Dư luận về việc phóng viên Lan Anh (Báo Tuổi Trẻ) bị khởi tố

10/01/2005 10:26 GMT+7

Sự kiện phóng viên Lan Anh, phụ trách mảng y tế của báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội, vừa nhận quyết định khởi tố bị can từ Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an hôm 6/1 về hành vi “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Thanhnien Online xin tổng hợp thông tin xung quanh vụ việc này trên các mặt báo cho bạn đọc tiện theo dõi.

Vì sao phóng viên Lan Anh bị khởi tố? (Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 8/1/2005)

Lý do cơ quan điều tra quyết định khởi tố phóng viên Lan Anh xuất phát từ một mẩu tin đăng trên báo Tuổi Trẻ số ra ngày 20/5/2004. Cơ quan điều tra xác định về hình thức, công văn trên của Bộ Y tế thuộc danh mục tài liệu bí mật nhà nước trong ngành y tế, do vậy đã khởi tố phóng viên báo Tuổi Trẻ với tội danh “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”.

Mẩu tin đăng trên báo Tuổi Trẻ số ra ngày 20/5/2004:

Đề nghị thanh tra toàn diện Công ty Zuellig Pharma

TT (Hà Nội) - Lại thêm một văn bản của Bộ Y tế liên quan đến hoạt động của Công ty Zuellig Pharma VN: hôm qua 19/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến đã ký công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch - đầu tư làm đầu mối, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức thanh tra, kiểm tra toàn diện Công ty Zuellig Pharma VN.

Bộ Y tế cho biết việc kiểm tra Công ty Zuellig lần này không đơn thuần về lĩnh vực dược, mà bao gồm cả giấy phép đầu tư của Công ty Zuellig tại VN và đánh giá lại toàn bộ hoạt động của Zuellig sau ba năm được phép trực tiếp phân phối thuốc nhập khẩu tại VN.

L.ANH

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, những nội dung trong công văn của Bộ Y tế gửi Thủ tướng Chính phủ thực chất không có gì mới so với những điều đã được chính các quan chức của Bộ Y tế phát ngôn trong một cuộc họp báo công khai trước đó 21 ngày.

Cụ thể, trong cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Y tế tổ chức vào ngày 28/4/2004, trả lời đông đảo báo giới về những vấn đề của ngành y tế mà dư luận đang quan tâm - trong đó có vấn đề bình ổn về giá thuốc và những khuất tất ở Công ty Zuellig Pharma VN - chánh thanh tra Bộ Y tế Trần Quang Trung cho biết sắp tới lãnh đạo Bộ Y tế sẽ có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về vấn đề Công ty Zuellig.

Cũng tại cuộc họp báo này, vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính của Bộ Y tế - ông Dương Huy Liệu - còn cho báo giới (có phóng viên Lan Anh dự) biết trong nội dung trình Thủ tướng có việc đề nghị phối hợp với Bộ Kế hoạch - đầu tư thanh tra toàn diện Công ty Zuellig Pharma VN. Ngoài ra, cùng trong ngày 20/5/2004, có ít nhất hai tờ báo lớn khác là Nhân Dân, Lao Động cũng đưa tin về việc Bộ Y tế trình Thủ tướng Chính phủ công văn trên.

Nội dung bản tin ngày 20/5 đã được công khai như thế nào? (Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 10/1/2005)

Một số phóng viên thuộc nhiều cơ quan báo chí từng tham dự cuộc họp báo của Bộ Y tế hôm 28/4/2004 đã lên tiếng với Tuổi Trẻ, góp những tiếng nói đầu tiên để cùng đi tới sự thật.

Phóng viên Lệ Hà của tờ báo điện tử Vietnamnet mô tả với Tuổi Trẻ “cuộc họp báo diễn ra đúng vào ngày thứ tư, là cuộc họp báo thường kỳ thứ hai được Bộ Y tế tổ chức từ khi có chuyện “nóng” về giá thuốc”.

Còn Thanh Nhàn, phóng viên y tế tờ VnExpress, nhớ rõ cuộc họp báo được Bộ Y tế tổ chức không ở trong bộ mà tại phòng họp tầng 2 của Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe (thuộc Bộ Y tế) nằm trên đường Đội Cấn (quận Ba Đình, Hà Nội).

