Trò sa đọa của một “đại gia”

17/02/2005 13:51 GMT+7

Một ông trùm cá độ bóng đá và buôn lậu gỗ có biệt danh “Năm Cam của Đắk Lắk” thích “giải trí” và “xả xui” theo cách vô cùng sa đọa. Một chủ quán karaoke ôm chuyên dụ dỗ những bé gái vị thành niên nghèo khổ để bán trinh cho các tay chơi giàu có và cũng để chính mình được hưởng thụ. Đây là đường dây tội ác mà CA tỉnh Đắk Lắk đã tốn rất nhiều công sức mới khám phá được.

Từ lá đơn của một gia đình bất hạnh

Đầu tháng 4/2004, Ban giám đốc CA tỉnh Đắk Lắk nhận được đơn tố cáo do cụ X - cán bộ hưu trí, 72 tuổi, ở huyện Eakar - đứng đơn. Cụ X kể một câu chuyện rất thương tâm, cụ có người con trai là thương binh bị chấn thương sọ não, mang bệnh tâm thần; trong một lần nổi cơn bệnh, anh dùng điếu cày đánh chết vợ sau đó chạy ra đường và qua đời vì tai nạn giao thông. Cặp vợ chồng bất hạnh đó để lại cho cụ 3 đứa con. Bằng đồng lương hưu ít ỏi của mình, cụ nuôi ba đứa cháu nội bữa rau bữa cháo qua ngày. Đầu tháng 2/2004, khi đang học lớp 9, cháu gái tên K (SN 1988) - một trong ba đứa cháu nội mồ côi của cụ - phải bỏ học vì hoàn cảnh gia đình. Cháu bị người ta dụ dỗ đi làm tiếp viên cho quán karaoke Mai Hà trên đường Phan Chu Trinh, TP Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk. Tại đây cháu đã bị chủ quán ép bán trinh cho một kẻ giàu có, ăn chơi... Cuối đơn, cụ X khẩn thiết yêu cầu các cơ quan chức năng sớm điều tra, trừng trị bọn gian ác, trả lại công bằng cho gia đình cụ.

Cũng trong lá đơn này, cụ X đã đề cập đến một đường dây lôi kéo những bé gái vị thành niên làm tiếp viên karaoke. Đường dây này có “vòi bạch tuộc” tỏa đến tận những xóm thôn xa xôi, dụ dỗ các “cô gái lọ lem” muốn lên thành phố tìm cơ hội đổi đời. Các cô đã bị giăng bẫy ngay từ những bước chập chững đến với “nghề” tiếp viên, để rồi trước sau cũng phải trở thành miếng mồi ngon cho những ham muốn của các tay chơi nhiều tiền, các chủ quán bất lương. Trước những thông tin trên, Ban giám đốc CA tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ vấn đề. Sau khi áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát tìm thấy nhiều nghi vấn quanh một chiếc ô tô khá sang trọng, biển số đẹp. Chiếc xe này của ai? Có liên quan đến vụ án như thế nào?

Theo dấu vết chiếc xe Ford Escape "ba số tám"

Nạn nhân là cháu K chưa đầy 16 tuổi cho biết đã bị hai người đàn ông trung niên vừa dụ dỗ vừa ép buộc lên một chiếc ô tô mới cáu đậu tại quán cà phê được xây dựng theo kiểu một nhà sàn lớn, trang trí cầu kỳ, sang trọng vào sáng 30/3/2004, sau đó chiếc xe được một gã trung niên cầm lái chạy về chợ Tân An, rồi đến một khách sạn ở ngoại ô TP Buôn Mê Thuột. Tại đây, K đã bị ép uống rượu, say và được đưa vào một phòng trong khách sạn ấy. Khi biết mình sẽ bị cưỡng hiếp, K tỉnh dậy, van xin, nhưng gã lái xe đã dùng sức mạnh trấn áp. Tên thứ hai tiếp tục tấn công nhưng do K chống cự quyết liệt nên hắn không làm gì được, đành hậm hực khóa trái cửa nhốt cô trong phòng rồi bỏ đi... Các trinh sát và điều tra viên đã lần theo những lời khai của nạn nhân, xác định quán cà phê được mô tả là quán P.L ở TP Buôn Mê Thuột. Nhiều thông tin khác cho biết chiếc xe chở K đi khỏi quán là loại Ford Escape màu xanh đen, còn mới cứng và dễ gây chú ý bởi biển số đẹp. Các số cuối của biển số xe là 8, dân chơi số đẹp gọi là “tam tài”.

