Trộm hoành hành trên biển

29/09/2014 20:25 GMT+7

(TNO) Nhiều người dân đánh bắt ở ngư trường vùng biển Tây Nam đã rơi vào cảnh điêu đứng bởi ngư lưới cụ của họ bỗng dưng 'bốc hơi'.

 Đạo chích hoành hành trên biển
Anh Phương buồn bã kể về nổi bất an khi ra khơi bị trộm ngư lưới cụ

Vừa trộm vừa phá

“Trộm cắp như cơm bữa chú ơi! Dân ở đây rất khổ với bọn phá hoại này. Mình ra biển làm ăn cũng chẳng yên với chúng”, một ngư dân tại xã Khánh Hội, huyện U Minh (Cà Mau) nói. Ngư dân này còn cho biết anh phải gọi bọn đạo chích trên biển là “lũ phá hoại”, bởi ngư lưới cụ đầu tư tốn kém, đến khi ra biển đánh bắt thì chúng ra theo quậy cho tan tành nên đành bán lại với giá rẻ…

Anh Hồ Thanh Phương ở ấp 3, xã Khánh Hội, cho biết: gia đình anh có 3 ghe làm nghề câu kiều. Mỗi ghe được trang bị hàng ngàn mét dây là lưỡi câu với giá gân 100 triệu đồng. Trung bình mỗi con nước gia đình anh bị trộm cắt dây câu vài lần, mất trên chục triệu đồng.

“Tiếc và tức tối lắm, nhưng ngư dân chúng tôi không làm gì được”, anh Phương bức xúc.

Không chỉ ngư dân làm nghề câu mới bị trộm “quan tâm”, mà ngư lưới cụ trên biển của ngư dân đều bị trộm để mắt tới. Trong đó, dễ bị trộm nhất là ốc câu mực và nghề đặt lú “bát quái”. Vỏ ốc biển sau khi được mài dũa, kết nối vào dây thừng, thả xuống biển để dụ loại mực tua ngắn vào trú ngụ, đó là phương thức khai thác mang lại hiệu quả cao cho ngư dân. Trung bình mỗi vỏ ốc sau khi gia công có giá từ 15-18.000 đồng (tùy theo kích cỡ). Một phương tiện đánh bắt được trang bị từ 15.000 đến 16.000 vỏ. Ước tính mỗi phương tiện trang bị trên 200 triệu đồng. Do chiều dài của dây thừng thả ốc xa, phạm vi đánh bắt rộng nên khi ngư dân thả đầu này thì đầu kia trộm… cuốn dây.

Đại tá Trịnh Ngọc Tạo, Trưởng phòng Phòng chống tội phạm và ma túy Bộ đội biên phòng (BĐBP) Cà Mau, cho biết: Hiện nay các tên trộm cắp trên biển thường sử dụng xuồng máy có công xuất lớn (loại máy xe), trên mỗi phương tiện thường đi từ 2-3 tên. Khi ra biển chúng giả hoạt động nghề câu, nghề lưới nhưng thực tế không có câu, không có lưới. Chúng sử dụng 1 sợi dây có mỏ neo thả xuống biển để rà móc lưới của ngư dân. Do ban đêm và đường lưới, đường câu dài hàng km nên chủ tàu không thể phát hiện và kiểm soát được hết. Khi rà vướng lưới, dây ốc mực hoặc câu kiều chúng kéo lên xuồng để cắt. Nếu bị phát hiện chúng sẽ bỏ chạy vào bờ, nếu gặp lực lượng tuần tra thì chúng nhanh chóng phi tang xuống biển rồi cho xuồng tránh ra xa khỏi hiện trường. Nhiều chủ tàu khi phát hiện truy đuổi còn bị chúng dùng gạch, đá tấn công lại rồi bỏ chạy. Khi trộm cắp được tài sản, chúng đưa vào bờ tìm cách tiêu thụ, thậm chí chúng cho người liên hệ ngay cho chủ tài sản đến mua lại.

Hàng loạt trộm biển sa lưới

Trước những bức xúc của người dân, lực lượng BĐBP và Công an tỉnh Cà Mau đã nhiều lần bủa vây tóm gọn các tên trộm khi chúng vừa ra tay trên biển.

Gần nhất, ngày 24.9, lực lượng Đồn Biên phòng Sông Đốc phối hợp với Công an huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) kiểm tra đột xuất và phát hiện trên ghe của một ngư dân tại xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời) có 1.342 con ốc mực. Khi được hỏi về số ốc này, chủ ghe ú ớ không giải thích được.

Ngư dân Võ Văn Dũng (45 tuổi), cho biết: Vào ngày 22.9, phương tiện của ông đang hoạt động trên vùng biển cách cửa biển Khánh Hội, huyện U Minh khoảng 15 hải lý về hướng tây nam thì phát hiện mất 2.000 con ốc, tổng giá trị khoảng 22 triệu đồng. Ông cho tàu chạy quanh vùng biển gần xem có ai khả nghi không, nhưng không có bóng dáng ghe tàu nào gần đó. Ông nói: “Chúng như tàng hình giữa biển vậy”.

 Đạo chích hoành hành trên biển 2
Người dân vùng biển Tây Nam ra khơi rất lo lắng nạn đạo chích

Hàng loạt tên trộm biển bị sa lưới. Thế nhưng, người dân ở ngư trường tây nam thuộc các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang vẫn đang sống trong cảnh bất an khi ra khơi đánh bắt. Bởi nạn trộm vẫn còn hoành hành, phá hoại những chuyến biển của các ngư dân tại đây.

Bài, ảnh: Tiến Trình

>> Nổ súng bắt băng trộm ngư cụ trên sông
>> Triệt phá nạn trộm cướp ngư cụ  >> Trộm ngư cụ còn đâm chìm ghe cá

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.