Ông Võ Kim Cự được vào Ủy ban Kinh tế vì có học vấn phù hợp

29/07/2016 19:30 GMT+7

Đây là lý giải của ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội tại cuộc họp báo bế mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá 14 chiều 29.7.

Gần đây dư luận rất quan tâm đến trách nhiệm của ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh trong việc cấp phép 70 năm cho Formosa ở Hà Tĩnh. Tuy nhiên tại kỳ họp này, ông Võ Kim Cự vẫn được phê chuẩn là thành viên của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Đây là 2 việc khác nhau. Theo điều 30 luật Tổ chức Quốc hội, đại biểu có quyền đăng ký vào làm thành viên của Hội đồng Dân tộc hoặc bất cứ ủy ban nào của Quốc hội. Ông Võ Kim Cự là cử nhân chuyên ngành Tài chính - Kế toán, có bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh. Đương nhiên với học vấn như thế, ông ấy tham gia vào Ủy ban Kinh tế là phù hợp.
Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, vậy việc Quốc hội giao cho một ủy ban giám sát vấn đề môi trường Formosa, như vậy có coi nhẹ vấn đề này không?
Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng: Như đồng chí Tổng thư ký Quốc hội đã nói, các đại biểu Quốc hội, Quốc hội cũng rất quan tâm vấn đề môi trường, trong đó có sự cố môi trường biển Miền Trung mà chúng ta vẫn gọi là vụ Formosa.
Căn cứ chương trình chung và yêu cầu công tác giám sát, Quốc hội đã chọn 2 chuyên đề giám sát tối cao trong thời gian tới là an toàn thực phẩm và cải cách bộ máy hành chính nhà nước. Vấn đề môi trường biển miền Trung, Quốc hội có giao cho Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường giám sát báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.
Tôi nghĩ rằng không thể đặt vấn đề Quốc hội không coi trọng hay xem nhẹ sự việc này, nội dung này. Theo quy định luật hoạt động giám sát Quốc hội, có 5 cấp độ giám sát. Gồm giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban, Đoàn ĐBQH và cuối cùng là giám sát của các ĐBQH.
5 cấp độ giám sát này tạo thành tổng thể hoạt động giám sát của Quốc hội. Hoạt động giám sát nào cũng có địa vị pháp lý của từng cấp độ đó. Trên cơ sở kết quả giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Quốc hội sẽ có những chủ trương, quyết định tiếp theo. Tôi mong rằng cử tri, báo chí tiếp tục theo dõi ủng hộ để hoạt động giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và giám sát của các ĐBQH với vấn đề này đạt kết quả tốt và chúng ta sẽ có những chỉ đạo, quyết định, đáp ứng yêu cầu việc xử lý sự cố môi trường biển miền Trung.
Trường hợp ông Võ Kim Cự vừa được phê chuẩn thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có ảnh hưởng gì không đến các hoạt động giám sát của Ủy ban Kinh tế nếu có đối với dự án Formosa, khi ông Cự vừa là thành viên của Ủy ban Kinh tế vừa là người có trách nhiệm liên quan dự án này?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Ông Cự là một thành viên của Ủy ban Kinh tế. Liên quan đến vấn đề môi trường thì vừa qua Quốc hội đã giao cho Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường trực tiếp vào đó giám sát. Tới đây, nếu có liên quan vấn đề kinh tế mà cần sự giám sát của Ủy ban Kinh tế thì đương nhiên, Ủy ban Kinh tế sẽ phân công đoàn giám sát gồm nhiều thành phần, nhưng chắc chắn sẽ không có thành phần ông Võ Kim Cự để đảm bảo khách quan.
Trước hàng loạt sai phạm liên quan đến Formosa, đặc biệt là việc ký quyết định cho Formosa hoạt động 70 năm ở Hã Tĩnh, có ý kiến cho rằng nên xem xét tư cách ĐBQH của ông Võ Kim Cự. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Chuyện 70 năm, chúng ta cũng không có cơ sở để xác định tư cách đại biểu của ông Võ Kim Cự. Còn sau này quá trình các cơ quan chức năng xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân lúc đó chúng ta mới có quyết định cụ thể được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.