Phạt hành chính các tổ chức, cá nhân không phối hợp chống dịch sốt xuất huyết

Liên Châu
Liên Châu
21/09/2020 09:17 GMT+7

Theo Bộ Y tế , số mắc sốt xuất huyết hiện giảm 65,6% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, số mắc đang gia tăng trong các tuần gần đây, có thể thêm ca tử vong.

Sáng nay, 21.9, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch bệnh và an toàn tiêm chủng, kết nối các điểm cầu đến tuyến huyện. Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì.

Tử vong do sốt xuất huyết cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm lưu hành

Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 65.046 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 7 ca tử vong (Hà Nội 2 ca, Bình Định 2 ca, Tây Ninh 2 ca và Bình Phước 1 ca). So với cùng kỳ năm 2019 (189.185 mắc/39 ca tử vong), số mắc giảm 65,6%, tử vong giảm 32 trường hợp (giảm 82%).
Tỷ lệ mắc/tử vong do sốt xuất huyết của cả nước 9 tháng từ đầu năm 2020 đến nay là 0,01%, thấp nhất trong 10 năm qua, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực (Philippines 0,36%; Malaysia 0,16%; Lào 0,22%).
Các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, hiện đều ghi nhận lưu hành thường xuyên sốt xuất huyết với số mắc và tử vong hàng đầu trong số các bệnh truyền nhiễm lưu hành.
"Tuy số mắc năm nay được ghi nhận thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019 và các năm trước đây nhưng luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch trong các tháng cuối năm, do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển; mùa mưa là điều kiện thuận lợi cho muỗi đẻ trứng và lăng quăng (bọ gậy) phát triển mạnh’’, ông Tấn cảnh báo.
Dự báo thời gian tới tiếp tục gia tăng các ca mắc sốt xuất huyết và có thể có tử vong, do đang vào thời điểm thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh phát triển theo diễn biến dịch tễ hàng năm, các chuyên gia lưu ý một số yếu tố có thể khiến sốt xuất huyết tăng cao như: tốc độ đô thị hóa nhanh, giao lưu đi lại giữa các vùng miền làm gia tăng nguy cơ lan rộng và khó quản lý, kiểm soát nguồn truyền bệnh, môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý dẫn đến phát sinh các ổ lăng quăng (bọ gậy) của muỗi truyền bệnh.

Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (thứ tư từ trái qua), kiểm tra công tác phòng dịch và điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại Hà Nội

ẢNH SỞ Y TẾ HÀ NỘI

Bên cạnh đó, sự chủ động, phối hợp của người dân và ban, ngành, đoàn thể trong phòng chống sốt xuất huyết tại một số địa phương chưa cao; triển khai phun hóa chất và diệt lăng quăng ở khu vực thành thị gặp nhiều khó khăn, không triệt để...

Thiếu phương tiện chống dịch

Theo Cục Y tế dự phòng, trong tháng 8 - tháng 9, đã có 8 đoàn công tác của Bộ Y tế đi kiểm tra giám sát dịch tại 18 tỉnh, thành phố trọng điểm là: Hà Nội, Khánh Hòa, TP.HCM, Bình Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Phước, Đồng Nai, Bến Tre, Tiền Giang, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai và Kon Tum.
Kết quả kiểm tra giám sát của các đoàn cho thấy, đa số các địa phương, tỉnh, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai tương đối tốt các hoạt động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số khó khăn do kinh phí cho phòng, chống dịch bệnh còn hạn chế; các phương tiện xử lý dịch như: máy phun hóa chất, hóa chất, vật tư của tỉnh và huyện còn thiếu; sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể và ý thức của người dân tại một số khu vực chưa cao trong việc chủ động phòng chống dịch.
Các đoàn công tác đề nghị các địa phương xem xét áp dụng hình thức xử phạt hành chính đối với các tổ chức, cá nhân không phối hợp với ngành y tế, để phát sinh ổ bọ gậy, lăng quăng truyền bệnh sốt xuất huyết.
Hiện, 10 tỉnh, thành phố có số mắc sốt xuất huyết/100.000 dân cao nhất nước là: Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Bình, Bình Định, Kon Tum, Bình Dương, Bến Tre, Đà Nẵng, TP.HCM và Đồng Nai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.