Phân cấp, phân quyền còn chồng chéo, dồn việc lên Trung ương

25/05/2019 06:24 GMT+7

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc phân cấp, phân quyền giữa T.Ư và địa phương đã được hiến định nhưng thực tế đang diễn ra chồng chéo trong thẩm quyền, nhiệm vụ dẫn đến lãng phí, dồn việc lên T.Ư một cách không cần thiết.

Thảo luận dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Chính phủ và luật Tổ chức chính quyền địa phương, chiều 24.5, đại biểu (ĐB) Nguyễn Phước Lộc (TP.HCM) cho rằng dự thảo luật quy định việc phân quyền, phân cấp cho các cấp chính quyền địa phương phải bảo đảm điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác là quá chung chung, đánh đố, dễ dẫn đến hiểu nhầm, tùy tiện trong việc áp dụng và đề nghị cần phải quy định cụ thể trong luật.
ĐB Lộc cũng nêu băn khoăn, việc tổ chức bộ máy, biên chế công chức, viên chức hiện nay đang theo kiểu cào bằng. “Một tỉnh có 300.000 dân nhưng bộ máy bảo hiểm xã hội giống y một tỉnh có 9 triệu dân thì có công bằng không?”, ĐB Lộc hỏi và đề nghị việc bố trí công chức, viên chức, tổ chức bộ máy cần căn cứ cả về khả năng thu nộp ngân sách để tạo động lực mạnh mẽ cho những địa phương nỗ lực phấn đấu đem lại hiệu quả và chia sẻ cho T.Ư.

Nhiều việc phải tới Thủ tướng mới giải quyết được

Một vấn đề bức xúc thuộc bộ, ngành nào đó nhưng giải quyết mãi không xong, phải lên tới Thủ tướng mới giải quyết được. Nhiều khi đã phân công, phân quyền rồi nhưng việc xin ý kiến vẫn rườm rà, tốn thời gian. Bộ này xin ý kiến bộ kia, tỉnh xin ý kiến bộ dẫn đến dư luận rất bức xúc
ĐB Phan Viết Lượng (Bình Phước)
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cũng nhìn nhận, vấn đề phân quyền, phân cấp đã được hiến định, luật phải thể chế hóa, song thực tế còn chậm và chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến tình trạng chồng chéo, lãng phí, dồn việc cho T.Ư một cách không cần thiết.
Bà Tâm cho rằng, cơ cấu chính quyền hiện nay mang tính cào bằng nên chưa tạo được động lực cần thiết cho đơn vị, địa phương có điều kiện phát triển. “Mô hình tổ chức chính quyền không phải đặc ân cho địa phương. Quan trọng là nếu tổ chức phù hợp từng địa phương, từng mô hình nông thôn, thành thị, hải đảo sẽ tạo cho địa phương phát triển, góp phần cho đất nước phát triển, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương”, bà Tâm nêu.
Cùng quan điểm, ĐB Bùi Huyền Mai (Hà Nội) cho rằng: dường như các bộ ngành T.Ư vẫn đang cố vươn cánh tay rất dài đến hoạt động của các địa phương. Điều này dễ dẫn tới hạn chế tính chủ động trong điều hành của chính quyền địa phương, nhất là các địa phương đã chủ động cân đối được ngân sách. Theo bà Mai, điều này hoàn toàn không phù hợp với Nghị quyết T.Ư, trong đó yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền một cách mạnh mẽ giữa Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương.
ĐB Phan Viết Lượng (Bình Phước) thì đề nghị sửa đổi luật Tổ chức Chính phủ cần phải rà soát chức năng, nhiệm vụ trong các bộ, ngành và kiểm soát quyền lực trong việc phân giao chức năng, nhiệm vụ.
“Một vấn đề bức xúc thuộc bộ, ngành nào đó nhưng giải quyết mãi không xong, phải lên tới Thủ tướng mới giải quyết được. Nhiều khi đã phân công, phân quyền rồi nhưng việc xin ý kiến vẫn rườm rà, tốn thời gian. Bộ này xin ý kiến bộ kia, tỉnh xin ý kiến bộ dẫn đến dư luận rất bức xúc”, ĐB Lượng nêu và đề nghị cần nghiên cứu rà soát thật kỹ để khắc phục tình trạng này.

Thiếu cơ sở giảm số lượng ĐB HĐND

Dự thảo quy định giảm số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và giảm số lượng ĐB HĐND các cấp cũng không nhận được sự đồng tình của nhiều ĐB.
ĐB Đặng Xuân Phương (Đắk Lắk) cho rằng có sự khập khiễng khi xác định số lượng thành viên UBND, số lượng cấp phó của UBND theo phân loại đơn vị hành chính, thì số lượng ĐB HĐND và thường trực HĐND lại xác định theo tính chất địa bàn. Dự thảo luật cũng giảm số lượng ĐB HĐND từ 85 xuống 75, 95 xuống 85 một cách rất cơ học, chưa hiểu cơ chế nào để tính giảm số lượng như thế. “Trong khi HĐND có vai trò rất quan trọng, ngày càng cao, đại diện cho tiếng nói của cử tri, thì lại cắt giảm ĐB không có cơ sở nào cả”, ĐB Phương nêu.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng cho rằng việc cắt giảm số lượng ĐB HĐND đã được làm cơ học, không trên cơ sở khảo sát, tính toán nào cả. “Tôi đồng ý là phải giảm, giảm tối đa, chứ hiện nay số lượng HĐND đông vậy và hoạt động không có chất lượng đâu”, ĐB nhấn mạnh, nhưng cho rằng muốn cắt giảm cũng phải có cơ sở và phải tăng số lượng ĐB chuyên trách.
“Tờ trình của Chính phủ nêu giảm số lượng phó chủ tịch HĐND tỉnh để giảm biên chế. Giảm có 63 người trên cả nước thì ăn nhằm gì, trong khi ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của hội đồng. Có giảm thì nên giảm cấp huyện, hơn 700 huyện trên cả nước mới đáng, vì cấp huyện cơ bản cũng chỉ quyết lại những việc đã được cấp tỉnh quyết thôi”, ĐB Hòa nói.

