Xử lý người ra quyết định gây lãng phí

04/11/2013 09:40 GMT+7

(TNO) Thảo luận tại tổ sáng nay 5.11 về dự thảo Luật Tiết kiệm, chống lãng phí, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị phải quy định rõ trách nhiệm người ra quyết định đầu tư gây thiệt hại, lãng phí cho ngân sách.

>> Tiết kiệm tốt nhất là hạn chế hội họp triền miên

Theo ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), thời gian qua nhiều nhà máy như mía đường, sắt thép, xi măng phải dừng sản xuất, sản xuất lỗ hoặc các dự án dang dở theo kiểu 'bỏ thì thương vương thì tội'… do những quyết định đầu tư sai gây ra, nhưng đáng tiếc là không thấy có quy định nào trong dự thảo luật xử lý trách nhiệm của người ra quyết định này.

“Người ra quyết định gây thiệt hại 50 tỉ đồng so với người thực hiện bị thiệt hại 1 tỉ đồng thì ai gây hậu quả lớn hơn? Tôi đề nghị, bổ sung trách nhiệm của người ra quyết định không phù hợp gây ra lãng phí. Đất nước còn nghèo càng phải tiết kiệm chống lãng phí, làm vậy vừa được lòng dân vừa có tiền đầu tư thêm cho các lĩnh vực khác”, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị

Dùng tiền ngân sách không được vụ lợi

ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho rằng, trách nhiệm của Chính phủ và các bộ, ngành như dự thảo luật quy định là không cụ thể khi để xảy ra lãng phí do thiếu chủ động trong phối hợp. Bởi lâu nay, nhiều dự án khi xét riêng không thấy lãng phí, nhưng xét tổng thể lại lãng phí rất lớn như: đào đường làm ống nước, cống và cáp ngầm hay trong khám chữa bệnh, vệ sinh môi trường... Do đó, ĐB này đề xuất nên quy định rõ hơn trách nhiệm của các bộ, ngành khi thiếu kết nối thông tin, thiếu sự phối hợp để bảo vệ cộng đồng, gây thiệt hại tiền ngân sách. Đặc biệt, nên quy định Bộ Tài chính là cơ quan nắm bắt nhiệm vụ, kiểm tra trực tiếp.

Đồng tình với ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy, theo ĐB Ngô Thị Minh cần quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu ra quyết định đầu tư thiếu căn cứ khoa học, gây thất thoát.

Theo ĐB Ngô Thị Minh thì thời gian qua tình trạng đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp, dở dang… diễn ra ở nhiều nơi, kể cả dự án bất động sản dành cho cán bộ cao cấp của nhà nước.

“Nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là bất di bất dịch nhưng đồng hành với nó phải gắn với trách nhiệm, khi quyết định đầu tư dùng ngân sách phải thực sự công tâm, không vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Tôi đề nghị, bổ sung quy định chặt chẽ người đứng đầu ra quyết định không bám theo quy hoạch, lãng phí phải chịu trách nhiệm trước pháp luật do quyết định mình gây ra”, ĐB Ngô Thị Minh kiến nghị.

Bên cạnh việc xử lý người đứng đầu, ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) đề nghị, nhiều định mức, tiêu chuẩn được lãnh đạo bộ, ngành, đơn vị ban hành không hợp lý như sử dụng xe công, mua sắm tài sản công, đi họp nước ngoài… gây lãng phí. Vì vậy, ĐB Lê Đắc Lâm đề nghị cần quy định rõ hơn trách nhiệm của người ban hành định mức, tiêu chuẩn không hợp lý gây hiệu quả lớn, như vậy mới có cơ sở để xử lý khi xảy ra hậu quả.

Anh Vũ

>> Thất thoát, lãng phí, tham ô: Quốc hội cũng liên đới trách nhiệm
>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng
>> Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: 'Sờ vào đâu cũng lãng phí, thất thoát

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.