Ở lại giữ biên cương

22/01/2017 13:30 GMT+7

Tết nguyên đán Đinh Dậu 2017, rất nhiều những người lính Biên phòng (BP) xếp lại nỗi nhớ gia đình, vợ con để ở lại với biên giới làm nhiệm vụ và ăn tết với người dân.

Nỗi niềm trên chốt Tầm Phô
Trung úy quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Nguyễn Duy Định công tác tại Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng (BCHBĐBP) tỉnh Hà Giang được tăng cường vào làm việc tại phòng khám chữa bệnh kết hợp quân dân y, thuộc đồn BP Kà Tum (BCHBĐBP tỉnh Tây Ninh) đóng quân ngay ấp Tầm Phô, xã Tân Đông, H.Tân Châu, Tây Ninh cách đường biên giới chỉ vài bước chân. Định 37 tuổi, quê Trung Giã (Sóc Sơn, TP.Hà Nội) nhưng khi 19 tuổi đã nhập ngũ vào bộ đội BP; sau thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự được đi học y tá và phân công lên Hà Giang, lăn lộn khắp các đồn biên giới Bạch Đích, Thanh Thủy… Sau khi hoàn tất khóa học bác sĩ đa khoa (2010-2014) tại Đại học Y Thái Nguyên theo quyết định của đi học của BCHBĐBP tỉnh Hà Giang, Định về công tác tại bệnh xá và tháng 5.2015 nhận quyết định tăng cường công tác tại BP Tây Ninh, thời hạn 3 năm.
Ở chốt biên giới Tầm Phô toàn người dân nghèo Khmer, từ bao năm nay việc khám chữa bệnh là điều... xa vời, vậy nên khi phòng khám được xây dựng với bác sĩ Định lúc nào cũng cặm cụi chăm bệnh nhân, khiến người dân khắp xã nắc nỏm khen ngợi. Tiếng lành đồn xa, cả người dân Campuchia ở phum Thlock, Trapeang (H.Memot, tỉnh Tboung Khmum) và những người đi chặt mía thuê ở cách Tầm Phô hàng chục km, khi bị bệnh cũng tìm đến chữa trị.
Vùi đầu vào công việc, thế nhưng nhìn kỹ mới thấy mắt Định lúc nào cũng buồn buồn. Phải ngồi rất lâu, mới biết hoàn cảnh hậu phương của người bác sĩ: Nhận quyết định tăng cường vào Tây Ninh, đúng lúc đang xuống Bệnh viện 108 chăm mẹ bị bệnh; vào công tác được gần 1 năm thì ngoài quê báo mẹ bị ung thư tuyến giáp; nhà có 2 anh em thì cậu em mới ly hôn, con nhỏ phải nhờ bà nội nuôi nấng; tháng 8.2016, đến lượt con trai đầu của Định là cháu Nguyễn Duy Anh (11 tuổi) mắc bệnh rối loạn tính vận động, phải điều trị bằng thuốc thần kinh trầm cảm nên thằng bé suốt ngày chỉ có ngủ, dần mất trí nhớ…
“Giữa năm rồi em đi phép về Hà Giang, anh giám đốc bệnh viện tỉnh thấy hoàn cảnh quá, gợi ý: Cậu xin ra quân, về làm bệnh viện tỉnh cho đỡ vất vả. Người giỏi như vậy, các bệnh viện đâu cũng cần” – Định kể vậy với tôi và thành thật: Gần 1 tháng trời đấu tranh tư tưởng, rút cục thẳng thắn từ chối bởi lý do rất đơn giản: “Nhà 3 đời quân ngũ, từ ông nội chống Mỹ, bố tham gia đánh quân Trung Quốc xâm lược từ 1979-1986 đến mình trong quân ngũ gần 20 năm. Bỏ là có tội với tổ tiên”.
Tết Đinh Dậu 2017 này, Định nằm trong quân số 70% ở lại đơn vị trực chiến, bám chốt biên giới Tầm Phô. Gọi điện thoại, anh hào hứng: “Em về thành phố Tây Ninh mua cành mai, ít thực phẩm làm mâm cơm mời mấy hộ nghèo đến ăn Tết. Tranh thủ ngắm phố xá, mấy tháng rồi trực trên biên, không nhìn thấy xe cộ, nhà tầng”.
Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Tuấn bật mí: Tết năm nay, BCHBĐBP tỉnh thưởng tiền Tết 1 tháng lương, Định xuống thành phố gửi cho vợ mua sắm Tết cho cả nhà ở Hà Giang và bà nội dưới Sóc Sơn (TP.Hà Nội). Lương trung úy gần 7 triệu đồng mà chia cho 3 nơi ở 3 miền đất nước.
