Phạt vi phạm giao thông, không chỉ tăng nặng với 'ma men' lái xe

12/01/2020 04:52 GMT+7

Nghị định 100/2019, ngoài quy định nghiêm cấm và tăng mức phạt tiền đối với người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn , còn rất nhiều vi phạm khác đều tăng mức phạt tiền so với quy định cũ.

Điển hình, cùng với nồng độ cồn, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt tăng mức xử phạt đối với tài xế ô tô hoặc xe máy điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy. Cụ thể, người lái ô tô sẽ bị phạt từ 30 - 40 triệu đồng, người lái xe máy sẽ bị phạt từ 6 - 8 triệu đồng; đồng thời cả 2 trường hợp này tài xế đều bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) từ 22 - 24 tháng. Trong khi đó, mức phạt cũ được xác định là 16 - 18 triệu đồng đối với ô tô, còn xe máy là 3 - 4 triệu đồng.
Trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, chất ma túy của người thi hành công vụ, người lái ô tô bị phạt từ 30 - 40 triệu đồng, người lái xe máy sẽ bị xử phạt từ 6 - 8 triệu đồng. Đồng thời, cả hai trường hợp trên đều bị tước GPLX từ 22 - 24 tháng.

Uống nửa lon bia, tài xế choáng váng vì bị CSGT tước bằng lái 11 tháng

Mua bán xe không sang tên, đổi chủ bị phạt tiền triệu

Đối với trường hợp mua bán, tặng cho, thừa kế... mô tô, xe máy, xe tương tự xe mô tô nhưng không làm thủ tục đăng ký sang tên, đổi lại giấy đăng ký xe thì chủ xe là cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng, còn chủ xe là tổ chức sẽ bị phạt từ 800.000 - 1,2 triệu đồng.
Đối với ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô, nếu chủ xe không làm thủ tục đổi lại Giấy đăng ký xe theo quy định khi xe đã được cải tạo hoặc khi thay đổi địa chỉ của chủ xe, thì sẽ bị phạt tiền từ 2 - 4 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 - 8 triệu đồng đối với tổ chức là chủ phương tiện.
Tuy nhiên, luật quy định không phải mọi trường hợp vi phạm nêu trên đều bị phạt. Theo khoản 10 điều 80 Nghị định 100/2019, xe không chính chủ chỉ bị phạt thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông; qua công tác đăng ký xe.

Nghị định 100/2019 có “chỏi” luật Giao thông đường bộ?

Khi Nghị định 100/2019 được ban hành và có hiệu lực, trong đó quy định mới về xử phạt lái xe uống rượu, bia, rất nhiều người băn khoăn phải chăng nghị định này đang “chỏi” với luật Giao thông đường bộ. Bởi khoản 8, điều 8 luật Giao thông đường bộ 2008 quy định nghiêm cấm điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở, trong khi Nghị định 100/2019 lại quy định có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam đã bị xử phạt.
Về việc này, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho biết quy định về nồng độ cồn tại luật Giao thông đường bộ đã được sửa đổi bởi luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia nhưng không nhiều người biết. Cụ thể, khoản 8, điều 8 luật Giao thông đường bộ được sửa đổi, bổ sung trong khoản 1, điều 35 luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, thành “nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Vì vậy, Nghị định 100/2019 không hề mâu thuẫn với luật Giao thông đường bộ.   
Phan Thương
Vừa chạy xe vừa nghe điện thoại: “treo bằng lái” 1 - 3 tháng Tương tự, trường hợp dùng điện thoại, tai nghe khi lái xe máy có thể bị phạt từ 600.000 đồng - 2 triệu đồng, bị tước bằng từ 1 - 3 tháng, trong khi mức phạt cũ chỉ từ 100.000 - 200.000 đồng. Mức phạt hành vi tương tự với tài xế ô tô là 1 - 2 triệu đồng (mức phạt cũ từ 600.000 - 800.000 đồng).
Trường hợp tài xế không thắt dây an toàn, chở người trên ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy thì mức phạt từ 800.000 - 1 triệu đồng (mức phạt cũ từ 100.000 - 200.000 đồng)...
Trường hợp lái xe không chấp hành hiệu lệnh CSGT, với ô tô sẽ bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng, bị tước bằng lái 1 - 3 tháng (mức phạt cũ 1,2 - 2 triệu đồng), xe máy bị phạt từ 600.000 - 1 triệu đồng (mức phạt cũ từ 300.000 - 400.000 đồng).

Uống 3 chai bia bị CSGT xử phạt, giam xe ngay ngày đầu năm 2020

Không tham gia cứu người bị nạn bị phạt 16 - 18 triệu đồng

So với Nghị định 46/2016 (quy định cũ), tài xế ô tô vượt đèn vàng, đèn đỏ chỉ bị phạt 1,2 - 2 triệu đồng, thì Nghị định 100/2019 tăng lên 3 - 5 triệu đồng, bị tước bằng lái từ 1 - 3 tháng. Đối với xe máy, khi vượt đèn đỏ sẽ bị phạt 600.000 - 1 triệu đồng, tước bằng từ 1 - 3 tháng (mức phạt cũ 300.000 - 400.000 đồng). Lái xe máy đi ngược chiều bị phạt từ 1 - 2 triệu đồng (mức phạt cũ 300.000 - 400.000 đồng), ô tô bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng (mức phạt cũ 800.000 đồng - 1,2 triệu đồng).
Đặc biệt, ô tô nếu đi ngược chiều trên đường cao tốc, lùi xe trên đường cao tốc, gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cứu người bị nạn sẽ bị phạt từ 16 - 18 triệu đồng. Trường hợp tài xế gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cứu người bị nạn thì bị phạt 6 - 8 triệu đồng.

CSGT mật phục trước quán, hàng loạt dân nhậu bị tước bằng lái 2 năm

Phạt cao để đánh vào ý thức người tham gia giao thông

Thượng tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC08) Công an TP.HCM, cho rằng việc Nghị định 100/2019 tăng cao mức xử phạt với nhiều hành vi vi phạm giao thông là nhằm để mọi người nâng cao ý thức an toàn khi tham gia giao thông, qua đó tự bảo vệ mình và người khác. Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, nói: “Việc tăng mức xử phạt là phù hợp, đánh vào tâm lý “mất tiền thì tiếc” của người dân để họ ý thức hơn khi tham gia giao thông”.
Phân tích thêm về hành vi vi phạm của người tham gia giao thông, thượng tá Huỳnh Trung Phong cho biết năm 2019 tại TP.HCM xảy ra 3.407 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 634 người tử vong, 2.406 người bị thương. So với năm 2018, tai nạn giao thông giảm 213 vụ, số người tử vong giảm 78 người và bị thương giảm 67 người. Năm 2019, PC08 đã phát hiện, xử lý 290.721 trường hợp vi phạm; ra quyết định xử phạt 161.084 trường hợp, nộp kho bạc nhà nước hơn 101 tỉ đồng, tước quyền sử dụng GPLX 50.643 trường hợp, tạm giữ 27.868 phương tiện.
Nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn chủ yếu do ý thức người dân; chủ quan không tuân thủ các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông trên đường. Một số lỗi vi phạm phổ biến như: lưu thông không đúng phần đường (chiếm 13%), không chú ý quan sát (chiếm 13%), xử lý tay lái kém (chiếm 8%), chuyển hướng không đúng quy định (chiếm 6%), vi phạm quy định về nồng độ cồn (chiếm 2%), tránh vượt không đúng quy định (chiếm 3%)... Đối tượng gây tai nạn chủ yếu xe máy (chiếm 71%).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.