Đà Nẵng xét xử “siêu trộm”

07/06/2013 03:30 GMT+7

Ngày đầu phiên tòa sơ thẩm xét xử gia đình “siêu trộm” Đặng Ngọc Tân cùng vợ là Nguyễn Bạch Dương và em “cột chèo” với Tân là Nguyễn Hữu Phước, đã thu hút sự quan tâm của dư luận bởi nhiều yếu tố ly kỳ trong vụ án.

Ngày đầu phiên tòa sơ thẩm xét xử gia đình “siêu trộm” Đặng Ngọc Tân cùng vợ là Nguyễn Bạch Dương và em “cột chèo” với Tân là Nguyễn Hữu Phước, đã thu hút sự quan tâm của dư luận bởi nhiều yếu tố ly kỳ trong vụ án.

 Đà Nẵng xét xử “siêu trộm”
Đặng Ngọc Tân, Nguyễn Hữu Phước, Nguyễn Bạch Dương (từ trái qua) - Ảnh: Nguyễn Tú

Tân (31 tuổi) và Phước (30 tuổi, trú P.Mân Thái, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) bị truy tố về tội trộm cắp tài sản, còn Dương (35 tuổi, trú P.Mỹ An, Q.Ngũ Hành Sơn) bị truy tố về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Trộm vàng trong chiếc tất

Theo cáo trạng, Tân từng có 2 tiền án với 6,5 năm tù về tội trộm cắp tài sản và vào Đà Nẵng lập nghiệp với nghề buôn đồ cổ gia truyền, “cò” đất và “cò” xe ô tô năm 2007. Một năm sau, Tân cưới vợ là chị M.H và cùng Phước là em “cột chèo” bên vợ gây ra vụ trộm đầu tiên vào tháng 3.2008, tại nhà bà Thu Hương số 154 Tống Phước Phổ, lấy đi 128 triệu đồng. Sau cú “mở màn” may mắn tại con đường này, Tân, Phước còn quay lại trộm thêm 3 vụ, trong đó đặc biệt là vụ trộm nhà 32 Tống Phước Phổ hôm 10.3.2010 của ông Hoàng Dương Việt Anh (con trai ông Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL), lấy đi 250 triệu đồng, 15 dây chuyền, 7 lắc, 23 nhẫn vàng và 2 lượng vàng SJC… với tổng trị giá 617 triệu đồng.

 

Mỗi vụ trộm là một... kỷ niệm

Theo cáo trạng, số tiền gần 10,4 tỉ đồng, Tân mua ô tô Toyota Venza gần 1,6 tỉ đồng (nhờ ba của Bạch Dương đứng tên), 1 xe gắn máy, mua nhà và đất ở P.Mỹ An (nhờ cha mẹ Tân đứng tên), mua đất ở phía nam cầu Tuyên Sơn (nhờ người khác đứng tên).

Tuy nhiên, trong phần xét hỏi, Tân chỉ nhận trộm 29 vụ, phủ nhận 7 vụ trộm nhà 27 và 32 Tống Phước Phổ, 20 Lê Đình Lý, 7 Phạm Phú Tiết, 10 Đào Duy Anh, 21 Hà Huy Tập và 9 Bế Văn Đàn với lý lẽ mỗi vụ trộm với Tân đều là một... kỷ niệm hoặc có những đặc điểm mà Tân nhớ rất kỹ.

“Bị cáo biết là bị cáo sai rồi, dù có nhận mức án nghiêm khắc đến đâu, thậm chí đánh đổi đến cả tính mạng đi nữa bị cáo cũng chấp nhận nhưng bị cáo không phải là người dám làm mà không dám nhận, cái gì bị cáo làm là nhận ngay, dám làm dám chịu nhưng vụ nào không có thì xin Hội đồng xét xử xem xét, vì bây giờ bị cáo có nhận thêm 7 vụ đi nữa thì cũng nằm trong mức án từ 12 năm tù đến chung thân nên không việc gì bị cáo phải chối để làm khó Hội đồng xét xử”, Tân nói trước tòa.

