Ồ ạt đổ trộm rác thải công nghiệp

28/05/2019 07:00 GMT+7

Những hầm khai thác đá bỏ hoang trên địa bàn xã Hóa An (P. Bửu Hòa, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) chưa được hoàn thổ đã thành nơi đổ trộm rác thải công nghiệp.

Cuối tháng 4.2019, PV Thanh Niên hai lần tìm cách đột nhập vào mỏ đá Hóa An (xã Hóa An), khu vực “nổi tiếng” với nạn đổ trộm rác thải công nghiệp, thì bị một nhóm người tìm cách ngăn cản. Nhưng sau đó, người viết cũng đột nhập được vào đây để ghi nhận nạn đổ trộm rác.

Những bãi rác “khủng”

Từng bắt quả tang nhiều xe đổ trộm rác

Qua phản ánh của người dân về tình trạng đổ và đốt rác thải công nghiệp ở khu vực hầm đá Hóa An, ngày 26.12.2018, Phòng TN-MT phối hợp Công an
TP. Biên Hòa, Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai (đơn vị quản lý mỏ đá Hóa An và Tân Bản) và UBND xã Hóa An đi thực tế, phát hiện, bắt giữ 7 xe đến đổ rác tại khu vực này. Hầu hết lượng rác thải này đều được vận chuyển từ các doanh nghiệp ở tỉnh Bình Dương. Trước đó, khoảng 23 giờ, ngày 17.12.2018, Cảnh sát kinh tế Công an TP.Biên Hòa phối hợp Công an xã Hóa An, bắt quả tang lái xe Nguyễn Trường Giang, điều khiển xe tải BS 54U-2077, chở hàng chục tấn rác thải công nghiệp từ Bình Dương đổ trộm ra bãi đất trống tại xã Hóa An.
Mỏ đá Hóa An rộng 16,6 ha đã ngừng khai thác từ năm 2011, độ sâu khoảng 50 m tính từ miệng hầm xuống đáy, có đoạn sâu đến cả trăm mét. Do địa hình hiểm trở, nên rất ít người dám đi qua khu vực các mỏ đá này vào ban đêm. Vì thế, nơi đây trở thành địa điểm đổ trộm rác thải công nghiệp. Rác thải được đổ xuống và đốt cháy, lửa bốc nghi ngút cả ngày lẫn đêm.
Cạnh mỏ đá là khu vực nghĩa trang Hóa An (xã Hóa An) cũng có bãi tập kết rác thải rộng khoảng 100 m2. Dọc hai bên đường chất nhiều bao tải chứa toàn chai nhựa, ống nước, bao bì nhựa. Đi sâu vào bên trong nghĩa trang, có căn nhà cấp 4 diện tích khoảng 100 m2, xung quanh bao ni lông, vải vụn, cao su vụn... chất đống cao gần bằng mái nhà. Đối diện căn nhà này là miệng hầm đá, bao quanh miệng hầm được rào chắn bằng lớp dây kẽm gai và tôn cao gần 2 m. Những đoạn rào chắn bằng tôn này được gỡ ra rất dễ dàng, mỗi khi ai đó cho đổ rác xuống hầm đá.
Còn tại khu vực mỏ đá Tân Bản (P.Bửu Hòa; rộng 23,4 ha cũng được đóng cửa vào năm 2015), vừa qua khu dân cư khoảng 500 m, hầm đá đầu tiên hiện ra cũng được rào chắn bằng cột bê tông và kẽm gai, bên dưới rác thải công nghiệp (thùng nhựa, can nhựa, vải vụn, xăm lốp xe...) chất đống cao hơn 1 m, dài 20 đến 30 m, có đoạn dài 50 m, đang bốc cháy, khói bay mù mịt.
Đi tiếp vào phía trong, một bãi rác nữa khổng lồ hiện ra, tại đây có 3 lán trại dựng bằng cây tre, mái che bạt tạo thành chòi làm nơi lưu trú cho người làm ở bãi rác. Ngoài những đống rác thải thông thường đang được phân loại, xung quanh có hàng trăm đống rác thải công nghiệp đang đốt cháy, khói bay mù mịt.