Chủ trì cuộc họp báo hôm đó về phía Bộ Y tế có ông Dương Quốc Trọng, chánh văn phòng bộ, tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt về giá thuốc cùng các ông Trần Quang Trung (chánh thanh tra bộ), Dương Huy Liệu (vụ trưởng Vụ kế hoạch - tài chính), Nguyễn Văn Thanh (phó cục trưởng Cục Dược), Nguyễn Văn Bình (phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng).

Có gần 30 nhà báo tham dự, ngoài phóng viên Tuổi Trẻ còn có Đinh Lan và Hồng Lam (báo Sài Gòn Giải Phóng), Thanh Tâm (báo Lao Động), Liên Châu (báo Thanh Niên), Mai Tâm (báo Phụ Nữ TP.HCM), Thúy Nga (báo Gia đình - Xã hội), Lệ Hà (Vietnamnet), Thanh Nhàn (VnExpress)…

Phóng viên Lan Anh là một trong số những nhà báo đặt ra cho lãnh đạo Bộ Y tế nhiều câu hỏi nhất, tập trung chủ yếu vào vấn đề xử lý giá thuốc. Ngoài phần ghi chép trong sổ tay của phóng viên Lan Anh tại cuộc họp báo trên, sổ tay của phóng viên Đinh Lan vẫn còn ghi lại phát ngôn của chánh thanh tra Bộ Y tế Trần Quang Trung về trường hợp Công ty Zuellig Pharma VN.

Một chút về “bị can Lan Anh”

Lan Anh bắt đầu thực tập ở văn phòng Hà Nội của Tuổi Trẻ từ mùa hè năm 1997, khi còn là sinh viên báo chí năm cuối. Đến nay khi đã làm báo được tám năm, đã có một chút thành công và uy tín với đồng nghiệp, đã làm mẹ của một cô con gái 4 tuổi. Suốt gần một năm theo dõi tình hình diễn biến giá thuốc cùng với các phóng viên Tuổi Trẻ ở TP.HCM, cô phóng viên y tế này làm mặt báo cũng nóng lên vì giá thuốc. Lan Anh cũng là một trong những nhà báo đầu tiên có mặt tại Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới để đưa tin, chụp ảnh và viết bài về những nạn nhân SARS ở VN.  

Trong đó ông Trung cho biết “Zuellig Pharma VN có văn bản gửi Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất Hà Nội xin mở rộng lĩnh vực đầu tư, vì vậy nên Bộ Y tế không kiểm tra Zuellig Pharma VN nữa. Hồ sơ xin mở rộng lĩnh vực đầu tư và thực hiện các quyết định trong giấy phép đầu tư của Zuellig Pharma VN sẽ chuyển sang Bộ Kế hoạch đầu tư thẩm định, giám sát…”.

Một cuốn sổ tay khác do Thúy Nga (phóng viên báo Gia đình - Xã hội) trực tiếp mang tới Văn phòng Tuổi Trẻ tại Hà Nội chiều tối qua cũng còn lưu rõ nội dung cuộc họp báo ngày 28/4 của Bộ Y tế. Trong đó, chánh thanh tra Trần Quang Trung nói về trường hợp Công ty Zuellig Pharma rằng “sẽ có tờ trình của Bộ Y tế báo cáo để thủ tướng Chính phủ quyết định cách giải quyết vấn đề này…”.

Còn vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Dương Huy Liệu bổ sung thêm: do Zuellig Pharma xin phép chuyển hoạt động sang một khu công nghiệp khác, Bộ Kế hoạch đầu tư đã gửi công văn để lấy ý kiến về vấn đề này, trong đó sẽ tiến hành đánh giá hoạt động của Zuellig Pharma bằng đoàn thành tra, kiểm tra, còn Bộ Y tế sẽ không tiến hành thanh kiểm tra nữa…

Cũng trong chiều 9/1, nhiều phóng viên khác từng dự cuộc họp báo trên cho biết họ đang tìm lại các cuốn sổ ghi chép (do thời gian cách đây đã lâu) để chuyển cho Báo Tuổi Trẻ nhằm giúp chứng minh thông tin mà phóng viên Lan Anh sử dụng trong bản tin ngày 20/5 thực sự không có gì là... mật cả.

PV Lan Anh đã “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” ra sao? (Báo Pháp Luật TP HCM số ra ngày 10/1/2005)

Theo quyết định khởi tố bị can ngày 6/1 của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, nhà báo Lan Anh bị khởi tố vì có hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước và việc đó phạm vào tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật nhà nước, theo Điều 263 Bộ luật Hình sự.

