Oan sai 40 năm ở Tây Ninh: Nạn nhân chỉ được bồi thường gần 850 triệu đồng?

Trung Hiếu
Trung Hiếu
03/07/2019 17:48 GMT+7

Dù chưa phải ý kiến chính thức nhưng trong buổi làm việc với nạn nhân vụ oan sai 40 năm, đại diện Viện KSND tỉnh Tây Ninh nhận định mỗi nạn nhân sẽ nhận tiền bồi thường khoảng 850 triệu đồng cho 1.383 ngày bị tù oan.

Sáng 3.7, Viện KSND tỉnh Tây Ninh đã làm việc với những nạn nhân trong “vụ oan sai 40 năm” để giải quyết thủ tục liên quan đến việc bồi thường oan sai theo yêu cầu của nạn nhân.
Đại diện Viện KSND tỉnh Tây Ninh tại buổi làm việc là ông Thân Văn Danh, Trưởng phòng 8, còn các nạn nhân gồm có ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng lớn, đã được giải quyết bồi thường), Nguyễn Văn Dũng (Dũng nhỏ), Nguyễn Thị Lan, Hồ Long Chánh cùng đại diện ủy quyền. Ba nạn nhân khác là cụ Võ Thị Thương (94 tuổi), Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Thị Ngọc Lan do sức khỏe yếu không tham dự được.
Tại buổi làm việc, ông Thân Văn Danh thông báo cho các nạn nhân biết việc mỗi người ủy quyền 5 người khác đại diện cho mình là chưa đúng với quy định. Ông Danh cũng cho biết theo Điều 138 Bộ luật dân sự 2015 và văn bản của Viện KSND tối cao hướng dẫn mỗi nạn nhân chỉ được ủy quyền cho 1 người đại diện. Nếu không đồng ý với đề nghị này thì Viện KSND tỉnh Tây Ninh sẽ trả đơn yêu cầu bồi thường trước đó nạn nhân đã nộp.
“Điều 138 Bộ luật dân sự không thấy quy định cụ thể mỗi người chỉ được một người ủy quyền. Chúng tôi đề nghị cho xem văn bản hướng dẫn của Viện KSND tối cao thì ông Danh không cho với lý do đây là văn bản nội bộ. Trước tình thế các nạn nhân quá khốn khó, phải mỏi mòn chờ đợi nên chúng tôi hội ý và đồng ý chấp thuận làm theo hướng dẫn của đại diện Viện KSND tỉnh Tây Ninh để hồ sơ được nhanh chóng thụ lý”, ông Nguyễn Công Trung, đại diện ủy quyền của các nạn nhân cũng là người tham dự buổi làm việc sáng 3.7, nói.

Các nạn nhân làm việc với ông Thân Văn Danh (bìa trái)

Ảnh: Dũng Nguyễn

Theo ông Nguyễn Công Trung, điểm đáng lưu ý trong buổi làm việc là ông Thân Văn Danh có trao đổi về số tiền liên quan đến việc bồi thường cho 7 nạn nhân. Ông Danh dẫn chứng trường hợp của bà Nguyễn Thị Ngọc Lan với thời gian bị bắt giam là 1.383 ngày tù và những tổn thất, thiệt hại liên quan sẽ được bồi thường số tiền 842 triệu đồng. Các nạn nhân còn lại có cùng thời gian bị bắt giam thì mức bồi thường cũng sẽ xoay quanh số tiền này. Chỉ có trường hợp ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng nhỏ) thu nhập thực tế có khác thì mức bồi thường có thể hơn 1 tỉ đồng.

“Theo như lời ông Danh nói, dù cố gắng vận dụng nhưng số tiền bồi thường cho các nạn nhân sẽ không tính tới thời gian  13.112 ngày mà họ mang thân phận bị can. Tuy nhiên đây chỉ là ý kiến riêng của ông Danh tại buổi làm việc. Việc cần làm của chúng tôi lúc này là sớm bổ sung hồ sơ để vụ việc nhanh chóng được thụ lý”, ông Nguyễn Công Trung nói.

Ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng lớn) cho biết trong vòng 1 tuần các nạn nhân sẽ đáp ứng đề nghị bổ sung hồ sơ của Viện KSND tỉnh Tây Ninh. Song song đó, nạn nhân cũng yêu cầu sau khi nhận hồ sơ bổ sung, phía Viện KSND tỉnh Tây Ninh phải đẩy nhanh tiến độ giải quyết yêu cầu bồi thường bởi hiện một số nạn nhân đã lớn tuổi và sức khỏe rất yếu.

Trước đó sau khi nhận được quyết định đình chỉ vụ án, 6 nạn nhân nộp đơn yêu cầu bồi thường với tổng số tiền khoảng 60 tỉ đồng. Nạn nhân còn lại là cụ Nguyễn Thành Nghị (đã mất) do chưa hoàn thành thủ tục thừa kế sẽ làm đơn yêu cầu sau.

Các nạn nhân cho biết số tiền yêu cầu bồi thường trên dựa vào những thiệt hại về vật chất, thu nhập, sức khỏe, tinh thần trong vòng 40 năm qua họ phải gánh chịu. Trong đơn yêu cầu, các nạn nhân đề nghị Viện KSND tỉnh Tây Ninh ứng trước tiền bồi thường (mỗi người 2 tỉ đồng) để họ trang trải cuộc sống hàng ngày gặp quá nhiều khó khăn sau khi ra tù.

40 năm đằng đẵng chịu oan sai

Trước đó, Báo Thanh Niên có loạt bài chỉ ra những sai sót liên quan đến “vụ cướp năm chỉ vàng” tại nhà máy xay xát ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, H.Trảng Bàng (Tây Ninh) liên quan đến những nạn nhân kể trên.

Đêm 26.7.1979, chỉ vì có tin báo có vụ cướp vàng xảy ra tại nhà máy xay lúa do ông Nguyễn Văn Đơ làm chủ, 8 người trong một đại gia đình đang sống cuộc đời yên ấm bỗng nhiên bị bắt.

Tám người bị bắt là ông: Nguyễn Văn Dũng (Dũng lớn), Hồ Long Chánh, Nguyễn Thị Ngọc Lan, Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Văn Dũng (Dũng nhỏ), Nguyễn Thành Nghị, Võ Thị Thương, Nguyễn Thị Lan.

Cụ Võ Thị Thương (94 tuổi) xúc động khi nhận quyết định đình chỉ điều tra vụ án

Ảnh: Trung Hiếu

Năm 1983, sau 3 năm 9 tháng (tức 1.383 ngày) bị tù oan, 8 người này được ra tù. Tuy nhiên khi về quê bị làng xóm, người thân dị nghị, nhà tan cửa nát. Nhiều người phải rơi vào cảnh cùng quẫn, không chịu được cảnh coi khinh phải bỏ làng đến xứ khác mưu sinh. Nhà cửa, đất đai, ruộng vườn ở quê đành chịu mất.

Điều đáng nói trong số 8 người bị bắt và được thả nhưng chỉ duy một người có quyết định đình chỉ điều tra là ông Dũng (lớn). Cũng nhờ quyết định đình chỉ điều tra này, năm 2018 ông Dũng kiện Viện KSND tỉnh Tây Ninh đòi bồi thường hơn 40 tỉ đồng nhưng cuối cùng tòa Tây Ninh phán quyết bồi thường 615 triệu đồng. 7 người còn lại do không có quyết định đình chỉ điều tra nên vẫn mang thân phận bị can suốt 40 năm qua.

Loạt bài của Báo Thanh Niên tạo được chú ý của dư luận cũng như cơ quan chức năng. Sau khi báo phản ánh, các cơ quan như Quốc hội, Ban Nội chính Trung ương, VKS tối cao, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh đã vào cuộc và đề nghị làm rõ minh oan, trả lại quyền lợi cho những nạn nhân oan sai.

Ngày 4.4, Viện KSND (VKS) Tây Ninh trao quyết định đình chỉ vụ án cho 7 nạn nhân. Quyết định đình chỉ vụ án là cơ sở để các nạn nhân đòi quyền lợi, bồi thường cho mình sau hơn 40 năm chịu oan sai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.