Phải xử lý nghiêm người nuôi chó bất tuân quy định

23/05/2021 05:27 GMT+7

Vụ việc chó Pitbull được chủ dắt đến quán cà phê ở Long An đã tấn công khiến 1 người tử vong tại chỗ, chủ chó bị thương, thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động khi để thả rông loại vật nuôi này.

Cấp thiết hơn, với quy định đã có, cần phải xử lý nghiêm khắc chủ nuôi chó bất tuân quy định để răn đe, tránh lặp lại các vụ việc tương tự.

Cần xem xét xử lý hình sự

Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Long, Cục phó Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), cho rằng trong Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31.5.2016 quy định về phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn đã có quy định cụ thể: khi đưa ra nơi công cộng, chủ vật nuôi phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm hoặc xích giữ chó và có người dắt. Đối chiếu trong vụ chó Pitbull cắn chết người xảy ra tại Long An vào khuya 20.5, thì chủ nuôi chó đã không thực hiện quy định đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó.
Trong luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng quy định rất rõ, nếu thả rông chó, chủ vật nuôi phải chịu mọi chi phí trong trường hợp chó bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Khi chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại.
Con chó cắn chết người bị công an bắn hạ ẢNH: CÔNG AN CUNG CẤP

Con chó cắn chết người bị công an bắn hạ

ẢNH: CÔNG AN CUNG CẤP

“Đối với trường hợp vật nuôi gây hậu quả nghiêm trọng, như vụ việc để chó Pitbull cắn chết người như ở Long An vừa qua, thì xem xét xử lý hình sự. Quan điểm của tôi là cần xử lý nghiêm để làm gương, răn đe những chủ nuôi chó khác không thực hiện đúng, đủ các quy định”, ông Long nói.
Ông Long cũng nhấn mạnh Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT quy định rõ chủ nuôi chó, mèo phải đăng ký với chính quyền địa phương, cụ thể là cấp UBND xã, phường, thị trấn; trách nhiệm quản lý rất rõ nhưng qua kiểm tra thực tế ở nhiều nơi vẫn còn buông lỏng, chưa quyết liệt trong xử phạt hành chính, có biện pháp mạnh buộc chủ vật nuôi phải thực hiện các quy định đảm bảo an toàn cho người xung quanh. Trong vụ chó Pitbull cắn chết người tại Long An, thì trách nhiệm của chính quyền địa phương phải thẳng thắn nhìn nhận.
Theo ông Long, Cục Thú y từng ghi nhận rất nhiều vụ chó Pitbull tấn công gây trọng thương, làm chết nhiều người; thậm chí nhiều lần cảnh báo các địa phương về giống chó này. Nhưng vấn đề là chủ vật nuôi không tuân thủ các quy định nuôi chó an toàn và chính chủ nuôi chưa hiểu hết đặc tính của giống chó hung dữ này. Ở nhiều quốc gia, chó Pitbull bị đưa vào danh sách hạn chế nuôi, thậm chí là cấm nuôi. Còn tại Việt Nam, quy định pháp luật chưa cấm nuôi chó Pitbull.
Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TP.HCM), ngay cả các giống chó cảnh, chó hiền hay giống chó nào đi chăng nữa, thì bản năng của nó tiềm ẩn vẫn có thể gây nguy hiểm cho con người. Khi có thiệt hại do vật nuôi (chó, mèo) gây ra cho người khác, thì chủ vật nuôi phải bồi thường theo bộ luật Dân sự; và cả việc đối mặt trách nhiệm hình sự khi gây hậu quả nghiêm trọng. Với vụ chó Pitbull cắn chết người ở Long An, mặc dù chủ của con chó cũng bị tấn công, nhưng theo quy định, chủ của con chó này vẫn phải chịu trách nhiệm.
Ngọc Lê
Ông Long cho biết Bộ NN-PTNT và Bộ Y tế đang xây dựng trình Chính phủ chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại, giai đoạn 2022 - 2030. Trong đó, việc đầu tiên, 2 bộ sẽ rà soát lại toàn bộ những quy định còn bất cập, bổ sung thêm các biện pháp quản lý, quy rõ trách nhiệm cụ thể và xử lý nghiêm các trường hợp nuôi chó không tuân thủ các biện pháp quản lý, phòng chống bệnh dại.
“Chương trình quản lý tới đây cũng sẽ đưa ra các yêu cầu, điều kiện quản lý chặt chẽ đối với đối tượng vật nuôi và giống chó Pitbull có thể lấy làm dẫn chứng điển hình. Đối tượng vật nuôi nếu là các giống chó nguy hiểm thì phải có biện pháp mạnh, thậm chí xem xét, đề xuất cấm nuôi những giống chó nguy hiểm mà người nuôi không có giải pháp hoặc không thực hiện nghiêm việc nuôi, quản lý”, ông Long nói.

