Nước mắt làng Vân

07/05/2012 11:24 GMT+7

Chỉ còn ít lâu nữa, làng của hàng trăm người bệnh phong dưới chân đèo Hải Vân (Làng Vân, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) sẽ lạc vào ký ức.

Chỉ còn ít lâu nữa, làng của hàng trăm người bệnh phong dưới chân đèo Hải Vân (Làng Vân, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) sẽ lạc vào ký ức.

>> Đi tìm sự sống

 Cả cuộc đời gắn với làng Vân nên khi nghe tin giải tỏa các cụ già ngậm ngùi khi phải rời xa làng - Thế giới người phong
Cả cuộc đời gắn với làng Vân nên khi nghe tin giải tỏa các cụ già ngậm ngùi khi phải rời xa làng
- Ảnh: Hữu Khá

Ngôi làng cưu mang hàng trăm người bệnh phong khắp nơi ở các tỉnh miền Trung chạy về trong chiến tranh sẽ xóa sổ cho dự án du lịch tỉ đô. Họ sẽ tự nguyện ra đi. Tuổi già, những phận người mong manh trước gió, họ lặng mình khóc khi ngày hòa nhập rất gần vẫn còn sự kỳ thị của cộng đồng.

44 năm và 1 ngày

 

Thay đổi điểm tái định cư của dân làng Vân

Mới đây, UBND TP Đà Nẵng đã thống nhất thay đổi địa điểm xây khu tái định cư cho 124 hộ dân làng Vân (hầu hết là bệnh nhân phong sống dưới chân núi Hải Vân).

Nguyên nhân việc thay đổi khu tái định cư dù đã được xây dựng trước đó tại tổ 14, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu là do khi xây dựng sắp hoàn thành đã bị người dân sống quanh khu vực phản ứng vì cho rằng người làng Vân vào sống ở đó sẽ làm xáo trộn cuộc sống của họ. 116 căn hộ được xây dựng trước đây sẽ bố trí cho những hộ phụ nữ nghèo, neo đơn, hộ chính sách.

Riêng khu tái định cư mới cho người dân làng Vân sẽ được xây dựng trên diện tích 3ha tại phường Hòa Hiệp Bắc. Nghe tin này, nhiều người rơi nước mắt khi biết rằng xã hội vẫn còn kỳ thị dù họ đã khỏi bệnh.

Ngày đầu năm, ngôi làng nằm biệt lập bên chân sóng ít người ra vào vì biển động. Hôm trước tết sóng lớn đã đánh sập cổng làng. Vì sắp đi nên người ta chẳng màng đắp lại nền đất, sửa lại cổng chào. Không gian lặng câm. Lâu lâu có tiếng chó sủa vọng ra từ các ngôi nhà tận chân núi khi có đoàn người đến đo đạc kiểm định đền bù. Dãy nhà dành cho bệnh nhân phong giờ chỉ còn vài người ở.

Bà Than, một bệnh nhân phong, buồn bã: “Hồi xưa đông vui lắm, giờ chỉ còn có mấy chục người thôi, ở rải rác khắp làng. Năm rồi mấy ông bà đi (chết) nhiều quá. Bạn bè chúng tôi nay cũng đã già rồi, chả còn sống bao lâu nữa”.

Bà Than về làng Vân này sinh sống từ năm 1968, khi một người Mỹ đã ra đây lập trại để nuôi dưỡng người bị bệnh phong. Chiến tranh kết thúc, nhiều bệnh nhân phong nên duyên vợ chồng. Dân của làng ngày thêm đông vì họ có thêm con hay những cuộc đoàn tụ đẫm nước mắt của con bệnh nhân phong từ đất liền. Làng Vân là vùng đất biệt lập cho đến tận năm 1998 mới được công nhận là một đơn vị hành chính thuộc thành phố Đà Nẵng. Hơn mười năm nay, người làng phong đã hết bệnh.

Ông Bồng, một bệnh nhân phong, ngậm ngùi: “Nếu như tính ngày lập làng thì nay đã 44 năm. Mảnh đất, bờ biển này đã hồi sinh cuộc đời tôi và bao người bạn bị bệnh phong tứ xứ. Chúng tôi ở đây nghèo nhưng biết ơn đất, đất này cưu mang tôi trong ngày tháng bệnh tật, đau đớn nhất. Chúng tôi đi rồi, đi thấy nhớ thương mùi đất và gió biển mặn nơi này nhưng phải đi để nhường đất cho Nhà nước”.

Chuyến ra làng phong lần này tôi gặp Thịnh. Thịnh vừa về quê ăn tết sau tám năm xa xứ. Thịnh nói về cho kịp chứ mai ni dời làng không biết mẹ ở mô. Bà Tám (mẹ Thịnh) nói mấy lần thư đi mới nhận được hồi âm của con. Hôm nhận được thư của Thịnh, mắt bà đã mờ không nhìn rõ mặt chữ phải nhờ đứa cháu hàng xóm đọc cho nghe. Khi biết tin tết này Thịnh về mà mừng rơi nước mắt. “Biết con về nhưng không rõ lúc nào, vậy là cứ chiều chiều tui ra bờ biển chờ con. Chừ thì nó về thiệt rồi”.

