Ông Hoàng Trung Hải liên quan gì đến đại dự án đội vốn, thua lỗ?

10/12/2019 06:28 GMT+7

Ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội, trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ, đã có vi phạm, khuyết điểm khi cho một số ý kiến chỉ đạo đối với dự án TISCO II.

Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên (TISCO), 1 trong 12 đại dự án thua lỗ nhiều năm có liên quan trách nhiệm của ông Hoàng Trung Hải, nguyên Phó thủ tướng, hiện là Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Vi phạm đến mức phải kỷ luật

Thông cáo báo chí của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) T.Ư phát đi chiều 9.12 cho hay tại kỳ họp 41, UBKT T.Ư đã kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ (BTV) Đảng ủy Tổng công ty thép Việt Nam. UBKT T.Ư kết luận, BTV Đảng ủy Tổng công ty thép Việt Nam (VNS) đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để tổng công ty có nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong thực hiện dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty gang thép Thái Nguyên (dự án TISCO), gây hậu quả rất nghiêm trọng; làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của nhà nước; nhiều cán bộ, đảng viên liên quan bị xử lý hình sự, gây bức xúc trong xã hội.
Ông Hoàng Trung Hải Ảnh: Ngọc Thắng

Ông Hoàng Trung Hải

Ảnh: Ngọc Thắng

Về trách nhiệm cá nhân, UBKT T.Ư cho rằng các cá nhân là nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT VNS: Nguyễn Kim Sơn và Đặng Thúc Kháng chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của BTV Đảng ủy; ông Lê Phú Hưng, nguyên Phó bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng giám đốc và ông Trịnh Khôi Nguyên, Ủy viên BTV Đảng ủy, Phó tổng giám đốc VNS, cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của BTV Đảng ủy và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.
Các ông: Mai Văn Tinh, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT; Đậu Văn Hùng, nguyên Phó bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng giám đốc VNS và các ông: Trần Văn Khâm, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT; Trần Trọng Mừng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng giám đốc; Ngô Sỹ Hán, nguyên Ủy viên BTV Đảng ủy, nguyên Phó tổng giám đốc TISCO, chịu trách nhiệm chính, trực tiếp về những vi phạm, khuyết điểm trong triển khai thực hiện dự án TISCO.
UBKT T.Ư cũng nhận thấy, Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương đã buông lỏng, để Bộ Công thương có nhiều khuyết điểm trong dự án TISCO. Cụ thể, ông Vũ Huy Hoàng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng (giai đoạn 2007 - 2016), chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương; các nguyên ủy viên Ban Cán sự Đảng, nguyên Thứ trưởng: Lê Dương Quang, Đỗ Hữu Hào cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương và trách nhiệm cá nhân trong chức trách được phân công.
UBKT T.Ư cũng khẳng định, ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Hà Nội, trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ, đã có vi phạm, khuyết điểm khi cho một số ý kiến chỉ đạo đối với dự án TISCO II. Các nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: Văn Trọng Lý, Nguyễn Hữu Vũ và ông Nguyễn Văn Tài, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành; ông Đỗ Cảnh Dương, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất - Khoáng sản (Bộ TN-MT), nguyên cán bộ Văn phòng Chính phủ, có vi phạm, khuyết điểm trong tham mưu lãnh đạo Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo đối với dự án TISCO II.
UBKT T.Ư kết luận, vi phạm của BTV Đảng ủy Tổng công ty thép Việt Nam, của Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương và các cá nhân nêu trên đã đến mức phải xem xét kỷ luật.

