>> Đức Nhật

Những ngày cuối tháng 3, chúng tôi tìm về H.Chư Pưh, nơi từng được xem là thủ phủ hồ tiêu của Gia Lai. Dọc tuyến Quốc lộ 14, từ H.Chư Sê về H.Chư Pưh, bên những ngôi nhà khang trang là những đống gỗ từng làm trụ tiêu. Chúng được người dân nhổ lên để bán làm củi với mong muốn vớt vát chút đỉnh tiền đầu tư. Hàng chục ngôi nhà đóng cửa im ỉm, nhiều  lô đất cắm biển rao bán càng làm cho nơi này thêm vắng lặng, đìu hiu.

Những đống gỗ từng làm trụ tiêu được người dân nhổ lên để bán làm củi với mong muốn vớt vát chút đỉnh tiền đầu tư.

Theo sự giới thiệu của người dân, chúng tôi tìm về nhà ông Nguyễn Văn Khôi (50 tuổi, xã Ia Le, H.Chư Pưh). Từng là đại gia hồ tiêu với tiền tỉ trong tay, thế nhưng hiện tại ông lại trở thành người vay nợ nhiều nhất xã. Chỉ tay vào căn nhà 2 tầng khang trang của gia đình, ông Khôi chua chát nói “ Nhìn vậy thôi chứ nhà này là của ngân hàng cả rồi”. Vừa rót nước mời khách, ông Khôi vừa kể về những ngày tháng hoàng kim, thời mà hồ tiêu được đem ví với vàng.

Ông Khôi kể, trước đây người dân địa phương từng ví hồ tiêu với vàng vì lợi nhuận quá lớn từ nó. Giai đoạn 2010 - 2015, giá tiêu cao chót vót, dao động từ 150.000 - 250.000 đồng/kg. Hàng ngàn hộ dân đổi đời nhờ tiêu. Nhà cao tầng, biệt thự mọc lên nhan nhản. Quán karaoke, quán nhậu, nhà hàng như nấm mọc sau mưa. Xe máy xịn, ô tô sang cũng theo nhau kéo về thủ phủ vàng đen.

Thấy nguồn lợi trước mắt, người người đổ xô trồng tiêu, nhà nhà bàn chuyện trồng tiêu. Lúc bấy giờ cơn sốt đất cũng quét qua huyện nghèo này như một cơn lốc. Giá đất rẫy nơi đây được đẩy lên đến đỉnh điểm, có thời điểm 1 ha đất rẫy được bán với giá 500 triệu đồng mà vẫn có người mua.

Người từ khắp nơi nườm nượp đổ về đây mua đất đầu tư trồng tiêu. Kéo theo đó, hàng ngàn người lao động phổ thông đổ về tìm việc làm. Các công ty phân bón liên tục cử nhân viên về tìm kiếm thị trường, xây dựng chi nhánh.

“Năm 1996, gia đình tôi bắt đầu xuống giống với 300 trụ tiêu. Mỗi năm bán tiêu được lời bao nhiêu lại đi mua đất rồi xuống giống tiêu ở đó. Đến năm 2014 nhà tôi trồng được hơn 10.000 trụ tiêu. Liên tiếp trong 2 năm 2014 và 2015, giá tiêu cao ngất ngưởng nên gia đình tôi thu về hơn 2 tỉ đồng.”, ông Khôi nhớ lại những ngày rực rỡ.

Có thời điểm nhà ông mướn hẳn 15 - 20 người về hái tiêu suốt 3 tháng. Vườn tiêu hơn 10.000 trụ của gia đình ông chẳng khác gì mỏ vàng. Phòng NN-PTNN, các cơ quan ban ngành đến vườn ông Khôi để tham quan. Đài truyền hình đến quay phim về mô hình sản xuất kinh doanh giỏi. Ông Khôi được nhận bằng khen nông dân sản xuất giỏi toàn quốc…

Bỗng chốc thành đại gia, có 2 tỉ đồng trong tay, ông Khôi vay ngân hàng thêm 2 tỉ đồng để xây nhà cũng như đầu tư tiếp vào tiêu. Căn nhà ông Khôi vừa xây xong thì đúng thời điểm tiêu… chết.

Năm 2016, tiêu chết trên diện rộng. Mỏ vàng của gia đình ông Khôi biến thành “nghĩa địa hồ tiêu”. Những căn bệnh “tiêu chết nhanh, tiêu chết chậm” ám ảnh cả xã Ia Le, cả H.Chư Pưh chứ chẳng phải riêng gia đình ông. Chỉ trong vòng chưa đến 1 tuần, những vườn tiêu tiền tỉ bỗng chốc rụng lá, héo rũ. Ông Khôi, hàng xóm rồi cả huyện ngồi trên đống nợ.

Vườn tiêu 10.000 trụ của gia đình ông chết sạch 7.000 trụ. Số còn laị cũng ngắc ngoải chờ chết. Thế rồi giá hồ tiêu tụt dốc không phanh, từ 250.000/kg xuống còn 43.000 đồng/kg.

“Gần 1.000 trụ tiêu còn lại của gia đình tôi năm nay cho thu hơn 7 tạ. Trừ chi phí, công cán tôi còn hơn 4 tạ. Nhân với giá hiện tại, gia đình tôi chỉ thu về hơn… 17 triệu. Trong khi đó từ số nợ gần 2 tỉ, mỗi năm gia đình tôi gánh hơn 180 triệu tiền lãi ngân hàng. Cứ mỗi sáng nhà tôi ngủ dậy là thấy mất 500.000 đồng tiền lãi. Bây giờ chẳng biết kiếm đâu ra tiền trả lãi chứ chưa nói đến nợ gốc”, ông Khôi lật mấy ngón tay lẩm nhẩm tính và nói.

