Phá rừng để... thông tin cho báo chí!?

24/09/2020 05:02 GMT+7

Dù nhiệm vụ chính là quản lý, bảo vệ rừng song khi rừng bị phá, cơ quan chức năng H.Kon Chro (Gia Lai) lại đổ thừa cho kẻ xấu phá rừng không lấy gỗ mà để... thông tin cho báo chí.

Rừng phòng hộ đầu nguồn Sró do UBND xã Sró, H.Kon Chro quản lý có diện tích hơn 2.000 ha. Dù lối ra khỏi rừng đi về trung tâm xã này và H.Kon Chro là những con đường độc đạo song rừng ở đây vẫn bị “chảy máu”. Cụ thể, giữa tháng 3 năm nay, một vụ phá rừng lớn đã xảy ra tại tiểu khu 805, thuộc vùng rừng do UBND xã Sró quản lý. Khối lượng gỗ thu được gần 41,5 m3, bao gồm các chủng loại gỗ như chò, dổi, kháo. Tổng giá trị thiệt hại gần 350 triệu đồng. Liên quan đến vụ việc, Công an H.Kon Chro đã khởi tố vụ án song đến nay vẫn chưa điều tra xong.
Từ ngày 15 - 16.9, chúng tôi quay lại khu vực này và ghi nhận tái diễn nạn phá rừng. Trong bán kính chưa đầy 50 m tại tiểu khu 805, chúng tôi đếm được 6 cây rừng lớn với đường kính gốc khoảng từ 40 - 100 cm, chiều dài gần 20 m, bị cưa đổ. Xung quanh có nhiều cây rừng khác bị ngã khi cây lớn bị cưa ngã. Dấu vết của vụ phá rừng còn khá mới.
Sau đó, Hạt Kiểm lâm H.Kon Chro phối hợp với các ngành chức năng đến hiện trường kiểm tra và đã báo cáo cấp trên về vụ phá rừng này. Nhưng theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm Kon Chro ngày 17.9 (do ông Trần Hùng Anh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H.Kon Chro, ký): “Hiện trường vụ phá rừng thuộc lâm phần do UBND xã Sró quản lý. Tại lô 1, khoảnh 5, tiểu khu 805 có 4 cây gỗ bị khai thác trái pháp luật với tổng khối lượng hơn 5,2 m3. Số cây bị khai thác nằm rải rác tại nhiều vị trí theo đường mòn. Đường kính gốc chặt từ 30 - 60 cm, thuộc chủng loại gỗ thông thường. Lá cây và dấu vết cưa còn tươi. Thời gian bị phá cách thời điểm kiểm tra (ngày 16.9) khoảng 4 - 7 ngày”.
Đáng nói, báo cáo kết luận: “Theo thông tin tìm hiểu từ người dân địa phương, số cây gỗ trên các đối tượng cưa hạ không phải lấy gỗ, mà nhằm mục đích trả thù cá nhân, phá hoại tình hình quản lý lâm sản trên địa bàn xã Sró, H.Kon Chro, đồng thời dẫn báo chí vào quay phim chụp hình”.
Ngày 22.9, trả lời Thanh Niên về nội dung bản báo cáo trên, ông Phan Văn Trung, Chủ tịch UBND H.Kon Chro, quả quyết: “Không thể nói như vậy được. Chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo các ngành chức năng làm rõ để xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng, xử lý trách nhiệm của các cá nhân khi để rừng bị phá. Sau khi có kết quả điều tra chính thức, chúng tôi sẽ thông tin lại với cơ quan báo chí”.
Cùng ngày 22.9, chúng tôi đã liên hệ với ông Nguyễn Hữu Huân, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Gia Lai, để làm việc nhưng ông Huân từ chối vì bận họp và hẹn thời gian khác.
Sáng 23.9, ông Trần Hùng Anh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Kon Chro, nói: “Thường trực Huyện ủy Kon Chro đã có văn bản chỉ đạo công an vào cuộc để điều tra, xử lý. Thực tế có đối tượng nhắn tin đe dọa cán bộ UBND xã Sró. Đối tượng này được xác định là người ở xã, nhưng đã đi khỏi nơi cư trú. Mọi việc sẽ được tiếp tục điều tra, làm rõ. Khi có thông tin báo chí đăng tải về vụ phá rừng, có đối tượng nhắn tin nói là đã thông tin cho báo chí chứ chúng tôi chưa có cơ sở chắc chắn để nói vậy. Báo cáo chỉ là kết luận ban đầu”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.