Thịnh kể mẹ anh là bệnh nhân phong người Quảng Nam. Chiến tranh ly tán, không còn người thân thích, khi biết mình bị bệnh bà mò xuống làng này chữa bệnh. Khi xuống đây, bà thương một nam bệnh nhân phong và có với nhau một đứa con. Người cha bị bệnh phong cũng qua đời cách đây mười mấy năm.

“Cứ tết đến sống nơi xa xứ để mẹ ở nhà côi cút tủi lắm. Đêm ba mươi nào tui cũng khóc vì không đủ tiền về nhà. Ngày đi tui hứa với mẹ sẽ cố gắng làm tích cóp để ngày trở về dựng căn nhà cho hai mẹ con. Nhưng đời làm công nhân càng lúc càng khó, lương chỉ đủ sống. Cuối năm có tiết kiệm được ít tiền mà không dám về, sợ quay vòng sẽ mất hết”.

Thịnh nói sẽ ở lại đây để đưa mẹ vào khu tái định cư, nhưng từ hôm nghe người dân trong phố phản ứng vì dân làng phong vào ở, buồn không đêm nào ngủ được.

 Nhóm tình nguyện gồm những kiến trúc sư ở khắp mọi miền đất nước về tặng quà cho các bệnh nhân làng Vân - Thế giới người phong
Nhóm tình nguyện gồm những kiến trúc sư ở khắp mọi miền đất nước về tặng quà cho các
bệnh nhân làng Vân - Ảnh: Hữu Khá

“Nghe chúng tôi nói một lần”

Đến làng phong vào những ngày đầu năm chỉ nghe xôn xao câu chuyện dời làng về phố. Một nửa những ngôi nhà ở đây đều của đóng then cài vì các hộ dân khỏe mạnh, có con cái đang đi học ở ngoài ốc đảo, lâu nay phải “một cảnh hai quê” đã dần dà chuyển ra ngoài sống.

Đi tới đâu chúng tôi cũng nhận được câu hỏi của bà con:“Các chú có biết khi nào chúng tôi đi không?”. Những người dân ở đây vẫn chưa có thông tin nào về mức áp giá đền bù, cũng như chưa biết khi nào chuyển đi nhưng họ rất háo hức và có sẵn trong đầu những suy tính cho tương lai. Chị Lương Thị Sáu cho hay:“ Vừa rồi tôi theo đoàn đi ra xem nhà ngoài đó. Thích lắm. Vậy là con gái tui có thể chuyển ra đây ở chung rồi”.

Chị Sáu quê Đại Lộc, Quảng Nam có con gái học lớp 8 đang ở quê với ngoại. Chị tính nếu chuyển ra khu tái định cư ở thì sẽ đón con gái ra ở cùng.

Cùng tâm trạng ấy, cụ bà Ngô Thị Yên tâm sự: “Ban đêm tôi nhìn ra thành phố thấy đèn điện sáng choang mà khao khát. Già rồi, ra ngoài đó đau ốm cũng đỡ lo chớ ở đây đêm hôm mà gặp biển động thì biết kêu cứu ai”.

Bà Yên ra làng Vân từ năm 1970. Khi ấy bà mới 30 tuổi thì phát bệnh. Bà trốn đi biệt tích, không người thân. Khi được hỏi về việc người dân ở khu tái định cư vẫn còn kỳ thị và phản ứng quyết liệt vì họ không muốn sống chung với những người từng bị bệnh phong, anh Bùi Thanh Trà (người làng Vân, chưa từng mắc bệnh) tâm sự: “Chúng tôi đã nhường phần đất sống bao lâu nay, có mộ cha tôi ở đây vì hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền thành phố thì cũng mong bà con hãy chấp nhận chung sống với chúng tôi”.

“Đi hay ở gì thì cũng buồn hết. Ở đây đã trở thành “thiên đường” của chúng tôi rồi. Bao năm khốn khó, bệnh tật cũng ở đây. Giờ đi đã buồn, mà lại bị miệt thị càng buồn hơn”- cụ bà Nguyễn Thị Thi (81 tuổi) sụt sùi. Việc vấp phải sự phản ứng của người dân khu tái định cư đã phần nào khơi gợi lại quá khứ đau buồn của người dân làng phong.

Mang trong mình tâm trạng buồn tủi, bà Nguyễn Thị Hai nói như cầu khẩn: “Chúng tôi đã khỏi bệnh từ hơn 10 năm, sống ở đây quá lâu, thèm được trở lại với thế giới bên ngoài để nghe tiếng xe, nhìn thấy phố, mong mọi người đừng xa lánh chúng tôi”.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, trưởng thôn Hòa Vân, đau đáu: “Tôi chỉ mong mọi người hãy một lần tới đây xem bà con trong thôn sống để hiểu nỗi khổ của chúng tôi. Đền bù thì chưa biết thế nào, tiền chưa cầm nhưng bà con vẫn chấp hành không đòi hỏi. Vậy nên mong bà con ở ngoài hãy cho chúng tôi thoát khỏi cái tiếng “dân làng phong”.

 Theo Tuổi Trẻ

>> Người làng phong về phố thị
>> Cô giáo làng phong
>> Cô gái "nối mạng" làng phong
>> Cô giáo của những ngôi trường đặc biệt
>> Đến với làng phong Hòa Vân
>> Đến với người dân miền núi Nam Đông và làng phong Hòa Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.