Đề nghị truy tố 2 giám đốc trong vụ chìm ca nô 9 người chết

18/09/2014 05:55 GMT+7

Ngày 17.9, theo nguồn tin Thanh Niên, Cơ quan CSĐT, Công an TP.HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ chìm ca nô làm 9 người chết và chuyển hồ sơ sang Viện KSND TP.HCM đề nghị truy tố bị can Vũ Văn Đảo (46 tuổi, Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Séc - trụ sở tại TP.Vũng Tàu, là cổ đông sáng lập Công ty cổ phần Vũng Tàu Marina) và Đinh Văn Quyết (34 tuổi, Giám đốc Công ty cổ phần Vũng Tàu Marina) về tội “đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn”.

Ngày 17.9, theo nguồn tin Thanh Niên, Cơ quan CSĐT, Công an TP.HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ chìm ca nô làm 9 người chết và chuyển hồ sơ sang Viện KSND TP.HCM đề nghị truy tố bị can Vũ Văn Đảo (46 tuổi, Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Séc - trụ sở tại TP.Vũng Tàu, là cổ đông sáng lập Công ty cổ phần Vũng Tàu Marina) và Đinh Văn Quyết (34 tuổi, Giám đốc Công ty cổ phần Vũng Tàu Marina) về tội “đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn”.

Theo kết luận điều tra, cuối tháng 7.2013, do có quen biết trước đó, ông Hà Ngọc Phước (Giám đốc Nhà máy chế tạo ống thép thuộc Công ty cổ phần sản xuất ống thép dầu khí VN - viết tắt là Công ty PV PIPE) đã mượn ca nô của Đảo đưa cán bộ công nhân viên từ Tiền Giang xuống Vũng Tàu liên hoan và dự đám cưới. Sau khi nhận danh sách số lượng người đi, Quyết đã lên kế hoạch chuẩn bị phương tiện tàu đưa đón và đặt khách sạn. Nghe Quyết báo cáo về kế hoạch nói trên, Đảo đã đồng ý và chỉ đạo sử dụng tàu H790HQ (Công ty Việt Séc mới vừa đóng xong) và mượn thêm 2 tàu BP 12-04-01, BP 12-04-02 của Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa-Vũng Tàu. Ngày 2.8.2013, sau khi đón người từ Tiền Giang, 3 chiếc tàu siết ga chạy về hướng Vũng Tàu nhưng hơn 19 giờ cùng ngày, khi tàu BP 12-04-02 đi ngang qua vùng biển xã Long Hòa, H.Cần Giờ thì bị tai nạn làm 9 người chết. Qua giám định, cơ quan chức năng đã xác định nguyên nhân dẫn đến tai nạn do tàu BP 12-04-02 chở quá số lượng người cho phép, hành trình ra vùng không được phép hoạt động và việc điều khiển phương tiện không phù hợp.

Theo nhận định của Cơ quan CSĐT, Công an TP.HCM, mặc dù chưa được phép sản xuất tàu thuyền bằng công nghệ và vật liệu mới Polypropylene Copolymer (PPC) nhưng Đảo vẫn tiến hành sản xuất, bán và sử dụng tàu thuyền công nghệ PPC gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tàu thuyền sản xuất bằng công nghệ PPC chưa được Cục Đăng kiểm VN giải quyết đăng kiểm.

Tuy nhiên, ngày 29.3.2013, Đảo đã ký hợp đồng bán cho Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu 2 tàu BP 12-04-01, BP 12-04-02. Đảo là người ký hợp đồng với Công ty DK do Vũ Văn Ngữ (anh ruột Đảo làm giám đốc) lập hồ sơ thiết kế 2 tàu BP 12-04-01, BP 12-04-02 nhưng lại cố tình ghi sai vật liệu thân tàu là Fibreglass Reinforced Plastic (FRP - nhựa gia cường sợi thủy tinh) để đăng kiểm tại Phòng Đăng kiểm hải quân (đại diện phía nam) Bộ Tư lệnh hải quân.

Đàm Huy

>> Vụ chìm ca nô 9 người chết: Vì sao hai giám đốc bị bắt?
>> Vụ chìm ca nô làm 9 người chết ở Cần Giờ: Bắt giam 2 giám đốc
>> Vụ chìm ca nô làm 9 người chết ở Cần Giờ: Bắt 2 giám đốc
>> Vụ chìm ca nô làm 9 người chết ở Cần Giờ: Che giấu thông tin làm tai nạn nghiêm trọng hơn
>> Kết luận vụ chìm ca nô ở Cần Giờ: Có dấu hiệu che giấu thông tin
>> Sẽ điều tra 'nghi án' ém thông tin tai nạn chìm ca nô

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.