Tài liệu mật được đề cập là công văn đóng dấu mật ngày 19/5/2004 do Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến ký, đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành thanh tra toàn diện Zuellig Pharma - một công ty nước ngoài giữ độc quyền phân phối tân dược ở Việt Nam thời gian dài.

Tuy nhiên theo Tuổi Trẻ, nội dung công văn không có gì mới, bởi nội dung này đã được quan chức Bộ Y tế nêu ra trong buổi họp báo trước đó, ngày 28/4/2004. Nhiều phóng viên, trong đó có Lan Anh có mặt tại buổi họp báo này. Và thực tế thông tin trên cũng đã được đăng tải dưới dạng phỏng vấn trên báo Lao Động ngày 29/4/2004. Nội dung tin của PV Lan Anh đăng trên Tuổi Trẻ ngày 20/5/2004 chỉ đăng lại sau khi biết nội dung đó chính thức được trình lên Thủ tướng.

Trao đổi với Pháp Luật TPHCM, một cán bộ có thẩm quyền của VKSND tối cao cho rằng: “Khi họp báo, có thể có nêu ý đó nhưng đó mới chỉ là dự kiến. Còn văn bản ban hành sau này vẫn coi là mật, bởi đến lúc đó thông tin mới được chính thức hoá, có hiệu lực”. Cũng theo cán bộ này, cơ quan điều tra đã xác định là sau khi có được tài liệu, Lan Anh còn chuyển cho một PV báo Nhân Dân để ngày sau đó, tờ báo này cũng đăng tải tin giống như Tuổi Trẻ.

Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, người ký quyết định khởi tố bị can, cho biết PV Lan Anh đã phối hợp với một cán bộ phòng hành chính Bộ Y tế để “lấy cắp tài liệu”. “Công văn có 15 bản, đóng dấu mật. Anh cán bộ lấy photo rồi đưa Lan Anh”. Ông Hồng còn cho biết cơ quan điều tra đã xác minh được việc Lan Anh chi tiền cho nguồn ở Bộ Y tế. Lần đó cô đưa cho anh cán bộ 350 ngàn đồng, trong khi những lần trước chỉ 200 ngàn.

Theo Điều 263 Bộ luật Hình sự, chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước được hiểu là hành vi làm cho tài liệu đó thoát ly khỏi sự quản lý hợp pháp của người có trách nhiệm và chuyển sang người phạm tội. Người phạm tội bị xử lý bất kể động cơ tốt hay xấu. Tuy nhiên, cán bộ VKS tối cao nêu trên cho biết trong trường hợp PV Lan Anh, nếu động cơ đăng tin chỉ là nhằm đấu tranh với tình trạng độc quyền phân phối thuốc, với việc giá thuốc tăng cao ảnh hưởng tới đông đảo người bệnh… thì đó có thể được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Xử lý hình sự là điều cần cân nhắc (Báo Pháp Luật TP HCM số ra ngày 10/1/2005)

Tiến sĩ Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Cần cân nhắc, xem xét đến động cơ!

Bài của phóng viên Lan Anh trên báo Tuổi Trẻ thì lúc họp quốc hội tôi đã đọc, trong đó có bản tin Bộ Y tế đề nghị thanh tra một công ty dược. Tôi rất mừng vì Bộ Y tế đã thể hiện thái độ của mình, lúc bấy giờ dư luận xã hội rất bức xúc. Tin tức đó được các báo đưa, ai cũng hoan nghênh báo chí vì đã đề cập đến một vấn đề nhức nhối nhưng bây giờ thấy có quyết định khởi tố nhá báo, tôi hơi sửng sốt.

Tôi không rõ phóng viên Lan Anh có được tin này từ đâu nhưng qua bài báo của Tuổi Trẻ ngày 8/1/2005 thì được biết thông tin này đã được công bố trong một cuộc họp báo trước đó. Vấn đề chỉ là ở chỗ bao giờ Bộ Y tế chính thức đưa ra cái đề nghị đó, bởi khi có chủ trương đó thì sự kiện đã được thông tin.

Tội này là cố ý. Khi nói đến cố ý là nói đến động cơ. Trở lại không khí rất ''nóng'' lúc bấy giờ, nhất là trước kỳ họp Quốc hội, tôi nghĩ không chỉ phóng viên Lan Anh mà cả xã hội quan tâm đến vần đề giá thuốc, nhất là khi chúng ta biết được rằng những người phân phối thuốc lợi dụng sự độc quyền mà nhà nước chúng ta dành cho họ để tăng giá thuốc, trong khi thuốc đó xuất khẩu bán sang các nước khác với giá rất thấp. Chính điều đó tạo ra trong dư luận sự phẫn nộ. Cho nên khi đọc được bản tin của phóng viên Lan Anh, chúng tôi thấy rất mừng là nhà nước chúng ta không dửng dưng với cách làm đó của công ty dược...