Ra ý kiến chỉ đạo trái luật

Dự án TISCO được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2005 với tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỉ đồng, do TISCO làm chủ đầu tư. Năm 2007, thông qua đấu thầu, TISCO ký hợp đồng với nhà thầu Công ty Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) thực hiện gói thầu lớn nhất của dự án là EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị, xây dựng và lắp đặt) số 1 với giá trị xấp xỉ 161 triệu USD. Hai bên cam kết mức giá nêu trên là “trọn gói, không thay đổi”, thực hiện dự kiến trong 30 tháng.
Nhưng sau đó, TISCO và MCC lại ký với nhau nhiều phụ lục điều chỉnh nội dung quan trọng trong hợp đồng EPC đã ký. Đến năm 2012, TISCO và VNS có văn bản gửi Bộ Công thương và Chính phủ xin điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư lên 8.104 tỉ đồng, tăng 4.261 tỉ đồng so với mức ban đầu.
Tài liệu của Thanh Niên cho thấy thời điểm xin điều chỉnh tổng mức đầu tư, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản 7650 ngày 28.12.2012 gửi các bộ: Tài chính, Xây dựng, KH-ĐT và Ngân hàng Nhà nước đề nghị cho ý kiến “để có cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”, nhưng hầu hết các bộ, ngành không đồng ý. Cụ thể, Bộ KH-ĐT cho rằng: “việc điều chỉnh nhiều hạng mục do nhà thầu đưa ra không hợp lý và không có căn cứ pháp lý”.
Bộ Xây dựng cho rằng: “Dự án đang triển khai theo hợp đồng EPC, vì vậy việc quản lý thực hiện hợp đồng phải theo nội dung hợp đồng đã ký kết”. Bộ Tài chính cũng nêu quan điểm: “Việc điều chỉnh tăng chi phí một số nội dung của dự án là chưa rõ lý do và tăng chưa hợp lý”. Bộ này còn chỉ rõ, “chi phí xây lắp phần C tăng lên 2.933 tỉ đồng (ban đầu là 1.041 tỉ đồng sau đó điều chỉnh lên 3.975 tỉ); việc phát sinh chi phí này lên gấp 4 lần là không hợp lý khi sắt, nhân công, xi măng sắt thép chỉ tăng 0,5 - 0,8 lần...”.
Tuy nhiên, ngày 21.4.2013, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 3136 thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải gửi Bộ Công thương và VNS đồng ý cho HĐQT VNS quyết định, chịu trách nhiệm việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án. Văn bản cũng đồng ý về nguyên tắc các Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương xem xét, cho vay tiếp... HĐQT TISCO sau đó đã căn cứ văn bản này để nâng tổng mức đầu tư dự án lên hơn 8.104 tỉ đồng.
Cũng trên cơ sở đề nghị của Bộ Công thương và TISCO, ngày 20.11.2014, ông Hoàng Trung Hải ký Văn bản số 2339 thể hiện nội dung “tiếp tục thực hiện dự án với tổng mức đầu tư điều chỉnh 8.104 tỉ đồng”. Đáng chú ý, ngày 11.6.2015, Văn phòng Chính phủ ban hành Văn bản số 196 thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải “đồng ý để TISCO thanh toán các khoản chi phí trả cho MCC (vật tư thiết bị hư hỏng bởi gỉ sét, lão hóa do lưu kho lâu ngày)”.

“Bật đèn xanh”

Kết luận của Thanh tra Chính phủ công bố hồi đầu tháng 2 năm nay cho thấy, dự án TISCO có nhiều sai phạm, xảy ra ở tất cả các khâu, có liên quan đến trách nhiệm của TISCO, VNS, Bộ Công thương, các cơ quan Chính phủ... Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư sai quy định đã được những người có thẩm quyền “bật đèn xanh”, dự kiến dự án hoàn thành vào năm 2014. Tuy nhiên, từ năm 2013, dự án đã phải “đắp chiếu”, chậm tiến độ.
Theo Thanh tra Chính phủ, nhà thầu MCC chưa chuyển đủ thiết bị theo danh mục; nhiều thiết bị đã hư hỏng, sai lệch xuất xứ, nhà cung cấp, thông số kỹ thuật… Mặc dù vậy, TISCO đã thanh toán cho dự án gần 4.500 tỉ đồng, trong đó chi phí thiết bị hơn 2.100 tỉ đồng, chi phí xây dựng gần 1.000 tỉ đồng...
Báo cáo của HĐQT TISCO vào tháng 4 năm nay cho thấy, tổng chi phí đầu tư của dự án đến ngày 31.12.2018 là 5.093 tỉ đồng, trong đó chi phí lãi vay được vốn hóa là 1.888 tỉ đồng. Từ năm 2011, TISCO đã phải dùng nguồn vốn ngắn hạn để trả lãi và gốc vay của dự án cho các ngân hàng. Đến tháng 6.2018 đã trả gốc và lãi tới 1.313 tỉ đồng. Bình quân mỗi tháng, TISCO phải trả lãi vay cho dự án khoảng 40 tỉ đồng.

Khởi tố hàng loạt quan chức ngành thép

Giữa tháng 4.2019, liên quan vụ việc trên Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng và tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
C03 cũng khởi tố bị can và bắt 5 người, gồm: Mai Văn Tinh, nguyên Chủ tịch HĐQT VNS; Đậu Văn Hùng, nguyên Tổng giám đốc VNS; Trần Trọng Mừng, nguyên Tổng giám đốc TISCO; Trần Văn Khâm, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc TISCO và Ngô Sỹ Hán, nguyên Phó tổng giám đốc, Trưởng ban Quản lý dự án TISCO, cùng về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng, gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại điều 224 bộ luật Hình sự năm 2015. 