Vào sáng 30/3/2004, xe “tam tài” do một người đàn ông lái đến quán P.L uống cà phê, sau đó ra đi chở thêm một người đàn ông và một cô bé ăn mặc theo lối nhà quê, nghèo khổ. Xe chạy theo đường Ngô Quyền về hướng chợ Tân An (phường Tân An, TP Buôn Mê Thuột). Thêm vài bước nghiệp vụ, cơ quan điều tra xác định được chiếc Ford Escape đó có biển số 47L-4888 và do Lập Dự làm chủ. Lập Dự tức Trần Lập (SN 1962), hiện ngụ tại một căn biệt thự sang trọng ở thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M.Ga, tỉnh Đắk Lắk. Lập là “đại gia” của vùng này với khối tài sản đồ sộ. Ngoài sự giàu có, Trần Lập còn nổi tiếng là một tay cờ bạc, cá độ lớn. Có thông tin cho biết Lập bắt đầu sự nghiệp bằng việc buôn gỗ lậu theo cách rất ngang tàng. Từ những hoạt động phạm pháp có phần phô trương thách thức dư luận như vậy, người ta đã gọi Lập là “Năm Cam của Đắk Lắk”. Lập tỏ ra hãnh diện với biệt danh này và càng muốn thể hiện tính cách “đại gia” trong kiểu ăn chơi của mình. Lập thích bỏ tiền mua trinh những bé gái để hưởng thụ và “xả xui” sau những phi vụ làm ăn, cờ bạc.

Gã đàn ông đi cùng Lập trong vụ án này là Mai Hà (SN 1966). Mai Hà là một tay lừa đảo có tiếng. Y nợ như chúa chổm và đang kinh doanh tiệm karaoke trên đường Phan Chu Trinh, TP Buôn Mê Thuột. Mai Hà là bạn ăn chơi, cờ bạc của Trần Lập. Có nhiều dấu hiệu cho thấy Mai Hà dùng vỏ bọc kinh doanh karaoke để che giấu các hoạt động phạm pháp. Đáng nghi ngờ nhất, đây có thể là đường dây cung cấp trẻ em gái cho các tay nhà giàu hư hỏng mua trinh. Khi công tác điều tra đang được tiến hành, Trần Lập cùng Mai Hà đánh hơi được sự nguy hiểm nên cố vùng vẫy mong thoát lưới pháp luật. Những số tiền khá lớn được vung ra hòng mua chuộc gia đình bị hại thay đổi lời khai, gây khó khăn cho quá trình điều tra, nhưng với quyết tâm của lãnh đạo CA tỉnh Đắk Lắk và các điều tra viên, những kẻ sa đọa, vô lương cuối cùng cũng phải thúc thủ, nhận tội.

