Ông Chín Cần đổi mới vì dân: Tiếng vang vào “đêm trước đổi mới”

03/11/2016 07:09 GMT+7

Theo ông Trương Hòa Bình, đột phá này với vai trò lãnh đạo của ông Chín Cần đã thành công, gây tiếng vang vào “đêm trước đổi mới”.

Hôm qua (2.11), lễ truy điệu ông Nguyễn Văn Chính, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó thủ tướng Chính phủ), nguyên Chủ tịch Hội Nông dân VN diễn ra trang trọng tại Nhà tang lễ số 25 Lê Quý Đôn (TP.HCM) theo nghi thức lễ tang cấp nhà nước.
Đọc điếu văn tại lễ truy điệu, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình (Trưởng ban Tổ chức lễ tang) ôn lại cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của ông Nguyễn Văn Chính (Chín Cần). Từ một thanh niên yêu nước, tham gia cách mạng, hơn 61 năm công tác, trải qua bao khó khăn, gian khổ, ông Chín Cần được tôi luyện, trưởng thành trong các phong trào, từ thực tế chiến đấu ác liệt của hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Trên từng cương vị công tác, ông luôn hết mình vì công việc, một lòng trung thành, sống mẫu mực thủy chung, tận tụy với người dân.
Tiên phong xóa bỏ quan liêu, bao cấp
Đề cập đến những đóng góp quan trọng của ông Chín Cần trên cương vị lần thứ 2 làm Bí thư Tỉnh ủy Long An (1977 - 1984), ông Trương Hòa Bình nhấn mạnh: “Chúng ta luôn nhớ về người lãnh đạo tiên phong xóa bỏ quan liêu, bao cấp bằng chương trình giá - lương - tiền, hay chủ trương cải tiến phân phối lưu thông - bù giá vào lương gây chấn động dư luận”. Theo ông Trương Hòa Bình, đột phá này với vai trò lãnh đạo của ông Chín Cần đã thành công, gây tiếng vang vào “đêm trước đổi mới”. Không lâu sau, các cải cách này đã được áp dụng trong cả nước với các quyết định lịch sử tại Đại hội toàn quốc lần thứ 6 của Đảng năm 1986. Cải tiến phân phối lưu thông cũng đã tạo động lực mới thúc đẩy, giúp Long An thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội lớn, như huy động sức mạnh người dân toàn tỉnh, tiến quân vào khai phá Đồng Tháp Mười, góp phần biến vùng đất hoang phèn này thành vựa lúa của cả nước; xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, trong đó có tuyến lộ 49 từ TX.Tân An xuyên lên Đồng Tháp Mười, nay được nâng cấp thành quốc lộ 62.
Trên cương vị Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân VN, ông Chín Cần là một trong những người đầu tiên tích cực tham gia xây dựng và có nhiều đóng góp to lớn cho Tổ chức Hội và đã tạo nền móng cho sự phát triển của Hội Nông dân VN hiện nay. Người nông dân, cán bộ hội viên trên khắp mọi miền Tổ quốc luôn nhớ về ông - người lãnh đạo tiên phong đổi mới phương pháp tập hợp nông dân vào Hội không chỉ trên địa bàn dân cư mà còn theo ngành nghề, tạo tiền đề cho nông dân xây dựng các hình thức hợp tác do Hội làm nòng cốt. Ông Chín Cần còn là người khởi xướng thành lập Quỹ hỗ trợ nông dân khi công tác tại Hội Nông dân VN.
Ông Trương Hòa Bình khẳng định ông Chín Cần “đã nêu cao tấm gương về đạo đức cách mạng, về tình thương yêu và trách nhiệm với bạn bè, đồng nghiệp và người thân trong gia đình; sống rất thanh liêm trong sạch, giản dị như một lão nông Nam bộ”.
Một đời cống hiến
Ông Phan Minh Tánh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng - nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, dù đã 87 tuổi nhưng vẫn không sao kìm được xúc động khi đến viếng ông Chín Cần. Ông Tánh kể: “Chúng tôi gắn bó với nhau từ những ngày đi kháng chiến. Khi tôi ra công tác ở Trung ương cũng có những kỷ niệm thân thương với anh Chín Cần. Hồi ấy tôi và nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng hay ghé nhà công vụ thăm anh, trao đổi thêm công việc, chuyện quê nhà. Anh thích sống đạm bạc. Nhiều lần ăn cơm với anh ở nhà công vụ, anh hay mời dùng chung món mắm mà anh mang từ Nam bộ ra”.
TS Nguyễn Hữu Nguyên từng là cán bộ của Ban Tổng kết chiến tranh B2 (chiến trường miền Nam), sau này là Phân viện Lịch sử quân sự VN tại TP.HCM, nay đã nghỉ hưu. Vào thời điểm Long An tiến quân khai phá Đồng Tháp Mười, ông Nguyên được phân công giúp tỉnh tổng kết chiến tranh, nên có dịp tiếp xúc với nhiều cán bộ tỉnh lúc đó. Sau này khi biên soạn lịch sử Đảng bộ Long An, ông Nguyên lại có dịp tiếp xúc trực tiếp với ông Chín Cần. Theo nhìn nhận của ông Nguyên, thành công khai phá Đồng Tháp Mười với đồng lúa cao sản hàng trăm ngàn héc ta ngày nay là kết quả từ tầm nhìn chiến lược, táo bạo, sự sáng tạo của ông Chín Cần và những quyết sách thực thi hiệu quả của cộng sự đắc lực trên cương vị Chủ tịch UBND tỉnh - ông Tư Thân (thiếu tướng Huỳnh Ngọc Thân).
“Sau ngày đất nước thống nhất, ông Tư Thân là một trong số những Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh trong cả nước được thăng quân hàm thiếu tướng. Khi biết cấp trên có ý định điều động ông Tư Thân lên làm Phó tư lệnh Quân khu 7, ông Chín Cần liền xin cho ông ở lại. Việc “xin người” của ông Chín Cần lúc đó hoàn toàn không phải vụ lợi cá nhân mà hết sức trong sáng vì sự nghiệp chung, với mong muốn có người giỏi để cùng nhau hợp lực tái thiết vùng đất từng bị càn quét khốc liệt trong chiến tranh”, ông Nguyên chia sẻ.
Dự lễ truy điệu còn có ông Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM; lãnh đạo và nguyên lãnh đạo TP.HCM, tỉnh Long An, Quân khu 7; đông đảo người dân, đoàn viên, thanh niên... Lễ an táng ông Nguyễn Văn Chính được cử hành vào hồi 6 giờ 20 phút cùng ngày tại Nghĩa trang TP.HCM (Q.Thủ Đức).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.