Đề nghị kỷ luật ông Triệu Tài Vinh do liên quan “gian lận thi cử”

Ảnh: Ngọc Thắng

Theo thông cáo báo chí của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) T.Ư ngày 9.12, tại kỳ họp 41, UBKT T.Ư đã xem xét, thi hành kỷ luật ông Triệu Tài Vinh, (ảnh) Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang và ông Nguyễn Văn Sơn, Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang. UBKT T.Ư kết luận, ông Triệu Tài Vinh chịu trách nhiệm người đứng đầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy và ông Nguyễn Văn Sơn chịu trách nhiệm người đứng đầu UBND tỉnh Hà Giang về những vi phạm, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm trong kỳ thi THPT năm 2018 tại tỉnh Hà Giang.
Theo UBKT T.Ư, các ông Triệu Tài Vinh và Nguyễn Văn Sơn có người thân nhờ nâng điểm trái quy định cho thí sinh trong kỳ thi nêu trên, vi phạm quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt.
Từ đó, UBKT T.Ư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Nguyễn Văn Sơn và đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Triệu Tài Vinh theo thẩm quyền. Trước đó, năm 2018 (thời điểm ông Vinh là Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang), Hà Giang là 1 trong 3 tỉnh đã để xảy ra gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia khiến nhiều cán bộ trong ngành giáo dục của tỉnh này bị xử lý hình sự. Ông Vinh có con gái là 1 trong hơn 100 thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi này.
Sau đó, UBKT Tỉnh ủy Hà Giang đã yêu cầu bà Phạm Thị Hà, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, là vợ ông Triệu Tài Vinh rút kinh nghiệm, kiểm điểm sâu sắc do đã “để em chồng tác động cho con được nâng điểm thi”.
Bà Triệu Thị Giang, Phó trưởng phòng Kinh tế đối ngoại (Sở KH - ĐT) - em gái ông Vinh - bị khiển trách vì đã nhờ người tác động nâng điểm cho cháu ruột. Đầu tháng 7 vừa qua, ông Vinh đã được Bộ Chính trị điều động, bổ nhiệm làm Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư.
Lê Hiệp

Cách hết chức vụ trong Đảng đối với Phó bí thư, Chủ tịch HĐND TP.Phan Thiết

Sáng 9.12, tại Thành ủy TP.Phan Thiết, Tỉnh ủy Bình Thuận đã tổ chức công bố quyết định của Tỉnh ủy về việc thi hành kỷ luật Phó bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Phan Thiết Đỗ Ngọc Điệp.

Theo đó, Tỉnh ủy Bình Thuận thi hành kỷ luật bằng hình thức cách hết tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Điệp; tiến hành các thủ tục để HĐND TP.Phan Thiết họp thông qua việc bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐND TP.Phan Thiết đối với ông Điệp do đã bị cách hết các chức vụ trong Đảng.
Trước đó, Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã có cuộc họp đặc biệt để thống nhất quyết định thi hành kỷ luật ông Điệp. Theo Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận, trong thời gian giữ chức vụ Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết, ông Điệp đã buông lỏng quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai, quy hoạch đô thị; có những sai lầm nghiêm trọng, đến mức vi phạm pháp luật. Bản thân ông Điệp cùng với Phó chủ tịch UBND TP.Phan Thiết Trần Hoàng Khôi đã ký 132 quyết định cho chuyển đổi mục đích sử dụng 132 thửa đất, từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn trái pháp luật hiện hành.
Hậu quả của các sai phạm do ông Điệp và cấp dưới gây ra gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước và gây xáo trộn quy hoạch đô thị, đặc biệt là tạo điều kiện để một số cá nhân lập nhiều khu dân cư tự phát, chia lô, bán nền hưởng lợi bất chính.
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều cùng ngày, Bí thư Thành ủy TP.Phan Thiết Nguyễn Thu Sơn cho biết theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, dự kiến ngày 19.12, (tức ngay kỳ họp thứ IX HĐND tỉnh), HĐND TP.Phan Thiết sẽ nhóm họp để biểu quyết miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐND TP.Phan Thiết đối với ông Điệp.
Quế Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.