Trên đường Duy Tân, hôm 24.3.2009, Tân, Phước trộm nhà số 61 (ông Hoàng Ngọc Đồng) lấy 63,3 triệu đồng; 5 ngày sau “viếng” nhà số 38 (bà Trần Thị Ánh Loan) và 40 (bà Hồ Thị Phúc) gần đó chỉ trong 1 đêm lấy 853 triệu đồng.

Cũng trong khoảng thời gian này, hôm 27.3.2009, Tân cạy cửa 2 phòng ngủ, tìm được cả số vàng mà ông Nguyễn Cúc giấu trong những chiếc tất ở tủ quần áo, tổng cộng lấy đi 1 tỉ 60 triệu đồng. Sau đó trở lại “thăm” hàng xóm ông Cúc là bà Lê Thị Thảo, lấy 36,7 triệu đồng.

Ngay trung tâm thành phố, tối 22.9.2010, Tân trộm 602,6 triệu đồng, vàng, kim cương nhà chị Lê Thị Thủy (122 Nguyễn Văn Linh), hôm 18.7.2010 trộm 266 triệu đồng nhà bà Trần Thị Tuyết Đào (20 Lê Đình Lý) đồng thời là nơi ở của ông Ngô Tấn Cư, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV điện lực Đà Nẵng. Cũng trên đường Lê Đình Lý, đêm 29.4.2011, một đêm trước khi bị bắt, Tân phá khóa lối thoát hiểm nhà số 55 của bà Đặng Thị Thọ trộm 340,5 triệu đồng rồi leo sang nhà bên cạnh của bà Nguyễn Thị Hùng trộm 130,2 triệu đồng. Cũng trong tháng 4.2011 trước khi bị bắt, bộ đôi siêu trộm gây ra tổng cộng 7 vụ, trong đó có vụ đột nhập nhà ông Trần Trung Tuyến 237 Đống Đa, trộm 273 triệu đồng hôm 26.4.2011.

Tìm gia đình “đại gia”, quan chức…

Tại phiên thẩm vấn hôm qua, Tân và Phước đều thừa nhận trong các phi vụ, Tân khảo sát, tìm gia đình “đại gia”, quan chức có đặc điểm nhà bên cạnh khu đất trống hoặc kiệt hẻm, có lối thoát hiểm, tìm hiểu kỹ giờ sinh hoạt của gia chủ và thường ra tay từ 18 - 20 giờ hằng ngày. Tân lý giải, khoảng thời gian này các gia đình thường đi ăn nhậu, chơi thể thao, con cái đi học nên khi đột nhập thì không có ai ở nhà. Phước đóng vai trò “xe ôm” và cảnh giới, điện báo cho Tân khi có biến, còn Tân leo tường, theo các lối thoát hiểm, ống nước đột nhập lên tầng cao, dùng kềm cộng lực phá cửa sổ vào trộm. Trước và sau khi trộm, cả hai đi lấy túi đồ nghề giấu tại các bãi đất trống, bụi cỏ ở âu thuyền Thọ Quang hoặc cầu Thuận Phước.

Trộm xong, Tân giấu tiền, vàng trong túi đồ nghề, leo ra yêu cầu Phước chở đi cất giấu. Sau khi chở Phước về, Tân mới quay trở lại lấy tiền, vàng với mục đích không cho Phước biết số tài sản trộm được.

Do vậy, theo cáo trạng, tổng cộng 36 vụ lấy được 2.908,6 chỉ vàng, 1,795 tỉ đồng, 23.250 USD cùng một số thiết bị điện tử khác… tổng trị giá gần 10,4 tỉ đồng (9 vụ khác cả hai hụt ăn do không tìm ra tài sản và 2 vụ chủ về giữa chừng, trong đó, nhiều vụ Tân nhắm đến nhà quan chức, cán bộ cơ quan công quyền) nhưng Tân chỉ chia cho Phước 125,6 triệu đồng và…3 chai rượu ngoại, chỉ bằng khoảng 1% giá trị trộm được.

