh hưởng đến an ninh năng lượng..
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.