Phải xử lý hình sự những kẻ chăn dắt trẻ em ăn xin

08/09/2020 05:25 GMT+7

Nhiều bạn đọc đề nghị cần phải xử lý hình sự những kẻ chăn dắt trẻ em ăn xin.

Nhiều bạn đọc đã bày tỏ sự đồng tình với bài viết Để trẻ phải đi ăn xin, cần xử lý người đứng đầu địa phương đăng trên Thanh Niên ngày 7.9.2020, và đề nghị cần phải xử lý hình sự những kẻ chăn dắt trẻ em ăn xin.

KỲ 1: Bé gái 10 tuổi trốn thoát ngoạn mục khỏi mẹ và cậu ruột chăn dắt ăn xin

Sau loạt bài Trốn thoát khỏi bàn tay chăn dắt ăn xin của mẹ và cậu ruột (đăng trên Thanh Niên từ ngày 3 - 5.9.2020) thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận về nỗi bức xúc trẻ em bị bóc lột, bạo hành, Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH). Ông Nam cho biết: Luật Trẻ em quy định chủ tịch UBND cấp xã, huyện, tỉnh là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vụ việc xâm hại trẻ em trên địa bàn. Theo Chỉ thị 23 của Thủ tướng về tăng cường các giải pháp thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em mới ban hành tháng 5.2020, người đứng đầu địa phương, người đứng đầu các cơ quan đơn vị làm công tác bảo vệ trẻ em ở địa phương phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.

“Con chung” không ai chăm ?

“Tôi thấy chúng ta có luật và văn bản dưới luật cũng nhiều, có đến 17 cơ quan làm công tác bảo vệ trẻ em, quá nhiều, nhưng cảnh trẻ em ăn xin vẫn diễn ra hằng ngày, có những trường hợp rất đau lòng, tại sao? Cái chúng ta thiếu, theo tôi, là chưa quy định rõ ràng, cụ thể người chịu trách nhiệm, trách nhiệm cụ thể như thế nào. “Con chung” không ai chăm là vậy”, bạn đọc (BĐ) Công Thành bức xúc viết. Cùng quan điểm, BĐ Mai Thu Đông cho biết: Chính quyền và người đứng đầu địa bàn cơ sở phải hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu có tình trạng trẻ em lang thang ăn xin.

KỲ 2: Bi kịch loạn luân trong vụ án mẹ ruột, cậu ruột chăn dắt bé gái 10 tuổi ăn xin

Cần phải bổ sung vào bộ luật về vấn đề này. Cần có luật xử phạt nặng những hành vi vi phạm quyền lợi và thân thể trẻ em, như vậy mới hy vọng hạn chế được vấn nạn này. 

Trần Ngọc Tiến

Về việc xử lý những kẻ chăn dắt trẻ em ăn xin, nhiều BĐ như Khuê Trúc, Lưu Kỳ, Dật, Điểu… đều ủng hộ ý kiến của PGS-TS Phạm Mạnh Hà, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), là cần “đưa hành vi chăn dắt trẻ em đi ăn xin lên mức xử lý hình sự. Khung hình phạt cần phải tăng nặng những trường hợp bắt trẻ em, đánh đập, ngược đãi, bắt trẻ em lao động, kiếm sống khi tuổi của các em còn quá nhỏ”.

Để chấm dứt nạn trẻ em ăn xin

Để chấm dứt tình trạng này, bên cạnh việc quy trách nhiệm người đứng đầu địa phương, xử lý hình sự kẻ chăn dắt, ép buộc trẻ em đi ăn xin, nhiều BĐ đã góp nhiều ý kiến khác. BĐ Diễm Chi chia sẻ: Vẫn biết phải yêu thương người khác, giúp đỡ họ, nhưng nên yêu thương bằng cách khác. Còn người cho tiền ăn xin ngoài đường thì sẽ chẳng bao giờ dẹp được tệ nạn ăn xin đâu, cả trẻ em và người lớn.

Khi mà chính quyền địa phương, các đoàn thể... có sự phối hợp tốt và hiệu quả, thì không những cứu được cháu bé kịp thời mà còn ngăn chặn cha mẹ của trẻ lún sâu vào tội lỗi, phạm pháp hình sự. Con người thì ở bất cứ độ tuổi nào cũng có thể có sai lầm. Chặn đứng họ phạm tội bao giờ cũng tốt hơn là nhốt họ vào tù! 

Hoàng

Chia sẻ này được khá nhiều BĐ khác đồng tình ủng hộ. BĐ Hoài Du bày tỏ: Có nhiều cách để yêu thương. Ai khó khăn có thể đến trụ sở phường, trung tâm xã hội... Những nơi này sẽ giúp đỡ từ nguồn đóng góp của những người hảo tâm, từ thiện. Chứ ra đường mà thấy ăn xin nhiều quá, thấy thế nào...
BĐ Bổng cũng cho rằng: Ai khó khăn thì cứ tới các trung tâm xã hội, nơi đó sẽ xem xét giúp đỡ. Tuyệt đối không cho tiền ngoài đường, chỉ làm ăn xin ngày càng nhiều, nuôi mập thây kẻ chăn dắt mà thôi.

Điều tôi rút ra được việc phải làm qua bài viết này của Báo Thanh Niên là, khi thấy trẻ em ăn xin, cần: 1. Gọi ngay cho 111 (tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em) để tổng đài kết nối, can thiệp và xử lý kịp thời. 2. Không bao giờ cho tiền trẻ ăn xin (vì hầu hết đằng sau đó là những kẻ chăn dắt). 

NAM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.