Phạt nguội liệu có tiếp tục nguội?

02/06/2019 06:17 GMT+7

Từ ngày 1.6, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) sẽ chính thức mở rộng việc xử lý vi phạm hành chính qua hình ảnh (phạt nguội) đến các đội, trạm CSGT thuộc PC08.

Đóng phạt quá thấp

Theo PC08 từ đầu năm 2019 đến nay, đơn vị này đã ghi hình, ra thông báo phạt nguội 29.000 phương tiện vi phạm luật giao thông (vi phạm) nhưng chỉ có 5.000 trường hợp đóng phạt.
Trong năm 2018, TP.HCM có 58.955 trường hợp vi phạm qua hình ảnh nhưng chỉ khoảng 20% trong số đó chấp hành nộp phạt với số tiền khoảng 10 tỉ đồng. Còn lại 80% (tương đương 40 tỉ đồng) thì người vi phạm vẫn chưa đóng. Từ ngày 16.11.2016 - 25.4.2017, PC08 đã ghi hình, ra thông báo 20.065 trường hợp vi phạm, nhưng chỉ có 7.124 trường hợp đến đóng phạt.
Tuy nhiên, những con số nói trên cho thấy, người chấp hành phạt nguội còn rất thấp. Đại úy Trần Minh Thức, Phó đội trưởng Đội Chỉ huy và điều khiển đèn tín hiệu giao thông (thuộc PC08 TP.HCM), cho biết khó khăn trong xử lý vi phạm qua hình ảnh là: hệ thống giám sát hiện tại chỉ tập trung ở những khu vực trọng điểm, chưa rộng khắp trên địa bàn TP; nhiều người dân không chấp hành phạt nguội; giấy thông báo phạt nguội không đến được tay chủ phương tiện vi phạm (vì chuyển nơi ở...)…
Trung tá Nguyễn Văn Bình, Đội trưởng Đội Tham mưu PC08, cho rằng tỷ lệ người dân chấp hành nộp phạt thấp như vậy lực lượng CSGT phải xem lại việc gửi thông báo vi phạm có bị vướng mắc gì không, có đến tận tay chủ phương tiện hay không? Cần có sự phối hợp hơn nữa giữa chủ phương tiện và CSGT...
Theo ông Bình, lâu nay phạt nguội do Đội Chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông phụ trách. Những hình ảnh vi phạm được ghi hình bằng camera cầm tay, trích xuất từ camera trong hầm sông Sài Gòn. Còn camera tại các giao lộ chất lượng hình ảnh chưa thật sự tốt, nên chủ yếu để quan sát, nắm bắt tình hình giao thông chứ chưa trích xuất được biển số xe để phạt nguội.

“Việc mở rộng phạt nguội đến 16 đội, trạm thuộc PC08 TP.HCM, thì tài xế sẽ không biết CSGT đứng đâu ghi hình mình. Ngoài ra, PC08 cũng thành lập tổ chuyên đề 414 để tra cứu tất cả các phương tiện lưu thông trên đường có vi phạm qua hình ảnh chưa nộp phạt để CSGT sẽ dừng xe công bố lỗi vi phạm, lập biên bản”, trung tá Bình nói.

Theo đại úy Thức, tùy tình hình tại các địa bàn và thời điểm mà mỗi đội, trạm sẽ ghi hình công khai hoặc hóa trang, mật phục ghi hình.

Cần có quy định cụ thể

Đại tá Trần Sơn, nguyên Phó trưởng phòng Hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông (Cục CSGT - Bộ Công an), cho rằng việc xử phạt nguội còn nhiều vướng mắc. Nhiều trường hợp chuyển nhượng phương tiện nhưng không sang tên chủ sở hữu, khi có vi phạm xảy ra thì thông báo vi phạm được gửi đến chủ cũ.
Đại tá Trần Sơn cho rằng để gỡ vướng mắc phải có quy định bắt buộc công dân khi cho tặng, mua bán xe cần thông báo cho cơ quan chức năng để quản lý. Các cơ quan chức năng phải có cơ sở dữ liệu liên kết với nhau để phối hợp trong xử lý về phạt nguội.
Theo luật sư Nguyễn Thị Minh Trang (thuộc Đoàn luật sư TP.HCM), điều 78, luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về thủ tục nộp tiền phạt trong thời hạn 10 ngày, nếu quá thời hạn nộp tiền phạt (10 ngày) mà cá nhân, tổ chức vi phạm không nộp phạt, đồng thời không có đơn đề nghị hoãn nộp tiền phạt sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp theo khoản 1, điều 78, luật Xử lý vi phạm hành chính.
Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có văn bản đề nghị không kiểm định phương tiện vi phạm hoặc phương tiện vi phạm bị cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định thì cá nhân, tổ chức là chủ phương tiện vi phạm bị đề nghị, cảnh báo sẽ không được kiểm định theo căn cứ khoản 6, điều 4 Thông tư 70/2015/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Luật sư Trang phân tích, hiện nay luật chưa quy định cụ thể về cách thức xử lý, cưỡng chế, nộp phạt đối với trường hợp bị phạt nguội nên vẫn còn nhiều bất cập trong xử lý phạt nguội. Những quy định hiện nay vẫn còn mang tính chung chung, chưa chặt chẽ và chưa rõ ràng dễ dẫn đến nhiều người vi phạm chây ì không chịu đến cơ quan chức năng nộp phạt.
 