Đề nghị giữ hình thức kỷ luật giáng chức để cán bộ phấn đấu

Thảo luận tại tổ về dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức, ĐB Hoàng Văn Trà (Phú Yên) cho rằng nên giữ kỷ luật giáng chức. Theo ông Trà, tuy thực tế áp dụng rất ít, nhưng giữ hình thức này là cần thiết.
“Một đồng chí đang là cấp phó đưa lên cấp trưởng nhưng điều hành không được, năng lực không đáp ứng được, thì giáng xuống làm cấp phó hoặc xuống trưởng phòng. Chứ bây giờ vi phạm trên mức cảnh cáo mà cách chức, từ giám đốc sở xuống làm chuyên viên, nhân viên luôn thì rất là phí về phẩm chất chuyên môn”, ông Trà nêu quan điểm và cho rằng “nên duy trì hình thức giáng chức, nhưng phải có hướng dẫn cụ thể để không lợi dụng giáng chức để né cách chức”.
Tương tự, ĐB Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) cũng đề nghị nên giữ lại hình thức giáng chức vì có những vi phạm không đến mức phải cách chức toàn bộ. “Với những vi phạm nhỏ thì đang là trưởng phòng giáng chức xuống phó phòng thôi. Tất nhiên là nếu còn chỗ. Nhất thiết gì phải cách chức, mất đi cả quá trình người ta phấn đấu”, ĐB Thành nói.
Tuy nhiên, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) lại cho rằng không nên giữ hình thức giáng chức. “Vì sao còn giáng chức? Nếu không xứng đáng thì cách chức đi phân công người khác, còn chưa đến mức cách chức thì cảnh cáo là được rồi”, ĐB Hòa nói.
 

Ai được xóa nợ thuế?

Thảo luận về dự án luật Quản lý thuế (sửa đổi), các ĐB góp ý về hai nội dung chính là xóa nợ thuế; giải quyết sự chồng chéo nhau giữa kết luận thanh, kiểm tra của cơ quan thuế và kiểm toán nhà nước.
Tại các doanh nghiệp (DN), việc kiểm tra thuế có nhiều đơn vị thực hiện như thanh tra, kiểm toán… thời gian vừa qua, theo các ĐB có nhiều vụ việc như tại Habeco, Sabeco, Unilever vẫn còn những quan điểm khác nhau giữa thanh tra thuế và kiểm toán khi vào cuộc truy thu thuế các DN này.
Do đó, luật cần phải có những quy định rõ ràng về thẩm quyền, trách nhiệm của các bên, tránh để DN khiếu nại, khởi kiện. Tiếp thu ý kiến của các ĐB, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng lưu ý kiểm toán nhà nước khi vào kiểm toán đưa ra quá nhiều số liệu để DN khiếu nại.
Liên quan đến nội dung xóa nợ thuế, Ủy ban Thường vụ QH khi tiếp thu, chỉnh lý lưu ý, các trường hợp khoanh nợ tại dự thảo luật hầu hết là các DN đã đóng cửa, không còn hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc cá nhân đã chết, mất tích, dự thảo luật không quy định khoanh nợ cho người nộp thuế có dấu hiệu trốn thuế, vi phạm pháp luật.
Về thẩm quyền xóa nợ, dự thảo luật quy định đối với trường hợp người nộp thuế là cá nhân đã chết, mất tích; DN đã phá sản, hộ gia đình, cá nhân đã bị thu hồi giấy phép và khoản nợ quá 10 năm và đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế mà vẫn không có khả năng thu hồi thì thẩm quyền xóa nợ là Chủ tịch UBND tỉnh, TP.
Đối với các trường hợp khác còn lại, mở rộng thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh được xóa nợ thuế đối với khoản nợ dưới 5 tỉ đồng trên cơ sở đề nghị của Cục trưởng Cục Thuế, Cục trưởng Cục Hải quan. Đồng thời, UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh về tình hình xóa nợ thuế tại phiên họp đầu năm.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định xóa nợ thuế đối với các khoản nợ từ 5 tỉ đồng đến dưới 10 tỉ đồng. Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xóa nợ đối với DN có khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 10 tỉ đồng đến dưới 15 tỉ đồng. Thủ tướng quyết định xóa nợ đối với DN thuộc trường hợp quy định cụ thể trong luật có khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 15 tỉ đồng trở lên.
ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng nên cân nhắc bỏ thẩm quyền xóa nợ của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, bởi cơ quan thuế là cơ quan thu nhưng lại có quyền xóa nợ, dễ xảy ra không minh bạch.
Ông Tuấn cũng băn khoăn về căn cứ đưa ra mức tiền xóa nợ của từng cấp thẩm quyền. “Vì sao Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế lại xóa ở mức 5 tỉ đồng, Bộ trưởng Bộ Tài chính từ 10 tỉ đồng và Thủ tướng Chính phủ từ 15 tỉ đồng trở lên? Cần có giải thích rõ về vấn đề này”, ông Tuấn đề nghị. ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) thì đề nghị không giao thẩm quyền xóa nợ thuế cho các cơ quan của Chính phủ.
Anh Vũ
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.