Ông Nguyễn Thành Phong: TP.HCM hướng đến thu nhập bình quân đầu người 40.000 USD

15/10/2020 10:29 GMT+7

Trên cơ sở những thành tựu đạt được, TP.HCM đặt tầm nhìn đến năm 2045 trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 40.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.

Thu gần 1,5 triệu tỉ, chi chỉ khoảng 356.699 tỉ 

Theo báo cáo chính trị (tóm tắt) mà Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trình bày tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 khai mạc vào sáng nay (15.10), một trong những đóng góp đặc biệt quan trọng của TP.HCM đối với cả nước, đó là đóng góp cho ngân sách quốc gia.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI - Thực hiện: Hà Nhân

Với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, TP.HCM luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất cả nước (năm 2019 chiếm khoảng 27%). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2019 gần 1,5 triệu tỉ đồng.
Riêng dự toán thu ngân sách TP.HCM năm 2020 là 405.828 tỉ đồng, lớn hơn tổng thu ngân sách của 52 tỉnh, thành trong cả nước có mức thu từ dưới lên trên (tổng là 401.334 tỉ đồng).
Trong khi đó, ước tổng chi cân đối ngân sách địa phương giai đoạn 2016 - 2020 chỉ khoảng 356.699 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại đại hội

BTC

Một số mục tiêu lớn mà TP.HCM đặt ra

Đến năm 2025: Là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. GRDP bình quân đầu người khoảng 8.500 - 9.000 USD.
Đến năm 2030: Là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 - 14.000 USD (theo phân loại của Ngân hàng Thế giới, các nền kinh tế có thu nhập cao là những nền kinh tế có thu nhập bình quân đầu người từ 12.536 USD trở lên), là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.
Tầm nhìn đến năm 2045: Phấn đấu nằm trong top 60 thành phố toàn cầu về chỉ số hạnh phúc (hiện xếp hạng 138/186), nằm trong top 100 thành phố toàn cầu về chỉ số chất lượng sống…

Quang cảnh đại hội

BTC

Cần thêm nguồn lực để đầu tư

Kể từ năm 2017 (năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách 2017 - 2020), tỷ lệ phân chia nguồn thu cho ngân sách TP.HCM giảm từ 23% xuống còn 18% (TP.HCM được phân bổ 18% trong tổng thu ngân sách - PV).
Trong khi đó, nhu cầu vốn để chi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng (giai đoạn 2020 - 2030 cần đến gần 1 triệu tỉ đồng - PV) và nhu cầu kinh phí để đảm bảo các chính sách, chế độ ngày càng tăng cao đã gây áp lực khá lớn cho ngân sách TP.
Liên quan vấn đề này, sáng 14.10 tại phiên trù bị của đại hội, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho biết đề án điều tiết ngân sách giữa T.Ư và TP.HCM đã được TP.HCM xây dựng và lấy ý kiến bộ ngành, nhưng do thay đổi chu kỳ ngân sách nên hiện chưa quyết định được mức phân bổ ngân sách 5 năm tới.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, với tỷ lệ điều tiết hiện nay là 18%, thì TP.HCM thuộc diện thấp nhất cả nước, làm hạn chế nguồn vốn tại chỗ để tái đầu tư cho hạ tầng.

Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM phải "tiêu biểu về sự mẫu mực"

5 nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, yếu kém
Theo ông Nguyễn Thành Phong, bên cạnh những kết quả mà TP.HCM đạt được, vẫn còn những hạn chế, yếu kém do các nguyên nhân sau:
+ Sự bất cập, không đồng bộ giữa các quy định pháp luật;
+ Dân số thành phố tăng nhanh, bình quân 5 năm tăng thêm 1 triệu người tạo áp lực lớn trong phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, trong quản lý đô thị của thành phố;
+ Việc phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và người dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ thành phố còn hạn chế;
+ Chưa phát huy hết vai trò giám sát, phản biện của người dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội;
+ Cơ cấu sử dụng đất chưa phù hợp với cơ cấu kinh tế, chậm được thay đổi trong 20 năm qua.
Do đó, từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo trong nhiệm kỳ vừa qua, TP.HCM rút ra 6 bài học kinh nghiệm, đó là:
(1) Huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Quyết liệt, kiên trì trong đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát của cấp ủy có trọng tâm, trọng điểm để tạo các chuyển biến có tính đột phá...
(2) Các chủ trương, chính sách phải đảm bảo an dân, tạo niềm tin nơi người dân…
(3) Giữ gìn đoàn kết, phát huy sự năng động, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm về những kiến nghị của thành phố với Trung ương…
(4) Thực sự quan tâm công tác xây dựng Đảng, quyết liệt thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tăng cường, kỷ luật, kỷ cương trong Đảng…
(5) Cần tiếp tục hoàn thiện phương pháp và nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo của cấp ủy đối với hoạt động của chính quyền cùng cấp và cụ thể hóa cơ chế Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước pháp luật về các quyết định của mình...
(6) Nắm vững và có những chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai các Nghị quyết của Trung ương phù hợp với thực tiễn thành phố...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.