Những âm mưu đồi bại trong cốc rượu Hennessy

Gần nhà cháu K có bà P, bà có hai con gái là Q (SN 1984) và T.K (SN 1989) đang làm tiếp viên cho quán karaoke của Mai Hà. Sáng 28/3/2004, bà P hỏi K: “Cháu có muốn làm phục vụ cho quán cà phê không, bác nhờ chị Q xin cho?”. Sau đó bà P đã gọi điện cho Q, Q nói lại với Mai Hà, Hà đồng ý nhận K. Buổi trưa cùng ngày, Q đi xe ôm về đón K lên ở lại nhà Mai Hà một đêm. Sáng hôm sau, lấy lý do K chưa có giấy tờ tùy thân, sợ CA kiểm tra, xử lý nên Mai Hà bảo H - vợ bé của mình - và T.K đưa K đến gửi nhà người quen của Q ở phường Ea Tam, TP Buôn Mê Thuột. Sáng 30/3/2004, Trần Lập lái ô tô Ford Escape BS: 47L-4888 đến nhà Mai Hà chơi. Mai Hà giới thiệu: “Có hàng xịn lắm, bảo đảm “zin” 100%, giá 5 “chai” (5 triệu đồng). Mày thích thì ra quán cà phê P.L chờ tao mang về cho coi”. Trần Lập tỏ ra rất hào hứng nên đến điểm hẹn. Mai Hà lấy xe máy chở cháu K đến quán P.L. Khi gặp Lập, Hà nói với K: “Anh này là người giàu có, đàng hoàng, muốn đưa K đi chơi quanh thành phố”. K dứt khoát không chịu, Hà dụ dỗ mãi thì K đồng ý với điều kiện phải có T.K và Q đi cùng. Hà hứa sẽ đưa hai cô này đến theo yêu cầu của K. K lên ô tô do Lập lái, còn Mai Hà phóng xe máy bỏ đi. Lập đưa K đến chợ Tân An, rủ vào chợ mua quần áo. K không chịu, Lập nói ngọt: “Đi chơi ở thành phố mà mặc đồ cũ như thế này người ta sẽ cười chê”. Nghe xuôi tai nên K cùng Lập vào chợ. Lập mua cho cô hai bộ quần áo và đồ lót hết hơn 200 ngàn đồng. Khi trở lại ô tô, Lập bảo K lên ghế trước ngồi để băng sau cho T.K và Q. Điều đó càng làm cho cô bé nhà quê tin tưởng có thêm bạn, mình sẽ được an toàn hơn. Lập lái xe ra Quốc lộ 14, K tỏ ra lo lắng thì Lập bảo: “Ra ngoại ô chơi cho yên tĩnh”. Nơi Lập ghé vào là khách sạn Phúc Ban Mê ở ngoại ô TP Buôn Mê Thuột. Lập đưa K vào một chòi lá phía sau. Với lý do đi gọi cơm, Lập chuẩn bị kế hoạch của mình. Hắn thuê một phòng khách sạn và mang mớ quần áo mới mua cho K lên để sẵn trên đó. Khi Lập trở lại chòi lá, nhân viên khách sạn mang cơm và một chai rượu Hennessy đến. Lập đã ép K uống hai cốc nhỏ “rượu quý” nói trên. K bị say, gục đầu xuống bàn. Lập dìu K lên phòng. Dù ở trạng thái nửa tỉnh nửa mê, K vẫn ý thức được âm mưu của Lập nên khóc lóc van xin. Lập lạnh lùng trả lời: “Thằng Hà đã bán em cho anh rồi, van xin vô ích thôi...”. Lập đã cưỡng bức K hai lần... Đến 17h cùng ngày, coi như vụ mua bán trinh cô bé K chưa đầy 16 tuổi giữa Trần Lập và Mai Hà đã hoàn tất. Lập chung chi theo thỏa thuận và bàn giao K cho Mai Hà.

Tú ông đòi "hưởng xái"

Mai Hà là một tú ông vừa gian xảo vừa bần tiện. Một cô tiếp viên làm việc cho quán karaoke của Hà đã tố giác với cơ quan điều tra tội ác của hắn. Khi cô mới 15 tuổi đã bị Mai Hà ép bán trinh cho khách. Cô còn đang khóc tức tưởi với mất mát không gì bù đắp được thì hắn đã đến cười nham nhở: “Bây giờ cho anh hưởng chút xái coi”. Trong tình thế không thể phản kháng được, cô đành chiều hắn...