Khi chúng tôi hỏi ông sẽ làm gì tiếp theo với vườn tiêu chết khô, ông Khôi chỉ thở dài thay cho câu trả lời.

Giống như ông Khôi, ông Phạm Hồng Sơn (71 tuổi, trú thôn Thiên An, xã Ia Blứ, H.Chư Pưh) cũng từng là một đại gia trong cơn sốt hồ tiêu. Thời điểm giá tiêu cao nhất gia đình ông thu về bạc tỉ. Rồi cơn “đại dịch” kéo về, vườn tiêu hơn 6.000 trụ của ông không còn 1 trụ sống sót. Thấy vườn tiêu bỗng dưng bị xóa sổ, ông Sơn dốc hết vốn liếng, vay mượn thêm 1,5 tỉ đồng, quyết tâm dựng lại vườn tiêu hơn 5.000 trụ. Thế nhưng cây tiêu lại lần nữa rủ nhau đổ xuống.

Dẫn chúng tôi đi thăm “nghĩa địa tiêu” của gia đình mình, ông Sơn gỡ từng nhánh tiêu khô buồn rầu: “Tiêu chết lần hai, nhà tôi ôm nợ 1,5 tỉ. Cứ 3 tháng đóng 1 lần 40 triệu đồng tiền lãi. Giờ tôi cũng già rồi chẳng biết làm gì để trả cho hết nợ”.

Dẫn chúng tôi đi thăm “nghĩa địa tiêu” của gia đình mình, ông Sơn gỡ từng nhánh tiêu khô buồn rầu.

“Ở cái xã này, ai chưa có sổ đỏ, không cầm cố đất, nhà được là không nợ. Còn lại 90% dân số đang là con nợ của ngân hàng. Người ít thì 200 triệu đồng, nhiều thì cỡ 2 tỉ đồng. Bây giờ thanh niên nhanh nhẹn còn sức lao động thì đi Sài Gòn, Hà Nội làm công nhân. Người già, trẻ con không làm được việc gì mới bám trụ lại đây mà sống thôi”, ông Sơn nói.

Người dân đóng cửa bỏ đi làm ăn xa kiếm tiền trả lãi ngân hàng.

Câu chuyện nhà nhà nợ nần, người người bỏ xứ đi làm ăn xa vì tiêu trở thành câu chuyện thời sự ở khắp các thôn, làng của thủ phủ hồ tiêu. Người trồng tiêu lan truyền câu nói "dễ vay thì dày nợ" để chỉ hệ lụy của cơn sốt hồ tiêu mang lại.

Những tỉ phú hồ tiêu của thời hoàng kim nay lại thành những con nợ. Hầu hết tài sản đều bị mang đi cầm cố, thậm chí không còn khả năng trả lãi. Nhiều người dân bỗng chốc thành con nợ, đóng cửa nhà rồi đi biệt tăm, tìm việc làm để kiếm tiền sinh nhai, trả lãi ngân hàng.

Ông Dương Quỳnh (50 tuổi, trú thôn Thiên An, xã Ia Blứ) cho biết trước đây thấy hồ tiêu cho lợi nhuận cao, gia đình ông cũng gom góp tiền bạc rồi vay mượn ngân hàng 200 triệu để đầu tư vào 2 ha tiêu.

Ông Quỳnh lặn lội vào tận Sài Gòn làm bảo vệ với ước mong kiếm tiền trả lãi ngân hàng

Năm 2017, tiêu chết đúng ngày thu hoạch, chết sạch sẽ, không rõ nguyên nhân. Bỗng dưng ôm nợ, ông Quỳnh lặn lội vào tận Sài Gòn làm bảo vệ với ước mong kiếm tiền trả lãi ngân hàng.

“Tưởng vô đó kiếm được thêm đồng vô đồng ra, trả lãi rồi nuôi vợ nuôi con, ai ngờ… Tui làm mỗi tháng chỉ được 4,5 triệu đồng, trả tiền trọ hơn 1 triệu thì làm ăn gì nữa. Trong khi đó mỗi tháng nhà tôi phải đóng lãi hơn 4 triệu rồi. Làm hơn 1 năm thì tôi quay về nhà cùng với vợ con bàn chuyện làm ăn trả nợ. Chứ đi xa nhà cực lắm các chú ơi”, ông Quỳnh.

Theo thông tin của Phòng NN-PTNT H.Chư Pưh, trước đây, diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện lên đến hơn 3.000 ha. Tuy nhiên theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên địa bàn huyện chỉ còn hơn 1.000 ha hồ tiêu.

Cũng theo cơ quan này, nguyên nhân chủ yếu khiến tiêu chết hàng loạt là do mưa kéo dài gây thối rễ.  Một phần nguyên nhân khác là do cây tiêu già cỗi và bị sâu bệnh. Căn bệnh thường thấy nhất trên tiêu là chết nhanh, chết chậm, tuyến trùng hại rễ.

***

Sau cơn đại dịch hàng trăm người dân treo biển bán nhà, đất.

Các tỉ phú tiêu một thời ở nhà lầu, đi xe hơi nay tha hương cầu thực nơi đất khách để tìm việc làm. Nhiều người vẫn cố gắng bám trụ, tiếp tục chung sống với hồ tiêu nhưng một lần nữa, giá tiêu sụt giảm chạm đáy khiến đời sống của người dân lao vào bế tắc, nợ ngập trong nợ. Khắp thủ phủ vàng đen giờ đây là những trụ tiêu khô héo, xác xơ, những căn nhà, mảnh đất rao bán...

Đồ họa: Lâm Nhựt

Báo Thanh Niên
03.04.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.