Tăng cường quản lý chó thả rông

Công tác quản lý chó, mèo phòng chống bệnh dại đang được UBND tỉnh An Giang chỉ đạo cho các địa phương trong tỉnh quan tâm nhằm tiến tới khống chế và loại trừ bệnh dại trong giai đoạn 2018 - 2021. Đầu năm 2021 đến nay, An Giang chưa xuất hiện trường hợp tử vong do chó thả rông bị bệnh dại cắn. Tuy nhiên, ở các khu vực nông thôn và huyện biên giới giáp Campuchia vẫn hay xảy ra tình trạng chó bị bệnh dại tử vong.
Qua đó, để quản lý chó, mèo nhằm loại trừ bệnh dại, UBND H.An Phú (An Giang) đã chỉ đạo Trạm chăn nuôi và thú y huyện tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo. Yêu cầu người nuôi chó, mèo phải khai báo với trưởng ấp hoặc nhân viên chăn nuôi và thú y ở địa phương để tiêm vắc xin phòng bệnh dại khi có phát sinh. Chủ nuôi chó, mèo cam kết nuôi nhốt hoặc xích, giữ trong khuôn viên gia đình, thực hiện đeo vòng cổ cho chó, mèo đã được tiêm phòng vắc xin dại. Từ ngày 29.3 - 11.5, H.An Phú triển khai việc bắt chó thả rông ở các xã, thị trấn.
Tại Đồng Tháp, việc quản lý chó nuôi đang được siết chặt sau khi Chi cục Thú y Vùng 4 thông báo kết quả xét nghiệm mẫu xét nghiệm chó vô chủ ở khóm 5, P.An Thạnh (TP.Hồng Ngự) dương tính với vi rút dại vào đầu tháng 3.2021. Khi cho chó ra đường, nơi công cộng phải có người dắt và đeo rọ mõm theo đúng quy định. Trường hợp hộ gia đình có chó, mèo không thực hiện tiêm phòng phải tiến hành lập biên bản và xử lý vi phạm theo quy định.
Như Thanh Niên đã thông tin, khoảng 23 giờ 30 ngày 20.5, ông H.T.H (37 tuổi, ngụ ấp Bình Tây, xã Mỹ Bình, H.Tân Trụ, Long An) dắt 2 con chó Pitbull (con cái nặng hơn 30 kg, con đực gần 60 kg) nuôi trong nhà đến ấp 4, xã Nhị Thành, H.Thủ Thừa, Long An uống cà phê. Tại đây, con chó đực đã tấn công gây chết 1 người, chủ chó bị thương. Đến sáng 21.5, công an đã bắn hạ con chó đực.
Trưa 21.5, đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Long An phối hợp Công an H.Thủ Thừa và Công an xã Mỹ Bình (H.Tân Trụ) tiến hành mổ tử thi con chó bị bắn hạ. Cơ quan chức năng cắt lấy phần đầu và nhiều mẫu bao tử con chó Pitbull, phần xác con chó giao gia đình tự xử lý. Riêng con chó cái còn sống, công an lập biên bản bàn giao cho gia đình ông H. quản lý với cam kết “không được mua bán hoặc đem đi nơi khác để phục vụ điều tra vụ án”.
Liên tục trong 2 ngày 21 - 22.5, điều tra viên Công an H.Thủ Thừa có mặt tại nơi điều trị cho ông H. là Bệnh viện đa khoa tỉnh Long An để lấy lời khai. Tuy nhiên, ông H. chỉ cung cấp nạn nhân tử vong là “bạn quen lang thang ở đường phố”, chứ chưa nói đầy đủ tên tuổi, địa chỉ. “Có điều gì đó anh ta chưa khai thật. Bạn bè gặp nhau khá lâu, nhiều lần ít ra cũng biết họ tên, địa chỉ, gia đình và bạn bè, còn đằng này chỉ nói không rõ”, một điều tra viên cho biết. Cũng theo gia đình ông H., năm 20 tuổi, ông H. đi cai nghiện ma túy và đã đi 10 lần.
Khôi Nguyên
Tại Hà Nội, từ năm 2018, UBND TP đã phê duyệt việc thành lập đội săn bắt chó thả rông theo đề xuất của Chi cục Thú y, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 90/2017 quy định, hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng bị phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng; chó thả rông bị bắt sau 72 giờ nếu không có người tới nhận sẽ được đem đi tiêu hủy... Các đội săn bắt chó thả rông thuộc quận, huyện ở Hà Nội hoạt động “rầm rộ” và gây chú ý hơn cả, sau khi Hà Nội và các tỉnh lân cận xuất hiện khá nhiều vụ chó không rọ mõm tấn công người, trong đó có cả trẻ em. Các phường thỉnh thoảng cũng cử cán bộ tuần tra xử phạt những người vi phạm, nhưng hoạt động này sau đó cũng “nhạt” dần. “Việc xử phạt vi phạm quy định thì đúng là chưa được thường xuyên do cán bộ phường quá ít người”, lãnh đạo một phường thuộc Q.Thanh Xuân cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.