Ông Hai Nghĩa, người luôn đau đáu với cái khó, cái nghèo của nông dân

Bắc Bình
Bắc Bình
21/02/2021 10:09 GMT+7

Ông Hai Nghĩa là một người hiền từ về tính tình, nhỏ nhẹ trong lời nói và khiêm nhường trong cư xử với tất cả mọi người.

Xúc cảm nhất của tôi về ông Hai Nghĩa là “một trái tim nhân hậu”, nhân hậu vì ông luôn đau đáu với cái khó, cái nghèo của bà con nông dân quê hương Đồng Khởi - Bến Tre.

Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng từ trần

Nguyên Phó thủ tướng là thành viên hợp tác xã

Tác nghiệp tại xứ dừa Đồng Khởi trong vài năm gần đây, tôi thường gặp ông Hai Nghĩa (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng) vì ông luôn quan tâm các sự kiện lớn nhỏ ở địa phương này. Gặp ông ở đâu, trong tư cách nào, trông ông cũng bình dị. Ai bắt chuyện ông cũng đều vui vẻ tiếp nhận đầy đủ, trọn vẹn.
Lần đầu tiên tôi gặp ông là năm 2016, trong sự kiện bố cáo chuyển đổi hợp tác xã bưởi da xanh Giồng Trôm theo luật mới. Và tôi đã hết sức bất ngờ vì khi đó ông xuất hiện với bộ quần áo giản dị, rặc ri ông già Nam bộ, đi dép mủ đã cũ, đội nón tai bèo sờn bạc, di chuyển từ nhà xa hơn chục cây số bằng xe gắn máy do một người bạn già trong xóm và cũng là thành viên hợp tác xã chở đi.

Người dân tham quan vườn bưởi da xanh của ông Hai Nghĩa

ẢNH: BẮC BÌNH

Thú vị hơn là khi ông Nguyễn Văn Bảy (Bảy Đờn), Giám đốc Hợp tác xã, mời ông Hai Nghĩa chia sẻ về kỹ thuật trồng bưởi da xanh bằng hữu cơ và phương pháp giải độc mặn cho cây trồng. Lúc này, nông dân miền Tây đang “te tua” sau đợt thiên tai xâm nhập mặn lịch sử xảy ra vào mùa khô năm 2015 - 2016.
Khi ông Hai Nghĩa đứng lên, cả mấy chục con người đang ồn ào tranh cãi về quy định, điều lệ của hợp tác xã bỗng chốc thinh lặng. Trước sự tín nhiệm của bà con, ông Hai Nghĩa từ tốn: “Thưa bà con, người nông dân chúng ta muốn khá lên trong bối cảnh hiện nay là phải sản xuất làm sao cho được nông sản đủ điều kiện để cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Nhưng, để làm được sản phẩm tốt, chúng ta phải liên kết lại trong một tập thể và mô hình lý tưởng nhất hiện nay chính là kinh tế hợp tác xã. Và tôi muốn nói rằng, mọi người đang ngồi ở đây có nghĩa là đang bắt đầu theo đúng với xu thế chung của nông dân ở các nước có nền nông nghiệp phát triển, hiện đại trên thế giới.” Nghe đến đây, ai nấy đều trầm trồ và lộ vẻ tự hào.

Rất đông đoàn khách đăng ký viếng nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng

Chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống hạn mặn

Nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cùng phu nhân trong ngày ông nhận danh hiệu Công dân Đồng Khởi (17.1.2021)

