Phá án trên ‘thế giới phẳng’: Bóc gỡ đường dây bán hàng online lừa đảo

08/08/2016 06:13 GMT+7

Trong những năm gần đây, tội phạm sử dụng công nghệ cao nhằm chiếm đoạt tài sản tăng đột biến, gây bức xúc lớn trong xã hội.

Trước thực trạng này, lãnh đạo Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) - Bộ Công an chỉ đạo trinh sát nắm tình hình thông tin trên mạng internet, xác định các đầu mối chuyên lừa đảo thông qua các diễn đàn thương mại điện tử hay các trang mạng xã hội để triệt phá.

tin liên quan

Lừa đảo bán hàng qua mạng
Văn phòng tư vấn khiếu nại Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN gần đây nhận được nhiều khiếu nại của người tiêu dùng liên quan mua hàng qua mạng. Trong đó, không ít người mua bị mất tiền hoặc phải nhận hàng kém chất lượng.
Lên “chợ ảo” tìm nghi phạm
Cuối tháng 8.2014, C50 nhận được hàng trăm thông tin từ bị hại trên cả nước bị đối tượng lừa đảo bán điện thoại, nhận làm giấy tờ nhà đất, bằng cấp các loại qua mạng internet.
Điển hình là vụ việc của chị Phương Thảo (ngụ Đà Nẵng). Khoảng tháng 5.2014, chị Thảo tìm trên internet thấy có thông tin rao bán iPhone 5 với giá 9,5 triệu đồng (giá thị trường lúc này 12 triệu đồng). Thấy rẻ, chị Thảo liên hệ với người bán và được yêu cầu chuyển 3 triệu đồng tiền đặt cọc vào tài khoản ngân hàng do người này cung cấp. Sau khi chị Thảo chuyển tiền, bên bán cũng gửi phiếu chuyển phát nhanh gửi qua email báo tin đã chuyển hàng. Hai hôm sau, có người tự xưng là nhân viên chuyển phát nhanh gọi cho chị Thảo, yêu cầu chuyển thêm 4,5 triệu đồng để nhận điện thoại. Nhưng sau khi chị Thảo chuyển tiền xong thì “bên bán” không giao hàng mà trốn mất.
Theo thống kê của C50, tổng cộng số tiền bị hại trình báo đã chuyển vào tài khoản của đường dây lừa đảo này lên đến gần 3 tỉ đồng; số tiền bọn chúng rút ra khỏi tài khoản với nội dung mua bán hàng, làm giấy tờ nhà đất là khoảng 300 triệu đồng.

Sau khi tiếp nhận vụ việc của chị Thảo, trinh sát “rà” lại các diễn đàn thương mại điện tử và thấy xuất hiện hàng trăm bài viết rao bán điện thoại, làm bằng cấp, giấy tờ giả. Nếu ai có nhu cầu, liên hệ với Trần Trung Việt, có địa chỉ email và số điện thoại kèm theo. Lúc đó, các trinh sát đã đánh giá đây là một nhóm các đối tượng có tổ chức và hoạt động chuyên nghiệp. Một trinh sát nhớ lại, xác định được nơi cư trú của người đăng bài viết nhưng người này thay đổi chỗ ở liên tục và địa chỉ rải rác nhiều nơi nên rất khó biết ở đâu. Tiếp tục nghiên cứu các giao dịch lừa đảo của nghi phạm, trinh sát còn phát hiện người này thường xuyên di chuyển theo cung đường từ Bình Phước - TP.HCM - Bà Rịa-Vũng Tàu.
“Chúng tôi khoanh vùng được hoạt động phi pháp của các nghi phạm bắt đầu từ năm 2013. Các số điện thoại dùng để lừa đảo đều không đăng ký chính chủ. Nghi phạm mua lại CMND từ chợ đen và cửa hiệu cầm đồ rồi mang ra ngân hàng đăng ký mở tài khoản và chỉ đăng ký sử dụng dịch vụ rút tiền tự động tại cây ATM. Riêng các bài viết được đăng lên hầu hết tại các đại lý internet công cộng”, một trinh sát kể.
Mở “nút thắt”, bắt giữ hàng loạt đối tượng
Trưởng ban chuyên án kể lại: Khó khăn nhất là việc xác định con người thật của nghi phạm. Khi rà soát thông tin trên mạng, trinh sát phát hiện một số tài khoản và hình ảnh của nghi phạm, nhưng vẫn chưa thể khẳng định họ có liên quan đến đường dây lừa đảo này hay không?
Sau mấy tháng theo dõi, tháng 1.2015, C50 phát hiện nghi phạm sử dụng nhiều tài khoản ngân hàng để nhận tiền của bị hại, điều này cho thấy nhóm đối tượng có dấu hiệu thay đổi thông tin, xóa dấu vết.
“Nút thắt” được mở vào khoảng tháng 3.2015, khi trinh sát phát hiện hai đối tượng có người thân ở H.Bù Đăng (Bình Phước) và H.Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu). Lãnh đạo đơn vị tại Hà Nội ngay lập tức cử trinh sát vào tận hai địa bàn này để xác định rõ lai lịch của nghi phạm.
Sau khi đối chiếu hình ảnh thu được trên mạng internet trùng khớp với nghi phạm Trương Anh Kiệt và Nguyễn Văn Đô (cùng 21 tuổi, quê Quảng Ngãi), công an bắt đầu theo dõi 2 người này. Một thời gian dài theo dõi, trinh sát phát hiện thêm mối liên quan với nhóm Trần Ngọc Tây, Nguyễn Hữu Thành, Trương Ngọc Duẩn và Nguyễn Thành Nhơn. “Các nghi can này có địa chỉ đăng ký thường trú tại Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Phước.
Chúng thường xuyên lên các sàn nhảy và rủ nhau chơi ma túy đá, tuổi đời thuộc thế hệ 9X, còn có vài nghi can có tiền sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, trinh sát kể lại. Đặc biệt, “đầu mối” Nguyễn Văn Đô còn dẫn dắt trinh sát đến một đối tượng lúc bấy giờ đang bị Công an Q.Tân Bình (TP.HCM) truy nã về tội cướp giật tài sản là Đinh Phong Phú (29 tuổi, ngụ Q.Bình Tân). Ngày 16.6.2015, các trinh sát C50 phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (C45) - Bộ Công an đã đồng loạt ra quân bắt tạm giam, khám xét nơi ở đối với 5 nghi phạm gồm: Nguyễn Văn Đô, Trương Ngọc Duẩn, Trần Ngọc Tây, Đinh Phong Phú và Nguyễn Hữu Thành.
Thiếu tá Phạm Công Hải (Phó trưởng Phòng 2, C50) cho biết khi công an ập vào nơi ở của các nghi phạm thì phát hiện đa số đang có bạn gái sống chung. Lúc đó, hầu hết đều tỏ ra bất ngờ và cho rằng mình vô tội. Nhưng sau một ngày làm việc tại trụ sở công an với đầy đủ bằng chứng được trưng ra, họ không còn đường chối cãi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.