Phó ban Nội chính T.Ư nói về 5 cấp độ xử lý án tham nhũng 'khó'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
09/12/2020 18:33 GMT+7

Phó trưởng ban thường trực Ban Nội chính T.Ư Võ Văn Dũng cho biết, để đẩy nhanh tiến độ các vụ việc, vụ án, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, Ban Chỉ đạo đề ra cơ chế phối hợp ở 5 cấp độ.

Chiều 9.12, thông tin kết quả công tác phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn vừa qua tại cuộc họp báo về hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng từ 2013 - 2020, ông Võ Văn Dũng, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Nội chính T.Ư, cho biết kết quả phòng, chống tham nhũng đạt được trong nhiệm kỳ này, ngoài nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, của Đảng, Nhà nước, của T.Ư, địa phương, thì vai trò của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) do Tổng bí thư làm Trưởng ban là cực kỳ quan trọng.
Theo ông Dũng, Ban Chỉ đạo vừa là cơ quan tham mưu trọng yếu của Đảng về phòng, chống tham nhũng, đồng thời là thiết chế trung tâm chỉ đạo, điều hoà, phối hợp tạo sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cơ quan, kể cả lập pháp, hành pháp, tư pháp với các cơ quan tham mưu nội chính của Đảng, kiểm tra của Đảng.

5 cấp độ xử lý 

Đối với giải quyết các vụ án, vụ việc cụ thể, trong quá trình hoạt động, Ban Chỉ đạo rút kinh nghiệm và xây dựng được cơ chế phối hợp rất hiệu quả.
Cụ thể, theo ông Dũng, để đẩy nhanh tiến độ các vụ việc vụ án, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án thì Ban Chỉ đạo đề ra cơ chế phối hợp, gọi là cơ chế phối hợp 5 cấp độ.
“Trong quá trình giải quyết các vụ việc vụ án có nhiều vướng mắc, khó khăn đặt ra, có thể là chứng cứ, xác định tội danh… theo luật hiện hành thì các cơ quan tiến hành tố tụng làm theo luật. Nhưng nếu không có cơ chế phối hợp chặt chẽ thì sẽ kéo dài, do nhận thức giữa các cơ quan tố tụng khác nhau”, ông Dũng nói và cho hay, cơ chế phối hợp 5 cấp độ đã giúp giải quyết những vướng mắc này.
Theo đó, “cấp độ 1”, nếu các vụ việc, vụ án vụ án đang được cơ quan tố tụng nào đó xử lý mà có khó khăn vướng mắc thì thủ trưởng của ngành đó chủ trì cuộc họp liên ngành mời các cơ quan khác. Chẳng hạn vụ án đang điều tra thì thủ trưởng cơ quan điều tra tổ chức một liên ngành mời cả VKSND, TAND và lãnh đạo Ban Nội chính T.Ư dự để trao đổi, tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Nếu vụ án, vụ việc đó nằm ở giai đoạn truy tố thì VKSND chủ trì, trong giai đoạn xét xử thì TAND chủ trì.
Nếu các cơ quan này chủ trì mà chưa thống nhất được để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thì Trưởng ban Nội chính T.Ư chủ trì họp liên ngành để bàn tháo gỡ khó khăn.
“Nếu Trưởng ban Nội chính T.Ư chủ trì họp liên ngành mà vẫn chưa thống nhất được để xử lý vụ án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật thì chuyển lên cấp độ 2 là Thường trực Ban Bí thư, Phó trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp liên ngành”, ông Dũng thông tin.
Nếu cấp độ 2 chưa xong thì làm “cấp độ 3” là họp tập thể thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư gồm Tổng bí thư, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Nội chính T.Ư, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra T.Ư, Phó chủ tịch Quốc hội.
Nếu họp cấp độ 3 chưa xong, chưa thống nhất thì họp toàn thể Ban Chỉ đạo để giải quyết những khó khăn, vướng mắc giải quyết vụ án, vụ việc. Đây là cấp độ 4, nếu tập thể Ban Chỉ đạo chưa thống nhất xong thì họp Ban Bí thư, Bộ Chính trị. Đây là cấp độ 5.
"Thời gian qua, với cơ chế đó thì tất cả khó khăn vướng mắc các vụ việc đã được giải quyết”, ông Dũng thông tin.

Không chỉ đạo tội danh cụ thể

Ngoài cơ chế giải quyết theo 5 cấp độ, ông Dũng cũng cho biết, còn nhiều cơ chế khác như cơ chế phối hợp giữa các cục, vụ cơ quan tư pháp, Ban Nội chính T.Ư; chế độ thường xuyên hội ý giữa Thường trực Ban Bí thư, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ, Trưởng ban Nội chính T.Ư để giải quyết những vấn đề. Ngoài ra, còn có cơ chế là thành lập Ban Chỉ đạo về những vụ án, vụ việc cụ thể phức tạp.
Cũng theo ông Dũng, Ban Chỉ đạo không chỉ đạo cụ thể về tội danh trong các vụ án mà đặt ra yêu cầu làm thế nào bảo đảm tiến độ, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không được thiên vị, không được oan sai, cũng không được nhẹ tay mà phải nghiêm minh và đảm bảo được yêu cầu răn đe, cảnh tỉnh.
“Anh không được làm trễ vì làm trễ người dân sẽ suy nghĩ tại sao làm trễ thế này. Ban Chỉ đạo chỉ đạo cái này, giám sát rất chặt chẽ để các cơ quan tố tụng làm theo luật”, ông Dũng nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.