ẢNH: BẮC BÌNH

Tiếp sau đó, ông Hai Nghĩa chia sẻ tận tình với mọi người về cách mà ông đã giải độc mặn cho khu vườn 5 công bưởi da xanh của mình. Ông nói rằng người nông dân muốn phòng chống hạn mặn có hiệu quả, trước hết phải đắp bờ bao trữ nước ngọt trong mương vườn; Áp dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt để cây hấp thụ đủ nước; ủ gốc để giữ độ ẩm, hạn chế tình trạng mất nước cho cây; tăng cường sử dụng phân hữu cơ có tại địa phương... Song song đó, sử dụng một số lượng phân vô cơ vi sinh vừa đủ để khử dần dần phèn, mặn trong cây…
“Thiên tai xâm nhập mặn vừa rồi, đất ở ĐBSCL mình bị nhiễm mặn gần hết nhưng mà mình phải tự cứu cây mình trước chứ không nên vội vàng chặt bỏ trồng lại rất mất thời gian. Tôi đã làm có hiệu quả ở vườn của mình. Bà con nào muốn tham quan đều có thể đến nhà tôi để vừa đổ bánh xèo ăn, vừa trao đổi kinh nghiệm, đừng ngại. Vườn tôi cũng vừa có trồng thành công giống bơ mới, chuối cây mô và một số cây ăn trái có biên độ mặn cao… Ai muốn thì tới tôi cho vài cây về trồng thử nghen”, ông Hai Nghĩa chia sẻ.

Khu vườn hữu cơ trồng cho bà con

Ngày ông Hai Nghĩa qua đời, ông Bảy Đờn buồn rười rượi và ở lại khá lâu tại đám tang. “Hồi tết, tôi có lên thăm anh Hai Nghĩa ở bệnh viện. Thấy anh ốm yếu mà lặng lòng. Anh bệnh vậy mà vừa thấy tôi là hỏi thăm tình hình kinh doanh của hợp tác xã, vườn tược của xã viên… khiến cho tôi vô cùng cảm động”, ông Bảy Đờn kể.

Ông Nguyễn Văn Bảy (Bảy Đờn) kể những kỷ niệm và ấn tượng đẹp về ông Hai Nghĩa - Trương Vĩnh Trọng

ẢNH: BẮC BÌNH

Không giấu giếm, ông Bảy Đờn thừa nhận bản thân ông rặc ri nông dân, chữ nghĩa ít ỏi, vốn không hề biết gì về kinh doanh hay làm kinh tế tập thể. Mọi chuyện hoàn toàn nhờ ông Hai Nghĩa chỉ dẫn, dìu dắt… Và thông qua việc đồng hành với hợp tác xã, hiện nay không chỉ Bảy Đờn thành tỉ phú bưởi da xanh, mà nhiều hộ khác như Trần Văn Đời, Nguyễn Văn Cu ở Lương Hòa hay Nguyễn Văn Tươi ở TT.Bình Hòa… đều đã có của ăn của để nhờ trái bưởi được bao tiêu với giá cao.

"Muốn làm cây tùng, cây bách trước gió hiên ngang"

Một chi tiết khó tin với không ít người là toàn bộ rau thơm, cải xanh hữu cơ, vịt xiêm, gà thả vườn phục vụ đám tang ông Hai Nghĩa do chính ông tự trồng trong những ngày trước Tết Tân Sửu, trước khi bệnh tình của ông bắt đầu trở nặng.

Vài tháng trước khi qua đời, trong một lần chia sẻ với báo chí, nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, nói: “Tôi có nói với các con tôi rằng tôi không muốn làm bông hoa trong phòng xanh mát rượi mà quyết làm cây tùng, cây bách trước gió hiên ngang. Tâm nguyện đó nên tôi đã đặt tên cho 2 người con của mình là Tùng và Trúc. Điều tôi muốn làm cho đời còn rất nhiều, song, có lẽ đã không còn được bao lâu nữa. Khi tôi chết đi thì điều tôi mong muốn là để lại cho đời, cho ký ức của những người từng biết tôi nhớ về một trái tim nhân hậu”.

Trong lễ tang ông Hai Nghĩa, tôi bắt gặp một người đàn ông với bộ dạng xuềnh xoàng, lặng lẽ ngồi buồn hiu. “Tôi là Nguyễn Hoài Hận, bán rau cải ở chợ xã Lương Quới. Biết tôi bán rau cải nhưng thỉnh thoảng chú Hai đem cho tôi mớ rau cải tươi đựng trọng bọc màu đỏ và nói: “Ăn rau của tao trồng đi rồi mới biết rau của ai ngon hơn”, ông Hận rưng rưng nước mắt và quả quyết rằng nhờ ông Hai Nghĩa mà bản thân ông đã cự tuyệt mua bán rau cải trông “sặc mùi hóa học”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.