Phía sau 1 tỉ lượt xem

03/01/2020 07:48 GMT+7

Trong năm 2019, video trên các nền tảng trực tuyến của Báo Thanh Niên đã thu hút 1 tỉ lượt xem. Con số này thực sự có ý nghĩa gì?

Với sự phát triển của công nghệ, video trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến. Cách đây hai thập niên, vào lúc thế giới chào đón năm 2000, video trực tuyến là một khái niệm hết sức xa lạ. Các hình thức xem video phổ biến lúc bấy giờ là xem qua truyền hình - kỹ thuật số hoặc analog, xem qua băng đĩa hoặc các file kỹ thuật số trên máy tính.
Vài dịch vụ phát video trên mạng (như dịch vụ Launch Music của Yahoo!) quá hiếm hoi và ít phổ biến nên hầu như không được nhiều người biết.
Thế rồi, những năm tiếp theo đã chứng kiến sự xuất hiện cuộc cách mạng công nghệ, với tốc độ kết nối internet không ngừng tăng, đặc biệt là sự xuất hiện các mạng di động thế hệ 3 và 4, cùng với đó là các phần mềm, các thiết bị cá nhân như smartphone, đã giúp cho việc đẩy video lên mạng (streaming) và xem video trực tuyến trở nên dễ dàng.

Xu hướng áp đảo

Báo cáo Online Video Forecasts 2019 (Dự báo Video Online) của Zenith Media, hãng phân tích số liệu trực tuyến có trụ sở tại Anh, cho biết trong giai đoạn từ 2013 - 2018, thời gian trung bình mỗi người xem video trên toàn cầu tăng 32% mỗi năm. Dự báo năm 2021, mỗi người sẽ dành trung bình 100 phút mỗi ngày để xem video trực tuyến, tăng từ con số 84 phút của năm 2019.
“Sự tiêu thụ video trực tuyến đang tăng nhanh chóng, hiện trung bình mỗi người dành thời gian xem video trực tuyến bằng một nửa thời gian xem truyền hình truyền thống”, Jonathan Barnard, Trưởng bộ phận Dự báo của Zenith, cho biết.
Đại diện Báo Thanh Niên (thứ ba từ trái) cùng các nhà sáng tạo nội dung video nhận nút vàng của YouTube Ảnh: Ngọc Dương

Đại diện Báo Thanh Niên (thứ ba từ trái) cùng các nhà sáng tạo nội dung video nhận nút vàng của YouTube

Ảnh: Ngọc Dương

Thị trường quảng cáo video trực tuyến cũng đang tăng trưởng ngoạn mục. Zenith dự báo doanh thu quảng cáo video trực tuyến toàn cầu sẽ tăng từ 45 tỉ USD trong năm 2019 lên 61 tỉ USD vào năm 2021, cùng thời gian, quảng cáo trên truyền hình truyền thống giảm nhẹ từ 183 tỉ xuống còn 180 tỉ USD.
Có thể nói, từ vị thế “vô danh” vào đầu thiên niên kỷ thứ ba, video trực tuyến như một gã khổng lồ đường đột xuất hiện, không ngừng lớn mạnh trong suốt 20 năm qua và sẽ còn tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Đóng góp vào sự tăng trưởng không ngừng của thị trường video trực tuyến là sự ra đời của hàng loạt nền tảng chia sẻ video nổi bật như YouTube, Facebook, Vimeo, IGTV, TikTok… Các đài truyền hình truyền thống cũng phát triển những nền tảng trực tuyến hoặc đơn giản là dựa vào một nền tảng của bên khác để phân phối nội dung. Các tờ báo giấy truyền thống trong hành trình chuyển đổi số của mình đã coi việc phát triển nội dung video cho các nền tảng trực tuyến là ưu tiên. New York Times, The Guardian, USA Today… đã đầu tư mạnh mẽ vào mảng video trực tuyến. Các nhà sản xuất nội dung độc lập, dưới hình thức cá nhân hoặc nhóm, cũng ngày một đông đảo.

