Phải lên tiếng trước các lễ hội biến tướng

15/02/2017 06:14 GMT+7

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay: Thủ tướng không hài lòng khi trước một lễ hội phản cảm, các cơ quan quản lý địa phương lên tiếng, còn Bộ VH-TT-DL lại im lặng, không thể hiện chính kiến.

Câu chuyện các lễ hội biến tướng, phản cảm trong khoảng thời gian đầu năm là nội dung được quan tâm nhiều nhất tại buổi làm việc giữa tổ công tác của Thủ tướng với lãnh đạo Bộ VH-TT-DL ngày 14.2 tại Hà Nội. Dẫn đầu tổ công tác là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.
Tại buổi làm việc, Bộ VH-TT-DL cũng nhận được những chia sẻ, góp ý của đại diện nhiều bộ ngành. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho hay ngay từ việc xác định thế nào là ranh giới giữa tín ngưỡng và mê tín cũng là điều không dễ. Trong khi đó, ngay trong các văn bản quy chế về quản lý lễ hội mới có 2 - 3 điều khoản về quản lý. Còn theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, lễ hội là nhu cầu của nhân dân, nên có những trường hợp dùng luật chưa chắc tốt hơn dùng lệ. Cho nên, bộ quản lý ngành cũng cần phải quan tâm đến văn hóa, tiết chế văn hóa địa phương để có biện pháp phù hợp.

“Nếu Bộ trưởng ngại lên tiếng thì báo cáo thủ tướng”
Trước khi đi vào nội dung chính là kiểm tra tiến độ việc thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng và lãnh đạo Chính phủ giao cho Bộ VH-TT-DL, ông Dũng cho biết ngay trước giờ dẫn đoàn sang làm việc, ông được Thủ tướng gọi vào nhắn nhủ 5 vấn đề quan tâm. Trong đó, công tác quản lý lễ hội là câu chuyện đầu tiên Thủ tướng nhắc tới.
“Thủ tướng nói rằng vừa qua người dân không đồng tình vì nhiều lễ hội bị biến tướng, do ảnh hưởng của cơ chế thị trường tạo ra lợi ích nhóm”, ông Dũng nói và dẫn chứng câu chuyện tại Hội Gióng Sóc Sơn, hay vấn đề tại lễ hội chùa Hương, cướp phết Hiền Quan tại Phú Thọ. “Các hoạt động như thế là có vấn đề. Người dân lao vào tranh cướp lộc. Ngay cả việc như nhà sư đứng trên ném lễ xuống, chứng tỏ ý thức văn hóa chưa tốt. Thủ tướng nói những việc đó các cơ quan quản lý nhà nước lên tiếng, nhưng riêng Bộ VH-TT-DL lại chìm lắng, không lên tiếng phản hồi. Thủ tướng nói, nếu Bộ trưởng ngại lên tiếng thì báo cáo để Thủ tướng có ý kiến”, ông Dũng truyền đạt.
Bộ mà lập biên bản với phó chủ tịch tỉnh thì khó lắm!
Giải trình vấn đề này, bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, cho biết hằng năm Bộ VH-TT-DL có chuyên đề riêng về quản lý lễ hội, ban hành các văn bản chỉ đạo, gửi các địa phương để chấn chỉnh. Nhờ đó, năm nay nhiều hình ảnh phản cảm đã không còn như: chém lợn tại Ném Thượng, đập đầu trâu. Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định quan điểm của Bộ là không tổ chức các lễ hội phản cảm nhưng các địa phương phản ứng.
Trong khi đó, ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL, cho rằng tổ chức lễ hội, du lịch gắn với kinh tế nên việc quản lý lễ hội ngày càng khó khăn. Ông dẫn chứng một ngôi đền ở Cửa Ông (Quảng Ninh) từ đầu năm đã thu được 16 tỉ đồng, hay hội chọi trâu Yên Bái doanh nghiệp vừa bán vé vừa bán thịt trâu… “Tại lễ hội chọi trâu ở Yên Bái, đơn vị xuống kiểm tra, lập biên bản nhưng một phó chủ tịch tỉnh lại làm trưởng ban tổ chức, nên thanh tra Bộ mà lập biên bản với phó chủ tịch tỉnh thì khó lắm”, ông Thành nói.
Năm sau phải tốt hơn năm trước
Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý, việc Thủ tướng đặt vấn đề Bộ VH-TT-DL phải lên tiếng trước một số lễ hội có biến tướng, trục lợi, phản cảm là phải lên tiếng dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước. “Ví dụ trước hình ảnh phản cảm tại đền Gióng, Bí thư Thành ủy Hà Nội lên tiếng luôn, yêu cầu chấn chỉnh ngay hoàn toàn khác với việc chỉ trả lời báo chí. Thủ tướng muốn Bộ VH-TT-DL phải có chính kiến giữa ranh giới được và không được, chứ không nói việc cái này không thuộc bộ tôi, thuộc bộ kia”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng giải thích.
Dẫu vậy, theo ông Dũng, tổ công tác cũng ghi nhận những mặt được trong công tác quản lý lễ hội, như số lượng các lễ hội phản cảm đã giảm và đó là việc được người dân đồng thuận… Chia sẻ nội dung này, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện cho hay, nhờ lường trước các vấn đề về lễ hội, nên ngay từ khi kết thúc mùa lễ hội năm ngoái, Bộ đã chủ động làm việc với các tỉnh có lễ hội lớn, lễ hội từng xảy ra hành vi bạo lực, phản cảm để cùng các tỉnh lên phương án cho lễ hội và tổ chức vận động nhân dân. Nhờ vậy, số lượng lễ hội phản cảm, bạo lực đã ít đi. “Tuy nhiên để chấm dứt hết thì phải thừa nhận rất khó, nên chúng tôi đặt mục tiêu năm sau phải tốt hơn năm trước”, ông Thiện nói.
Đi thi nhan sắc quốc tế mà không biết ngoại ngữ
Một vấn đề nóng khác cũng được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc nhở theo yêu cầu của Thủ tướng là Bộ VH-TT-DL sớm báo cáo rõ về vấn đề công tác nghệ thuật, biểu diễn khi năm 2016 bùng nổ các cuộc thi sắc đẹp. “Có những thí sinh đi thi quốc tế nhưng không biết ngoại ngữ, cái này phải cố tránh để không tạo dư luận không tốt”, ông Mai Tiến Dũng lưu ý.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đặc biệt quan tâm tới vấn đề liên quan tới công tác phong tặng, truy tặng các danh hiệu, nhất là các danh hiệu nghệ sĩ, đặc biệt là các nghệ sĩ tiền bối. “Nhà thơ Xuân Quỳnh, Thu Bồn không được xem xét phong tặng các danh hiệu cao quý thì lý do là gì? Khi dư luận quan tâm, Bộ phải có giải thích, báo cáo. Bộ phải thể hiện công tâm, đừng để lợi dụng chạy chọt việc phong tặng, truy tặng danh hiệu nghệ sĩ”, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.