Nhà báo Lan Anh phải chăng chỉ muốn góp tiếng nói của mình để làm rõ hơn tính bức xúc của tình hình, cũng như thông tin cho dư luận biết được rằng thái độ của nhà nước ta không chấp nhận tình trạng như vậy. Tôi nghĩ cần xác định mức độ gây nguy hiểm cho xã hội của hành vi này và cần cẩn trọng khi xử lý.

Trong vụ này, cần thấy rằng nội dung thông tin mật đó thật ra không có gì nguy hiểm. Ở đây chỉ thông tin cơ quan có trách nhiệm là Bộ Y tế đã đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư tổ chức thanh tra toàn diện... Nhưng vì công văn này đánh dấu mật cho nên mới có chuyện. Ở đây phóng viên biết có chủ trương thanh tra từ cuộc họp báo, sau khi nghe nói ký công văn như vậy, chắc là cũng vội vàng đưa nên đó cũng là sơ suất. Do đó, khi nói đến động cơ cố ý ở điều luật này thì chúng ta phải hiểu theo ý có lẽ là do thiện chí của nhà báo. Cho nên theo tôi, đấy cũng là điều cần phải cân nhắc.

Luật gia Thu Trang: Nếu tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì xử lý bằng biện pháp khác

Quyết định khởi tố bị can của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an nêu hành vi của phóng viên Lan Anh là "chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước" nhưng lại khởi tố Nguyễn Thị Lan Anh về tội "chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật nhà nước" là không chuẩn xác về pháp lý. Ở đây tuy chỉ một điều luật nhưng lại có đến ba tội khác nhau. Chẳng lẽ cơ quan điều tra xác định phóng viên Lan Anh ngoài hành vi "chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước" còn có cả hành vi "mua bán" và " tiêu huỷ tài liệu bí mật nhà nước"? Lẽ ra, cơ quan tiến hành tố tụng phải tuỳ trường hợp cụ thể mà người phạm tội thực hiện hành vi nào thì khởi tố về hành vi đó.

Tội "chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước" - là tội mà phóng viên Lan Anh bị khởi tố, trước đây được coi là tội xâm phạm an ninh quốc gia, nay được quy định thuộc các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính. Mức độ nguy hại của tội này được đánh giá lại, không quá nguy hiểm cho xã hội như các tội phạm an ninh quốc gia. Cơ quan điều tra có lẽ cũng cần xem xét, cân nhắc thêm khía cạnh này?

Cần lưu ý, đối với tài liệu bí mật nhà nước, người phạm tội chiếm đoạt là chiếm đoạt thông tin bí mật trong tài liệu đó, chứ không phải bản thân tài liệu đó, vì vậy nếu trường hợp "thông tin bí mật" trong tài liệu đó đã phát tán, không còn là mật thì người chiếm đoạt tài liệu thể hiện nội dung đó có coi là phạm tội hay không?

Mặc dù hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội "chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước" nhưng không vì thế mà cơ quan tiến hành tố tụng không xác định hậu quả do hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước gây ra, vì hậu quả thể hiện tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm cho xã hội. Nếu người chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng biện pháp khác.

Vấn đề cuối cùng nếu Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã chứng minh Lan Anh đã có hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước thì theo chúng tôi, đương nhiên phải khởi tố thêm tội "cố ý làm lộ bí mật nhà nước" vì Lan Anh đã viết ra những tin tức đó cho người khác đọc. Và như thế phải chăng không chỉ Lan Anh mà còn nhiều người khác cũng có hành vi làm lộ bí mật nhà nước như một số báo khác? Và phải chăng cũng cần phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan báo chí đã cho đăng thông tin này trên mặt báo? Họ có biết đó là tài liệu mật không?

Công văn của Bộ Y tế có phải là bí mật Nhà nước? 

