Ông Đào Việt Trung làm Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia

Lê Hiệp
Lê Hiệp
10/01/2019 12:28 GMT+7

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thống nhất cử ông Đào Việt Trung, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước , tham gia Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia, thay ông Giang Sơn vừa nghỉ hưu.

Sáng 10.1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên thứ 30 để xem xét, quyết định việc cử Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia.
Trình bày tờ trình tại phiên họp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, ngày 28.5.2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về việc cử Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia, trong đó có ông Giang Sơn, Phó chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chủ tịch nước.
Tới ngày 27.11.2018, Văn phòng Chủ tịch nước có Công văn số 1361/VPCTN-PL gửi Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cử ông Đào Việt Trung, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, tham gia Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia thay ông Giang Sơn nghỉ hưu từ 1.10.2018.
Từ đó, Tòa án nhân dân tối cao trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cử ông Đào Việt Trung, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, làm Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia thay ông Giang Sơn.
Trình bày báo cáo thẩm tra tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, cho hay qua xem xét các tờ trình, lý lịch của người được đề cử, các tài liệu kèm theo, đối chiếu với các quy định của pháp luật, Ủy ban Tư pháp nhận thấy ông Đào Việt Trung là người được đào tạo cơ bản, trải qua nhiều vị trí công tác, có nhiều kinh nghiệm trong công tác nên đủ điều kiện tham gia Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia.
Từ đó, Ủy ban này đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định cử ông Đào Việt Trung làm ủy viên để đảm bảo hoạt động của Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia.
Tại phiên họp, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý cử với đề xuất trên.
Ông Đào Việt Trung (60 tuổi, quê quán Hà Nam) có thời gian dài công tác trong ngành ngoại giao, từng giữ chức Tùy viên Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển, Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa UNESCO, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan.
Từ năm 2001 - 2007, ông Trung giữ chức Phó chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao, Chánh văn phòng, Trợ lý Bộ trưởng. Năm 2007, ông được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Tổng thư ký Ủy ban ASEAN (2010).
Tới năm 2011, ông Trung được bổ nhiệm giữ chức Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước và được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI. Năm 2016, ông tiếp tục được bầu làm Ủy viên T.Ư Đảng khóa XII. Hiện ông là đại biểu Quốc hội khóa XIV, thuộc đoàn đại biểu tỉnh Nam Định.
Theo quy định của luật Tổ chức tòa án nhân dân 2014, Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia gồm: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, 1 phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án quân sự T.Ư, các chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, 1 đại diện lãnh đạo Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Ban Chấp hành T.Ư Hội luật gia Việt Nam.
Danh sách Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia:
1. Xem xét tuyển chọn người đủ tiêu chuẩn, điều kiện làm thẩm phán để đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao:
a) Trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
b) Trình Chủ tịch nước quyết định bổ nhiệm thẩm phán các tòa án khác.
2. Xem xét việc miễn nhiệm, cách chức thẩm phán theo quy định của luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 để đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao:
a) Trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
b) Trình Chủ tịch nước quyết định miễn nhiệm, cách chức thẩm phán các tòa án khác.
3. Giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, lối sống của thẩm phán. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.