Ông Chín Cần đổi mới vì dân: 'Đánh thức' Đồng Tháp Mười

02/11/2016 06:32 GMT+7

Ở Long An những năm sau ngày thống nhất đất nước đã có nhiều đột phá với dấu ấn sâu đậm của ông Nguyễn Văn Chính (Chín Cần) trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy.

Một trong những đột phá ấy là “đánh thức” vùng đất cò bay thẳng cánh Đồng Tháp Mười.
Những binh đoàn không vũ khí
Sau ngày đất nước thống nhất, vùng Đồng Tháp Mười - trước thuộc tỉnh Kiến Phong - được nhập vào Long An. Trong 30 năm chiến tranh, vùng đất là chiến trường ác liệt, khi hòa bình lập lại, nó như một vùng hoang vắng, những cánh đồng, rừng tràm chi chít những hố bom, những đoạn đường đứt quãng, những con kênh đầy lục bình. Người dân đã trở về bên những bờ kênh nhưng còn thưa thớt, đất hoang, cỏ dại mênh mông… Hình ảnh xác xơ của Đồng Tháp Mười là nỗi trăn trở của lớp cán bộ Long An đã từng chiến đấu nhiều năm ở chiến trường này.
Đến khi Tỉnh ủy Long An chính thức nêu vấn đề khai phá Đồng Tháp Mười thì vấn đề đặt ra cụ thể hơn: khai phá bằng cách nào, lực lượng lấy ở đâu, kinh phí làm sao có… Những câu hỏi đó được đưa ra bàn bạc cụ thể trong hội nghị Tỉnh ủy. Những cán bộ mà tôi quen kể lại rằng, trong các cuộc họp ấy, ông Chín Cần là người nghe nhiều, hỏi nhiều, nói ít, nhưng những kết luận của ông rất hợp với suy nghĩ của đa số.
Tất nhiên ngay trong hội nghị không ai dám chắc là sẽ thành công đến mức nào. Lúc đó ở miền Nam đã thực hiện nghĩa vụ quân sự, Long An luôn thừa chỉ tiêu giao quân. Vậy số thanh niên trai tráng chưa có việc làm ấy sẽ như thế nào? Từ thực tế đó đã nảy sinh ý tưởng huy động lực lượng lao động này để khai phá Đồng Tháp Mười. Nhưng nếu thành lập như nông trường thì không có điều kiện cơ sở vật chất và kinh phí. Cuối cùng phương án giải quyết là cho đăng ký nghĩa vụ quân sự tất cả số thanh niên đủ tiêu chuẩn, thành lập các đơn vị nhưng không xin trang bị vũ khí, do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh trực tiếp quản lý chỉ huy như đơn vị bộ đội địa phương nhưng đi làm nhiệm vụ khai phá Đồng Tháp Mười. Đơn vị đầu tiên được đặt tên là “Binh đoàn Đồng Tháp 1”, một thời gian sau, tiếp tục thành lập “Binh đoàn Đồng Tháp 2”.
Ở Nam bộ lúc đó chưa tỉnh nào tổ chức cách này và cũng không có quy định nào của Chính phủ. Các binh đoàn Đồng Tháp là lực lượng đắp đường, đào kênh, bắc cầu… Sau khi hoàn thành nhiệm vụ cơ bản khôi phục hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy của Đồng Tháp Mười, một phần lực lượng tiếp tục mở rộng, củng cố cơ sở hạ tầng, một phần tiến hành khai hoang trồng lúa. Từ kết quả của vụ lúa tương đối tốt, đời sống chiến sĩ binh đoàn được cải thiện, cầu đường khá thuận lợi... đã tạo ra sức hút đối với những người dân vùng hạ Long An muốn lên Đồng Tháp Mười lập nghiệp. Lúc đó Long An không di dân theo kiểu “đi kinh tế mới” mà vận động từng gia đình có thể cho một số lao động lên trước, xây dựng cơ ngơi rồi cả nhà lên sau hoặc có thể vẹn giữ cả hai nơi…
Dũng khí lãnh đạo
Khi kể lại quá trình khai phá và những thành quả biến Đồng Tháp Mười thành vùng lúa cao sản của Long An có vẻ như mọi việc diễn ra thuận buồm xuôi gió, nhưng những cán bộ Long An ở vào thời điểm đó mới thấy hết khó khăn. Cụ thể về việc thành lập “binh đoàn Đồng Tháp”, đâu phải cứ nghĩ là làm được ngay vì việc đó liên quan đến đường lối an ninh quốc phòng, nếu Tỉnh ủy, mà trực tiếp là Bí thư Chín Cần không dám chịu trách nhiệm với Trung ương và không có khả năng thuyết phục, hoặc ngại nhiều việc thì không thể ra đời các “binh đoàn kinh tế”.
Lúc đó, đại tướng Hoàng Văn Thái, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng xuống Long An chỉ đạo tổng kết chiến tranh. Nhân dịp đó, Tỉnh ủy Long An mời đại tướng đi thăm Đồng Tháp Mười. Khi nhìn thấy những thành quả cụ thể và gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ của binh đoàn kinh tế, đại tướng vô cùng phấn khởi, khen ngợi sự táo bạo và sáng tạo của Long An… Khi được hỏi: Nếu Long An thành lập thêm các binh đoàn có được không? Đại tướng nói: Các anh cứ lập, vì có phải xin Bộ trang bị vũ khí đâu mà sợ sai nguyên tắc… Mấy hôm sau, khi đến thăm tỉnh Sông Bé, đại tướng đã nói về kinh nghiệm thành lập binh đoàn kinh tế của Long An.
Tại sao Long An tạo ra được sự bứt phá những năm đầu sau ngày thống nhất đất nước? Tôi cho rằng có sự đóng góp rất lớn từ việc vùng đất Đồng Tháp Mười được khai phá. Bây giờ nhìn nhận lại mấu chốt thành công của nhiệm vụ quan trọng này, tôi nghĩ không phải chỉ dừng lại ở mức quyết tâm, nhất trí cao mà đó vốn là một sự táo bạo và rất sáng tạo. Sáng tạo ở chỗ không ai nghĩ ra việc thành lập “binh đoàn” thì Long An đã nghĩ và thành lập. Các binh đoàn này không chỉ đảm trách tốt nhiệm vụ khai phá, mà quan trọng hơn là cách mà ông Chín Cần và các cộng sự giải quyết được vấn đề xã hội của tỉnh, bởi nếu không họ ở lại sẽ tạo ra một đội ngũ thất nghiệp với nhiều hệ lụy phát sinh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.