Ông Phạm Minh Chính: Công tác tổ chức, cán bộ không tốt dễ gây ‘phản ứng domino’

Trung Hiếu
Trung Hiếu
01/08/2018 17:28 GMT+7

'Nhân nhượng một người ở cấp xã thì không thấy nhưng mà 'domino' ở cấp sẽ có 11.612 xã sẽ thế nào… Công tác cán bộ, tổ chức nhạy cảm là như vậy”, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính, nói .

Ngày 1.8, Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết công tác tổ chức xây dựng Đảng 6 tháng đầu năm 2018, triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2018.
Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân.
Tại hội nghị, ông Phạm Minh Chính cho biết Đảng làm công tác quản lý, công tác nhân sự về mặt xây dựng chủ trương, đường lối, cơ chế , giải pháp. Trên cơ sở ấy sẽ cụ thể hóa ra bằng chính sách, pháp luật và cơ chế của các ngành, cơ quan T.Ư và địa phương. Theo ông Chính, Đảng không làm thay nhiệm vụ và vượt quá thẩm quyền của chính quyền nhưng phải ra chủ trương, đường lối sát với thực tế.
Ông Chính cho hay công tác tổ chức cán bộ rất nhạy cảm và khó khăn. Đơn cử, một việc mà công tác tổ chức cán bộ làm được có khi bị coi nhỏ bé nhưng nếu không làm được thì sai lầm lại được coi như “quả núi, con voi”.
Ở điểm này, ông Chính chia sẻ khi làm công tác cán bộ, người được tổ chức chấm có khi chưa cảm thấy thỏa mãn nhưng người không được lại càng thấy ấm ức coi đó là lỗi của tổ chức chứ không phải của bản thân mình. Hay một việc liên quan đến tổ chức cán bộ không được xử lý đồng bộ, liên thông sẽ có vấn đề. Ví dụ như công tác cán bộ ở thành phố chiếu cố cho một người sẽ gặp phản ứng của các ban ngành, rồi “phản ứng domino” xuống các quận huyện, phường xã.
Ông Phạm Minh Chính (thứ 2 từ trái sang) và ông Nguyễn Thiện Nhân (thứ 2 từ phải sang) trao đổi với đại biểu tại hội nghị Ảnh: Trung Hiếu

“Xét cục bộ một đơn vị thêm một người sẽ không sao nhưng nếu nhân ra nhiều đơn vị sẽ thấy khác ngay. Như ở cấp huyện dễ dãi với một người nhưng nhân ra 713 huyện trên toàn quốc sẽ ra kết quả hơn 700 người. Nhân nhượng một người ở cấp xã thì không thấy nhưng mà "domino" ở cấp sẽ có 11.612 xã sẽ thế nào… Công tác cán bộ, tổ chức nhạy cảm là như vậy”, ông Chính nói.

Ông Chính lưu ý trong công tác tổ chức cán bộ cần được kiểm soát chặt chẽ, kỹ càng, chấm dứt trường hợp chạy chức, chạy quyền. Có hai đối tượng cần phải kiểm soát trong vấn đề này là tập thể và cá nhân, đặc biệt là kiểm soát người đứng đầu. Hiện Ban Tổ chức T.Ư đang xây dựng quy định về kiểm sát quyền lực, cấm chạy chức, chạy quyền. Đây là vấn đề rất khó nhưng phải làm.

Để tạo sự đột phá công tác cán bộ ở TP.HCM, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho hay cần tăng hiệu quả sử dụng con người, phát huy truyền thống sáng tạo của TP.HCM. Để làm được điều này, bộ máy tổ chức của Đảng có vai trò cực kỳ quan trọng, góp phần tham mưu, bố trí lãnh đạo, chọn đúng cán bộ vào vị trí thên chốt, góp phần thuc đẩy phát triển.

Về vấn đề tổ chức, quy hoạch cán bộ TP.HCM cho nhiệm kỳ tới, ông Nhân cho hay vấn đề này cần được đi trước một bước. Dự kiến sau khi khảo sát, quy hoạch cán bộ xong thì TP.HCM có thể luân chuyển một số cán bộ vào tháng 9.2018. Việc luân chuyển này để người nào chưa qua cơ sở thì về cơ sở 2 năm để cọ xát, có thêm kinh nghiệm. Người nào ở cập quận huyện, cấp sở mà thấy có khả năng thì đưa về làm phó chỗ khác để quy hoạch làm trưởng.

Về tinh giản giản biên chế ở TP.HCM, ông Nhân cho hay TP.HCM sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo của T.Ư nhưng cũng cần xem xét tính đặc thù là dân số ở TP.HCM quá đông, khối lượng công việc mà cán bộ, công chức TP.HCM phải giải quyết gấp nhiều lần so với địa phương khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.