'Nữ sinh giao gà bị sát hại', vì sao vợ kẻ chủ mưu bị khởi tố?

Phan Thương
Phan Thương
23/03/2019 16:16 GMT+7

Trong vụ "nữ sinh giao gà bị sát hại" hồi Tết Nguyên đán 2019, dù là vợ bị can chủ mưu, thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự tội không tố giác tội phạm, nhưng người này vẫn bị khởi tố, vì sao?

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Điện Biên vừa khởi tố, bắt giam thêm 3 bị can liên quan đến vụ nữ sinh giao gà bị sát hại tại Điện Biên hôm 30 tết Nguyên đán vừa qua, nâng tổng số người bị bắt giữ liên quan đến vụ này lên 8 người.
Ba bị can vừa bị bắt gồm: Phạm Văn Dũng (47 tuổi, anh trai bị can Phạm Văn Nhiệm), Bùi Kim Thu (44 tuổi, vợ bị can chủ mưu Bùi Văn Công) và Cầm Văn Chương (45 tuổi), cùng trú tại xã Thanh Nưa, H.Điện Biên (Điện Biên). Trong đó, Dũng và Chương bị bắt và khởi tố về tội hiếp dâm; Thu bị bắt về tội không tố giác tội phạm.
Khi nhóm của Bùi Văn Công đưa nữ sinh về nhà, và sau đó hiếp dâm, sát hại, Bùi Kim Thu biết hành vi phạm tội của chồng, nhưng không tố giác, còn tung nhiều thông tin giả khiến công tác điều tra gặp nhiều khó khăn.

Người thân thích phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, không tố giác vẫn bị truy cứu hình sự

Về trường hợp cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam Bùi Kim Thu (vợ của bị can chủ mưu Bùi Văn Công) về tội “không tố giác tội phạm”, luật sư Trần Mạnh Hùng (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết Điều 390 Bộ luật hình sự 2015 quy định: “Người nào biết rõ một trong các tội phạm được quy định tại Điều 389 (trong đó có tội hiếp dâm, cướp tài sản - PV) đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác…, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm tù về tội không tố giác tội phạm".
Tuy nhiên, luật sư Hùng cũng nêu, khoản 2 Điều 19 Bộ luật hình sự 2015 cũng quy định người không tố giác tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm về tội không tố giác tội phạm, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 Bộ luật hình sự 2015.
“Như vậy, không phải tất cả mọi trường hợp đều được loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người thân thích của người phạm tội. Pháp luật vẫn buộc cha, mẹ, ông bà, vợ… của người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia, hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác do luật định”, luật sư Hùng nhấn mạnh.
Luật sư Hoàng Hải Hà (Đoàn Luật sư TP.HCM) nêu theo Điều 9 phân loại tội phạm của Bộ luật hình sự năm 2015, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn, mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy, là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
“Vì vậy, nếu Bùi Văn Công (chồng của Thu) là bị can chủ mưu trong vụ án nữ sinh giao gà bị sát hại, bị xử lý hình sự ở khung hình phạt trên, thì dù Thu là vợ của Công, vẫn bị xử lý hình sự về tội không tố giác tội phạm”, luật sư Hoàng Hải Hà phân tích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.