Mấy hôm nữa là Tết, cô điều dưỡng Vi Thị Liên của Trạm y tế P.Nguyễn Trãi (TP.Hà Giang) lại khóa cửa căn nhà 20 m2 mà vợ chồng cô đã ở nhờ đại đội thông tin, BCHBĐBP tỉnh Hà Giang gần 10 năm nay, dắt bế 2 đứa trẻ Nguyễn Duy Anh (11 tuổi), Nguyễn Hà Vi (6 tuổi) từ vùng cao về Sóc Sơn ăn Tết cho bà nội đỡ bệnh.
Liên bảo: “Trước anh Định có công tác xa, cũng chỉ trong tỉnh, trong miền Bắc và dịp Tết, không trước thì sau đều về với gia đình, vợ con. Năm nay, 2 đứa nhớ bố đòi vào thăm, nhưng chúng em cho về với bà. Vào đấy quyến luyến, lại ảnh hưởng đến việc quân đội” và nói như khóc: “Làm vợ bộ đội thì lúc nào chẳng thiệt thòi. Cố lên, 1-2 năm nữa anh ấy sẽ về”.
Trung úy QNCN Nguyễn Duy Định cũng rắn rỏi: “Cả khu vực mỗi mình bác sĩ. Cứ lấn bấn chuyện gia đình, bà con - đồng đội đau ốm mấy ngày Tết thì ai chăm lo thuốc men”.
“Tổ chim nhà Huy” cạnh đồn Rạch Gốc
Đến TT.Rạch Gốc (H.Ngọc Hiển, Cà Mau) hỏi “tổ chim Huy Nụ”, ai cũng biết và chỉ ra dãy nhà cấp 4 thấp lè tè nằm ngay sau chợ Rạch Gốc. Dãy nhà này có thâm niên vài chục năm, trong diện phải phá bỏ vì xuống cấp trầm trọng nhưng vẫn đang chần chừ bởi đó là nơi tá túc nhờ vả của gia đình trẻ nhưng khó khăn vất vả như vợ chồng Huy Nụ.
Trung úy QNCN Vũ Quang Huy là cán bộ đội phòng chống ma túy và tội phạm, thuộc đồn BP Rạch Gốc (BCHBĐBP tỉnh Cà Mau). Sinh năm 1986, nhập ngũ năm 20 tuổi, đến nay Huy lăn lộn khắp các địa bàn khó khăn phức tạp của tỉnh. Đầu năm 2015, trung úy Huy kết hôn với cô giáo mầm non Đinh Thị Nụ, cũng quê tít ngoài Thái Bình và cuối năm sinh bé gái Vũ Như Ý mắt to tròn, da trắng bóc, gặp ai cũng khoanh tay cúi chào, như 1 thiên thần nhỏ.
Cưới nhau, vợ chồng Huy không có chỗ ở nên chỉ huy đồn phải nói với lãnh đạo thị trấn cho ở nhờ gian nhà công vụ 16 m2 đã xuống cấp sau chợ. Những ngày nước lên, Huy có công tác ở đâu cũng nháo nhào gọi điện cho vợ dặn dò tát nước, be bờ cho nền nhà đỡ bị bùn tràn vào. Dịp cuối năm gió chướng, mái nhà rung đùng đùng như có người rung cột, khiến 2 mẹ con phải đội mũ núp dưới gầm bàn hoặc chạy sang trụ sở công an thị trấn bên cạnh, ở nhờ vài tiếng.
Đại úy Võ Minh Đương, chính trị viên đồn BP Rạch Gốc kể: “Khó khăn nhất đơn vị nhưng không bao giờ Huy kêu ca, dồn hết sức vào nhiệm vụ quản lý địa bàn, phòng chống tội phạm. Có thời điểm đơn vị nhận được hỗ trợ, định dồn hết cho Huy nhưng cậu nằng nặc: Em còn trẻ, còn sức vượt qua khó khăn. Các anh tập trung cho các anh nhà xa, sắp về hưu giùm em” và trầm ngâm: “Càng những ngày lễ tết, những người như Huy càng vất vả vì phải công tác địa bàn xa nhà, lâu ngày”.
Tôi đến thăm “tổ chim Huy Nụ” đúng lúc Huy đang chuẩn bị quân tư trang để đi công tác lâu ngày. Lúc cô giáo Đinh Thị Nụ gập quần áo cho vào chiếc ba lô bộ đội quen thuộc, bé gái Vũ Như Ý 16 tháng tuổi hình như cũng cảm nhận được việc cha vắng nhà ngày Tết nên cứ ôm chặt lấy cổ ba, bập bẹ gọi tên khiến những người chứng kiến cũng nghẹn ngào, không nói được lên lời.
Ôm con, Huy cười: “Em ăn bữa cơm trưa nay là cuối cùng trong năm với mẹ con, kết thúc công tác là về ăn cơm mới” và ngắn gọn: “Những ngày này mới cần đến BP. Ai cũng lo việc riêng nhà mình, biên giới lãnh thổ ai lo?”. Chân lý ấy rất đơn giản và thiêng liêng, như ánh mắt – môi cười và chí khí người lính trong mỗi gương mặt biên phòng, tôi đã gặp trên biên giới Tây Nam, trước thềm Xuân Đinh Dậu 2017.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.