Ông Võ Văn Thưởng: 'Nhiều nước coi Việt Nam là mô hình phát triển để học tập'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
10/12/2019 17:44 GMT+7

Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng cho biết, ông đi các nước châu Phi và một số nước đều đánh giá Việt Nam là một mô hình về phát triển để học tập.

Chiều 10.12, tại phiên làm việc ngày thứ nhất Đại hội đại biểu toàn quốc Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, đã thông tin tới Đại hội về một số vấn đề phát triển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư cho biết, phần thông tin ông cung cấp sẽ tập trung vào kết quả đạt được mọi mặt của tình hình đất nước trong thực hiện Đại hội XII của Đảng và nội dung quan trọng chuẩn bị Đại hội XIII sắp tới.
Nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn thông tin, Đại hội Đảng khóa XIII dự kiến diễn ra trong quý 1.2021 có vị trí và tầm quan trọng đặc biệt trong tiến trình phát triển của đất nước, cũng như trong lịch sử ra đời lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Theo ông Thưởng, Đại hội XIII của Đảng sẽ chuẩn bị cho một thời kỳ mà tình hình trong nước và thế giới có rất nhiều biến động, một đêm thức dậy là tình hình thế giới đã có thay đổi.
Ở trong nước, Trưởng Ban Tuyên giáo cho hay, như Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhiều lần đã nói: Đất nước chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.
“Điều đó là sự thật các đồng chí ạ. Chúng ta có thể chứng minh bằng những con số, bằng cảm nhận của những người sống qua nhiều thời kỳ, giai đoạn phát triển của đất nước. Và không cần nhìn chặng đường dài, chỉ cần 10-15 năm trong cảm nhận, đánh giá, suy nghĩ của nhiều đại biểu ngồi đây thôi cũng thấy sự thay đổi rất rõ nét, cụ thể”, ông Thưởng nói.

Trên thế giới chỉ 2-3 nước đạt tốc độ tăng trưởng như Việt Nam

Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư khẳng định, đất nước đã đạt được những thành tựu rất quan trọng.
Ông Thưởng cho hay, kinh tế nước ta trong 5 năm qua ổn định và tăng trưởng liên tục với tốc độ cao, nhiệm kỳ này tăng hơn so với nhiệm kỳ trước và là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới.
“Tôi sang châu Phi và một số nước, người ta đánh giá Việt Nam là một mô hình để học tập. Đó là người ta tự nói chứ không phải mình nói”, ông Thưởng thông tin.
Dẫn con số về tốc độ tăng trưởng GDP trong nhiệm kỳ khóa XI và XII, ông Thưởng cho hay, riêng năm 2019 dự kiến tốc độ tăng trưởng trên 7% và với tốc độ tăng trưởng này, trên thế giới chỉ 2-3 nước đạt được.

Các đại biểu tham dự Đại hội

Ảnh Ngọc Thắng

Một thành tựu quan trọng khác được ông Thưởng đề cập là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ đầu nhiệm kỳ tới nay. Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, vào đầu năm 2016, khi nhiệm kỳ XII bắt đầu, ít ai có thể nghĩ cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, suy thoái sẽ mạnh mẽ như vậy.
“Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Ban chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị đã kỷ luật hơn 70 cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý, trong đó có cả ủy viện Bộ Chính trị, phó thủ tướng, bộ trưởng, bí thư tỉnh ủy. Con số này nói ra rất đau lòng nhưng nó cũng nói lên quyết tâm của Đảng là dù sai phạm ở cấp nào thì đều bị xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước”, ông Thưởng khẳng định.
Ông Thưởng cũng cho biết, theo kết quả điều tra của Viện Điều tra dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo T.Ư, có tới 75% người dân được hỏi đánh giá công tác xây dựng chỉnh đốn đảng đạt được nội dung đáng phấn khởi so với đầu nhiệm kỳ trong khi kết quả điều tra vào cuối năm 2015 chỉ đạt 40%.
“Tôi tin rằng, với sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của T.Ư, Bộ Chính trị, Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, kết quả này sẽ làm niềm tin của người dân được tăng lên”, ông Thưởng nhấn mạnh.

Nhìn thẳng vào hạn chế để có cách khắc phục

Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu đạt được, ông Thưởng cũng cho biết, còn rất nhiều hạn chế, yếu kém mà trong thời gian hạn hẹp, ông chỉ nói một số như việc như hoàn thiện thể chế, đổi mới cơ cấu tăng trưởng kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn chậm, năng suất, chất lượng sản phẩm chưa được như kỳ vọng…
Dẫn ví dụ về hoàn thiện thể chế, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư cho biết, chúng ta xây dựng hoàn thiện rất nhiều luật, gần như lĩnh vực nào cũng có nhưng thực tế vẫn vướng, đôi khi thực hiện luật này lại vướng luật khác.
Hay như vấn đề giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ vẫn chưa thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế, chưa trở thành quốc sách hàng đầu. Theo Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, những hạn chế này cần được nhìn thẳng vào sự thật để có cách khắc phục.
Từ đó, ông Thưởng cho biết, nhiều bài học đã được rút ra sau 5 năm năm thực hiện nghị quyết, trong đó kinh nghiệm quan trọng là thường xuyên củng cố, tăng cường đoàn kết trong Đảng, hệ thống chính trị và tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng vì xây dựng Đảng sẽ mang lại kết quả trong các lĩnh vực khác.
Theo ông Thưởng, Bác Hồ đã nói cán bộ là gốc của công việc, mà muốn có cán bộ tốt phải tăng cường công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là giám sát quyền lực.
“Bản chất con người, tính tình của con người không bất biến. Hôm nay tốt, ngày mai chưa chắc đã tốt. Hôm nay đề bạt bổ nhiệm thì lúc đó là tốt nhưng khi có quyền lực, mà thiếu giám sát thì dễ sử dụng cái đó cho cá nhân, cho nhóm”, ông Thưởng phân tích.
Bên cạnh đó, ông Thưởng cũng cho rằng, một bài học được rút ra trong 5 năm qua là chủ động nghiên cứu, nắm bắt dự báo đúng tình hình để không bị động, bất ngờ, xử lý đúng đắn, hiệu quả trong quan hệ với các nước.
“Dự báo không đúng rất khó khăn. Vì xử lý quan hệ các nước nguy cơ rất lớn. Nếu có vấn đề gì liên quan tới hòa bình, ổn định, xung đột htương mại, kinh tế thì rất khó khăn, vất vả”, ông Thưởng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.