Nước sạch sông Đà nhiễm bẩn: Dầu thải đã ngấm sâu xử lý rất khó khăn

17/10/2019 08:21 GMT+7

Nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải khiến dầu không chỉ loang, khuếch tán trong nước mà còn bồi lắng vào đất, phù sa đáy khiến công tác xử lý triệt để sẽ vô cùng khó khăn, phức tạp.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam, cho rằng sự cố xảy ra đối với Nhà máy nước sạch Sông Đà bộc lộ nhiều lỗ hổng, bất cập, rất nguy hiểm trong việc kiểm soát các doanh nghiệp sản xuất nước hiện nay.
Sở dĩ khi xảy ra sự cố này, Nhà máy nước Sông Đà lúng túng trong xử lý bởi theo các quy định hiện nay, họ không thuộc đối tượng phải có kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu; cũng không phải đối tượng phải xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố hoá chất độc. Bởi điều 208, luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định tất cả doanh nghiệp có nguy cơ gây ra sự cố môi trường phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó xử lý ô nhiễm môi trường.
Nhưng các văn bản hướng dẫn sau đó thì lại chia tách ra chỉ còn 2 loại: kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu và ứng phó hoá chất độc. Nhà máy nước không có dầu, không có hoá chất độc hại thì họ không phải làm gì cả. Còn nếu hiểu theo đúng luật Môi trường thì doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch ứng phó môi trường thì chắc chắn họ sẽ hình dung ra những tình huống có thể xảy ra gây ô nhiễm nguồn nước trước cửa thu nước sản xuất, như tai nạn tàu bè dẫn tràn dầu; bục vỡ kho dầu ven sông, hoặc nguồn nước sản xuất có dầu xả thải như vừa qua để chủ động phòng ngừa.
Cụ thể, biện pháp phòng ngừa ở đây, doanh nghiệp bắt buộc phải lắp đặt hệ thống đầu dò quan trắc, kiểm soát chất lượng nước ở trước cửa thu nước đưa vào sản xuất. Nhưng việc này, doanh nghiệp không thể một mình làm được, mà phải có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước khi quy hoạch, quy định cụ thể về vị trí, khoảng cách đặt các đầu dò này để quan trắc giám sát.

Thiếu quy định quan trắc online nguồn nước sản xuất nước sinh hoạt

Ông Sơn nhấn mạnh, một lỗ hổng khác trong quy định hiện nay về kiểm soát chất thải, khí thải phát tán ra môi trường thì có quy định phải lắp đặt thiết bị quan trắc online. Giống như sự cố môi trường Formosa, hệ thống quan trắc online được lắp đặt thì cơ quan quản lý nhà nước hoàn toàn kiểm soát được chất lượng nước thải, khí thải để phát hiện ra những vấn đề bất thường.
“Nếu xả thải thì có thể một thời gian sau mới ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, nhưng nước ăn, nước uống hàng ngày thì mức độ ảnh hưởng trực tiếp luôn. Hiện nay về xả thải thì có quy định kiểm soát bằng hình thức quan trắc online nhưng đối với các doanh nghiệp sản xuất nước sinh hoạt thì hiện không có quy định kiểm soát này”, ông Sơn nói.
Để xử lý tình huống khủng hoảng như hiên nay, ông Phạm Văn Sơn cho rằng, việc đầu tiên doanh nghiệp cần làm ngay là thiết lập màng chắn chuyên dụng để ngăn váng dầu, thu hồi phần dầu bị khuếch tán đã tạo thành dạng keo hiện còn chìm nổi trong nước. Màng chắn chuyên dụng được thiết lập thành nhiều điểm dọc hai bờ dòng suối để thu hồi cả số dầu đã ngậm trong đất sẽ nhả dần ra. Đối với bùn đất đã có dầu thì phải thu gom về một chỗ, nơi không có nước mưa, phủ bạt kín để tránh dầu thoát ra môi trường và phải đưa đi xử lý làm sạch.
Đối với những đoạn sông, suối bị xả dầu thì phần bùn đất, phù sa lắng dưới đáy cũng đã ngậm, nhiễm dầu cũng phải được hút sạch toàn bộ lượng bùn, phù sa để xử lý dứt điểm, nếu không các chất độc hại, dầu ngậm trong bùn đất còn phát tán độc hại lâu dài.
Còn đối với hệ thống đường ống từ Hoà Bình về Hà Nội với hàng triệu m3 nước nhiễm styren như hiện nay thì không thể sử dụng ăn uống được. Nhưng khó khăn nhất hiện nay là doanh nghiệp sẽ không đủ khả năng để hút bỏ hàng triệu m3 nước ở các bồn, bể ở các khu dân cư, chung cư. Giải pháp bắt buộc phải hy sinh hiện nay là chấp nhận xả thải toàn bộ nước ô nhiễm ra ngoài để thau rửa, làm sạch bể chứa. Nhưng cũng phải đánh giá với mức độ nhiễm dầu trong nước hiện nay thì việc xả thải nước này có tiếp tục gây ô nhiễm môi trường hay không.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.