Phi vụ thâu tóm 145 ha 'đất vàng' ở Bình Dương: Chiêu trò lấy đất

25/10/2019 08:00 GMT+7

Giá trị Công ty Tân Thành từ khoảng 650 tỉ đồng tăng vọt lên đến hơn 5.744 sau phi vụ thâu tóm 145 ha 'đất vàng' thuộc khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương tại thành phố mới Bình Dương.

Như Thanh Niên số ra ngày 24.10 đã đề cập, giá trị Công ty Tân Thành từ khoảng 650 tỉ đồng tăng vọt lên đến hơn 5.744 (tăng thêm khoảng 5.094 tỉ đồng) sau phi vụ thâu tóm 145 ha “đất vàng” thuộc khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương tại thành phố mới Bình Dương (P.Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương).
Khi những dấu hiệu bất thường từ vụ thâu tóm 145 ha “đất vàng” được phanh phui, Tổng công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (gọi tắt là Tổng công ty Bình Dương) có văn bản thông tin gửi các cơ quan báo chí.

Tự định giá tài sản công để góp vốn

Theo văn bản này, 145 ha “đất vàng” trong tổng diện tích khoảng 567 ha thuộc khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương tại thành phố mới Bình Dương (khu liên hợp), Tổng công ty Bình Dương có được từ “vay Ngân hàng TMCP Công thương VN - SGDII và huy động vốn từ việc hợp tác kinh doanh với các đơn vị liên doanh, liên kết” để thực hiện “Hợp đồng đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) đất đai và đầu tư công trình tạo lực”.
Từ sân golf Harmonie có thể nhìn thấy rõ trung tâm hành chính thành phố mới Bình Dương

Từ sân golf Harmonie có thể nhìn thấy rõ trung tâm hành chính thành phố mới Bình Dương

Tổng công ty Bình Dương còn cho rằng 145 ha “đất vàng” không phải là đất công có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, mà khu đất này do tổng công ty đền bù GPMB từ nguồn vốn vay ngân hàng và huy động vốn từ các công ty liên doanh, liên kết.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, nếu tài sản (là đất) dù hình thành từ vốn vay hay huy động vốn, thì bản chất vẫn là tài sản doanh nghiệp nhà nước, bởi lẽ trước năm 2017 - trước thời điểm UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt cổ phần hóa, Tổng công ty Bình Dương là đơn vị kinh tế đảng trực thuộc Tỉnh ủy Bình Dương với 100% vốn nhà nước.
Căn cứ theo luật Đất đai, luật Đấu thầu và luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, thì đối với tài sản doanh nghiệp nhà nước, muốn hợp tác liên doanh thì trước hết phải có quyền sở hữu được pháp luật công nhận; nếu chuyển nhượng phải thông qua thẩm định giá, đấu thầu công khai theo luật định.
Thế nhưng, ngay từ khi chưa có chủ trương liên doanh, chưa được giao đất, Tổng công ty Bình Dương đã lấy đất và tự định giá để góp vốn ký hợp đồng liên doanh với 2 đối tác Hàn Quốc. Và như Thanh Niên đã đề cập, 145 ha “đất vàng” đã “lọt vào tay” Công ty Tân Thành.
Cần nói rõ, trong tỷ lệ vốn góp của Công ty Tân Thành được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung ký cấp giấy chứng nhận đầu tư (thời điểm năm 2011), 2 cổ đông tư nhân chiếm đến 70% là Công ty CP Hưng Vượng (do ông Nguyễn Văn Minh làm Chủ tịch HĐQT, chiếm 38%; ông Minh cũng là Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Bình Dương) và Công ty TNHH Phát Triển (do bà Nguyễn Thục Anh, sinh năm 1982, làm Chủ tịch HĐTV, chiếm 32%; bà Thục Anh là con gái ông Minh).
Vậy, “kịch bản” thâu tóm diện tích đất vàng khổng lồ này được “biến hóa” ra sao?