Theo Điều 1 Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước (số 30/2000/PL-UBTVQH10, ngày 28-12-2000): “Bí mật Nhà nước là những tin về vụ, việc, tài liệu, vật, địa điểm, thời gian, lời nói có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ, các lĩnh vực khác mà Nhà nước không công bố hoặc chưa công bố và nếu bị tiết lộ thì gây nguy hại cho Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Như vậy, ta có thể hiểu ngay cả những tài liệu chưa công bố, nếu tiết lộ mà gây nguy hại cho Nhà nước CHXHCN VN thì mới coi là bí mật Nhà nước, còn những tài liệu mặc dù chưa công bố, nhưng nếu tiết lộ vẫn không hề gây nguy hại nào cho Nhà nước thì không phải là bí mật Nhà nước. Theo Tuổi Trẻ thì “trong cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Y tế tổ chức vào ngày 28-4-2004, trả lời đông đảo báo giới về những vấn đề của ngành y tế mà dư luận đang quan tâm - trong đó có vấn đề bình ổn về giá thuốc và những khuất tất ở Công ty Zuellig Pharma VN - chánh thanh tra Bộ Y tế Trần Quang Trung cho biết sắp tới lãnh đạo Bộ Y tế sẽ có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về vấn đề Công ty Zuellig.

Cũng tại cuộc họp báo này, vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính của Bộ Y tế - ông Dương Huy Liệu - còn cho báo giới (có phóng viên Lan Anh dự) biết trong nội dung trình Thủ tướng có việc đề nghị phối hợp với Bộ Kế hoạch - đầu tư thanh tra toàn diện Công ty Zuellig Pharma VN. Ngoài ra, cùng trong ngày 20-5-2004, có ít nhất hai tờ báo lớn khác là Nhân Dân, Lao Động cũng đưa tin về việc Bộ Y tế trình Thủ tướng Chính phủ công văn trên”.

Bí mật Nhà nước là những bí mật mà chỉ những người, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm mới được biết, những người không có trách nhiệm thì không được biết; như vậy, những tin tức, tài liệu mà ai cũng biết, nội dung không có gì mới so với các tài liệu mọi người đã biết rồi thì không thể gọi là “bí mật” được.

Điều 3, Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28-3-2002 của Chính phủ qui định chi tiết thi hànhPháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước” như sau: “Căn cứ vào phạm vi bí mật Nhà nước quy định tại các Điều 5, 6, 7, Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước, người chịu trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước hoặc người được ủy quyền có nhiệm vụ: 1. Lập danh mục bí mật Nhà nước xác định độ "Tuyệt mật" và "Tối mật" trình Thủ tướng chính phủ sau khi Bộ Công an đã thẩm định. 2. Lập danh mục bí mật nhà nước thuộc độ Mật gửi Bộ trưởng Bộ Công an 3. Vào quý I hàng năm, xem xét đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, giải mật danh mục bí mật Nhà nước độ "Tuyệt mật", "Tối mật", "Mật" gửi cấp có thyẩm quyền qui địn tại khoản 1, khoản 2 của Điều này.”

Điều 7 Nghị định quy định: “2. Khi soạn thảo văn bản có nội dung bí mật nhà nước, người soạn thảo văn bản phải đề xuất mức độ mật từng tài liệu, người duyệt ký văn bản chịu trách nhiệm quyết định đóng dấu độ mật và phạm vi lưu hành tài liệu…”

Căn cứ vào các quy định pháp luật nêu trên, thiết nghĩ cơ quan điều tra cần phải làm sáng tỏ danh mục tài liệu bí mật Nhà nước mà Bộ Y tế đưa ra có được thực hiện đúng quy trình quy định tại Nghị định 33/2002/NĐ-CP hay là danh mục đó do Bộ Y tế đơn phương đưa ra? Có biên bản thu giữ được tài liệu mật bị chiếm đoạt hay không (nếu đương sự chỉ chép lại, chụp lại tài liệu, không mang tài liệu ra khỏi phạm vi quản lý của người có trách nhiệm thì không thể gọi là chiếm đoạt mà là làm lộ bí mật), việc tiết lộ tài liệu đó gây nguy hại như thế nào cho Nhà nước Việt Nam (vật chất, tinh thần).

Tôi tin tưởng rằng chân lý cũng như mặt trời lúc mọc, lúc lặn nhưng mặt trời luôn luôn tồn tại, có bóng đêm cũng là để cho ánh sáng mặt trời được chói chang, rạng rỡ hơn.

Tạ̣ Phong Tần
(Lớp B35 - Học viện Chính trị Quốc gia
Hồ Chí Minh - Phân viện TP.HCM)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TNO

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.