Vụ “ăn dày” nhất là trộm 110 lượng vàng nhà 33 Núi Thành tối 6.10.2010 của bà Phạm Thị Ngọc (vợ ông Nguyễn Thanh Quang – Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam), trị giá gần 3,6 tỉ đồng. Ngay tối đó, Phước chưa kịp mừng vì được Tân đưa 4 lượng vàng thì sáng hôm sau đã bị Tân lấy lại bán, cho Phước 60 triệu đồng.

Thậm chí như vụ trộm 1 tỉ 60 triệu đồng của ông Cúc, Tân không cho Phước xu nào; trộm gần 550 triệu đồng tối 13.12.2008 tại nhà ông Trần Văn Tám (182 Lý Tự Trọng) chỉ cho Phước 2,5 triệu đồng; trộm 386 triệu đồng của bà Phan Thị Kiệm nhà số 27 (16B1) Lê Văn Long (21.2.2009) chỉ cho Phước 5 triệu đồng; ngày 2.7.2010 trộm nhà số 14 Hà Huy Tập của ông Nguyễn Công Khải lấy 375 triệu đồng chỉ cho Phước 1,5 triệu đồng…

 

17 bị hại và 5 nhân chứng vắng mặt

Mở đầu phiên tòa, cả 4 luật sư cùng đề nghị hoãn phiên tòa do vắng 17/40 bị hại cùng 5 nhân chứng nên không đảm bảo quyền lợi các bên và tính khách quan. Tuy nhiên, HĐXX thống nhất quan điểm của Viện KSND vẫn tiến hành xét xử bởi các bị hại đã khai báo đầy đủ, nếu cần thiết sẽ công bố lời khai và sẽ tiếp tục triệu tập bị hại, nhân chứng trong những ngày xét xử tới. Tuy nhiên, trong 17 bị hại vắng mặt này đa số là gia đình có người làm quan chức.

Những lần “tư túi” như vậy, Tân đều lấy lý do là không trộm được gì hoặc trộm được ít tiền.

Bị bắt trên xe “điệp viên” 007

Trước tòa, Tân khai nhận chiếc xe mang BKS "điệp viên" 43X-0007 Toyota Venza là của ba vợ Tân mua để sử dụng. Quá trình mua là do Tân hỏi một salon xe hơi trên đường Duy Tân, sau đó lái thử xe đến nhà ba vợ và ông này sử dụng trước, trả tiền sau do Tân quan hệ mật thiết với một salon ô tô. Tuy nhiên, cáo trạng xác định Tân đã dùng tiền trộm cắp cùng Dương đi mua xe và nhờ ba vợ đứng tên.

Hôm 30.4.2011, Phước chở Tân đến nhà bà Phụng trên đường Núi Thành, Tân vừa leo vào thì Phước bị Công an TP.Đà Nẵng bắt ngay; Tân trộm được 50 triệu đồng thì người nhà bà Phụng về, Tân leo ra gọi Phước không được liền gọi Dương đánh ô tô 0007 đến đón. Chở Dương về nhà ở P.Mỹ An, Q.Ngũ Hành Sơn xong, Tân nói Dương đưa con gái lên ô tô để chở đi chơi hòng đánh lạc hướng công an theo dõi. Biết bị bám theo, Tân đánh xe bạt mạng và vòng vèo nhiều lần trên đường ven biển để "cắt đuôi" công an truy đuổi, nhưng bị chặn bắt, thúc thủ trong xe ngay giao lộ Phạm Văn Đồng - Trường Sa.

Theo cáo trạng, năm 2009, Tân bỏ vợ là M.H để sống với Dương, lúc này đã có chồng và 2 con. Trong vòng 2 năm, Dương biết rõ tài sản và tiền Tân có được là do trộm cắp nhưng vẫn cùng Tân tiêu xài, mua ô tô và đất đai rồi cho cha mẹ hai bên đứng tên với tổng giá trị hơn 4 tỉ đồng.

Hôm nay 7.6, phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi.

Nguyễn Tú

>> Các vụ trộm động trời của “siêu trộm” Đặng Ngọc Tân
>> Xét xử gia đình “siêu trộm” với "tổng chôm" hơn 10 tỉ đồng
>> Truy tố cặp bài trùng “siêu trộm công sở”
>> Siêu trộm trên xe khách
>> Bắt tạm giam vợ một “siêu trộm”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.