Tự biên tự diễn

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, 145 ha “đất vàng” trong tổng diện tích khoảng 567 ha thuộc khu liên hợp nói trên, đến năm 2013 UBND tỉnh Bình Dương mới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho Tổng công ty Bình Dương. Thế nhưng, từ 2007, tổng công ty đã tự định giá 6 USD/m2 (tỷ giá quy đổi do các bên ấn định 1 USD = 16.000 VNĐ) để liên doanh với 2 đối tác Hàn Quốc thành lập Công ty Tân Thành; hợp đồng liên doanh có điều khoản quy định “không cổ đông sáng lập nào được phép chuyển nhượng vốn góp trước khi các cổ đông sáng lập hoàn tất việc đóng góp đầy đủ vốn điều lệ là 30 triệu USD”.
Bất ngờ là đến tháng 2.2011, 2 đối tác Hàn Quốc góp vốn tại Công ty Tân Thành chuyển nhượng phần vốn góp cho Công ty CP Hưng Vượng và Công ty TNHH Phát Triển. Mặc dù việc chuyển nhượng này vi phạm quy định của hợp đồng liên doanh, nhưng Tổng công ty Bình Dương không “tuýt còi”, thậm chí đến năm 2016 (khi đất đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ) còn ký thỏa thuận với Công ty Tân Thành để thực hiện dự án “CLB sân golf và khu nghỉ dưỡng Thái Hòa” (khi liên doanh với 2 đối tác Hàn Quốc là thực hiện dự án “CLB sân golf và khu nghỉ dưỡng Đảo Hồ Điệp”).
Trong đó, có thể hiện nội dung giá trị QSDĐ vẫn chỉ 6 USD/m2, tỷ giá quy đổi 1 USD vẫn chỉ 16.000 VNĐ. Như vậy, mức giá mà Tổng công ty Bình Dương tự định đoạt 6 USD/m2 cũng như tỷ giá quy đổi từ USD sang VNĐ trong liên doanh với 2 đối tác Hàn Quốc ở Công ty Tân Thành vào năm 2007 “vẫn được duy trì” sau 9 năm. Người ký thỏa thuận, lúc này về phía Tổng công ty Bình Dương là ông Trần Nguyên Vũ, Tổng giám đốc; về phía Công ty Tân Thành là ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch HĐQT (đồng thời là Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Bình Dương). Tiếp đó, đến tháng 6.2017, hợp đồng góp vốn bằng giá trị QSDĐ được chính thức ký kết giữa 2 bên, và người đại diện mỗi bên ký, vẫn là ông Trần Nguyên Vũ và ông Trần Văn Minh.

Nhà Nước thiệt hại ra sao?

Như đã phân tích, 145 ha “đất vàng” (nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, thời hạn sử dụng đến 2056) của Tổng công ty Bình Dương bản chất là tài sản doanh nghiệp nhà nước. Khi góp vốn bằng giá trị QSDĐ “sang tay” tại Công ty Tân Thành lần 1 vào năm 2007 và lần 2 vào năm 2017, Tổng công ty Bình Dương vẫn “tự ấn định xuyên suốt” chỉ với giá 6 USD/m2, quy đổi tỷ giá 1 USD vẫn 16.000 VNĐ (96.000 đồng/m2).
Trong khi trước đó vào năm 2016, UBND tỉnh Bình Dương ban hành bảng giá đất, thì tại khu vực này có giá từ 2,45 - 19,66 triệu đồng/m2 tùy từng vị trí. Và theo khảo sát của PV Thanh Niên vào thời điểm giữa tháng 10.2019, giá đất khu vực này đã lên đến trên dưới 40 triệu đồng/m2.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 của Tổng công ty Bình Dương thể hiện đang đầu tư hơn 196 tỉ đồng, chiếm 30% giá trị vốn điều lệ tại Công ty Tân Thành. Như vậy, giá trị Công ty Tân Thành tương đương khoảng 650 tỉ đồng (khi chưa được ký hợp đồng góp vốn bằng giá trị QSDĐ 145 ha “đất vàng” từ Tổng công ty Bình Dương). Tuy nhiên, tại Văn bản giải trình số 76/TCTY-TGĐ ngày 25.7.2019 do ông Trần Nguyên Vũ ký gửi Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội thể hiện giá trị của Công ty Tân Thành thời điểm tháng 10.2018 hơn 5.744 tỉ đồng (tăng vọt thêm khoảng 5.094 tỉ đồng, thời điểm này đã nhận vốn góp bằng QSDĐ 145 ha “đất vàng” của Tổng công ty Bình Dương).
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, dự án “CLB sân golf và khu nghỉ dưỡng Thái Hòa” trên diện tích 145 ha “đất vàng” mà Tổng công ty Bình Dương ký hợp đồng góp vốn bằng giá trị QSDĐ, có 2 mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch và Trần Ngọc Lên (P.Hòa Phú), nay là sân golf Harmonie đang hoạt động, được giới thiệu là “một thiên đường lý tưởng cho hội viên và các golfers ở các cấp độ khác nhau đến thử sức”, do Công ty Tân Thành quản lý và khai thác. Trụ sở của Công ty Tân Thành cũng đặt tại đây, số 469 Trần Ngọc Lên, P.Hòa Phú (TP.Thủ Dầu Một).
Những dấu hiệu quá bất thường như thế, Tỉnh ủy Bình Dương có biết?

Kiểm toán không đánh giá được

Một diễn biến rất đáng chú ý, là trong thời kỳ kế toán 1.11 - 31.12.2018, Tổng công ty Bình Dương đã phải chi 964 tỉ đồng mua lại hơn 9 triệu cổ phần (tương ứng 19% vốn điều lệ Công ty Tân Thành), đơn giá mua 105.737 đồng/cổ phiếu. Về vấn đề này, khi kiểm toán Tổng công ty Bình Dương, ý kiến của đơn vị kiểm toán nêu: “Tổng công ty đã thực hiện ký kết các hợp đồng chuyển nhượng cổ phần để mua lại tương ứng 19% vốn điều lệ của Công ty Tân Thành với giá mua được căn cứ giá trị tài sản thuần xác định theo chứng thư thẩm định giá. Bằng các thủ tục kiểm toán đã thực hiện, chúng tôi không thể đánh giá sự phù hợp của giao dịch này. Do đó, chúng tôi không đánh giá được ảnh hưởng vấn đề này đến báo cáo tài chính riêng đính kèm”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.