Muốn đổ bao nhiêu cũng được

Trong vai người đang cần chỗ đổ rác thải công nghiệp với số lượng lớn, chúng tôi tiếp cận với anh T., người thu gom rác ở bãi rác ở nghĩa trang Hóa An. Anh T. hỏi: “Anh muốn đổ loại rác gì?”. Chúng tôi trả lời rác thải công nghiệp ở công ty chuyên về may mặc xuất khẩu nên toàn vải vụn. “Rác gì cũng làm được hết”, anh T. nói chắc nịch.
Về giá cả, anh T. cho hay, cứ mỗi xe tải loại 2,5 tấn, giá 2 triệu đồng. Còn vấn đề xử lý rác thải công nghiệp ra sao, anh T. không giấu giếm: “Em cứ nói tài xế cho xe chở vào bãi rác này đổ xuống cho anh, sau đó có xe tới ép lại thành cục và chở đi chôn cùng với rác thải thông thường”.
Rác thải công nghiệp được xe tải chở đến và tập kết tại khu vực nghĩa trang xã Hóa An
Cũng với cách đặt vấn đề trên, anh L., chủ vựa một bãi rác khu vực mỏ đá Tân Bản (P.Bửu Hòa) cũng cho biết thu bất cứ các loại rác thải công nghiệp từ cao su, bao bì nhựa... số lượng bao nhiêu cũng được, đổ thường xuyên càng tốt. “Còn giá ở đây, chúng tôi tính đầu xe. Cứ mỗi xe là 1,2 triệu đồng và thu tiền trước 10 xe. Khi nào đổ hết 10 xe thì thu tiền đợt kế tiếp, cứ đổ thoải mái bao nhiêu cũng được đếm đầu xe lấy tiền”, anh L. cho hay và hướng dẫn việc xử lý: “Em cho tài xế chạy theo con đường xuống dưới hầm đá. Sau đó đổ sát miệng hầm đá, bên anh có người xử lý xuống hầm luôn, hầm này rất rộng có đổ 10 năm cũng không đầy nổi”.
“Lỡ cơ quan chức năng phát hiện ra thì sao?”, anh L. nói chắc nịch: “Vấn đề này anh đã lo hết rồi, em chỉ đổ rác và trả tiền thôi. Xe vào đây đổ rất an toàn, không bị bắt bớ gì hết, cứ yên tâm mà làm. Tất cả rác đổ xuống đây anh đều cho châm lửa đốt hết, thời gian đốt vào ban đêm từ 20 giờ đến 5 giờ sáng. Những đống nào sáng mà vẫn còn cháy thì anh cho nhân viên bơm nước dưới sông lên tưới cho tắt lửa và khói, nhằm không để người dân xung quanh phát hiện và báo chính quyền”.

Rác thải khắp nơi đổ về Biên Hòa

Khoảng 15 giờ 30 ngày 23.4, chúng tôi phát hiện xe tải loại 2 tấn màu xanh dương mang BS 51D-350... chạy thẳng vào bãi rác. Khi tới bãi, lập tức có 2 người làm của "chủ bãi" chờ sẵn và ra hiệu cho tài xế điều khiển chạy vòng ra sát miệng hầm đá để đổ. Đến nơi, phụ xe mở nắp thùng xe và giơ tay ra hiệu cho tài xế cho đẩy rác (mút xốp và bao bì ni lông) xuống hầm đá. Tiếp đó, lúc 19 giờ cùng ngày, chiếc xe tải này tiếp tục vào đổ rác lần 2 rồi chạy ra ngoài QL1K, đi thẳng ra đường Phạm Văn Đồng về đậu sát bên cạnh Đội CSGT Bình Triệu (thuộc KP.3, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM).
Rác thải công nghiệp được đốt cháy tại mỏ đá Hóa An
Lúc 16 giờ ngày 27.4, chúng tôi lại phát hiện xe BS 54T-229... chở đầy rác thải công nghiệp vào đổ tại bãi ở mỏ đá Tân Bản. Đổ xong, tài xế phóng xe thẳng ra đường Bùi Hữu Nghĩa ra cầu hang xã Hóa An. Sau hơn 1 tiếng đồng hồ bám đuổi, chúng tôi ghi nhận chiếc xe tải chạy về một kho không số trên đường Tân Phước Khánh 23, P.Tân Phước Khánh, H.Tân Uyên (Bình Dương). Quan sát từ bên ngoài qua khe cửa, chúng tôi phát hiện phía trong có rất nhiều bao tải màu xanh lá loại lớn đang đựng toàn rác là mút xốp và túi ni lông màu trắng.

Mùi hôi bay cả khu vực

Anh N.V.H (ngụ xã Hóa An) cho biết: “Tôi về đây sinh sống đã gần 15 năm, tình trạng đổ rác xuống hầm đá Hóa An đã hơn 1 năm rồi, rầm rộ nhất là mấy tháng trước Tết Nguyên đán 2019, rác thải ở đâu cứ chở về đây đổ bằng xe tải lớn, nhỏ. Có lần xe rác nối đuôi nhau thành đoàn dài gần cả chục chiếc. Toàn bộ rác chở đến đây đều được đổ xuống miệng hầm đá. Càng về khuya lượng rác đổ về càng nhiều, ngày nào cũng vậy, rác đổ như núi”.
Theo anh H., vào đầu tháng 1.2019, vì lượng rác ở đây nhiều quá, sợ cơ quan chức năng phát hiện, người ta cho châm lửa đốt. Đống rác cháy lớn dữ dội, đỏ rực hết cả khu vực này như ngọn núi lửa sắp phun trào. “Khi đốt, mùi hôi nồng nặc tỏa ra khu vực dân cư, mùi khét lẹt cảm giác như trời sắp sập vì không còn chút không khí nào để thở. Nhà tôi cách nơi đốt khoảng 500 m, cửa luôn phải đóng chặt kín, ấy thế mà khói bụi và mùi hôi vẫn bay vào. Những người đi thăm viếng mộ ở nghĩa trang Hóa An này chẳng ai có thể đứng nổi 5 phút, vì mùi hôi rồi khói bay vào mắt cay xè chảy hết cả nước mắt nước mũi”, anh H. nói.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.