Bây giờ cũng vậy, sau khi nhận lại bé K từ tay Trần Lập, Mai Hà dùng xe máy đưa K đến nhà nghỉ Thu Thủy thuộc phường Tân Lập, TP Buôn Mê Thuột. Đưa K vào phòng vừa thuê, Hà móc ra 1 triệu đồng rồi bảo: “Của anh Lập tặng đấy!”. Ra vẻ tử tế, Hà khuyên K cứ nghỉ ngơi, hắn ra ngoài khép cửa. Đến khoảng 20h ngày 30/3/2004, Hà quay lại chở K đến một tiệm vàng trên đường Quang Trung bảo: “Số tiền anh Lập cho, em nên mua vàng để dành phòng thân”. Hà chọn mua cho K một số nữ trang bằng vàng 18k, sau đó đưa K về lại nhà nghỉ Thu Thủy, ép K phải chiều hắn. K phản ứng quyết liệt, Hà không thực hiện được thủ đoạn của mình nên khóa cửa phòng rồi bỏ đi. Sáng hôm sau hắn quay lại, vẫn bài cũ vừa dụ dỗ vừa ép buộc K cho quan hệ. K la toáng lên và chạy ra ngoài hành lang nên Hà sợ, phải đưa K về nhà H - vợ bé của Hà - trên đường Lê Thị Hồng Gấm. Lúc này bà P và một số người khác ở huyện Eakar lên tìm K để đưa về gia đình. Mai Hà dặn K không được tiết lộ những chuyện vừa xảy ra, còn H thu lại hai bộ quần áo mới và mớ nữ trang trị giá 1 triệu đồng, chỉ đưa cho K 50.000 đồng đi xe ôm. Vợ chồng Mai Hà muốn K về xin giấy tạm vắng ở địa phương rồi trở lên làm tiếp viên cho quán karaoke của vợ chồng hắn. Sau khi trả tiền xe ôm, K còn vỏn vẹn 15.000 đồng - số tiền quá ít ỏi so với 5 triệu đồng thỏa thuận giữa Mai Hà với Trần Lập.

Điều cần nói qua vụ án

Ngày 28/4/2004, Trần Lập bị bắt giam. Khi thực hiện lệnh khám xét nhà - nơi ở của Lập, cơ quan điều tra đã thu giữ số tài sản rất lớn, đặc biệt trong đó có 21 trang tài liệu thể hiện hoạt động cờ bạc, cá độ của Lập trong thời gian dài. Một tuần lễ sau Mai Hà cũng bị bắt. Đến đầu tháng 2/2005 công tác điều tra vụ án này đã hoàn tất, cả hai bị đề nghị truy tố về tội “hiếp dâm trẻ em” (được quy định tại điều 112 Bộ luật Hình sự), có tình tiết tăng nặng vì các bị can đã dùng nhiều thủ đoạn gây khó khăn cho quá trình điều tra. Qua giám định, cháu K đã bị hiếp dâm khi mới 15 tuổi 11 tháng.

Quan niệm “mua trinh” để xả xui, lấy hên là những suy nghĩ hết sức bệnh hoạn, lạc hậu. Trẻ em Việt Nam được coi là vốn quý của mỗi gia đình, tương lai của đất nước và được chăm sóc, bảo vệ bởi các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Những hành vi xúc phạm, ngược đãi trẻ em bị lên án về mặt dư luận và xử lý nghiêm khắc theo pháp luật. Thế nhưng trong những năm gần đây, tệ nạn biến trẻ em thành món hàng “giải trí cao cấp” đã xảy ra nhiều. Điều đó làm cho chúng ta cảm thấy trăn trở, lo ngại hơn cho công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em và giữ gìn truyền thống đạo lý của dân tộc. Những cô bé mới lớn và các bậc phụ huynh cần cảnh giác hơn đối với bọn buôn người và những kẻ muốn dùng tiền để thỏa mãn nỗi đam mê bệnh hoạn mà chúng gọi theo tiếng lóng là “sưu tầm đồng xu” tức mua trinh trẻ em!

Theo CA TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.