Sức mạnh hiển lộ

Forrester Research, hãng phân tích tiếp thị của Mỹ, tính toán rằng 1 phút video có sức mạnh tương đương 1,8 triệu từ. Socialbakers, công ty tiếp thị mạng xã hội dựa trên công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI), cũng cho biết một video đăng tải trên Facebook trung bình thu hút lượng tiếp cận tự nhiên (organic reach) cao hơn 135% so với một tấm ảnh. Còn theo Hãng phân tích thị trường SmallBizTrends, video trên mạng xã hội có lượt chia sẻ cao hơn 1.200% so với văn bản hoặc ảnh tĩnh.
Người xem có xu hướng xem video giới thiệu sản phẩm trước khi quyết định mua. Tổng hợp trên trang Tech Jury cho thấy 40% người tiêu dùng cho biết video giúp tăng khả năng mua sản phẩm trên thiết bị di động; 79% nói rằng video đã “dụ dỗ” thành công họ mua các ứng dụng di động hoặc phần mềm máy tính. Còn theo Livestream.com, 80% khách hàng chọn xem video thay vì đọc thông tin về nhà sản xuất.
Vì lẽ này mà các doanh nghiệp, nhà quảng cáo… đã sử dụng video làm công cụ marketing chủ lực. Thống kê tại Mỹ cho thấy có tới 87% doanh nghiệp sử dụng video làm phương tiện marketing, tăng từ con số 63% vào năm 2017 và 81% vào năm 2018.

Hướng đi của Báo Thanh Niên

Nắm bắt xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ của thói quen xem video cũng như sự phát triển của công nghệ, Báo Thanh Niên đã phát triển mảng video trực tuyến từ rất sớm. Đây là loại hình mới mẻ, không chỉ đối với Việt Nam mà cả trên thế giới, sự phát triển và thay đổi nhanh chóng của thị trường, công nghệ cũng tạo ra thách thức lớn về xây dựng năng lực và thích nghi, nghiên cứu và phát triển. Bằng chiến lược phù hợp, Thanh Niên đã phát triển đội ngũ am hiểu video trực tuyến, được trang bị công nghệ hiện đại để từ đó thu được nhiều thành công trong lĩnh vực còn nhiều mới mẻ này.
Trong nhiều năm qua, Báo Thanh Niên đã nghiên cứu về hành vi của người xem, nghiên cứu các xu hướng video, từ đó áp dụng vào việc sản xuất nội dung báo chí cũng như video phục vụ kinh doanh. Đến nay, sản phẩm video của Báo Thanh Niên ngày càng trở nên thân thiện với người xem trực tuyến, tạo được dấu ấn riêng.
Hiện video của Báo Thanh Niên được sản xuất tối ưu cho các nền tảng: ví dụ video khung hình ngang trên website Báo Thanh Niên và YouTube, khung hình vuông và dọc trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook. Hướng đi này thu được thành công đáng khích lệ, bằng chứng là lượt xem video không ngừng tăng. Chỉ tính năm 2019, video của Báo Thanh Niên đã đạt 1 tỉ lượt xem trên tất cả các nền tảng.
Báo Thanh Niên hiện đang đầu tư mạnh sản xuất các chương trình có tính sáng tạo cao, như Gương mặt showbiz, Hot Trend, Nói đi ngại gì!. Ê kíp truyền hình cũng được trang bị phương tiện, công nghệ, kỹ năng để thực hiện các chương trình truyền hình trực tuyến phức tạp, với nhiều đầu cầu trong nước và quốc tế.
Song song với công tác nội dung, mảng video trực tuyến trong thời gian qua đã trở thành kênh marketing, quảng bá hiệu quả cho doanh nghiệp, các cá nhân, tổ chức có nhu cầu. Nhiều nhà hàng sau khi quảng bá trên kênh Ngon TV đã chứng kiến lượng khách tăng gấp 4 lần. Mới đây, ông Fabien Lotz, Giám đốc Việt Nam của POPS Worldwide, đã đánh giá: “Báo Thanh Niên đang theo sát khán giả của mình, đặc biệt là người trẻ, những người đang tiêu thụ tin tức trực tiếp trên các nền tảng xã hội”.
Tiếp nối những thành công vừa qua, trong thời gian tới, Báo Thanh Niên sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa mảng video trực tuyến, để có thể phục vụ ngày một tốt hơn công chúng và đối tác, khách hàng.
Báo Thanh Niên hiện có 4 kênh YouTube: Báo Thanh Niên, iHay TV, Ngon TV và Thể Thao 360. Trong đó, kênh Báo Thanh Niên đạt nút vàng với 1,3 triệu lượt đăng ký và đã được trao giải thưởng Kênh tin tức của năm từ POPS Worldwide; 3 kênh còn lại đều đạt nút bạc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.