Phạt nguội ở Đà Nẵng đạt hơn 90%

Theo Phòng CSGT - Công an TP.Đà Nẵng, từ 16.12.2018 -28.5.2019, hệ thống camera giám sát giao thông của TP.Đà Nẵng phát hiện 4.585 trường hợp vi phạm. Tính đến hết tháng 5, Phòng CSGT đã lập biên bản vi phạm hành chính 5.521 trường hợp, chuyển kho bạc gần 7,5 tỉ đồng, tước GPLX có thời hạn 728 trường hợp (việc lập biên bản từ đầu năm đến nay nhiều hơn số trường hợp phát hiện là do nhiều trường hợp vi phạm năm 2018, qua năm 2019 mới đến giải quyết).
Theo thống kê, số lượng người vi phạm tự giác đến giải quyết các lỗi phạt nguội đạt hơn 90%, là nhờ TP.Đà Nẵng đã trang bị nhiều kênh, phương tiện để người tham gia giao thông tra cứu thuận tiện để biết lỗi phạt nguội. Các trường hợp không đến giải quyết đều được lực lượng cảnh sát, thanh tra giao thông chuyển cho đăng kiểm và công khai trên hệ thống, nếu chưa giải quyết lỗi phạt nguội thì bị từ chối đăng kiểm.
Từ ngày 1.3, Công an tỉnh Quảng Ninh triển khai hệ thống phạt nguội thông qua hệ thống camera giám sát được lắp đặt trên QL18 đoạn qua ngã tư Mạo Khê, ngã sáu Đức Chính, TX.Đông Triều và khu vực bến xe trung tâm TP.Móng Cái.
Theo đó, từ ngày 1.3 - 30.5, thông qua hệ thống camera giám sát tại 3 nút giao thông nói trên, CSGT Công an tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện, xử lý 541 trường hợp vi phạm. Trong đó, gửi thông báo vi phạm đến 367 chủ phương tiện vi phạm trật tự ATGT, lập biên bản 32 trường hợp, xử lý trực tiếp tại hiện trường 142 trường hợp, tổng tiền phạt gần 300 triệu đồng.
Nguyễn Tú - Lã Nghĩa Hiếu - Minh Hải

Cục CSGT áp dụng phần mềm tra cứu xe vi phạm

Thông tin từ Bộ Công an cho biết, mới đây, Cục CSGT phối hợp với Tổng cục Đường bộ VN và các đơn vị liên quan xây dựng phần mềm nhằm thông báo, chia sẻ thông tin về giấy phép lái xe (GPLX), phương tiện vi phạm trật tự, ATGT được phát hiện qua hệ thống giám sát... Phần mềm này được tích hợp trên trang thông tin điện tử của Cục CSGT.
Cụ thể, lực lượng CSGT sẽ chia sẻ thông tin dữ liệu về các trường hợp GPLX đang bị tước và tạm giữ quá thời hạn (trường hợp không đến chấp hành quyết định xử phạt) tại cơ quan CSGT để Tổng cục Đường bộ VN tra cứu thông tin, phục vụ công tác cấp đổi GPLX; đồng thời Tổng cục Đường bộ VN cũng chia sẻ dữ liệu quản lý GPLX cho lực lượng CSGT để phục vụ công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm.
Về các phương tiện vi phạm được phát hiện qua hệ thống camera giám sát giao thông trong toàn quốc, hệ thống sẽ cung cấp thông tin biển số xe, thời gian, địa điểm phát hiện vi phạm và địa chỉ, số điện thoại để liên hệ xử lý giải quyết tại các đơn vị phát hiện vi phạm. Qua đó, người dân có thể dễ dàng tra cứu thông tin xe của mình có nằm trong danh sách xe vi phạm hay không.
Tính đến nay, CSGT các địa phương đã nhập vào hệ thống hơn 3.000 trường hợp GPLX bị tước, tạm giữ; 290 phương tiện vi phạm được ghi nhận qua hệ thống giám sát. Phần mềm đã hoàn thành và đang được cho chạy thử nghiệm, dự kiến sẽ được chính thức đưa vào hoạt động từ đầu tháng 6 này.
Theo trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT, phần mềm này rất tiện lợi cho việc tuần tra kiểm soát của lực lượng CSGT. Thông qua đó, lực lượng CSGT nắm được người điều khiển phương tiện đó có GPLX như thế nào, thật hay giả...
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, cho biết tổng cục sẽ cập nhật tất cả những dữ liệu của một lái xe từ khi bắt đầu học lấy GPLX đến khi ra hành nghề lái xe. Nếu lái xe vi phạm uống rượu, sử dụng ma túy... đều được cập nhật qua hệ thống.
Trần Cường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.