Nóng trên mạng xã hội: Những tiếng kêu cứu trong trường và ngoài ruộng

Tạ Ban
Tạ Ban
21/03/2018 10:45 GMT+7

Hình ảnh mảng vữa trần lớn bất ngờ rơi xuống ngay trong giờ học lớp 12A12 Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội), khiến một vài học sinh (HS) trong lớp phải đi cấp cứu, làm cộng đồng mạng nổi sóng (ảnh 1).

Tâm thư kêu cứu khẩn thiết của Đào Đức Hiếu tiết lộ HS cảm thấy không được an toàn và vô cùng hoảng sợ sau giây phút kinh hoàng. Đặc biệt, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra sự việc đáng tiếc như trên.
Facebooker cho rằng nhà trường và cơ quan chức năng phải nhanh chóng vào cuộc, đảm bảo an toàn cho HS và để phụ huynh yên tâm. Nhiều cựu HS trường này xác nhận trường đã “tã”: “Học cách đây 10 năm đã long một số thứ ra rồi. Xây lại cho các em trường mới đẹp đi”.
Dân mạng tranh thủ kể chuyện trường xưa cũng cho mình trải nghiệm đứng tim như thế. “Hồi cấp 2, lớp mình bị vữa trần rơi đúng chỗ ngồi, may mà ra chơi không đứa nào ở lại”; “Ôi, vữa trường mình đang học rơi xuống dưới làm trần nhà khuyết thành mảng hình con chó cơ”, Facebooker tố khổ.
Một số người đặt câu hỏi: không hiểu tiền xây dựng trường đi đâu rồi mà để HS học lớp cũ nguy hiểm như vậy?
Thương lắm, cải ơi!
Sau thông tin hàng trăm hộ nông dân tại H.Mê Linh (Hà Nội) ngậm ngùi nhổ vứt đi hơn 2.500 tấn củ cải do không thể tiêu thụ, nhiều siêu thị tại thủ đô đã vào cuộc hỗ trợ thì giờ đây, Facebooker cũng lên tiếng cứu cải.
Đây không phải lần đầu dân mình giải cứu nông sản nên có nhiều dân mạng thắc mắc: “Tại sao dân ta cứ mãi bị động như thế? Khi giá cao, đua nhau trồng, lúc giá hạ, tự đắng cay”.
Facebooker đưa ra nhiều ý kiến bàn luận vấn đề nhưng chưa ngã ngũ cũng như bài toán cho nông sản Việt chưa có lời giải tối ưu.
Một số người thẳng thắn nói cứ cứu hoài thành nhàm. Tuy nhiên, thấy dân mình “Nhổ cải lên/Nhổ mãi mà không bán được” thì họ lại không thể không mềm lòng trước tấm ảnh chụp đống cải đang chờ khách mua và chú thích: “Anh chị em gặp thì ủng hộ nông dân nhé. 25k/túi 5kg” (ảnh 2).
Facebooker bảo nhau mua về phơi khô để ăn dần. Nhưng không ít người chần chừ bởi giá cải tại vườn thấp hơn nhiều so với giá bán nói trên và nghi ngờ đây là dân buôn tới ép giá nông dân rồi hét giá lên cao lấy tiếng ủng hộ. Người khác phản pháo: “Suy nghĩ tích cực lên. Tính thì cũng phải dư ra cho người ta phí vận chuyển chứ!”.
Ý kiến bình tĩnh hơn phân tích: “Bán bao nhiêu không quan trọng, quan trọng là những người bán này nhập của nông dân giá bao nhiêu, hay cũng lại đến mua tại vườn, trả giá các kiểu rồi mang ra biển mác bán giúp nông dân để làm lợi cho mình mới là quan trọng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.